PRO Vietnam và tái chế bao bì

Chín doanh nghiệp lớn tại Việt Nam đặt mục tiêu vào năm 2030 sẽ thu gom và tái chế tất cả bao bì do họ đưa ra tiêu thụ trên thị trường thông qua liên minh Tái chế Bao bì Việt Nam (PRO Vietnam).

“Đây là lần đầu tiên tại Việt Nam, các doanh nghiệp có mối quan hệ cạnh tranh cùng nhau tiên phong hợp tác vì mục tiêu chung, có lợi cho môi trường Việt Nam,” thông cáo báo chí của PRO Vietnam cho biết khi công bố hình thành liên minh vào ngày 21.6. Chín công ty tham gia liên minh PRO Vietnam gồm Coca – Cola Việt Nam, FrieslandCampina, La Vie, Nestlé Việt Nam, NutiFood, Suntory PepsiCo Việt Nam, Tetra Pak Việt Nam, TH Group và URC Việt Nam.

PRO Vietnam, với đóng góp tài chính, chuyên môn và kỹ thuật từ các công ty thành viên sáng lập sẽ dựa trên bốn trụ cột hoạt động chính, bao gồm nâng cao nhận thức người tiêu dùng về tái chế và phân loại rác, làm vững mạnh hệ sinh thái thu gom bao bì sẵn có, hỗ trợ các chương trình tái chế của nhà máy xử lý và  sản xuất nguyên liệu tái chế và cũng hợp tác với các cơ quan chính phủ trong khía cạnh “Recycle – Tái chế” của bộ nguyên tắc 3R (giảm rác thải, tái sử dụng, và tái chế).

“Thách thức lớn nhất hiện nay là chúng ta chưa có hệ thống thu gom, phân loại và tái chế rác thải nhựa hiệu quả và bền vững,” bà Lê Từ Cẩm Ly, giám đốc Đối ngoại và pháp lý Coca Cola Đông Dương cho biết trong cuộc trao đổi với Forbes Việt Nam sau khi PRO Vietnam ra đời.

Việc Việt Nam chưa có hệ thống thu gom và phân loại rác thải tận nguồn là một trở ngại lớn, do các nhà máy tái chế – nếu tồn tại – sẽ không có đủ rác đầu vào để hoạt động hiệu quả. Thực tế, 63 tỉnh thành của Việt Nam đều chưa có hệ thống thu gom và phân loại tại chỗ rác một cách ổn định và bền vững.

Theo bà Cẩm Ly, có nhiều nhà đầu tư quan tâm tìm hiểu về cơ hội xây dựng và vận hành nhà máy tái chế tại Việt Nam, nhưng quan ngại lớn nhất của họ là không đủ lượng rác để nhà máy vận hành hiệu quả về kinh tế.

Theo báo cáo năm 2018 của ngân hàng Thế giới có tên “What a Waste 2.0,” lượng rác thải rắn đô thị ở Việt Nam được dự đoán sẽ tăng 38%, từ 11,6 triệu tấn năm 2016 lên 15,9 triệu tấn năm 2030. Trong khi đó, Việt Nam vẫn dựa chủ yếu vào nguồn nhập khẩu phế liệu nhựa và giấy để làm nguyên liệu cho các sản phẩm tái chế được bán tại thị trường Việt Nam.

Xử lý và tái chế rác không chỉ là vấn đề của Việt Nam, mà đang là câu chuyện lớn của cả nhân loại. Cũng theo báo cáo “What a Waste 2018,” các thành phố thải ra 2,01 tỉ tấn chất thải rắn, tương đương mỗi người thải ra 0,74kg/ ngày.

Với tốc độ dân số và đô thị hóa tăng nhanh, con số rác thải hằng năm sẽ tăng 70%, từ mức của năm 2016 lên 3,4 tỉ tấn hằng năm vào năm 2050. Người nghèo sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn nếu chất thải không được quản lý bền vững. Tại các nước đang phát triển, hơn 90% rác thải được vứt bỏ bừa bãi hay đốt lộ thiên, gây ra nhiều hậu quả cho sức khỏe và môi trường.

Theo tổ chức Waste Atlas, với dân số hơn bảy tỉ người trên trái đất hiện nay, ước tính khoảng 3,5 tỉ người không được tiếp cận với các dịch vụ xử lý chất thải cơ bản, và sẽ tăng lên 5,6 tỉ người vào năm 2050. Chất thải nhựa với tốc độ ra môi trường hiện nay thì sẽ nhiều hơn cá sống ở đại dương vào năm 2050.

