Bài viết đăng trên Forbes Vietnam số 76, tháng 9.2019. Tác giả: Khổng Loan. Bản quyền Forbes Vietnam
Yola, nơi chuyên cung cấp các chương trình học kết hợp giữa tiếng Anh với kiến thức và kỹ năng mềm cho học sinh, sinh viên, vừa trở thành tổ chức giáo dục đầu tiên tại Việt Nam nhận 10 triệu đôla Mỹ đầu tư từ Kaizen PE.
Là quỹ chuyên đầu tư vào thị trường giáo dục, Kaizen PE có văn phòng tại Singapore, bắt đầu tìm kiếm cơ hội tại thị trường Việt Nam cách nay 3 năm.
Ông Raj Shastri, đối tác quản lý của Kaizen PE cho biết họ nhắm tới đầu tư vào các công ty giáo dục có thể mang lại kết quả quan trọng trên quy mô lớn thông qua các mô hình sáng tạo, các công ty tạo ra sự thay đổi lớn trên thị trường nhờ công nghệ mới, hoặc các dịch vụ độc đáo trên nền tảng công nghệ. Với thay đổi về chính sách trong hợp tác giáo dục gần đây, trong đó có nghị định 86, quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục, dự kiến có nhiều quỹ đầu tư như Kaizen sẽ đẩy mạnh việc tìm kiếm đầu tư tại Việt Nam, bên cạnh các quỹ và tổ chức đầu tư khác đã hiện diện từ cách đây chục năm.
Một trong những thương vụ đầu tư đáng chú ý, mở đầu cho thời kỳ đầu tư của quỹ vào thị trường giáo dục Việt Nam diễn ra năm 2010 khi Mekong Capital và FPT Capital công bố đầu tư 16 triệu đô la Mỹ, nắm giữ lần lượt 25% và 14% cổ phần của công ty cổ phần Giáo dục Quốc tế Việt Úc, chủ sở hữu hệ thống trường Quốc tế Việt Úc (VAS). Năm 2017, tập đoàn đầu tư tài chính toàn cầu TPG (Mỹ) đã mua lại toàn bộ cổ phần, để trở thành cổ đông tổ chức của VAS. Với sự có mặt của nhà đầu tư mới, trong 2 năm qua, VAS đã đưa vào khai trương hai cơ sở mới tại Sala (quận 2) và Riverside (quận 7).
Trước đây, các quỹ và các tổ chức giáo dục khác cũng thực hiện một số thương vụ đáng chú ý khác. Quỹ Giáo dục Cognita mua lại trường quốc tế TP.HCM (ISHCMC) và trường tiểu học Saigon Pearl Primary School. Một số cái tên khác như quỹ Nord Anglia đã mua lại cổ phần của British International School (BIS); EQT đầu tư vào ILA, trong khi IFC rót vốn vào trung tâm Anh văn Hội Việt Mỹ (VUS).
Khẩu vị của các quỹ đầu tư tùy thuộc vào tính chất hoạt động của quỹ. Với Kaizen PE, ông Raj cho biết họ tìm kiếm nhà sáng lập có tư duy, có khả năng cung cấp sản phẩm và dịch vụ giải quyết vấn đề gốc rễ, hay cung cấp giải pháp vượt trội cho vấn đề với quy mô lớn, và công ty có khả năng quản trị doanh nghiệp ở mức cao.
Với dân số gần 100 triệu người, nhu cầu học tập tại Việt Nam đang tiếp tục mở rộng, đặc biệt khi phát triển kinh tế đòi hỏi kỹ năng của người lao động cần cải thiện nhanh chóng. Hằng năm, có khoảng 1 triệu người Việt Nam di chuyển từ lĩnh vực nông nghiệp sang làm việc trong các ngành nghề công nghiệp và dịch vụ. Theo báo cáo của Mạng lưới kinh doanh châu Âu – Việt Nam (EVBN), cha mẹ Việt Nam chi trung bình 47% thu nhập cho việc học hành của con, và mỗi năm, người Việt Nam chi khoảng 4 tỉ đô la Mỹ để đi học ở nước ngoài. Trong khi cả về lượng và chất của giáo dục Việt Nam còn thiếu, ngày càng có nhiều gia đình chọn cách đưa con đi du học hoặc vào những trường tư thục chất lượng cao trong nước hoặc trường quốc tế, tạo ra một thị trường giáo dục ngoài công lập lớn để các nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm.
