Phòng khách của gia đình nhà thiết kế Thủy Nguyễn (Nguyễn Thu Thủy) ở khu Thảo Điền (quận 2, TP.HCM) treo ba bức tranh khổ lớn, cùng một chủ đề do cô vẽ: những đám mây. Thủy đã vẽ hơn 100 bức về mây, ở đủ mọi trạng thái, lơ đãng, hòa tan, hội tụ… Thủy tin là mây bay trên trời không mục đích, nên mây thấy vui và không thấy mệt. Từ lâu, Thủy hay nghĩ mình như những đám mây.
Những kết nối và liên tưởng của Thủy với mây phần nào lý giải quá trình làm nghệ thuật miệt mài của cô, đặc biệt là 10 năm trở lại đây, khi Thủy được biết đến nhiều nhất với vai trò là nghệ sĩ thị giác thiết kế thời trang. Những thiết kế nổi bật nhất trong chương đầu tiên của sự nghiệp thiết kế thời trang của Thủy đã được giám tuyển và trưng bày trong triển lãm Mộng bình thường đang diễn ra tại The Factory (đến 6.2.2021).
Sáu năm qua, Thủy cũng đầu tư và phụ trách trang phục cho sáu bộ phim. Không dừng sự ảnh hưởng ở thời trang hay phim ảnh, Thủy còn mở rộng sang lĩnh vực nghệ thuật đương đại ở Việt Nam. Năm 2016, Thủy sáng lập và là nhà bảo trợ tài chính duy nhất đến nay cho trung tâm Nghệ thuật Đương đại The Factory, nơi hỗ trợ miễn phí cho các hoạt động nghệ thuật đương đại ở Việt Nam.
Để không gian rộng 1.500m² ở quận 2 vận hành đều đặn đến nay với bộ máy chuyên nghiệp, gần 15 tỉ đồng đã được đầu tư. Với những hoạt động như vậy, Thủy là gương mặt trong danh sách 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2019 do Forbes Việt Nam bình chọn.
Trên tấm poster triển lãm, hình ảnh của Thủy ngửa mặt lên trời, hơi nhắm mắt như dần chìm vào giấc mộng. Trang phục Thủy mặc tạo hình theo kỹ thuật dập ly thủ công trên nền vải organza, tựa như những đường vân nổi của giấy điệp truyền thống. Thủy yên ả và an bình, khác với ngoài đời lúc nào cô cũng sôi nổi và tràn đầy năng lượng. Triển lãm này nằm trong nỗ lực giới thiệu Việt Nam khác với những hình ảnh truyền thống mà thế giới vẫn nghĩ. Tất cả các chi tiết, bài trí, sắp đặt sử dụng chất liệu tre, nứa, đèn lồng, với các thiết kế dựa trên cảm hứng bản địa.
Trong không gian đó, người xem trải nghiệm gần gũi với các thiết kế. Họ tương tác, cảm nhận và đắm chìm vào trong quá trình sáng tạo của nhà thiết kế. “Những thực hành sáng tạo của Thủy hình thành trên nhiều lớp ý nghĩa và sự hiểu biết của Thủy về những biểu tượng giữa truyền thống và đổi mới, giữa Đông và Tây,” giám tuyển Dolla Merrillees, cựu giám đốc bảo tàng Nghệ thuật Ứng dụng và Khoa học (MAAS, Úc) nhận định.
“Thủy mời mọi người vào trái tim của Thủy,” người phụ nữ 39 tuổi, mẹ của bốn đứa con từ 11–16 tuổi nói với những vị khách đến xem triển lãm. Triển lãm này có nhiều điều khác biệt. Đây là lần hiếm hoi Việt Nam có triển lãm thời trang có giám tuyển quốc tế chuyên về thời trang thực hiện, và nhà thiết kế thực hiện liên tục các buổi nói chuyện ở nhiều địa điểm khác nhau về quá trình sáng tác, cách vận hành doanh nghiệp thời trang. Thủy nói về cảm hứng, về cách phát triển từ ý tưởng tới thực tế, về cách làm việc của người nghệ sĩ. Thậm chí, có riêng một phòng trưng bày “Đong đầy ký ức” tái hiện studio nơi cô làm việc, có các vật dụng, hiện vật mà Thủy sưu tầm, những bức hình, những cuốn sách, vải vóc, đồ mỹ nghệ, gốm sứ, bưu thiếp Đông Dương; và các bộ áo dài hay những đồ vật xưa, là nguồn cảm hứng, nghiên cứu mà Thủy tham khảo trong quá trình sáng tác.
