Nhà báo – Muộn

Một tối xem truyền hình trực tiếp trên TV về chương trình trao giải nhân ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21-6. Nghe từ xa, lâu nay ít xem TV vì thấy nghe radio cũng đủ để biết tình hình thời sự, TV toàn những thứ nhảm nhí, bật lên thì 90% các kênh đang chiếu phim Tàu, phim Hàn Quốc, Thái Lan. Nghe radio vào buổi sáng rất thích, buổi tối cũng rất thích, đủ loại, đủ kênh.

 

Nhưng phải thừa nhận là VTV1 thi thoảng chương trình hay lắm, ví dụ như hôm vừa rồi phát chương trình phản biện về làng văn hóa, ấp văn hóa gì đó. Hóa ra chuẩn hóa toàn là bê tông hóa các bác ạ, đốn hết cây cối, phá hết cái cũ, xây lên cái mới, chỉ có cái khung xương, mà không thấy hồn, thấy cốt,  thấy người đâu, đau lòng quá.

 

Chương trình báo chí cách mạng cũng làm hoành tráng, đại khái là ca ngợi các nhà báo đã gian khổ, đã vất vả, đã hi sinh…Năm rồi, mình thấy phục nhất là anh phóng viên của Thanh Niên đã có bài điều tra về đường đi của dầu ăn bẩn, hay phóng viên của Tuổi Trẻ về loạt bài đinh tặc, loạt bài về mãi lộ – chuyện mà ai cũng thấy nhưng không ai chịu nói ra. Các ngón nghề của các anh ấy không chỉ hay, mà còn đòi hỏi cả lòng dũng cảm nữa. Trong tất cả các giải thưởng báo chí, giải dành cho cây bút điều tra là đáng giá nhất, vì đó mới là thứ làm nên tên tuổi của tờ báo.

 

Nhưng thấy năm nay sao nhiều giải thưởng quá, khiến mình cũng chả nhớ ai là ai nữa. Giải thưởng phải ít mới quý. Ví dụ  bọn Tây nó làm mấy giải như: “Tin độc quyền của năm” (SGTT với bài viết về cá bè Tàu ở Nha Trang là một ứng viên cho năm tới?), “Cây bút điều tra của năm”, “Phóng sự của năm”, “Trang 1 xuất sắc của năm”, “Ảnh phóng sự của năm”, “Ảnh chân dung của năm”, Phóng viên của năm”, “Tờ báo của năm”. Đó, in ít thôi thì hay. Nổi bật lắm, đáng tự hào lắm, thích lắm. 1 thôi, one and only.

 

Mấy người dẫn chương trình trên TV cứ ca ngợi nghề nghiệp làm báo là “đáng tự hào, vinh quang”. Nhưng thiển nghĩ, mỗi một nghề trong xã hội đều có vị trí quan trọng của mình, không ngành nghề nào là kém vinh quang, kém đáng tự hào hơn ngành nghề khác.

Mỗi người đều có vị trí của mình, tùy thuộc vào học vấn, vào mong muốn, sở thích cá nhân để sắp đặt mà thôi. Thiếu nghề nào cũng không được. Nghề nào cũng đòi hỏi cái tâm và sự cần cù mới bền lâu. Đó là chưa kể nghề báo là nghề có đặc ân lớn – học mãi, đọc mãi, nghiên cứu mãi không ngừng.

 

Tất nhiên, một số ngành nghề đòi hỏi cái lương tâm nhiều hơn ngành nghề khác. Làm bác sỹ mà không có tâm thì không cứu được người, làm thầy cô giáo mà không có tâm thì giết chết nhiều thế hệ. Làm báo mà không vì lợi ích công chúng thì công chúng quay lưng (ốm vẫn phải đi khám bác sỹ chứ không quay lưng với bác sỹ được, nhớn thì cũng vẫn phải tìm thầy để học chứ không lại thất học).

 

Năm 2006, tờ The Economist đã mô tả báo chí là “loại động vật có nguy cơ biến mất” – như trong sách đỏ – và sự tồn tại của tờ báo phụ thuộc vào tờ nào mang tính thương mại cao hơn. Năm 2009, Rupert Murdoch – người sở hữu News of the World khi đó vẫn đang ở đỉnh cao của thị trường khuyên: “Trước hết, các công ty truyền thông cần cho người đọc – khách hàng của họ – tin tức mà khách hàng muốn. Tôi không thể kể ra đây bao nhiêu tờ báo mà tôi ghé thăm treo đầy bằng khen thưởng, thành tích trên tường, và lượng phát hành ở chính tờ đó lại đang sụt giảm. Nó chứng minh là các biên tập viên đang sản xuất ra loại tin tức cho chính họ, thay vì làm ra loại tin tức mà độc giả cảm thấy có liên quan”.

Đó là quan điểm của trùm lá cải thôi, rất là benefit – driven. Ai cũng theo bác ấy thì lá cải hóa hết, teo hết não. Trong nghiên cứu “Ảnh hưởng của tin mềm tới mối quan tâm của công chúng đến tin tức (2012)”, TS Nguyễn Đức An, Giảng viên cao cấp ngành báo chí, ĐH Bournemouth (Anh) cho rằng, xu hướng thế giới đang dần chuyển sang thích thông tin “infotainment” – tức là những tin mềm, tức loại tin về lối sống, người nổi tiếng, giải trí, tội phạm, xì căng đan, mà ít dần đi các thông tin liên quan tới chính phủ, quan chức, chính sách vĩ mô, kinh tế.  Có ý kiến nhận định đó là cách tốt để phát triển bền vững cả doanh nghiệp kinh doanh tin tức và nền dân chủ. Truyền thông – như một cơ quan phục vụ công chúng- sẽ phục vụ ai trong tương lai nếu giới trẻ ngày nay cứ không chịu đọc tin giúp họ có thông tin?

Nhưng cũng có không ít người nhận định, mềm hóa thông tin sẽ gây thảm họa thực sự cho nền dân chủ và ngành truyền thông tin tức, vì sẽ khiến công chúng trở nên lãng quên, lãnh đạm và có thái độ cay độc về những gì đang xảy ra quanh mình. Tức là mình quên đi cảm giác hạnh phúc, hài lòng, yêu, sống, mà như vậy là khổ lắm.

Nhà nghiên cứu báo chí người Mỹ Michael Schudson đã sử dụng dữ liệu lịch sử để phân tích, lập luận là 1 công dân tốt không cần phải là công dân có được đầy đủ thông tin theo tiêu chuẩn của các nhà khoa học chính trị và các học giả tin tức. Đó là công dân không phải cái gì cũng quan tâm, nhưng luôn giám sát, để mắt tới không gian chính trị quanh mình và hành động ngay khi cần thiết.

Nói chung, nói chuyện vai trò của báo chí thì mình rất nhất trí với quan điểm của anh An. Đọc ở đây.

http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/Phong-su-Ky-su/498697/Su-to-mo-se-dan-chung-ta-di-dau.html

 

Thấy Tuổi Trẻ cuối tuần số cuối tuần này, tức phát hành ngày 29-6, có nhiều bài đọc rất được, mà không thể bật mí ra đây được. Tuy nhiên, các bác nên mua. Thật!