Chống tin giả trên mạng – Mỗi người có thể làm gì?

Bây giờ chúng ta đều đã hoàn hồn sau tin tức về việc một sản phụ tự sinh con ở nhà theo phương pháp thuận tự nhiên và khiến mất mạng cả mẹ và con. Tin tức khủng khiếp thế mà không có nguồn đáng tin cậy xác nhận là vụ việc xảy ra ở đâu, ai, tên gì…mà sau 2 ngày viral khắp mạng xã hội, thậm chí tên của người được xem là chủ trương ủng hộ lối sống thuận tự nhiên cũng bị đưa ra mổ xẻ, đến mức tưởng chừng như bị tấn công tới nơi.

May mà vụ việc không để  lại hậu quả nghiêm trọng, vì người thuận theo  lối sống tự nhiên không ở Việt Nam. Những người chia sẻ, bình luận về sự việc cứ như chuyện này có thật rồi cũng bị cuốn đi với cuộc sống bộn bề. Xã hội mất đi những thời gian quý báu mà đáng lý có thể dùng vào những việc tạo ra những giá trị tốt hơn là bị lôi kéo theo tin vịt rồi cuống cả lên. Báo chí cũng ào ào viết về người phụ nữ kia với ám chỉ chị ta chính là thủ phạm. Tất cả chỉ là một cái nguồn hình ảnh trên Facebook là đoạn chat giữa hai người. Bây giờ mọi việc đã chìm xuống.

Đây là một điển hình đơn giản và gần đây nhất của tin giả. Thực tế là chúng ta ai cũng là nạn nhân và thủ phạm của tin giả. 23% người trưởng thành ở Mỹ đã vô tình hoặc hữu ý share tin giả trên mạng. Vậy làm thế nào để biết đâu là tin giả và làm thế nào để chống tin giả.

Theo trang FactCheck.org (trang này thật, không phải giả), đã đưa ra một vài cách để phát hiện tin giả (ngày một tinh vi giả mà như thật) như sau:

Suy xét về nguồn tin: Trang web đang tin này có đáng tin cậy không? Tổ chức, cá nhân đưa tin là ai? Có phải là những cá nhân hay tổ chức mà bạn tin rằng đàng hoàng không, hay là một cái nickname ở đâu đó, không có lịch sử danh tính, không có địa chỉ, trôi nổi không rõ nguồn gốc?

Đọc cả bài chứ đừng chỉ đọc tiêu đề. Tiêu đề nhiều khi được hoắng lên chỉ vì một mục đích là làm cho bạn đọc sôi máu (tràn đầy cảm xúc) rồi share ngay lập tức. Thế là bạn đọc đã dính bẫy.

Kiểm tra tác giả tin tức đó cho thật kỹ càng. Truy xuất nguồn gốc. Nguồn tin có xác đáng không, có đủ thẩm quyền không, có liên quan không.

Kiểm tra thời gian. Có những tin tức không phải là tin giả, nhưng đã xảy ra từ rất lâu rồi, và được ai đó sử dụng vì mục đích bóp méo hay thao túng gì đó.

Suy nghĩ kỹ về bản thân mình. Phê và tự phê. Điều này hơi khó, nhưng thường nếu ta có thiên kiến về cái gì thì có xu hướng tin ngay thông tin khẳng định niềm tin của mình. Ai xấu thì đúng là xấu thật, vì có cái tít và bài khẳng định là họ xấu.

Hỏi xung quanh, hỏi chuyên gia, hỏi người hiểu chuyện. Với tin tức quốc tế, FactCheck.org, Snopes.com, the Washington PostFact Checker and PolitiFact.com. Ở VN chưa có nơi nào làm các mô hình dạng đâu là tin thật đâu là tin giả, trên Tuổi Trẻ Online có mục Thật Giả, nhưng về cơ bản là một mục tin tức như bình thường nên không tính.