Hiếm có nhà thiết kế thời trang nào ở Việt Nam bày cả ra như thế. Cô nói mình không giấu gì, và chỉ mong thật nhiều người đến xem, đánh giá, nhận xét. Cô kể mình mời tất cả các nhà thiết kế ở Việt Nam mà cô biết, và để các nhà thiết kế, đặc biệt là lớp trẻ, có thể biết thêm, học được kinh nghiệm nhằm rút ngắn khoảng cách thời gian thử và sai để họ đến thành công sớm hơn.
Thủy Nguyễn là nhà thiết kế thời trang có những câu chuyện mạnh cho các bộ sưu tập của mình.
Không học hành bài bản về thiết kế thời trang, Thủy kể những câu chuyện mình muốn thông qua các thiết kế mà không chịu sự ràng buộc, sợ sai so với quy chuẩn. Làm thời trang dưới góc nhìn của nghệ sĩ thị giác khiến Thủy trở nên khác biệt. Thủy nói mình cũng không quan tâm tới xu hướng thế giới, vì còn mải đắm chìm trong những câu chuyện của chính mình và chỉ muốn kể câu chuyện đó.
Trong chín năm, đều đặn cô giới thiệu các bộ sưu tập với những phom dáng khác lạ, nhiều chi tiết mang yếu tố văn hóa bản địa, sử dụng kỹ thuật thủ công. Ngay cả tên gọi các bộ sưu tập cũng lấy cảm hứng từ ca dao, tục ngữ tiếng Việt như: Nàng mây (2015), Lúng liếng (2015), Cọc cạch (2016), Viên mãn (2016), Mộng mị (2017), Tình tang (2019), Mỵ Châu (2019). Những hình tượng đám mây, động vật, hoa hay con người trong tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống, và tác phẩm của các họa sĩ Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Tô Ngọc Vân, Picasso đều có ảnh hưởng lên nghệ thuật và thiết kế của Thủy.
Thủy gặp giám tuyển Dolla Merrillees bốn lần tại Việt Nam, rất nhiều cuộc trao đổi qua điện thoại, email sau đó, là một màn thử nghiêm ngặt với bất kỳ một nhà thiết kế nào. “Nếu không thực sự thiết kế, thực sự làm, thực sự hiểu, thì khi giám tuyển hỏi rất kỹ, rất sâu, mình sẽ không thể trả lời được,” Thủy nói. Cô muốn công chúng có một cái nhìn khác về thời trang, một bước tiến về thưởng lãm nghệ thuật.
Sự bài bản đó đến từ nền tảng học vấn của Thủy. Tốt nghiệp ĐH Mỹ thuật Việt Nam năm 2006, cô nhận học bổng tại học viện Nghệ thuật và Kiến trúc Quốc gia Kiev, Ukraine, nơi cô tiếp tục học, nghiên cứu lấy bằng thạc sĩ và tiến sĩ về nghệ thuật năm 2014. Trong thời gian đó, Thủy lấy chồng – một người từng mua tranh của cô trong một triển lãm ở Hà Nội – và trong sáu năm sinh bốn đứa con. Thủy nói mình học được nhiều nhất trong thời gian học ở nước ngoài chính là tình yêu nghệ thuật và sức làm việc đầy đam mê của những nghệ sĩ quanh mình. Bên cạnh đó, cuộc sống vừa học, vừa sinh và nuôi con, vừa sáng tác ở xứ người đã đào luyện Thủy trở thành người phụ nữ có bộ óc có khả năng xử lý nhiều công việc cùng một lúc, và một tình yêu với những thứ thuộc về Việt Nam.
Trở về Việt Nam, năm 2011, Thủy ra mắt thương hiệu Thủy Design House trong một căn phòng nhỏ chừng 30m² ở chung cư trên đường Đồng Khởi (quận 1, TP.HCM), với vài chục người bạn, một số người mẫu. Những thiết kế thời điểm này có phom dáng phóng khoáng, bay bổng, mềm mại và tự do với sắc màu chủ đạo là vàng và xanh.
Thủy giới thiệu chữ ký riêng của mình trong các tác phẩm thời trang: chiếc nút kết hình tròn. Chỉ sau một thời gian, cửa hàng chuyển xuống mặt bằng ở những con đường đắt giá nhất cả TP.HCM và Hà Nội, cùng với các khu nghỉ dưỡng hạng sang. Giới thời trang dần quen thuộc với những thiết kế đầy màu sắc, nhiều chi tiết, đầy phô diễn của Thủy. “Tôi thấy mình mạnh về màu sắc và chi tiết,” Thủy lý giải. “Khách hàng của tôi phải có cá tính mạnh, chấp nhận thử cái mới thì mới dám mặc những thiết kế đó,” cô nói.
