Truyền thông xã hội và báo chí (Phần 2)

Công chúng luôn cần một nền báo chí thực sự có chất lượng, tức mang đến cho họ thông tin chính xác, khách quan, cân bằng, giúp họ có kiến thức, đủ thông tin để từ đó đưa ra những quyết định đúng đắn, có lợi cho bản thân mình và xã hội. Mạng xã hội đang đem lại nhiều cơ hội và nhiều thách thức lớn cho những người làm báo. Cơ hội là nó góp phần quảng bá báo chí; thách thức là nó yêu cầu báo chí phải khác biệt / tốt hơn về chất lượng, đồng thời cũng đòi hỏi báo chí phải linh hoạt để sử dụng nhuần nhuyễn các công cụ truyền tải thông tin của thời đại mới.

Một cách làm sai của báo chí khi đăng tải thông tin, lấy nguồn tin từ Facebook nhưng không qua kiểm chứng, xác minh.
Một cách làm sai của báo chí khi đăng tải thông tin, lấy nguồn tin từ Facebook nhưng không qua kiểm chứng, xác minh.

Nieman Reports (2009) nhận định truyền thông xã hội đang thay đổi nhanh chóng cách con người tiếp nhận và chia sẻ tin tức và thông tin. Báo chí đang thực sự phải tham gia vào cuộc đối thoại với tất cả các thành phần khác trong xã hội, thực hiện trách nhiệm giải trình, minh bạch hóa hoạt động thông qua các cơ chế bình luận, trao đổi, live chat trên mạng mà tòa soạn thực hiện với bạn đọc và những người quan tâm tới tác phẩm báo chí tòa soạn đăng tải. Những chuyện bếp núc của tòa soạn, của người viết bài cũng dần được công khai hóa. 

 Trong bối cảnh phương tiện để truyền tải thông tin đến công chúng đã và thay đổi nhanh chóng, có 1 vài kỹ năng mới và một số nguyên tắc gợi ý cần cập nhật để những người làm báo có thể theo kịp những thay đổi lớn này.

Giảng viên Sue Greenwood tại ĐH Staffordshire (Anh), chuyên giảng dạy về báo chí theo mô hình cộng tác viên (entrepreneurial journalism) và mô hình web, nhận định các nhà báo “đừng tưởng cứ thường xuyên sử dụng Facebook, update các status trên Facebook, hay Twitter, hay vào LinkedIn là bạn đã “rành rẽ về truyền thông xã hội.”

Bà nhận định trong tòa soạn, truyền thông xã hội không chỉ dùng để kết bạn, theo dõi, hay chia sẻ, mà còn nhiều chức năng khác:

 Thu thập thông tin: Với vai trò như một trợ lý, truyền thông xã hội giúp những người làm báo tìm kiếm nguồn tin, tìm đầu mối liên lạc để phỏng vấn, để xác minh thông tin, để tìm hiểu về các đối tượng mà ta muốn biết.

Có lẽ bạn đã nhiều lần làm giống tôi, là google tên của người, công ty hay tổ chức cần tìm hiểu, rồi vào website của họ, theo đường dẫn từ đó vào các mạng xã hội mà họ sử dụng như Facebook, Twitter, LinkedIn để xem các chi tiết, từ gia đình, công việc, quan điểm sống, thái độ trước những sự việc trong xã hội, những mối quan hệ trong xã hội…để có thể suy nghĩ về hướng tiếp cận của mình khi gặp họ, trao đổi với họ nhằm lấy thông tin cho bài viết.

 Truyền thông xã hội có thể được sử dụng để xác minh, bổ sung thêm tính chính xác, đa chiều và hiểu rộng hơn về nhân vật, vấn đề. Nó giúp cho quá trình thu thập thông tin và nghiên cứu của phóng viên được thuận lợi hơn, tốn thời gian hơn nhưng đảm bảo được tốt hơn sự chính xác – yếu tố quan trọng hàng đầu của báo chí. Các kết quả tìm kiếm được Google trả về, trong nhiều trường hợp, không giúp những nhà báo có bức tranh tương đối toàn cảnh về nhân vật, công ty hay tổ chức mình đang tìm hiểu khi cho ra những kết quả riêng lẻ và cần có thời gian kết nối những yếu tố lại với nhau.

Ở Việt Nam, đó có thể là 1 doanh nhân, 1 doanh nghiệp, hay một tổ chức xã hội. Ở các nước phát triển, đó có thể là cơ quan nhà nước, văn phòng, bộ phận phụ trách báo chí của chính trị gia.

Một bài báo được người phụ trách tòa soạn đưa lên mạng xã hội và nhận được nhiều sự quan tâm của độc giả.
Một bài báo được người phụ trách tòa soạn đưa lên mạng xã hội và nhận được nhiều sự quan tâm của độc giả.

Là cầu nối giữa độc giả-tòa soạn và các bên liên quan (stake-holders): Độc giả có thể đưa ra bình luận (ngay lập tức) về tác phẩm báo chí, chỉ cần họ online để đọc, xem, nghe và có phương tiện gửi bình luận về bài viết, sự kiện, các nhân vật liên quan trong tác phẩm báo chí. Các phản ứng giúp tòa soạn và tác giả có thể đánh giá phần nào sức hút của tác phẩm.

