Jeffrey P. Bezos, ông chủ mới của The Washington Post nói, đại khái, là ông ấy chẳng thể có giải pháp cho mọi vấn đề mà báo chí đang gặp phải (quá nhiều cho 1 con diều, mà quan trọng nhất là “tiền đâu, làm ra tiền bằng cách nào để có thể duy trì nội dung tốt cho tờ báo). Nhưng quan trọng, ông là người sẵn sàng thử nghiệm, đặt câu hỏi và thử nghiệm các giải pháp. Tỉ phú, cũng dễ thử nghiệm hơn người thường. Mục tiêu? Tìm lại thời hoàng kim cho The Post, và tất nhiên, kiếm lợi nhuận.
Sau khi chi 250 triệu đô la Mỹ để mua The Post, ông giải thích trước những câu hỏi théc méc, là làm sao ông lại đầu tư vào cái đang lỗ vốn, chả thấy sinh lợi, mô hình kinh doanh đang gặp quá nhiều khó khăn. Nhìn ở góc độ đầu tư, nhiều người cho rằng đó là số tiền rẻ khi mua tờ báo có một di sản lẫy lừng và vẫn còn uy tín như The Post. Nhưng mua nó về rồi ôm ấp nó, sống với di sản đấy, suốt ngày ca ngợi quá khứ đã hào hùng ra sao thì có mà…toi. Ngành báo chí muốn thấy một mô hình kinh doanh báo chí mới do Bezos tạo ra.
Bezos nói cách tiếp cận của ông với mô hình kinh doanh mới tại The Post sẽ tương tự như những gì đưa ông xây dựng thành công Amazon.com từ 1 công ty khởi nghiệp năm 1995 thành đế chế hùng mạnh đạt doanh thu 61 tỉ đô la Mỹ năm 2012.
Có 3 ý tưởng mà Bezos đã làm theo một cách kiên trì trong 18 năm qua, và đó cũng là lý do Amazon thành công.
– Hãy để khách hàng là ưu tiên. Put the customer first. Trọng tâm là khách hàng. Khách hàng phải hài lòng. Bezos thành công vì ông quan tâm tới khách hàng hơn là những giao dịch bình thường. Ông tạo ra trải nghiệm mới cho họ. Ví dụ với Amazon, những người đọc sách có thể có những gợi ý về những cuốn sách phù hợp với họ.
– Sáng tạo. Invent. Sáng kiến. Sáng chế. Làm cái mới. Thử nghiệm. Những mô hình báo chí mới đang cần thiết để thay thế những mô hình cũ. Tên tuổi Huffington Post và Bleacher Report phát triển càng mạnh thì thách thức với những tên tuổi cũ, có di sản càng lớn.
– Kiên trì. Be patient. Cứ bình tĩnh, từ từ rồi củ khoai sẽ nhừ.
Ông nói: “Nếu thay từ ‘khách hàng’ với từ ‘độc giả’ thì cách tiếp cận đó cũng có thể đem lại thành công cho The Post. Việc Bezos có thể thành công đến đâu với The Post cần có thời gian, nhưng ông cũng rất khiêm tốn khi nói rằng ông muốn bày tỏ quan điểm của mình khi thảo luận với các lãnh đạo của tờ báo (mà giờ đây là nhân viên của ông) về cách thay đổi tờ báo. Ít nhất, người ta cũng tin là một tỉ phú đỡ lưng thì về lâu dài, không phải lo lắng quá nhiều tới tài chính, và bộ phận tòa soạn và kinh doanh có thể thử nghiệm để tìm ra mô hình kinh doanh đem lại lợi nhuận trong ngành tin tức trong khi vẫn duy trì phong cách báo chí chuyên nghiệp.
Tờ The Post là một dự án đầu tư riêng của Bezos, không liên quan gì tới Amazon. Bezos sẽ vẫn giữ vai trò là chủ tịch và giám đốc điều hành của Amazon và tiếp tục sống tại Seattle, nơi có trụ sở Amazon.
