Chuyện những nhà báo/những người làm trong ngành truyền thông bị lạm dụng tình dục không mới. Ở Việt Nam, phong trào #metoo gần đây trong cộng đồng những người làm báo diễn ra sau khi có cáo buộc bị lạm dụng tình dục của một nữ cộng tác viên với người lãnh đạo tại một cơ quan báo chí.
Việc nữ phóng viên bị lạm dụng tình dục là điều không mới. Nó bắt đầu tồn tại kể từ khi ngành này xuất hiện. Nhưng hơn lúc nào hết, với kết nối mạng lưới, thông tin, các kênh truyền thông rộng mở, chúng ta có cơ hội để nói chuyện này rõ ràng, chia sẻ kinh nghiệm, và quan trọng hơn cả là những bí quyết để tự vệ trong quá trình tác nghiệp.
Theo nghiên cứu của IWMF, thì 2/3 nữ phóng viên đã từng bị lạm dụng tình dục theo một cách nào đó. Ở đâu cũng có những con dê chạy lung tung không bị đeo xích vào cổ và chưa bị quay chín. Ở một đất nước mà vẫn còn câu nói “làm hoa cho người ta hái, làm gái cho người ta trêu” thì trước khi chờ ai đến cứu mình, phụ nữ phải tự cứu mình.
Cá nhân tôi cũng không ngoại lệ: Tôi đã từng chịu những lời lẽ và hành vi khiếm nhã, nhưng rất may mắn là đủ tỉnh táo và hiểu biết để không để mình trở thành nạn nhân trong thời gian dài. Chuyện ngồi ở những bàn tiệc mà phải nghe những chuyện cười bẩn là thường xuyên. Và khủng khiếp hơn cả là một cuộc huấn luyện của cả một tòa soạn mà người ngồi nghe phải chịu đựng những chuyện cười thô tục liên quan tới giường chiếu từ diễn giả. Đến giờ vẫn còn là ác mộng và câu hỏi lớn là tại sao người ta vẫn ngồi nghe mà không đứng lên rời khỏi chỗ đấy. Continue reading