Mở trường mầm non

(Bài viết đăng trên Forbes Vietnam số 65, tháng 9.2018. Tác giả: Khổng Loan)

“Nhu cầu mở trường mầm non mới là rất lớn,” Nguyễn Thúy Uyên Phương, đồng sáng lập và CEO của trường ngoại khóa chuyên sâu và mầm non Tomato Children’s Home hoạt động được 5 năm nay cho biết. Vừa trở về từ chuyến công tác Hà Nội, Phương cho biết cô ngạc nhiên khi đối tác tại đó vẫn kiên định mở thêm trường tại khu dân cư đã có 20 trường mầm non đang hoạt động và “quá đủ cho dân cư ở đây.” Nhiều về số lượng, nhưng thị trường đang cần những mô hình tốt là lý do khiến đối tác của Phương tin tưởng vào sự thành công của ngôi trường mới trong tương lai. Phương, từng là phó giám đốc trường Doanh nhân PACE, là một trong những người tiên phong mang về Việt Nam các chương trình ngoại khóa chuyên sâu dành cho trẻ em, chú trọng yếu tố giáo dục cảm xúc, hay phát triển đa trí thông minh cho trẻ tại các cơ sở ngoại khóa và mầm non ở quận Phú Nhuận, quận 7 và quận 2 (TP.HCM).

Cơ hội đầu tư mở trường mầm non còn nhiều khi mỗi năm tại Việt Nam có khoảng một triệu trẻ em ra đời, và hiện có hơn năm triệu trẻ em trong độ tuổi mầm non. Theo số liệu thống kê, cả nước hiện có khoảng 2.402 trường mầm non dân lập và tư thục. Theo bộ Giáo dục và Đào tạo, trong năm học 2016 – 2017, ngành mầm non có thêm 354 trường và 11.318 nhóm, lớp. Trong đó nhóm trường mầm non ngoài công lập có số lượng tăng cao (277/354 trường). Năm địa phương có tỉ lệ trường mầm non ngoài công lập cao nhất là Đà Nẵng (64,8%, tăng 0,3%), Bình Dương (63,0%, tăng 0,15%), TP.HCM (60,8%, tăng 0,8%), Bà Rịa – Vũng Tàu (30,5%, tăng 0,1%) và Hà Nội (28,8%, tăng 0,3%).
Tuy nhiên, với hơn 1 triệu trẻ em đang theo học các trường tư thục và các nhóm trẻ, tỉ lệ trường mầm non công lập vẫn áp đảo so với tư thục. Thị trường vẫn còn rất lớn, nhất là khi các trường mầm non công lập vẫn còn nhiều hạn chế trong chăm sóc và nuôi dạy trẻ, cũng như khung giờ dạy không phù hợp với nhu cầu thực tế của cha mẹ. Hơn nữa, phụ huynh vẫn mong muốn tìm những lựa chọn tốt hơn cho con ở tuổi đầu đời.

Rào cản thị trường thấp trong ngành giáo dục mầm non khiến số lượng trường mới mở tăng nhanh chóng, nhất là với những khu vực dân cư mới, cơ sở hạ tầng đang phát triển mạnh. Chi phí đầu tư ban đầu để mở một cơ sở quy mô vừa phải, có thể đón nhận khoảng 100 trẻ, là khoảng hai tỉ đồng, và nếu có thể tuyển sinh nhanh chóng thì chủ trường trong vòng hai năm có thể đạt mức hòa vốn và có lợi nhuận.

Nhưng đó là nhìn bên ngoài. Thách thức lớn với các nhà đầu tư không phải đến từ việc tuyển sinh, mà đến từ số lượng và chất lượng giáo viên. Theo bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện cả nước thiếu hơn 30 ngàn giáo viên mầm non, và tính đến năm 2021, cả nước sẽ thiếu gần 50 ngàn giáo viên mầm non và tiểu học, trong khi tỉ lệ bỏ việc trong ngành này luôn ở mức cao. Theo thống kê, năm 2016,  riêng TP.HCM có gần 200 giáo viên mầm non nghỉ việc. Năm học 2016 – 2017, TP.HCM cần 2.383 giáo viên mầm non nhưng chỉ tuyển được 1.760 người.