Với tài sản 27,8 tỉ đô la Mỹ, 250 triệu đô la Mỹ là “muỗi” với Bezos. Tất nhiên, người ta hi vọng The Post không chỉ tồn tại được mà còn phát triển được, là một mô hình kinh doanh báo chí chuyên nghiệp và vẫn đem lại lợi nhuận tốt để các nơi khác học hửi. Sẽ phải mất nhiều năm.
Nhưng Bezos nghĩ gì về mô hình hiện nay của báo chí trong thời Internet? Cũng đáng để tham khảo lắm. Ông nói là mô hình hiện nay cực kỳ sai. The Post nổi tiếng vì các bài báo điều tra. Tờ báo đầu tư công sức tiền bạc mô hôi để tạo ra những tác phẩm báo chí xuất sắc. Thế rồi chỉ trong vòng vài phút, một đống các website khác tóm tắt lại, chôm lại, và dâng hiến miễn phí cho độc giả của riêng họ. Ông đặt câu hỏi: làm sao mà tồn tại trong môi trường như vậy? Nếu không thể tồn tại được thì khó mà đầu tư tiếp vào đó được. Ngay cả với paywall, trò chôm chỉa vẫn diễn ra và công sức của bao người biến mất.
(Chuyện này cũng diễn ra ở Việt Nam với rất nhiều cổng thông tin có 1 ít người chuyên đi chôm bài, cắt dán, vẽ vời thêm hươu thêm vượn, bịa đặt thêm để gây sốc câu view (tiếng Anh gọi là clickbait, mới học được từ này hi hi). Dù sao ở môi trường quốc tế thì không đến nỗi hươu vượn như vậy, nhưng cũng đủ khiến những người làm ăn tử tế chết toi. Thế đấy, người tử tế chết vì thằng gian trá).
Nhìn từ góc độ người đọc (khách hàng, thích ngon, bổ, rẻ) thì: “Sao lại phải trả tiền cho các tác phẩm báo chí tử tế mà ta có thể đọc miễn phí từ website khác?” Ờ, chúng ta, bạn đọc, quả là ích kỷ và … tham lam.
(Cá nhân tôi không đọc những trang cổng thông tin chuyên chôm chỉa bài vở của các báo).
Vợ của Bezos, MacKenzie, là nhà văn đã có tác phẩm xuất bản. Internet, Kindle đã khiến ông tin rằng thế giới xuất bản không nhất thiết phải in ra. Thế thì nó sẽ ra sao? Chúng ta có thể hi vọng vào bộ não của Bezos, người được sinh ra để tạo sự thay đổi cho loài người. Vì sao? Vì ông ấy tin rằng “một công ty không nên nghiện hư danh hào nhoáng, vì hư danh không thể lâu bền.” ” Cách duy nhất để ra khỏi chiếc hộp chật hẹp là sáng tạo con đường thoát ra”. “Nếu chỉ chăm chăm nhìn đối thủ cạnh tranh, bạn luôn phải đợi đến khi đối thủ làm gì đó. Còn nếu tập trung vào khách hàng, bạn sẽ là người đi tiên phong”. “Nếu không muốn bị chỉ trích, đừng làm cái gì mới”.
Và: “Có hai loại công ty, loại cố gắng thu càng nhiều phí càng tốt và loại thu càng ít càng hay. Chúng tôi sẽ là loại thứ hai”.
Những tờ báo có chất lượng gặp thất bại, thua lỗ trước hết vì mô hình kinh doanh tồi. Mô hình kinh doanh tồi là đe dọa lớn nhất với báo chí chất lượng. Kinh doanh báo chí kiểu kiểu như kinh doanh nhà hàng. Ai cũng có thể là khách hàng nên cũng có thể là chuyên gia nhận xét, phê bình, khen ngợi. Phê bình thì dễ hơn là thử nghiệm. Chỉ nghĩ tới Bezos sẽ thử nghiệm gì ở The Post cũng đã thấy “exciting” rồi!