Con tôi vào lớp 1

Tối hôm đó, trong bữa tối, tôi hỏi con trai: “Hôm nay cô giáo dạy con gì?” Thằng bé ngẫm nghĩ một hồi rồi đáp: “Con cũng chẳng nhớ nữa.” Thế là cả nhà cùng cười.

Tin nhắn giữa phụ huynh và cô giáo trong giờ học.

Ngày đầu tiên vào lớp Một của đứa bé sáu tuổi trong  đại dịch COVID-19 năm nay hóa ra không quá căng thẳng. Cả thế giới đang trong những đợt thử nghiệm khổng lồ vô tiền khoáng hậu, từ các mô hình chống dịch, đến vaccine, đến những xoay chuyển thích ứng với tình thế mới của mỗi doanh nghiệp, mỗi cá nhân. Thằng bé không nhất thiết phải được đặt ở ngoài vòng xoáy đó.

Tôi nghĩ nó nên biết để thích nghi. Nó đã từng cáu ngậu lên vì mẹ thi thoảng lại cố tình lặp lại “Chúng ta đang ở trong thời kỳ rất khó khăn. Con có gì dùng nấy, có gì ăn nấy, không nên đòi hỏi.” Nó khóc òa lên: “Con biết rồi. Mẹ đã nói điều đó một ngàn lần rồi!!!”

Biết kiềm chế ham muốn và kiềm chế đòi hỏi là kỹ năng quan trọng.

Vợ chồng tôi dành hẳn buổi chiều cuối tuần để chuẩn bị máy móc để kết nối với cô giáo, bạn học. Tôi xác định là con cần ngồi gần nơi có ánh sáng mặt trời và màn hình không nhỏ quá để tránh hại mắt và gù lưng. Cái máy tính xách tay cũ rồi cũng được nối vào màn hình TV cũng cũ. Thằng bé háo hức khi được hướng dẫn cách điều khiển con chuột, đóng mở file, rồi được tạo email cá nhân riêng để nhận thông tin của trường.

Thằng bé lăng xăng đi lại, có vẻ phấn khởi khi nghe mẹ nói ngày mai con sẽ vào lớp 1. “Là con sẽ gặp cô và các bạn à?” – nó tròn xoe mắt hỏi. “Đúng. Nhưng các bạn thân của con không học cùng, và vì dịch bệnh, con sẽ học ở nhà. Con học, ba mẹ làm việc. Chúng ta ai cũng có công việc của mình, và hãy cố gắng làm tốt nhất,” tôi trò chuyện với giọng điệu nghiêm túc. Nó có vẻ hiểu chuyện.

Cách đó năm ngày, tôi kịp chạy ra siêu thị gần nhà mua ít vở viết, keo dán, vài cây bút chì và một ít giấy in. Siêu thị chỉ có rất ít lựa chọn cho học tập. Vận chuyển khó khăn, đứt gãy nguồn cung và phân phối, hàng hóa phục vụ học tập cũng không phải ưu tiên trong dịch.

Buổi sáng hôm sau, trời trong xanh, nắng vàng. Nhưng Sài Gòn yên lặng lắm. Thời điểm con tôi lần đầu gặp cô giáo và gần 20 bạn học, Sài Gòn bắt đầu bước vào đợt giãn cách nghiêm ngặt nhất để chống dịch. Thằng bé dậy ngay khi mẹ gọi, thay quần áo, vệ sinh cá nhân, ăn sáng. Bộ quần áo bảnh bao nhất đã hơi chật rồi. Nhưng đó là lựa chọn tốt nhất hiện tại, giúp con phân định thời gian học, hết giờ học trong ngày. Nó ngồi lọt thỏm trong cái ghế làm việc của ba, do ba mẹ không thể mua được ghế ngồi học vì hạn chế ra ngoài. Mẹ truy cập vào link Zoom, mỗi tiết học 40 phút, đúng thời gian mà ứng dụng này cho các tài khoản trường học dùng miễn phí.

Giao tiếp qua màn hình có nhiều hạn chế. Cô nói mãi mới trò mới nghe tiếng và làm theo. Trò giơ tay mãi cô cũng chưa nhìn thấy. Thằng bé ngồi nhìn vào màn hình, tham gia trò chơi, bấm vào ký hiệu giơ tay khi muốn phát biểu, bấm vào cả ký hiệu vỗ tay. Nó tò mò di chuột khắp nơi để khám phá. Cô yêu cầu các trò để chế độ “im lặng” khi chưa được gọi đến tên. Nhưng không dễ kiềm chế cơn phấn khích của trẻ nhỏ, nhất là khi chúng biết câu trả lời. Chúng sẽ lên tiếng bằng cách bấm “unmute”.

