Báo lá cải: Rẻ tiền nhưng đắt hàng

573338

Bị chỉ trích là giật gân, câu khách, rẻ tiền, thiếu thẩm mỹ… báo lá cải phương Tây vẫn “đủ máu” để sống “rất khỏe”. Đó chính là nhờ sự vận động không ngừng, coi Internet là đối tác thay vì đối thủ và đáp ứng thị hiếu của một bộ phận công chúng thích những gì dễ xem, dễ hiểu và hấp dẫn.

Báo lá cải xuất hiện và phát triển mạnh ở những thị trường báo chí phát triển mạnh theo xu hướng tự do coi tin tức như một loại hàng hóa giống bất kỳ loại hàng hóa nào khác, ví dụ như Anh, Mỹ hay Đức. Báo lá cải gồm red top (măngsét màu đỏ, như tờ The Sun (Anh) hay Bild (Đức) và black top (măngsét màu đen, như tờ Daily Mail (Anh). Black top được cho là bớt giật gân hơn so với red top.

Ở Mỹ, tờ lá cải đầu tiên ra đời là New York Daily News năm 1919. Hiện các tờ lá cải nổi tiếng phát hành cả nước gồm New York Post, Philadelphia Daily News, Newsday…

Tào lao nhưng nhiều “mánh”

Báo lá cải thường tập trung khai thác những đề tài giật gân liên quan tới tiền tình tù tội, tướng số, chuyện phiếm về đời riêng của người nổi tiếng trong giới nghệ thuật hay thể thao. Báo lá cải chạm vào những vùng tin tức mà báo chí nghiêm túc “không ngó ngàng” và không coi báo “tử tế” là đối thủ cạnh tranh vì có lượng độc giả riêng của mình.

Với những tờ nghiêm túc, các bước tác nghiệp của phóng viên và tòa soạn trước khi đăng tải đều rất thận trọng, đảm bảo chính xác, khách quan, công bằng, thì báo lá cải chả thèm để ý đến những điều đó. Chỉ cần một vài chi tiết nhỏ của câu chuyện nghiêm túc cũng có thể được phóng đại lên. Báo lá cải sử dụng từ ngữ trực diện, đơn giản, đời thường, cố tình phóng đại, đôi lúc thô lỗ, kết hợp với lối trình bày báo chú trọng tới hình ảnh và đồ họa, tiêu đề bắt mắt, chữ to.

Ví dụ, tờ Daily Mail số báo ngày 15-6 có những tiêu đề sau: “Bác sĩ tắc trách khiến học sinh nữ 15 tuổi trở thành nạn nhân của bệnh tật, dù em đã đến thăm khám ở phòng mạch chín lần”; “63 tuổi, bị bầu trong miệng sau khi ăn mực sữa chiên” (tức miệng bị phồng rộp); “Ai mời những kẻ này?”. Hình cưới bị hỏng vì những “kẻ đánh bom hình ảnh” (thực chất là những hình ảnh cưới mà tự nhiên có ai, con gì, hoặc vật gì xuất hiện chen vào một cách vô duyên).

Báo lá cải cũng thường cố tình bóp méo sự thật. Báo Daily Mail vừa “được” giáo sư Dorothy Bishop, chuyên khoa thần kinh của ĐH Oxford, “tặng” giải thưởng “bài viết khoa học trên một tờ báo tiếng Anh phát hành toàn quốc có độ thiếu chính xác cao bất thường nhất”. “Vinh hạnh” đó là nhờ bài viết “Chỉ một điếu cần sa cũng có thể gây ra tình trạng tâm thần phân liệt và phá hủy trí nhớ”. Tức con người có thể bị hư hại thần kinh đáng kể nếu hút một lượng nhỏ cần sa. Nhưng nghiên cứu thực tế lại là trên chuột và phải dùng lượng cần sa lớn hơn nhiều!

Lượng phát hành cực lớn!

Tác nghiệp bằng mọi cách để có được thông tin kích thích trí tò mò và thị hiếu của số đông là phong cách của báo lá cải. Gần đây nhất, tờ News of The World đình đám nhất thế giới với 168 năm lịch sử đã “tẽn tò” đóng cửa sau khi bị tố giác nghe lén điện thoại, từ nhân vật hoàng gia, vợ thủ tướng, cầu thủ, diễn viên điện ảnh, ca sĩ, gia đình của nạn nhân bị giết chết.

saddam_wideweb__430x313

Không những thế, tờ báo còn trả tiền hối lộ, “nuôi” lực lượng thực thi pháp luật để có tin. Bởi vậy, dù cực kỳ gây ảnh hưởng trong xã hội với gần 3 triệu tờ phát hành mỗi ấn bản, tuần báo này cũng buộc phải đóng cửa, thỏa thuận dàn xếp bồi thường hàng chục triệu USD với các nạn nhân trước khi có thể bị hầu tòa và phải trả phí nặng hơn.