Theo đánh giá của Kaizen PE, mảng đào tạo tiếng Anh và trường quốc tế phổ thông (K–12) là mảng giáo dục luôn tăng trưởng nhanh tại Việt Nam vài năm trở lại đây, với tỉ lệ tăng bình quân 20% / năm. Với khoản đầu tư mới, Phạm Anh Khoa, đồng sáng lập, giám đốc điều hành Yola cho biết họ sẽ phát triển qua ba hướng chính: trong ba năm tới mở rộng chuỗi trung tâm từ 15 hiện giờ lên 40; đẩy mạnh sản phẩm tiếng Anh trẻ em (Kids) sau khi xây dựng và phát triển thành công sản phẩm luyện thi (test prep) và tiếng Anh học thuật (Junior); triển khai thực tế các mô hình học lai (blended learning). Trong khi số lượng học viên tăng hằng năm khoảng 50% trong 3 năm qua, Yola đang đẩy mạnh quy mô hóa bằng cách tiếp cận với số lượng học viên nhiều hơn thông qua các sản phẩm mới, kéo theo số lượng người học gia tăng.
Donald Nguyễn, giám đốc khu vực Đông Nam Á của công ty tư vấn giáo dục Oksidia Oy cho biết, thách thức với các nhà đầu tư quốc tế tham gia vào thị trường Việt Nam bao gồm: chi phí tham gia vào thị trường tại các thành phố lớn khá cao, trong đó ở Hà Nội và TP.HCM là rất cao khi họ muốn tìm đất “sạch” để mở trường; sự vênh nhau nhất định giữa đội ngũ vận hành và đối tác địa phương; thiếu hụt nhân sự địa phương có chất lượng.
Theo Donald, các quỹ đang tìm kiếm cơ hội đầu tư vào một phân khúc luôn tăng trưởng là đào tạo tiếng Anh, luyện thi du học, hay các mảng mới được phụ huynh bắt đầu rất quan tâm như mầm non và giáo dục về nghệ thuật/sáng tạo. “Theo kinh nghiệm của tôi, tiêu chí họ tìm kiếm trong đối tác để đầu tư, thứ tự ưu tiên bao gồm: mô hình và bộ máy vận hành ổn định, sản phẩm phù hợp với phân khúc đang tăng trưởng (tự nhiên) tốt, tư duy và cách vận hành chuyên nghiệp, ít mang tính cá nhân, có khả năng về chuyên môn và đào tạo/quản lý chất lượng chuyên môn tốt và nếu có sẵn quỹ đất hay khả năng mở rộng tốt là một ưu thế.”
Trong khi tầng lớp trung lưu Việt Nam gia tăng kéo theo nhu cầu học chất lượng tăng, các chuyển động chính sách cởi bỏ các nút thắt trong việc đầu tư vào giáo dục. Nghị định 86 của Chính phủ, có hiệu lực từ ngày 1. 8.2018 cho phép các trường quốc tế tại Việt Nam được dạy tối đa 50% học sinh Việt Nam. Đây là mức thay đổi đáng kể so với giới hạn trước đó là 10% đối với trường tiểu học và 20% đối với trường THCS và THPT. Các tỉ lệ giới hạn này từng được xem là rào cản lớn cho nguồn vốn nước ngoài vào lĩnh vực giáo dục, đặc biệt là tại các tỉnh thành khác ngoài Hà Nội và TP.HCM, nơi nhiều gia đình Việt Nam muốn đầu tư vào việc học tập của con cái để nhận bằng cấp quốc tế.
“Cơ hội cho chúng tôi rất nhiều,” Raj Shastri của Kaizen PE cho biết. “Mọi mảng trong giáo dục tại Việt Nam đều là cơ hội.”
CÁC THƯƠNG VỤ ĐẦU TƯ VÀO GIÁO DỤC CÓ NGUỒN VỐN NƯỚC NGOÀI TRONG 3 NĂM GẦN ĐÂY
Bài viết đăng trên Forbes Vietnam số 76, tháng 9.2019. Tác giả: Khổng Loan. Bản quyền Forbes Vietnam