Thủy phát triển phân khúc khách hàng riêng biệt trên thị trường, không giống với nhà thiết kế nào. Đó là những người nước ngoài muốn sở hữu những thiết kế mang đậm văn hóa Việt Nam hay những khách hàng muốn mặc những thiết kế thoát khỏi khuôn mẫu thông thường mà vẫn có được các kỹ thuật thủ công, phụ kiện cổ truyền, câu chuyện dân gian hay văn hóa Việt Nam.
Điều hành thương hiệu thời trang với hơn 100 nhân sự, Thủy lúc nào cũng đầy năng lượng. Cô dùng chiếc xe hiệu Mini Cooper màu hồng xinh xắn, hai chiếc đèn pha trước được trang trí thêm cặp lông mi cùng màu như cặp mắt lúc nào cũng mở to. Cuộc sống của Thủy vốn dĩ nhiều màu sắc. Là con một, sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, Thủy có thời gian dài ở nhà với bố, một phi công Việt Nam từng lái máy bay chiến đấu, trong khi mẹ đi học tiến sĩ ở Nga trong 10 năm, từ năm cô lên sáu tuổi. Bố Thủy cho con gái đi học đủ môn nữ công gia chánh. Thủy vẽ tranh và ở tuổi 18, cô có triển lãm cá nhân đầu tiên tại Hà Nội và thị trường rất yêu thích.
Thủy nhớ có những thời điểm, ngay đêm khai mạc đã có 44 bức có người mua. Khi đó, Thủy vẽ trừu tượng, đầy cảm xúc và thơ ngây. Dù vậy, phải đến lần thi thứ tư Thủy mới đậu được vào trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam (2002). Thủy nhớ lại thời gian học ở trường, cô đã đi học bằng xe hơi từ tiền tích lũy bán tranh và làm nghệ thuật, nhưng Thủy rất ít vẽ, vì những quy chuẩn hàn lâm đã khiến cô mất đi sự thơ ngây.
Thiết kế thời trang là lựa chọn của Thủy, nơi cô coi vải vóc như chất liệu tiếp theo để cô tung tẩy với bảng màu và phom dáng, kết hợp với tính cách khác biệt của Thủy trong thiết kế với những đồ trang trí, vừa có chút phóng đại, kịch tính hay cả chói lói và sặc sỡ.
“Tôi thích cách Thủy thiết kế hoàn toàn theo ngôn ngữ của cô ấy. Thủy từ chối thỏa hiệp, không bao giờ hài lòng, luôn tìm kiếm những thứ mới và những mục tiêu mới,” giám tuyển Dolla nhận xét.
Thủy sẽ tiếp tục giai đoạn tiếp theo của sự nghiệp thế nào? Cô nói mình chưa quyết định nhưng cô đang rất quan tâm tới những làng nghề truyền thống và kỹ thuật thủ công ở Việt Nam. Trước mắt sẽ là triển lãm các tác phẩm hội họa mà rất lâu rồi cô vẫn chưa giới thiệu tới công chúng dù vẽ rất thường xuyên. Thủy vẫn đang ở giai đoạn bứt phá, tìm cách vượt ra khỏi những quy chuẩn hội họa mà Thủy đã được học trong môi trường hàn lâm. Khi COVID-19 xảy ra, việc kinh doanh của Thủy bị ảnh hưởng tới 90%, do các sự kiện biểu diễn, nghệ thuật, gặp gỡ cộng đồng không được tổ chức, du khách cũng không thể đến Việt Nam. Thủy không dừng lại, mà tập trung làm tác phẩm.
Thủy nói cô bị ám ảnh với sức lao động và cống hiến của nghệ sĩ trên thế giới, trong đó có danh họa và điêu khắc gia người Tây Ban Nha Pablo Picasso. “Picasso đã sống thế nào để sáng tác được bằng đấy tác phẩm, thử nghiệm rất nhiều chất liệu, với rất nhiều giai đoạn sáng tác?”
Thủy đặt câu hỏi. Không có gì ngoài thái độ chăm chỉ đào bới của người nghệ sĩ sẽ giúp họ tạo ra di sản thực sự đáng giá cho mình và những thế hệ sau. Thái độ đó mở đường cho Thủy tới những chân trời mới, mà ở đó, cô sẽ tiếp tục như những áng mây, lững lờ trôi và sẽ đổi màu khi tới lúc.
Bài viết đăng trên tạp chí Forbes Việt Nam số tháng 12.2020.
Xem bản đầy đủ trên tạp chí in.
Bản quyền thuộc Forbes Việt Nam.
Tác giả: Khổng Loan