FactCheck.org là một trong các mạng lưới của những cá nhân làm công việc “kiểm chứng thông tin” đã ký thư ngỏ yêu cầu facebook phải bắt đầu thảo luận về các nguyên tắc nhằm tạo ra hệ sinh thái tin tức chính xác hơn trên News Feed của mình.

Vậy chống tin giả là trách nhiệm của ai?

Của rất nhiều tổ chức và cá nhân. Trong đó bao gồm các trang mạng xã hội lớn nhất thế giới như Facebook, của các tổ chức báo chí (vì nếu không đem lại được tin tức chính xác thì báo chí tồn tại làm gì), và của cả mỗi cá nhân chúng ta. Nếu chúng ta cứ gào lên đòi chống tin giả, nhưng lại sẵn sàng share những tin tức không kiểm chứng từ một nguồn giời ơi đất hỡi nào đấy, thì có khác nào đút lót cho cảnh sát mỗi khi vi phạm luật giao thông xong cứ gào lên là tham nhũng nhiều quá và xã hội suy đồi.

Mình nghĩ mỗi cá nhân có thể làm được những việc sau:

  • Không share tin tức từ những trang không đáng tin cậy. Thế nào là đáng tin cậy thì mỗi cá nhân phải tự định vị được những giá trị của mình để biết cái trang nào là đáng tin và không đáng tin.
  • Trả tiền cho những tổ chức tin tức đáng tin cậy. Mình làm báo mà vẫn trả tiền mua báo để đọc những thứ đàng hoàng, sâu sắc, tử tế. Bạn đừng nói là không có cái gì như thế. Nếu bạn muốn thì vẫn tìm ra những thứ đó ở báo chí Việt Nam. Tất nhiên mọi việc không thể hoàn hảo, nhưng trong cơn sóng thần này, nếu bạn không ủng hộ những gì tử tế còn sót lại thì đừng hỏi tại sao quanh mình toàn nước lũ. Không có gì là miễn phí. Những tờ báo hay nguồn tin tử tế đàng hoàng khó sống được nếu ta cứ đòi được dùng miễn phí. Hãy ủng hộ họ bằng cách trả tiền cho dịch vụ mà mình sử dụng. Mình trả tiền đọc báo trên Magzter (rất rất nhiều các thể loại), National Geographic, đặt mua Tuổi Trẻ Cuối Tuần, Thời báo Kinh tế Sài Gòn, và Forbes, Forbes Vietnam, tất nhiên.
  • Suy nghĩ kỹ trước khi share. Bản chất của tin giả là khiến người đọc “lên máu”. Hãy bình tâm suy nghĩ trước khi share. Mạng xã hội với những thuật toán sẽ khiến bạn dính nhiều tin giả hơn bằng cách giới thiệu bạn đến những trang nhảm nhí nhiều hơn một khi bạn hay click vào hay share tin từ trang đó, click là dính chấu. Thế nên cẩn thận.
  • Trong thời đại tin giả này, kiếm vài người bạn tin, kiếm vài tổ chức tin tức bạn tin.
  • Mỗi cá nhân hãy tự rèn rũa mình để trở thành những người đáng tin cậy.
  • Thấy ai đó share tin giả thì phải nói để họ biết.
  • Chia sẻ những tin tức đáng tin cậy.

Thực tế, để chống lại tin giả trên mạng là rất khó. Mô hình kinh doanh tin tức trên mạng dựa vào click và quảng cáo là một cuộc đua xuống đáy, và những loại trang web đăng tin fake hay câu view tồn tại tốt nhờ nó. Việc người sử dụng sẵn sàng trả tiền cho các loại tin chính xác mà cần cả tập thể để làm việc và bộ máy hùng hậu đằng sau cần có thời gian. Nhưng tư duy “trên Internet cái gì cũng có miễn phí” có thể khiến bạn mất tiền nhiều hơn một khoản tiền nhỏ để đặt báo dài hạn.

Đọc thêm:

  • Cách để phát hiện tin giả trên Facebook

Comments