Trong một số trường hợp, những ý kiến đó còn có thể giúp mở rộng đề tài, góc nhìn, tạo thành những tuyến bài mới, sâu hơn nhất là khi có những bạn đọc chuyên môn gợi ý. Cầu nối này cũng buộc tòa soạn, phóng viên thực hiện trách nhiệm giải trình một khi đưa tin thiếu chính xác, không khách quan; và mở rộng cạnh cửa hơn để bạn đọc và các bên liên quan theo dõi được quá trình tạo ra tác phẩm báo chí. Mạng xã hội thực hiện chức năng giám sát với tòa soạn, với từng phóng viên, và cũng đòi hỏi tòa soạn dành thời gian, công sức, và chi phí không nhỏ để tạo dựng được mối quan hệ gần gũi, thân quen, và thấu hiểu giữa họ và độc giả, các bên liên quan.

Những người làm báo mong nhận được “sự thông thái từ đám đông,” khi có lượng người lớn với những nền tảng xã hội khác nhau có thể cùng đóng góp ý kiến vào những chủ đề mà họ quan tâm và có hiểu biết (nhưng tất nhiên không phải lúc nào cũng nhận được như vậy.

Nhưng cũng hơn bao giờ hết, chiếc cầu nối đó đang tạo ra những áp lực không nhỏ cho các nhà báo phải thực hiện được những tác phẩm báo chí thực sự có chất lượng để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của độc giả và xã hội. Việc tham gia vào cuộc đối thoại với bạn đọc sẽ giúp tòa soạn hiểu những bạn đọc mà tòa soạn đang hướng đến.

Một thắc mắc của bạn đọc và người biên tập lập tức xem xét lại nếu có sai sót.
Một thắc mắc của bạn đọc và người biên tập lập tức xem xét lại nếu có sai sót.

Xây dựng mạng lưới các nguồn tin và cộng tác viên: Đó có thể là các chuyên gia đầu ngành, những người ảnh hưởng trong xã hội, những gương mặt mới. Tuy nhiên, đó cũng có thể là 1 gương mặt mà trong tương lai bất ngờ có mặt ở đúng địa điểm đang có sự kiện quan trọng xảy ra. Những người làm báo không chỉ “kết bạn” (add friends) trên mạng xã hội, mà tìm cách tạo thành một cộng đồng thông tin. Các nhà báo có thể đặt câu hỏi để tìm kiếm nguồn tin, xác nhận thông tin, và có thể ngạc nhiên về sự sẵn sàng giúp đỡ của cộng đồng người quen của mình.

Tôi chắc là rất nhiều đồng nghiệp của mình đã phỏng vấn ngay bằng chat trên Facebook, hay hẹn phỏng vấn, tìm kiếm thông tin và xác minh thông tin một phần nhờ tài khoản Facebook hay Google Plus, Skype trước khi xác minh thông tin trực tiếp với đối tượng đang tìm hiểu.

Công cụ để quảng bá, tiếp thị: Những bài viết được chia sẻ bởi những tác giả, bạn đọc, tòa soạn; những sự kiện được thông báo rộng rãi…là một cách tốt để tòa soạn có thêm bạn đọc, tạo dựng và duy trì uy tín và truyền tải thông điệp một cách thống nhất, thể hiện tầm nhìn, mục tiêu rõ rệt của cơ quan truyền thông với bạn đọc, với các nhà quảng cáo.

Trang chủ Facebook của tạp chí Forbes Việt Nam dùng như cầu nối giữa độc giả-tòa soạn, và cũng là 1 công cụ tiếp thị hữu ích.
Trang chủ Facebook của tạp chí Forbes Việt Nam dùng như cầu nối giữa độc giả-tòa soạn, và cũng là 1 công cụ tiếp thị hữu ích.

 

Mạng Facebook của Thanh Niên có gần 160 ngàn người like tính tới ngày 19.10.2013
Mạng Facebook của Thanh Niên có gần 160 ngàn người like tính tới ngày 19.10.2013

 

Facebook của Tuổi Trẻ là một công cụ tiếp thị cho các chương trình branding.
Facebook của Tuổi Trẻ là một công cụ tiếp thị cho các chương trình branding.

 

Xây dựng và quản lý uy tín, danh tiếng: Alfred Hermida trong bài viết How to Teach Social Media in Journalism Schools (Dạy truyền thông xã hội trong các trường báo chí ra sao) cho rằng quản lý danh tiếng (uy tín) là một  yêu cầu đặt ra cần thiết khi người làm báo sử dụng mạng xã hội. Có hay không sự phân định giữa 1 cá nhân bình thường và 1 người thuộc 1 cơ quan báo chí khi sử dụng mạng xã hội? Cá nhân tôi cho rằng không. Những người làm báo mặc nhiên được cộng đồng cho rằng trên Facebook/Twitter/LinkedIn họ cũng là nhà báo. Cộng đồng của họ hi vọng nhận được những góc nhìn mới, cách chia sẻ thông tin hay, tin độc, tin nóng sốt và những tin hành lang vỉa hè đã được xác minh (chứ không chỉ những tin đồn chưa kiểm chứng, những nhận định thiên kiến). A

