Nói luôn là tôi không phải người thích đọc fiction. Trong cái máy Kindle hầm bà lằng đủ thử của mình, tôi nhớ là mình luôn “skip” các loại fiction để mò tới những thứ non-fiction, và khi nào chán lắm thì mới đọc đến dạng fiction. 2 truyện gần đây nhất mà tôi đọc trong 2 tuần qua là “Búp bê Thượng Hải” (vừa đọc vừa cười hí hí, thật chả ra làm sao) và “Thiên táng” (vừa đọc vừa sướng vì các chi tiết thực là văn hóa, thực là yêu, thực là cảm xúc).
Nhưng một ngày thứ 7 để đọc xong “Quẩn quanh trong tổ” của Phan An, có thể nói, là không lãng phí.
Tôi mua cuốn sách mới của Phan An, chỉ vì tò mò không biết chủ nhân của “Lá cải blog” (mà chấm ọoc – org hẳn hòi. Chắc định làm “think-tank” về lá cải) viết ra sao. Những lời bình luận trên blog của Phan An, quả là cũng khiến những người làm báo đôi lúc thấy xấu hổ. Đời cũng cần những lúc bị “đâm” cho vài nhát, để tỉnh lại, để đừng “tự dối mình, dối người”.
Trong “Quẩn quanh trong tổ”, Phan An đâm nhiều nhát lắm.
Có người sẽ ngạc nhiên, khi đọc lá cải chấm ọoc thì cười khằng khặc, nhưng sao đọc “Quẩn quanh trong tổ”, họ không thấy buồn cười.
Tôi cũng chả thấy buồn cười. Lạ thế, “em ạ” (*)
Mà lạ, mới 27 tuổi, cái gì đã khiến Phan An có cái nhìn thật gai góc, thật lạnh lẽo, thật thấu tim, thật khinh mệt, thật cay đắng, thật hài hước “tưng tưng” về những quan sát của cậu về cuộc sống. Có lẽ, cái trang “lá cải chấm ọoc” góp phần kha khá vào những chi tiết mà Phan An sử dụng trong cái cuốn sách 226 trang, chả thuộc thể loại gì. À, thuộc thể loại, thư gửi “người em gái không quen biết” (**).
“Em ạ”(*)
Nam Cao viết: “Nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật không nên là ánh trăng lừa dối; nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp sống lầm than…”
Đầy những sự lầm than. Đầy những tin tức cập nhật trong cái xã hội, mà đôi khi, ngồi trong phòng máy lạnh kín bưng, ta chả thấy. Ta bưng tai, bịt mắt, nhất định không thấy.
Thấy rồi, viết rồi, hẳn là đau, đọc rồi, hẳn là xấu hổ, là nhục.
Vũ Trọng Phụng nổi tiếng với giọng văn trào phúng châm biếm xã hội của mình. Ngày xưa, mình làm văn, toàn được khen.
Nhưng lạ, đọc các tác phẩm đó, chả thấy thấm nhiều. Đọc “Quẩn quanh trong tổ” lại thấy thấp thoáng Vũ Trọng Phụng trong đó, nhưng đắng hơn.
Hay vì mình đang sống cùng thời với tác giả nên thế?
“Em ạ”(*)
Thế là thế “đếu”(*) nào?
(*) Từ dùng của Phan An
(**): Nhại “Thư gửi người đàn bà không quen biết” – ANDRÉ MAUROI
Chú thích: Mình sẽ mua tặng em Chung Hoàng cuốn này, để nhớ đêm cuối cùng ở Bali, chị em mình nói chuyện vĩ mô. Em tự nhiên hào hứng nói nhiều, còn chị, mệt rũ ra sau 10 ngày căng thẳng, chỉ còn nhớ, chị đã ngủ trước khi em nói lời “chúc chị ngủ ngon”.