Cuộc trường chinh gian khó của Uber

Lần đây nhất bạn gọi Uber là khi nào? Có phải vì giá cước rẻ hơn nhờ khuyến mãi, hay vì xe tốt hơn, đẹp hơn, tài xế an toàn hơn và có vẻ tiện lợi hơn? Mỗi người đều có lý do của mình, nhưng có lẽ lý do rẻ hơn nhờ khuyến mãi sẽ chiếm không ít. 

Đó là sự thật. Không có hãng vận tải nào có mặt sẵn trên thị trường đủ khả năng khuyến mãi tràn lan để chiếm lĩnh thị trường như Uber hay Grab, nơi có sự hậu thuẫn của những quỹ đầu tư hàng đầu thế giới, với mục tiêu là đánh gục tất cả các đối thủ, chiếm lĩnh thị trường, làm chủ cuộc chơi.

Nghe rất quen quen. ^^

Bởi vậy, Mai Linh hay Vinasun chỉ có từ chết tới bị thương nặng. Trong bài viết có tiêu đề Vì sao Uber không thể có lãi, tác giả khẳng định câu chuyện khởi nghiệp của Uber trong 7 năm qua là “kinh hoàng”, vô tiền khoáng hậu. Chưa có doanh nghiệp nào gọi vốn nhiều hơn, tăng trưởng nhanh, hoạt động toàn cầu, được định giá khủng khiếp như Uber, và cũng lỗ nhiều như Uber.

Quý ba năm 2017 Uber lỗ  1,5 tỉ $, tổng lỗ cả năm 2017 là 3,2 tỉ $. Với mức lỗ kinh hãi này thì doanh nghiệp rõ ràng không bền vững, để tồn tại, chưa tính tới lợi nhuận lớn.

Liệu có turn-around?

Bỏ qua những bê bối về văn hóa doanh nghiệp khiến nhà sáng lập Travis Kalanick phải từ chức CEO. Có lẽ văn hóa khởi nghiệp kiểu nó thế, dần dần chúng ta phải làm quen và chấp nhận kiểu đó. 

“Con voi trong phòng” của Uber là mô hình kinh doanh này về cơ bản là đã tan vỡ.

Trước hết hãy hiểu về lịch sử của ngành taxi. Một ngành chịu tác động của nhiều quy định, quy tắc, ít cải tiến, khiến giá thành cao, bất tiện. Uber, với các công nghệ hiện có như GPS, Google Maps và mobile computing và một ứng dụng được thiết kế tốt đã cải thiện chất lượng dịch vụ, giá rẻ hơn 30%. Tất nhiên là người dùng từ thích tới yêu.

Uber đứng giữa, vừa phải mời tài xế, vừa phải mời người đi xe. Với tài xế, Uber hứa thu nhập cao và giờ làm việc linh hoạt. Người đi xe trả tiền ít hơn taxi truyền thống, xe nhiều, có vẻ an toàn hơn. Các nhà đầu tư mạo hiểm quá hào hứng, Uber gọi được mức vốn kỷ lục 11,5 tỉ $ trong 18 vòng gọi vốn, và công ty được định giá 68 tỉ $. Số tiền ngộp thở này giúp Uber ra mắt dịch vụ  tại 737 thành phố ở 84 nước.

Nghe rất hay, trừ một chuyện.

Ngành taxi mà Uber muốn thay đổi đã không thể có lời nếu ngành này được phép mở rộng trong các thị trường không chịu nhiều ràng buộc về luật pháp, rào cản gia nhập thị trường thấp, chi phí không cố định cao, khả năng quy mô hóa thấp và cạnh tranh dữ dội về giá. Và mô hình kinh doanh hiện nay của Uber, hóa ra, không có nhiều khác biệt vơi snhững tính chất cơ bản này của ngành taxi là mấy, như trên.

Nếu không chịu quy định về số lượng, việc mở rộng nguồn cung taxi hiến giá giảm, các hãng xe và tài xế cạnh tranh nhau về giá để hút khách. Thu nhập của tài xế và các công ty taxi giảm, chất lượng tài xế, xe, an toàn của hành khách giảm, và gây ra tắc nghẽn trong thành phố. Nghe quen không? Giống taxi truyền thống nếu được mở rộng thoải mái.

Ai ủng hộ Uber sẽ có rất nhiều điều tốt để nói, như tính tiên phong, mạng lưới mạnh, mô hình kinh doanh tài sản gọn nhẹ, tăng trưởng doanh thu, cơ hội mở rộng kinh doanh. Nhưng mô hình kinh doanh này về cơ bản có nhiều điểm yếu. Mạng lưới của Uber lại cơ bản là local, vì nhiều thị trường lớn Uber đã không thể chiếm lĩnh, như TQ, Ấn Độ, ĐNA, Brazil. Và các chất lượng dịch vụ đến một lúc nào đó bão hòa (tốt là đương nhiên), thì người tiêu dùng chọn người nào giá rẻ. Bạn có mấy cái app một lúc trên xe và khi đặt xe thì chọn cái nào rẻ nhất. Nghe quen không? ^^

Nhờ Uber mình đã chuyển cơn đau đầu về ô nhiễm, tắc nghẽn, tiếng ồn tạm thời sang người khác. Nhưng với mức giá cho 1 cuốc xe giao hàng (nhiều chuyến) chỉ có 15 ngàn đồng (không có khuyến mãi gì), trong đó giá đã rẻ hơn bình thường 30%, Uber lấy 25%, còn tiền xăng xe, khấu hao các loại, tổn hại sức khỏe, thì khó mà nói được là các tài xế vui vẻ; vì họ phải chịu trách nhiệm lao động cật lực, cung cấp thiết bị, bảo dưỡng, tự bảo hiểm, xăng xe…cho khách. Hay hôm qua mình đi từ Pasteur về Nguyễn Thị Minh Khai, rất lâu và rất ngoằn nghèo, giá cước 26 ngàn đồng chưa khuyến mãi.

Sự xung đột giữa chủ xe và Uber hay Grab gần đây ở Việt Nam là điều đương nhiên sẽ xảy ra vì một bên (Uber và Grab) muốn giảm giá, một bên muốn tăng giá và giảm mức phí (tài xế). Một bên muốn có doanh thu thật nhiều (tài xế), một bên muốn có thật nhiều tài xế (Uber và Grab), nên đương nhiên doanh thu của tài xế sẽ giảm, trừ phi họ scale up lên cực lớn. Nhưng thực tế là đã có những nhóm chủ xe hợp thành với nhau, dùng công nghệ để hoạt động, và sẵn sàng lấy mức giá giống Uber và trừ đi 25% tiền phí phải trả cho Uber, họ còn khuyến mãi đi 5 chuyến tặng 1 chuyến. Họ sẽ sớm học được nhiều về dịch vụ và sẽ cạnh tranh lại, đừng đùa. ^^

Chưa có hãng cung cấp dịch vụ chia sẻ xe nào có lời hết, mà đều đang rất lỗ, như Lyft (Mỹ), Ola (Ấn Độ), 99 (Brazil), và Didi Chuxing (TQ). Với Didi, sau khi mua Uber ở TQ, thị phần quá hoành tráng, thì vẫn tiếp tục lỗ và tiếp tục gọi vốn, trong khi các đối thủ nhiều tiền khác như UCAR, Meituan đang đẩy mạnh cuộc chiến cạnh tranh về giá.

Cuộc chinh phục thị trường toàn cầu của Uber sẽ còn rất dài và gian nan. Nói chung, đừng tưởng sẽ rẻ mãi.

Comments