Nhưng số phát hành của báo lá cải khiến bất kỳ tờ báo “tử tế” nào cũng thèm thuồng. Tính riêng ở Anh, năm 2012 The Sun on Sunday ra vào chủ nhật có lượng phát hành 3,2 triệu bản/số, Sunday Mirror 1,5 triệu bản (tăng 44,1% so với năm 2011), The People 701.246 bản (tăng 43,6%), Daily Star Sunday 599.078 bản (tăng 93,1%).

Trong khi đó, ngược lại, các tờ “tử tế” đều giảm: The Independent giảm 42,3% xuống còn 105.160 bản, The Guardian giảm 17,8% xuống còn 215.988 bản và FT giảm 16,4% xuống còn 316.493 bản. Nhiều tờ báo lớn rơi vào tình trạng đóng cửa, sáp nhập, sa thải. Bởi vậy, không có gì ngạc nhiên khi các nhà chuyên môn kêu gọi tìm giải pháp cứu báo “tử tế” vì báo lá cải không cần cứu vẫn sống khỏe.

Trang web MailOnline của Daily Mail hiện là trang web có đông lượng người truy cập nhất thế giới, với 45,348 triệu lượt người ghé thăm trong tháng 12-2011, hơn cả New York Times. Mỗi ngày MailOnline có 5,3 triệu lượt người ghé thăm, hơn cả BBC News Service. Lý giải về thành công, Mail Online quảng cáo “giật gân”: vì trang web là “sự kết hợp độc đáo giữa tin tức sốt dẻo, những phóng sự đầy hấp dẫn, những hình ảnh chất lượng tuyệt hảo không nơi đâu sánh bằng và cách đưa tin tuyệt vời về thế giới giải trí”.

Dù người đọc tức giận, các nhà văn hóa bực bội ra sao, chỉ trích thế nào thì thực tế không thể phủ nhận là báo lá cải vẫn đang có nhiều người đọc. Những người làm báo lá cải lại cho rằng họ mới chính là nơi bắt kịp với sự thay đổi của người đọc, không “đạo đức giả”, tự hào “giật gân câu khách” và chấp nhận mục đích duy nhất là thu lợi nhuận càng nhiều càng tốt mà thôi.

Nhưng đọc báo lá cải thì giúp ích gì cho sự phát triển xã hội?

Box: Lá cải không phải do tabloid mà ra

Gần đây, nhiều tác giả và phương tiện thông tin đã khẳng định hai tiếng “lá cải” trong danh ngữ “báo lá cải” là do tiếng Anh tabloid mà ra. Sự thật hoàn toàn không phải như thế vì đó là một hình thức sao phỏng từ tiếng Pháp.

Thật ra, nhiều thuật ngữ của nghề báo ở Việt Nam đã bắt nguồn từ tiếng Pháp: co (< corps) trong co chữ, măngsét (< manchette), sapô (chapeau), tít (< titre)…Nhưng dù sao thì những trường hợp như thế này cũng còn dễ nhận thấy vì đó chỉ là những hình thức phiên âm. Chứ như hai tiếng lá cải thì ít ai nghĩ rằng nó được mượn từ tiếng Pháp vì đây lại là kết quả của biện pháp sao phỏng.

Đây là hình thức vay mượn từ vựng, trong đó các yếu tố được vay mượn đều được dịch theo nghĩa đen sang ngôn ngữ đi vay mượn nhưng phải được hiểu theo đúng cách hiểu của người nguyên ngữ. Trong tiếng Pháp thì feuille de chou được hiểu là tờ báo xoàng (journal médiocre), tờ báo ít giá trị (journal de peu de valeur)…

Với nghĩa cụ thể và rõ ràng trên đây của nó, từ lâu feuille de chou đã được dịch sang tiếng Việt thành lá cải và được hiểu là “tờ báo tồi, viết nhảm nhí, không có giá trị” (Từ điển tiếng Việt, Hoàng Phê chủ biên, Nxb Đà Nẵng – Vietlex, 2007). Với những cứ liệu rõ ràng trên đây thì hiển nhiên là “lá cải” chẳng có dây mơ rễ má gì với tabloid về mặt từ nguyên. (Nhà nghiên cứu AN CHI)

(Đây là bài viết đăng ở Tuổi Trẻ)

Comments