©Forbes Việt Nam số 24. Năm 2015.
Tham dự chương trình huấn luyện tập trung dành cho chín nhóm có ý tưởng khởi nghiệp tốt nhất tại Hà Nội, Phạm Kim Hùng, sáng lập và CEO của công ty cổ phần TechElite chỉ dám hi vọng sẽ có thêm những cơ hội kết nối về nghề nghiệp. Chương trình nằm trong đề án “Thương mại hóa công nghệ theo mô hình thung lũng Silicon” (Vietnam Silicon Valley – VSV) nhằm ươm mầm những doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ và tạo ra hệ sinh thái khởi nghiệp, nhưng việc hầu hết những người điều hành và cả những cố vấn chương trình là chuyên gia về tài chính và ngân hàng khiến cho Hùng cảm thấy e dè.
“Các nhà sáng lập thường kỳ vọng rằng một người từng có kinh nghiệm điều hành các công ty khởi nghiệp sẽ giúp họ được nhiều hơn,” Hùng cho biết.
Sau buổi thuyết trình vào tháng 11.2014, công ty của Hùng được các nhà đầu tư định giá gần hai triệu đô la Mỹ, và có thêm khoản đầu tư mới, ngoài mức đầu tư vòng đầu tương tự như tám nhóm khác (10 ngàn đô la Mỹ). 3/9 công ty được định giá trên một triệu đô la Mỹ. Nhiều nhà đầu tư tiềm năng ở trong và ngoài nước đã đến để chia sẻ, tư vấn các nhà sáng lập trong quá trình hình thành và phát triển sản phẩm. “Với TechElite, việc VSV có các cố vấn là những chuyên gia về tài chính và ngân hàng trên thực tế lại tốt hơn hẳn vì họ là những người giỏi nhất về điều hành và quản trị doanh nghiệp,” Hùng nói. “Các công ty khởi nghiệp ở Việt Nam cần hơn những người giữ họ trên mặt đất thay vì theo đuổi các ý tưởng viển vông.”
Trong khi có ý kiến cho rằng thị trường Việt Nam với dân số trẻ đang nhanh chóng tiếp cận công nghệ di động đang tạo ra nhiều cơ hội để các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ khai thác, thì các điển hình thành công nội địa trong lĩnh vực này đang rất hiếm hoi. Các vườn ươm (incubator) và mô hình thúc đẩy kinh doanh (business accelerator – BA) được xem là giúp tạo những nấc thang ban đầu, ươm mầm doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ còn non trẻ ở Việt Nam.
Theo chỉ số Sức hấp dẫn trong lĩnh vực đầu tư vốn mạo hiểm và vốn tư nhân năm 2014 của trường Kinh doanh IESE thuộc ĐH Navarra (Tây Ban Nha), Việt Nam ở vị trí 68/118 nước xếp hạng, thấp hơn nhiều so với vị trí của các quốc gia trong khu vực (xem trang 114). “Thực tế này phản ánh việc các nhà đầu tư mạo hiểm đang dần cảm thấy cơ hội đầu tư ở các nước khác hấp dẫn hơn cơ hội ở Việt Nam,” ông Phạm Hồng Quất, cục trưởng cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp khoa học công nghệ, thuộc bộ Khoa học – Công nghệ (KH-CN) nhận định với Forbes Việt Nam.
VSV là đề án đầu tiên của nhà nước tập trung hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ của Việt Nam, với kinh phí phê duyệt 60 tỉ đồng do bộ KH-CN cấp hoạt động trong 5 năm (2013-2018). Cùng với VSV, các incubator tư nhân, BA và quỹ mạo hiểm khác như viện Khởi nghiệp Topica, 5Desire, IDT, BTIC, HubIT, vườm ươm thuộc FPT, Vatgia, IDG Ventures, CyberAgent… được kỳ vọng sẽ tạo ra những VNG tiếp theo.
Bà Thạch Lê Anh, giám đốc điều hành VSV, cho biết đề án đặt mục tiêu tạo ra môi trường sinh thái bền vững với ba trụ cột gồm hỗ trợ phát triển ý tưởng khởi nghiệp, xây dựng hệ thống BA và thu hút nguồn đầu tư từ xã hội thông qua xây dựng hệ thống đầu tư mạo hiểm. Số tiền cho các vòng đầu đầu tư vào các doanh nghiệp được chương trình ươm mầm không phải tiền của nhà nước, mà từ các cá nhân, tổ chức bên ngoài. Họ có thể là các cố vấn chương trình hoặc bất kỳ ai cảm thấy lạc quan về kế hoạch kinh doanh và sản phẩm của các nhà sáng lập trong chương trình.
