Bài viết đăng trên Forbes Vietnam số 76, tháng 9.2019. Tác giả: Khổng Loan. Bản quyền Forbes Vietnam
Forbes Việt Nam: Cuốn sách mới của ông Choosing College giúp sinh viên và gia đình họ hiểu về “việc” mà sinh viên đang thuê trường thực hiện. Ông có thể chia sẻ thêm về lý thuyết “Những việc cần làm” giúp sinh viên hiểu biết hơn về động lực khi chọn trường đại học của họ?
Michael Horn: Lý thuyết “Những việc cần làm” mô tả tiến trình nỗ lực của một cá nhân cần có trong một hoàn cảnh nhất định, bao gồm cả sự thành công của mỗi tình huống. Bằng cách hiểu được “việc cần làm” của một cá nhân, chúng ta có thể hiểu được điều gì khiến cá nhân đó đưa ra những lựa chọn như vậy và từ đó giúp đưa ra những lựa chọn tốt hơn.
“Việc cần làm” không chỉ đơn giản là điều đưa một cá nhân tiến về phía trước. Nó bao gồm hàng loạt lý do dẫn đến một hành động nhất định. Nói cách khác, mỗi việc có rất nhiều yếu tố tác động và lý do đằng sau, tạo nên quyết định của mọi người.
Một số lý do trong đó là những cân nhắc về mặt chức năng. Ví dụ: nếu tôi có bằng cấp khác, tôi sẽ được tăng lương để chứng minh chi phí tôi bỏ ra là hợp lý.
Nhưng chúng ta không phải là robot. Chúng ta thường không làm mọi việc chỉ vì lý do về mặt chức năng, mà thi thoảng chúng ta bị cảm xúc hoặc xã hội tác động. Ví dụ, tất cả bạn bè của tôi đều đi học đại học, vì vậy có lẽ tôi cũng nên làm như vậy. Hoặc, tôi thực sự muốn thử thách mình để xem có làm được không.
Xét cho cùng, lựa chọn để được học tập nhiều hơn hoặc học ở đâu rất phức tạp.
Đồng tác giả cuốn sách Bob Moesta đã phát triển lý thuyết “Những việc cần làm” cùng giáo sư Clayton Christensen của ĐH Kinh doanh Harvard. Ông đã sử dụng lý thuyết này để xây dựng hơn 3.500 dịch vụ, sản phẩm và doanh nghiệp mới ở hầu hết mọi ngành – không chỉ cho giáo dục, mà còn cho ngành ô tô, hàng tiêu dùng đóng gói, thực phẩm, quốc phòng, phần mềm, dịch vụ tài chính và chăm sóc sức khỏe chiếm hàng tỉ đô la Mỹ mỗi năm.
Khi áp dụng lý thuyết này vào việc phân tích lý do tại sao học sinh chọn trường đại học hay bất kỳ hình thức học nào khác sau khi học xong cấp ba, chúng tôi đã tìm thấy năm “việc cần làm” khác nhau mà chúng tôi có nhắc đến trong cuốn sách mới của chúng tôi Choosing College.
Forbes Việt Nam: Có xu hướng đáng chú ý nào trong việc lựa chọn trường ĐH trên thế giới, châu Á và các nước mới nổi như Việt Nam không? Điều này sẽ ảnh hưởng gì đến lực lượng lao động trong tương lai và gợi ý những gì cho các bên cung ứng giáo dục, nhà giáo dục và các nhà hoạch định chính sách?
Michael Horn: Trong khi chi phí học đại học tăng lên, nhiều công ty yêu cầu nhân viên phải có bằng đại học. Chúng tôi nhận thấy người học có mối quan tâm lớn là họ phải có việc làm sau khi tốt nghiệp. Các thị trường mới nổi như Việt Nam chú trọng phần lớn đến việc giúp người dân thoát nghèo và phát triển kinh tế địa phương. Điều đó tạo ra rất nhiều áp lực mà nhiều trường đại học không muốn, nhưng khó tránh được do họ đã xây dựng những trường học thu học phí cao, mà cha mẹ thì muốn đảm bảo rằng khoản đầu tư cho con mình sẽ phải tạo ra lợi nhuận tốt.
Điều thú vị là khi phân tích sâu vào câu hỏi, chúng tôi nhận thấy đó là những yếu tố tác động. Tuy nhiên, chúng tôi cũng thấy rằng những nguyên nhân về xã hội và cảm xúc của mọi người thường có sức nặng hơn những cân nhắc về mặt chức năng. Ví dụ, rất nhiều học sinh đến trường chỉ vì đó là điều họ được kỳ vọng phải làm, họ cảm thấy đó là bước đi hợp lý tiếp theo của mình và họ đang làm điều đó theo ý muốn của người khác, dù không thấy hào hứng hay có động lực học hành. Áp lực này không phải là điều bất thường ở các nước châu Á. Nó cũng chứng tỏ rằng đi học vì áp lực không phải là ý hay và kết quả cũng không như ý muốn trong trường hợp học sinh lơ là.
Cuối cùng, chúng tôi nhận thấy, hiện nay các lựa chọn thay thế cho việc học đại học đang gia tăng ở Hoa Kỳ, ví dụ như các khóa học lập trình cường độ cao. Tôi hi vọng xu hướng đó sẽ gia tăng ở Việt Nam khi các công ty toàn cầu như Google bắt đầu đặt câu hỏi, liệu điều họ thực sự muốn là một người có bằng đại học hay một người có kỹ năng phù hợp để thực hiện công việc họ đang tuyển dụng hiệu quả. Đó có thể là một yếu tố đem đến sự thay đổi.