 Truyền thông xã hội không chỉ giúp người làm báo thể hiện mình, mà còn là nơi để cho các tổ chức báo chí – những chủ lao động tiềm năng – có thể đánh giá các nhà báo đó thông qua những gì họ đăng tải, chia sẻ, quan điểm họ thể hiện. Woody Lewis, nhà chiến lược mạng xã hội (woodylewis.com), chuyên tư vấn về chiến lược truyền thông xã hội cho các cơ quan báo chí nhận định: Giờ đây những người thuê nhân sự làm không chỉ nhìn vào CV hay  giấy giới thiệu nữa. Họ dễ dàng thấy  và hiểu quan điểm của mỗi cá nhân thông qua mạng xã hội (trước khi thuê nhân sự đó). Các nhà báo muốn thế hiện họ là những người như thế nào? Nghiêm túc, chuyên nghiệp, hiểu biết chuyên sâu về lĩnh vực hay như thế nào?

Tài khoản Twitter của báo Guardian (Anh)
Tài khoản Twitter của báo Guardian (Anh)

Cũng như các ngành nghề khác, trong báo chí, sự đáng tin cậy, uy tín, chuyên nghiệp có vai trò quan trọng. Trên mạng, uy tín của nhà báo có thể ảnh hưởng lớn tới uy tín của tòa soạn, tờ báo tương tự như khi ở ngoài đời thực. Các nhà báo có thể google để tìm hiểu những cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp khác, thì bạn đọc cũng có thể làm như vậy với các nhà báo. Các nhà báo có thể google tên mình để biết hình ảnh của mình trên mạng (online reputation).  90% các feed trên Facebook nói chung là về con cái. Các nhà báo muốn người khác thấy mình ra sao? Thú vị/Nhiều thông tin hay  Hài hước/Vui vẻ/Giải trí?

Tài khoản Facebook của một nhà báo được cập nhật thông tin về lĩnh vực ông theo dõi.
Tài khoản Facebook của một nhà báo được cập nhật thông tin về lĩnh vực ông theo dõi.

Trên truyền thông xã hội, cũng như ngoài đời thực, phóng viên là đại diện tổ chức mà họ đang làm việc chứ không chỉ là cá nhân họ. Woody Lewis tin là rất nhiều khi người ta kết bạn với phóng viên, hay follow họ trên mạng xã hội vì tín nhiệm cơ quan báo chí mà họ đang làm việc, chứ không hẳn là vì cá nhân phóng viên đó. Khi mỗi một status hay chia sẻ đều thể hiện quan điểm của người đăng tải cũng như đánh giá của họ với từng sự kiện, sự thận trọng không thừa. Khi phóng viên cảm thấy tự hào về tổ chức báo chí mà họ đang làm việc, về những gì mà họ viết, hay những giá trị nghề nghiệp họ đang theo đuổi có nhiều điểm chung với tổ chức họ làm việc, thì bản thân mỗi cá nhân có thể là những “đại sứ thương hiệu” cho mỗi tổ chức báo chí. Cá nhân nhà báo, cũng như cơ quan báo chí, khi sử dụng mạng xã hội cũng trở thành đối tượng bị công chúng đánh giá, theo dõi, giám sát.

Theo đánh giá của GS Jay Rosen, Khoa báo chí ĐH New York, truyền thông xã hội tạo ra nhiều cơ hội để các nhà báo thu hút và hấp dẫn người khác. Nhưng nếu nhà báo dùng không đúng cách thì đây cũng là cách rất dễ để làm mất uy tín, vì tự họ phải quản lý mọi nội dung mình xuất bản, chứ không qua quá trình kiểm định thông tin của ê-kip tòa soạn. Truyền thông xã hội vừa nguy hiểm, vừa là nguy cơ tới công việc nghề nghiệp báo chí nếu nhà báo không biết rõ mình đang làm gì.

Ông khuyến khích nhà báo nên chia sẻ những thông tin hay (không nhất thiết do họ viết) trên mạng xã hội; Tập trung vào làm những việc mình giỏi; Tránh tranh cãi trên mạng, nếu cần thì có thể tranh cãi trực tiếp (offline), hoặc qua email. Ông cho rằng sự tranh cãi công khai có thể ảnh hưởng tới tên tuổi, sự tín nhiệm của mỗi nhà báo. Nếu các nhà báo muốn ủng hộ hay khen một sản phẩm thương mại nào đó, thì họ nên biết chắc chắn là sản phẩm đó thực sự tốt và có chất lượng. “Đừng khen vì được trả tiền để khen.” GS Jey Rosen tin là bản thân mỗi nhà báo không giúp làm cho các nội dung trở nên được chia sẻ nhiều trên mạng (viral), mà chỉ có nội dung hay, khiến bạn đọc thích thú thì tự họ sẽ viral.

Đọc phần 1 ở đây. Phần 3 ở đây.

Comments

2 thoughts on “Truyền thông xã hội và báo chí (Phần 2)

Comments are closed.