****

Nguyễn Xuân Thời, chủ trường mầm non Worldkids với 5 cơ sở ở TP.HCM nhớ lại về lời khuyên “không nên mở trường mầm non” khi anh có kế hoạch cách nay 10 năm. “Nhìn lại, họ có lý khi khuyên tôi như vậy,” anh nói.
Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Anh văn năm 2001 tại Huế, Thời trải qua nhiều công việc từ gia sư, tới mở trung tâm tư vấn du học… trước khi tham gia vào phát triển trường mầm non. Giờ đây, anh quan sát thấy nhiều chủ trường “dù có tiền, có trường, nhưng vẫn bán trường, bỏ cuộc.” Một trong những lý do, theo anh, giáo dục mầm non là một ngành đặc trưng liên quan đến trẻ em, do vậy, chủ trường chịu áp lực rất lớn từ phụ huynh, cộng thêm áp lực từ mạng xã hội “khiến các chủ trường mất ăn mất ngủ và không đủ kiên trì để đánh đổi, vì họ có nhiều lựa chọn tốt hơn,” anh cho biết. Trong ba năm đầu tiên điều hành trường, anh đã từng chứng kiến có cơ sở trong một ngày một nửa số giáo viên nghỉ việc đồng loạt. Giờ đây, hệ thống có khoảng 200 giáo viên này có tỉ lệ chuyển đổi công việc khoảng 15%, con số theo anh là phù hợp.

Giải quyết bài toán nhân sự trong quá trình quy mô hóa là điều mà các nhà đầu tư, chủ trường đang tìm kiếm cơ hội mở rộng cần phải làm. Theo quan sát của Nguyễn Lưu Thảo Trang, giám đốc khối mầm non của hệ thống giáo dục Vinschool tại khu vực TP.HCM, những hệ thống trường có khối mầm non quy mô lớn, thương hiệu giúp cho các hệ thống này không gặp quá nhiều khó khăn về nhân sự như các cơ sở nhỏ. Hoạt động được 5 năm, hệ thống Vinschool là một sản phẩm giáo dục dành cho cư dân Vinhomes của tập đoàn Vingroup. Tại TP.HCM, sau hai năm hoạt động, khối mầm non có 207 giáo viên, trong đó có 17 giáo viên nước ngoài giảng dạy tại ba cơ sở mầm non. Vào tháng 11.2018, sẽ có cơ sở thứ tư, nâng tổng sĩ số lên 1.320 bé. Đầu năm 2019, Vinschool sẽ mở thêm hai trường mầm non tại TP.HCM. Tổng số học sinh mầm non đang theo học khối mầm non của Vinschool toàn quốc 7.000 bé. “Trước đây, cha mẹ chỉ cần một nơi để giữ trẻ, giờ họ đã hiểu giáo dục mầm non là nền tảng quan trọng. Họ chọn trường không chỉ thuận tiện, mà còn phải có chất lượng,” Trang cho biết.

Nhưng thế nào là một chương trình có chất lượng với trẻ? Phương, người đã dành thời gian nghiên cứu nhiều mô hình và phương pháp giáo dục trên thế giới cho hệ mầm non trước khi mở trường, nhận thấy sự chênh nhau lớn giữa mong muốn của cha mẹ về “những thứ tốt đẹp nhất” cho con nhỏ và sự hiểu biết của cha mẹ về mô hình giáo dục tốt cho trẻ mầm non. “Hầu hết phụ huynh cho rằng dưới sáu tuổi, trẻ chỉ cần ăn ngủ tốt, được chiều chuộng nhu cầu là xong, nên nếu biết cách thì các trường rất dễ dàng chiều theo tâm lý phụ huynh,” Phương nói.

Bởi vậy, theo Phương, đầu tư vào mảng mầm non, với nhiều người, được xem là dễ dàng nhất trong các khối giáo dục, do ở Việt Nam sự phát triển của một đứa trẻ ở giai đoạn đầu đời chưa được chú trọng. Tuy nhiên, trong nghiên cứu ABC/CARE  – Các thành tố của các chương trình mầm non chất lượng đem lại kết quả chất lượng, giáo sư kinh tế James J. Heckman tại ĐH Chicago (người chuyên nghiên cứu về kinh tế học trong lĩnh vực phát triển con người và từng được trao giải Nobel kinh tế năm 2000), đã xác định những lợi ích vượt trội về kinh tế khi đầu tư vào giáo dục mầm non chuyên sâu, chất lượng cao cho trẻ từ khi mới ra đời đến 5 tuổi, với lợi tức đầu tư (ROI) là 13%. Nghiên cứu của ông phân tích các khía cạnh khác nhau của cuộc đời, từ sức khỏe, tới vấn đề tội phạm, thu nhập từ học vấn, và cả thu nhập việc làm của người mẹ sau thời gian chăm sóc con.

