Diễn đàn Kinh tế thế giới từng cảnh báo về hiện tượng “cháy rừng kỹ thuật số không thể kiểm soát nổi – digital wide fire”, hiện tượng những thông tin không đáng tin cậy được lan truyền với tốc độ kinh ngạc nhờ sự phổ biến công nghệ (tin giả-fake news), sẽ là một trong những mối đe dọa lớn nhất mà xã hội loài người phải đối mặt.
Giờ đây, hiện tượng này càng trở nên nghiêm trọng, can thiệp sâu sắc vào mọi mặt của đời sống ở mọi nơi trên thế giới. Tuy nhiên, các cuộc thảo luận thường gặp vấn đề vì cách hiểu khác nhau về hiện tượng, nguồn gốc, và vì sao nó lại tạo ra những đe dọa cho con người.
“Tin giả” giờ đây không chỉ là các loại tin sai trái, tin cố tình gây hiểu lầm, được lan truyền dưới hình dạng tin tức. Nó đã trở thành “vũ khí cảm xúc” được dùng để tác động và làm mất uy tín, phủ định vai trò của báo chí. Tin giả không chỉ liên quan tới lĩnh vực chính trị, các chính trị gia, mà còn các nhà kinh doanh, các vấn đề xã hội, và bởi vậy, tác hại của nó là không giới hạn, và khó đo lường hết.
Trong khi con người đang ngày càng dựa vào các thuật toán do các công ty công nghệ hàng đầu thế giới tạo ra từ một văn phòng nào đó, ở một góc nào đó trên thế giới, thì tin giả – có thể do bất kỳ ai truy cập được Internet – tạo ra và từ đó tạo nên những phân cực rất lớn trong xã hội, dẫn tới nhiều bất ổn. Tin giả, tin hoang báo (hoax) bùng nổ trong các sự kiện chính trị, các chiến dịch dựa trên tin giả, phục vụ các động cơ. Tin giả là mối đe dọa của bất kỳ quốc gia nào, khi ảnh hưởng lớn tới thái độ, suy nghĩ, quyết định của người dân với bất kỳ vấn đề nào của đất nước. Tin giả lại thưởng xuất hiện trên các nền tảng miễn phí, tức là những ai không thể chi trả để có thông tin có chất lượng, hoặc không tiếp cận được các nguồn tin cộng đồng độc lập, lại thường tiếp cận. Do đó, họ lại càng trở nên dễ bị ảnh hưởng bởi loại thông tin sai, tin xuyên tạc. Khi tiếp nhận thông tin sai, thiếu, họ sẽ đưa ra các quyết định sai.
Không những thế, tin giả còn làm xói mòn niềm tin của công chúng tới các cơ quan truyền thông đang cố gắng thực thi trách nhiệm mà họ được xã hội giao phó và kỳ vọng, như cung cấp thông tin chính xác, công bằng và nhanh chóng. Tin giả, tin xuyên tạc thậm chí còn được xem là một trong những vấn đề khiến cho cuộc sống số của con người bước vào “thời kỳ đen tối.”
Cuốn sổ tay giáo dục và đào tạo báo chí Journalism, ‘Fake News’ & Disinformation Handbook for Journalism Education and Training của UNESCO xuất bản năm 2019 (Báo chí, Tin giả và tin xuyên tạc) của UNESCO được xem là một đốm lửa nhỏ để thắp sáng không gian đó.
Có nhiều loại thông tin, gồm thông tin báo chí, tin sai, tin giả, tin xuyên tạc và tin kém chất lượng, tin gây hại.
Tin tức báo chí (news, journalism): Thông tin chính xác, độc lập, công bằng, nhân văn, bảo vệ nguồn tin, minh bạch, giải trình (accountability). “Tin” được xem là những thông tin có thể xác minh được, được đưa ra vì lợi ích cộng đồng, và những thông tin không đáp ứng những tiêu chuẩn này thì không xứng đáng được gọi là “tin”.
Báo chí kém chất lượng (sub-standard journalism): Không đáp ứng được những tiêu chuẩn của báo chí như trên
Tin giả (fake news): Là thông tin được cố tình ngụy tạo và xuất bản nhằm lừa dối hay khiến những người khác hiểu sai, khiến họ tin vào những thông tin sai hoặc nghi ngờ những thông tin đã được kiểm chứng. Tin giả được lan truyền bằng công nghệ máy tính với quy mô lớn để tiếp cận cộng đồng lớn.
Tin sai (misinformation): Nội dung tin tức liên kết sai, nội dung gây hiểu lầm. Loại tin này sai sự thật, nhưng người tạo ra không phải cố tình gây hại.
Tin xuyên tạc (disinformation): Bối cảnh sai, nội dung mạo danh, nội dung ngụy tạo, nội dung bịa đặt. Loại tin này sai, và được cố tình tạo ra để gây hại tới cá nhân, tổ chức xã hội hay một quốc gia.
Mal- information (tin nguy hại):(một số) tin rò rỉ (ví dụ một số email riêng tư của Emmanuel Macron bị rò rỉ ngay trước thềm cuộc bỏ phiếu); (một số) thông tin mang tín quấy rối; (một số) mang ngôn ngữ thù hận. Loại tin này dựa trên sự thật, nhằm gây hại cho cá nhân, tổ chức xã hội, hay quốc gia.
Để sống sót trong “thời kỳ đen tối”, mỗi người cần có trách nhiệm tự lọc những gì mình đọc và chia sẻ, bên cạnh trách nhiệm kiểm soát của các các công ty công nghệ. Một cách lọc cơ bản là kiểm tra, xác minh, đặt những câu hỏi về động cơ của người viết, thay vì chỉ đọc những tiêu đề và sau đó chia sẻ trên các trang mạng xã hội. Những hành vi tưởng chừng vô hại đó có thể để lại hậu quả lớn vì nó khuếch đại thông tin ở một tần mức cao hơn, gây hậu quả lớn hươn. Sẽ có nhiều người tự hỏi tại sao Facebook của tôi lại chỉ hiện lên duy nhất những bài viết hay status của bạn bè liên quan tới vấn đề mà tôi tỏ ra quan tâm gần đây?
Liệu có phải cả xã hội cũng đang cùng quan tâm tới vấn đề đó? Đa phần trường hợp là không phải. Facebook đang rất thông minh, với các thuật toán tìm kiếm và đem đến cho ta những vấn đề mà ta đã tỏ ra quan tâm. Thế nên mọi hành vi đọc, tìm kiếm, chia sẻ trên Internet chính là những tác nhân giúp lan truyền những thông tin sai trái.
Cuốn sổ tay cung cấp khung và các bài học giúp cho nhà báo, các nhà giáo dục báo chí, sinh viên báo chí tìm hiểu các vấn đề liên quan tới “tin giả” và “sự hỗn loạn thông tin.”
Cuốn sách có thể được tải miễn phí ở đây.
Tác giả: Khổng Loan
Bài viết đăng trên Tuổi Trẻ Cuối Tuần tháng 7.2019.