Forbes Việt Nam: Công nghệ đang tạo ra thay đổi lớn trong giáo dục, vào phương pháp học và lý do chúng ta học. Kiến thức, kỹ năng và tư duy đều quan trọng để trở thành người sáng tạo và thích ứng trong một thế giới có rất nhiều điều vẫn chưa biết và không lường trước được. Trong cuốn sách mới của ông, những vấn đề quan trọng mà ông nghĩ rằng học sinh và phụ huynh nên suy nghĩ kỹ khi chọn trường đại học là gì? Các nguyên tắc mới cho việc lựa chọn trường đại học tốt là gì?
Michael Horn: Bước thứ nhất là cần hiểu thật rõ lý do mà bạn làm việc này – hiểu rõ Việc của bạn là gì. Từ đó, bạn có thể tìm ra lựa chọn phù hợp với mình, nhưng đừng cho rằng cứ phải chọn trường đại học truyền thống. Trong nhiều trường hợp, học đại học sẽ là lựa chọn phù hợp, nhưng không phải lúc nào cũng vậy.
Ví dụ, nếu bạn đang tìm kiếm lối thoát cho cuộc sống, có thể bạn sẽ không chắc chắn mình muốn làm gì. Trong trường hợp đó, nếu cố gắng học bốn năm đại học có thể là lựa chọn sai lầm và tốn kém. Thay vào đó, hãy lựa chọn hình thức học ngắn hạn, chi phí thấp, giúp bạn thoát khỏi tình huống hiện tại, đồng thời tìm hiểu về những điều khiến bạn phấn khích, mục đích của bạn là gì. Học nghề, học các khóa cường độ cao, các khóa học trực tuyến, thực tập, làm việc tình nguyện và dành thời gian trống để trải nghiệm là tất cả những điều bạn nên cân nhắc.
Tuy nhiên, mấu chốt của tất cả những điều này là một khi bạn hiểu được việc mình cần làm, hãy xác định những kinh nghiệm hoặc tiêu chí cần có cho bước đi tiếp theo để thành công. Sau đó, bạn mở rộng các tùy chọn để tìm kiếm một loạt các lựa chọn hấp dẫn phù hợp với bạn.
Forbes Việt Nam: Ông nghĩ gì về thực tế một số tập đoàn hàng đầu hiện đang tuyển dụng nhân viên mà không yêu cầu bằng cấp chính thức? Liệu điều này sẽ trở thành một xu hướng lớn, thay đổi cách nhận thức về giáo dục hay không?
Michael Horn: Tôi nghĩ rằng đây là một xu hướng quan trọng và tôi hi vọng điều này sẽ cách mạng hóa việc học bằng cách dân chủ hóa giáo dục, khiến cho những trải nghiệm quý giá trở nên dễ tiếp cận với giá cả phù hợp. Điểm mấu chốt khiến người sử dụng lao động đi theo xu hướng này là họ phải có sự hiểu biết rõ ràng về năng lực mà nhân viên cần phải có. Đây là việc dễ dàng đối với các ngành công nghệ đang phát triển nhanh, nhưng dường như là điều khó đối với một số ngành công nghiệp lâu đời cần kỹ năng mềm hơn.
Tuy nhiên, những ngành nghề lâu đời này thường không phát triển nhanh như những ngành mới hơn – đây là điều quan trọng cần phải nắm rõ.
Tôi cho là nếu chúng ta có thể thoát khỏi quy trình tuyển dụng dựa trên chứng chỉ và thay vào đó là tuyển chọn kiến thức, kỹ năng và khuynh hướng của nhân viên, đó sẽ là một thay đổi đáng hoan nghênh cho phép mọi người học theo nhiều cách khác nhau, miễn là cuối cùng họ có những năng lực đó.
Forbes Việt Nam: Ông hình dung tương lai của giáo dục như thế nào?
Michael Horn: Mặc dù tôi và những người khác thấy hào hứng khi thảo luận về những thay đổi toàn diện đang diễn ra ở môi trường giáo dục, tôi cho rằng sự phát triển nhanh chóng của các lựa chọn giáo dục sẽ không thay thế phương thức giáo dục truyền thống ở các trường học và các trải nghiệm đại học, đây là phát hiện chính trong cuốn sách của chúng tôi. Sinh viên thực sự muốn trải nghiệm những điều đó vì lý do riêng. Vì vậy phương thức giáo dục tại trường học truyền thống dường như sẽ tồn tại lâu hơn chúng ta tưởng.
Hiện nay, chỉ có một số ít sinh viên có được trải nghiệm đó, vì vậy sẽ thú vị hơn khi hình dung tương lai của phần còn lại trong nền giáo dục sẽ thế nào. Tôi cho rằng chúng ta sẽ có một hệ thống giáo dục giá rẻ hơn, linh hoạt hơn với đầy đủ các chương trình đào tạo theo cường độ cao và tiếp cận người học, từ di động, khóa học nhỏ, tới các hệ thống cho phép người học kết nối với những người hướng dẫn và tạo dựng nguồn vốn xã hội có giá trị. Các dự án ngắn hạn giúp mọi người thực sự tham gia vào các lĩnh vực và cho phép họ bồi dưỡng các kỹ năng có giá trị thông qua thực hành. Mọi người sẽ có cơ hội kết nối với những người khác trong không gian làm việc chung, khi mọi người tham gia vào những trải nghiệm học tập khác nhau này. Tôi nghĩ tương lai việc làm và học tập sẽ rất dễ thay đổi.
Bài viết đăng trên Forbes Vietnam số 76, tháng 9.2019. Tác giả: Khổng Loan. Bản quyền Forbes Vietnam