Trước khi PRO Vietnam ra đời, các doanh nghiệp cũng có sáng kiến, chương trình hành động riêng để nâng cao nhận thức, thu gom, phân loại và tái chế rác. Tetra Pak, nhà cung cấp giải pháp chế biến và đóng gói thực phẩm hàng đầu thế giới với lịch sử 25 năm hoạt động tại Việt Nam đã thí điểm các chương trình thu gom và tái chế vỏ hộp giấy đã qua sử dụng từ cách nay 10 năm.

“Nhưng thời điểm đó, sự quan tâm của người tiêu dùng về vấn đề này là rất thấp,” Lý Thị Quỳnh Trang, phụ trách mảng Kinh tế tuần hoàn –  của Tetra Pak Việt Nam cho biết. Công ty chỉ có thể duy trì hoạt động của gần 20 trạm thu gom vỏ hộp giấy này trong vài năm ngắn ngủi trước khi dừng hẳn.

“Nhưng giờ đây sự quan tâm và ủng hộ của người tiêu dùng đã cao hơn rất nhiều, có thể nói là đảo ngược hoàn toàn,” Trang chia sẻ. Tetra Pak đang thí điểm thu gom vỏ hộp sữa giấy tại 48 điểm thu là các trường mầm non và các điểm thu gom cộng đồng với tên gọi “Một giây hành động, bảo vệ môi trường”, giúp trẻ em hình thành thói quen tốt từ những việc gần gũi và thiết thực hằng ngày. Vỏ hộp này được thu gom hằng tuần, đưa về nhà máy giấy Bình Dương, phân tách thành hỗn hộp bột giấy và hỗn hợp nhôm nhựa, tái chế thành các sản phẩm khác như thùng giấy, tập vở, mái lợp hay thùng rác.

“Trong quản lý rác thải, thách thức là khâu thu gom từ hộ dân tới điểm tập kết – chiếm rất nhiều chi phí trong khi phần thu phí môi trường đang khá thấp, và người dân không hào hứng phân loại vì chưa tin vào hệ thống,” Đỗ Vân Nguyệt, giám đốc quốc gia của trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live & Learn) nhận xét.

Các thương hiệu lớn trên thế giới giờ đây đã hiểu rất rõ về việc họ cần có trách nhiệm với tất cả các bên liên quan trong quá trình sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm nếu muốn kinh doanh bền vững.

Trước những áp lực và đòi hỏi ngày càng cao của khách hàng về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, nhiều hãng đã đưa ra những sáng kiến và cam kết liên quan tới sự phát triển bền vững. Tại Việt Nam, các công ty niêm yết và các doanh nghiệp lớn đã bước đầu công bố các báo cáo bền vững hằng năm, dần công khai các hoạt động giảm thiểu tác hại tới môi trường, từ tiết kiệm năng lượng, đối xử với người lao động, giảm tác hại tới môi trường. Tuy nhiên, đưa vấn đề rác thải, tái chế bao bì như một chiến lược trọng tâm và lâu dài còn rất hiếm hoi.

“Tôi ước sao người tiêu dùng Việt Nam quan tâm tới vấn đề tái chế, và cùng với các doanh nghiệp thúc đẩy các hành động giảm chất thải, tái sử dụng và tái chế. Tất cả chúng ta nên quan tâm về vấn đề tái chế,” Wolfgang Friess, phó chủ tịch phụ trách bền vững của TH Group nói với Forbes Vietnam. “Thu gom, phân loại và tái chế là công việc đòi hỏi nhiều nỗ lực từ các bên, từ các công ty, chính quyền và người tiêu dùng,” Wolfgang, người đến văn phòng Forbes Việt Nam trong bộ quần áo và đôi giày mặc 10 năm còn rất mới cho biết.  “Tái chế là vấn đề vô cùng phức tạp.”

Theo kinh nghiệm của Wolfgang, nỗ lực tái chế tại Hà Lan, Thụy Sĩ hay Áo được người tiêu dùng và chính phủ tổ chức và hỗ trợ, và chính quyền là nơi đầu tư vào hạ tầng tái chế

Xem đầy đủ trên Forbes Vietnam số tháng 8.2019.

Tác giả: Khổng Loan

Comments