VSV lấy cảm hứng từ Y Combinator, mô hình hỗ trợ ban đầu các doanh nghiệp khởi nghiệp xuất hiện ở Mỹ năm 2005 và quỹ JFDI ở Singapore từ 2010. Bà Lê Anh, một người làm việc 20 năm trong lĩnh vực tư vấn đầu tư, và đưa ra ý tưởng này năm 2012 khi nhìn dưới góc độ nhà đầu tư. Khác với nhiều người, bà cho rằng ở Việt Nam không thiếu vốn và các ngân hàng, nhà đầu tư cũng có nhu cầu tìm dự án tốt. Khi tham gia VSV, nhà cố vấn làm việc miễn phí, và họ có thể đầu tư vòng đầu cho các doanh nghiệp được vào vòng trong thuyết trình (thường là 10 ngàn đô la Mỹ) và đổi bằng cổ phần trong công ty họ đầu tư (thường là khoảng 10%).
“Số tiền không nhiều nhưng rất quan trọng, là kinh phí để các nhà sáng lập không phải lo lắng về cuộc sống hằng ngày trong vòng 4 tháng mà tập trung vào mục tiêu phát triển sản phẩm,” bà Lê Anh nói. Ở Singapore, con số đầu tư vòng này thường là 20-25 ngàn đô la Singapore, còn Mỹ là 18-20 ngàn đô la Mỹ.
Hoạt động ươm tạo trong lĩnh vực ICT bên trong các tổ chức, cơ quan nhà nước có thể kể đến như BKHoldings, ĐH Bách khoa Hà Nội, cơ sở ươm tạo thuộc ĐH Bách khoa TP.HCM, Vườn ươm doanh nghiệp – khu Công nghệ cao TP.HCM. Tuy nhiên, VSV có tham vọng mang mô hình thúc đẩy kinh doanh từ thung lũng Silicon vào Việt Nam, tức là ngoài cung cấp cố vấn chuyên môn miễn phí, có không gian làm việc chung, VSV còn kết nối các nhà đầu tư tiềm năng với các công ty.
BA là mô hình tương đối mới trên thế giới và chỉ thực sự phát triển mạnh sau thành công của Y Combinator (theo nhà đồng sáng lập Paul Graham, thị giá trung bình của các công ty có sự hỗ trợ của Y Combinator là 45,2 triệu đô la Mỹ). Đây là mô hình nhiều rủi ro khi nhà đầu tư tham gia đầu tư trong giai đoạn rất sơ khai, thậm chí ngay cả khi sản phẩm còn chưa định hình. Họ hầu như chỉ có một yếu tố nổi bật đánh giá tiềm năng công ty là đội ngũ sáng lập. “Tôi cho rằng VSV là một trong số ít các tổ chức ở Việt Nam thực sự mang đến các khoản đầu tư tài chính và làm việc với các doanh nghiệp khởi nghiệp rất nghiêm túc,” Hùng nhận định.
Khác với cách làm của VSV, viện Khởi nghiệp Topica (TFI) có trụ sở tại Hà Nội hoạt động từ năm 2011, là nơi đào tạo khởi nghiệp có thu phí các học viên. Khóa BA đầu tiên diễn ra vào tháng 10.2011. TFI là chi nhánh của viện Khởi nghiệp (FI) do Adeo Ressi sáng lập năm 2009 ở Palo Alto, nơi đến nay có chi nhánh hoạt động ở hơn 92 thành phố, trải khắp các lục địa với mục tiêu “toàn cầu hóa mô hình thung lũng Silicon.” Các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ do ba lứa học viên từ các chương trình của TFI đang là những thành viên của thế hệ khởi nghiệp thứ 2,3 ở Việt Nam và gọi được vốn đầu tư để mở rộng như Appota, HSP Yton, S3…7 trong 28 thương vụ đầu tư trong lĩnh vực mobile, web và ICT nói chung năm 2014 là vào các doanh nghiệp tốt nghiệp chương trình ươm tạo khởi nghiệp TFI. Học viên 3 khóa TFI đã nhận đầu tư tổng cộng gần 10 triệu USD tính đến nay.