Thằng bé ngồi một lúc thì chán, nó chờ mãi không đến lượt phát biểu. Nó bước xuống ghế, đi lại quanh phòng, tìm cuốn sách rồi quay lại ghế ngồi đọc. Nhưng nó vẫn theo dõi diễn biến trong lớp học.

Cô giáo đặt câu hỏi đến lượt, nó vẫn trả lời, tham gia trò chơi tương tác. Cô giáo đã phải rất kiên nhẫn để có thể điều phối những trò chơi chỉ qua màn hình với mỗi một học trò với các kiểu tư thế, thái độ. Có đứa tỏ ra chăm chú, có đứa đang nằm bò ra giường, có đứa đang nhìn ngó quanh phòng, có đứa biến mất khỏi camera!

Những lời nhắc nhở, khen ngợi, động viên trong buổi đầu tiên giúp dần xây dựng cảm giác về cộng đồng, tình bạn, những thách thức phải vượt qua, sự vui vẻ nhảm nhí của lứa tuổi. Ba tiết học buổi đầu diễn ra trong sự hồi hộp của cha mẹ. Nhưng hóa ra thằng bé ngồi yên trên ghế, chỉ chạy ra khỏi chỗ ba lần: ăn bánh, uống nước trà, và báo với ba là máy tính chỉ còn 7% pin. Thế là thành công rồi!

Tôi nghĩ việc con tôi ngồi học đến từ một số nguyên nhân:

1 – Cha mẹ nói rõ với con về việc học hành, về những khó khăn, thách thức, và đưa con mình trở thành “đồng đội” để cùng vượt qua. Bước chuẩn bị tinh thần này rất quan trọng.

2 –  Làm gương, khích lệ và thử nghiệm. Sau một thời gian nghỉ hè và nghỉ dịch quá lâu, con tôi đã nối lại việc học nhạc qua Google Meet với cô giáo. Việc con tôi sẵn sàng vì nó nhìn thấy cha mẹ đều học nhạc, học thể dục với người hướng dẫn qua Zoom hay Google Meet, và con hiểu cách học đó là bình thường. Học trực tuyến sẽ là tương lai của thế giới. Kiến thức sẽ đến từ bất kỳ đâu, với bất kỳ ai, theo bất kỳ hình thức nào, chứ không chỉ có ở đằng sau cổng trường.

3 – Suy nghĩ của cha mẹ. Dịch bệnh sẽ còn lâu dài, cách học online sẽ là cách học mới mà con cái sẽ phải làm quen, thích nghi, và phải làm tốt. Sau dịch, hình thái sinh hoạt lai sẽ xuất hiện trong đời sống con người, như một sự tiến hóa không thể đảo ngược. Con sẽ có vài ngày đến trường và vài ngày học tại nhà, cũng giống như cha mẹ đến nơi làm việc một vài ngày trong tuần.

Chúng ta sẽ không trở lại thói quen sinh hoạt như trước đây nữa khi COVID-19 đã thay đổi tất cả.

Mỗi một gia đình, với mỗi hoàn cảnh khác nhau, sẽ có những lựa chọn phù hợp với mình. Không có lựa chọn đúng hay sai, chỉ có lựa chọn phù hợp với hoàn cảnh gia đình hay không.

Tối trước ngày vào lớp Một, con tôi đã sung sướng nói với tôi rằng “Tối nay là một tối tuyệt vời nhất, vì con có bài tập về nhà!” Đó chỉ là mấy tờ giấy đồ chữ tôi in và đưa cho con, nhưng có lẽ vì là lần đầu tiên con biết đến “bài tập về nhà”.

Đứa trẻ mà tôi  đưa đến  trường đầy háo hức như thế. Tôi không hề có ý định trao hết con mình cho nhà trường và thầy cô. Tôi sẽ tham gia ít nhất 50% quá trình dạy chữ và dạy người đó.

Loài người vẫn luôn tiến hóa để thích nghi. Với thế hệ con tôi, chúng sẽ rất khác trong một thế giới hoàn toàn khác.

Bài viết đăng trên tạp chí Tuổi Trẻ Cuối Tuần, ngày 28.8.2021

Comments