Dựa trên dữ liệu từ những đối tượng tham gia nghiên cứu từ thời thơ ấu đến khi trưởng thành, ông phân tích sâu về những ảnh hưởng của giáo dục mầm non tới nhiều khía cạnh khác nhau trong sự phát triển của con người, và nhận thấy mức ROI mới này cao hơn một cách bền vững so với tỉ lệ lợi tức 7 – 10% trước đó được đưa ra với các chương trình mầm non cho trẻ từ 3 – 4 tuổi. Nếu đầu tư càng về sau, hiệu quả càng giảm và nếu đầu tư trễ thì nhà nước sẽ tốn kém chi tiêu cho những vấn đề như điều trị tâm lý, hỗ trợ trẻ vị thành niên, giải quyết tội phạm.

Với nhà đầu tư nhỏ, việc mở trường mầm non quy mô nhỏ và vừa không phải quá khó, nhưng để quy mô hóa và nhận được đầu tư từ các quỹ hay tổ chức giáo dục thì họ phải giải quyết thách thức đến từ nguồn giáo viên. Trong bối cảnh nhân sự thiếu, thì các tập đoàn lớn như Vinschool hay Nguyễn Hoàng… là nơi dễ thu hút nhân lực mầm non mới ra trường. Trong khi đó, chất lượng giáo viên cũng là một vấn đề lớn, khi nhân sự ngành này được đào tạo ra chưa đáp ứng được ngay yêu cầu công việc. “Xã hội hóa ngành mầm non mới mở đến cho phép mở trường, mà chưa xã hội hóa về đào tạo giáo viên,” Phương cho biết.

Do đó, lĩnh vực mầm non tư thục tại Việt Nam chưa xuất hiện các chuỗi đủ lớn và hấp dẫn với các nhà đầu tư . Không có số liệu về mức đầu tư riêng cho mảng mầm non, nhưng theo thống kê của tổ chức tư vấn Parthenon, ước tính tổng giá trị đầu tư các thương vụ đầu tư giáo dục lớn nhất ở Việt Nam trong 5 năm (từ 2013-2017) là từ 0,5 đến 1 tỉ đô la Mỹ. Và trong danh sách trường đã có đầu tư như VAS, Yola, VUS, BIS, VIS, AIS, ACG International School, ISHCMC – American Academy, ILA, Wellspring, AMA, có thể nhận thấy không có hệ thống trường mầm non độc lập nào.  Trên thị trường hiện nay, các trường mầm non có quy mô về cơ sở hay số lượng học sinh chủ yếu được mở đảm bảo nguồn đầu vào cho cấp tiểu học của hệ thống, hoặc là một sản phẩm hỗ trợ bán hàng bất động sản.

****

Tại châu Á, Việt Nam và Malaysia là thị trường đang nổi về đầu tư giáo dục, trong đó tiếng Anh, song ngữ, và ngoại khóa được xem là những lãnh địa các nhà đầu tư tìm kiếm. Phương cho biết có hai hình mẫu nhà đầu tư. Thứ nhất là từ các tập đoàn bất động sản đang tìm kiếm tiện ích bổ sung cho sản phẩm của họ. Họ hỗ trợ chủ trường về địa điểm, nhưng không hỗ trợ được về chuyên môn. Thứ hai là các tổ chức giáo dục hay các quỹ quốc tế có kinh nghiệm hoạt động. Trong khi các chủ trường Việt Nam sẽ nhận được hỗ trợ chuyên môn, thì họ rất khó đáp ứng cam kết về tài chính với nhà đầu tư. Dòng tiền trong mảng mầm non nếu quy ra ngoại tệ sẽ rất nhỏ. “Các nhà đầu tư nhận thấy họ chỉ nhận được tiền cắc nếu quy mô nhỏ, còn nếu phát triển thành chuỗi thì cần có quy mô rất lớn, giáo viên rất nhiều, trong khi không có giáo viên.”

Phương đang tìm kiếm đối tác là các nhà đầu tư muốn mở trường để cấp quyền sử dụng chương trình đào tạo mà cô dày công phát triển, và chuẩn bị mở tiếp một cơ sở ở quận 3, TP.HCM. Cô dự định nơi đây sẽ là không gian cho cả gia đình, nơi ba mẹ có thể thưởng thức một tách cà phê và hò hẹn bạn bè trong lúc con mình tham gia hoạt động học tập. Còn Thời đặt mục tiêu năm 2020 sẽ mở rộng quy mô hệ thống lên 15 trường ở cả nước, trong đó có cả những vùng xa chứ không chỉ ở các thành phố lớn.

Bài viết đăng trên Forbes Vietnam số 65, tháng 9.2018. Tác giả: Khổng Loan

Comments