Trần Mạnh Công, giám đốc TFI cho biết trong khi các công ty khởi nghiệp ở Việt Nam đang được nhiều quỹ đầu tư Singapore, Nhật, Mỹ quan tâm nhưng các quỹ này thường rót vốn vào những sản phẩm đã có thành tựu, dẫn đầu phân khúc thị trường của mình. “Các công ty khởi nghiệp non trẻ gặp nhiều khó khăn về vốn đầu tư trong giai đoạn xây dựng, ra mắt sản phẩm, tiếp thị, chiếm lĩnh thị trường,” Công cho biết. Việc có thêm các chương trình ươm tạo, quỹ ươm mầm và các nhà đầu tư cá nhân tham gia vào giai đoạn đầu của các doanh nghiệp khởi nghiệp là bệ phóng giúp sản phẩm sang giai đoạn tăng trưởng và phát triển trên quy mô lớn. “Nếu các bước tới VC và rồi IPO mà không có bậc thang dưới như vườn ươm hay BA, thì các công ty khó mà sống sót, chỉ 1-1,5 năm là chết rồi,” Nguyễn Đức Hải, người từng tham gia chương trình nhiều chương trình vườn ươm để chuẩn bị cho sản phẩm công nghệ tài chính của mình, nói.
Theo con số không chính thức, ở Việt Nam có khoảng 50 vườn ươm của cả tư nhân và nhà nước, nhưng vườn ươm dành cho lĩnh vực công nghệ trên nền tảng mobile và web rất ít. “Điều đó cũng phù hợp với thị trường còn rất sơ khai như Việt Nam,” Phạm Lê Nguyên, đồng sáng lập 5Desire, một vườn ươm và quỹ đầu tư vòng đầu có trụ sở ở Hà Nội, nhận định. Trong khi cho rằng sự hoạt động của các vườn ươm và BA, nếu tốt, “cũng chỉ là giải quyết phần ngọn trong số các vấn đề mà hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam đang vướng phải,” Nguyên nói một điều thiếu và mang tính nền tảng khiến cộng đồng khởi nghiệp của Việt Nam chưa bứt phá là môi trường pháp lý dành cho nhà đầu tư nước ngoài. Thủ tục, chi phí quá rườm rà khiến các nhà đầu tư vòng đầu từ nước ngoài e dè khi tham gia thị trường, và các doanh nghiệp phải phụ thuộc vào nguồn vốn không lớn trong nước. “Khi thiếu nhà đầu tư như vậy, các công ty khởi nghiệp không dám thử và cũng không đủ tiền để phát triển,” Nguyên cho biết.
“Do vậy, khả năng gọi được các vòng đầu tư tiếp theo là rất khó khăn. Nút thắt thủ tục khiến doanh nghiệp khởi nghiệp không có cơ hội phát triển và cũng không có tương lai.”
Trong khi các doanh nghiệp khởi nghiệp toàn cầu thế hệ mới đang ồ ạt khai thác thị trường Việt Nam như Uber, Viber, Line, hay GrabTaxi, hệ thống pháp luật Việt Nam chưa có những định nghĩa về “khởi nghiệp”, “quỹ đầu tư mạo hiểm” hay “thoái vốn.” Theo ông Phạm Hồng Quất, dù đã có một số quy định liên quan tới những khái niệm trên trong các luật Doanh nghiệp, luật Khoa học và công nghệ, Luật công nghệ cao hay luật Đầu tư, nhưng các quy định này chưa tập trung, chưa sâu và cụ thể để có thể thực sự phát triển hoạt động khởi nghiệp, đặc biệt là khởi nghiệp khoa học và công nghệ ở Việt Nam.
Sau hơn một năm hoạt động chủ yếu ở Hà Nội, năm 2015, VSV bắt đầu mở rộng ở TP.HCM, tập trung vào phát triển lĩnh vực đầu tư mạo hiểm thông qua quỹ Khởi nghiệp. Con đường phía trước của Phạm Kim Hùng và TechElite – một công ty chuyên về mạng sự kiện này vẫn còn rất dài, và họ phải làm mọi thứ thật nhanh.
“Các công ty khởi nghiệp không có thời gian để chờ đợi bất cứ điều gì, và dù có hay không có những tổ chức như VSV, bạn vẫn phải tự vẽ đường cho mình mà đi,” Hùng, người từng gọi vốn trước đó và nhiều gặp gỡ nhiều quỹ đầu tư trong và ngoài nước, cho biết.
LUẬT RIÊNG CHO KHỞI NGHIỆP
“Rất cần thiết có một văn bản pháp luật xây dựng những nội dung riêng dành cho việc hỗ trợ khởi nghiệp và xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam. Hiện tại bộ Kế hoạch và Đầu tư đang chủ trì xây dựng dự thảo Luật doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó sẽ có một cấu phần nói về vấn đề này” —ông Phạm Hồng Quất, cục trưởng cục Phát triển Thị trường và doanh nghiệp KHCN)
©Forbes Việt Nam số 24. Năm 2015.
Tác giả: Khổng Loan