Đăng lại bài trên Tia Sáng (Bộ Khoa học – Công nghệ) của tác giả Hoàng Hồng Minh
Đi một vòng thế giới, bạn sẽ thấy ra rằng người nước Pháp là những nhà vô địch về sử dụng thẻ trả tiền. Vào siêu thị, qua cửa trả vé đường cao tốc, thanh toán tiền đỗ xe… việc trả tiền tự động bằng thẻ trở thành đại trà. Có khi chỉ để trả mấy chục xu.
Bạn đi qua nước Đức, đa phần người ta rút tiền và tiêu tiền mặt.
Bạn đi qua nước Mỹ, đoàn ôtô rồng rắn chờ để trả tiền qua cầu, rất rẻ nhưng rất lâu.
Còn ở ta có khi lấy xích-lô chở tiền để đi mua nhà!
Người Pháp thông minh hơn chăng?
…
Câu chuyện là thế này.
Khi trả tiền bằng thẻ, có một khoản chi phí cho việc này.
Ở Đức, người dùng thẻ phải trả một phần cho khoản này. Chả ai dại gì mất tiền.
Còn ở Pháp, Nhà nước quy định người dùng thẻ không phải trả chi phí cho việc dùng thẻ, mà người bán phải chịu. Mà người trả tiền luôn luôn là Thượng đế!
Các cửa hàng nhỏ bán lẻ thì ngán chuyện dùng thẻ, bắt người ta phải mua từ mười Euro gì đó thì mới nhận trả bằng thẻ. Còn các cửa hàng lớn thì họ không chấp, 1 xu cũng xong. Và nếu chẳng may bạn đổi ý trả lại hàng thì họ quệt thẻ bạn và tiền của cửa hàng chảy ngược luôn vào tài khoản của bạn, có khi còn trước khi tiền bạn mua hàng chảy ra khỏi tài khoản bạn nữa!
…
Công việc của chính trị là vậy.
Không phải là săm soi, là lên lớp khản giọng, là cầm tay chỉ việc.
Mà là đưa ra những quyết sách hướng dòng chảy của đời sống sao cho thuận lợi cho toàn bộ cộng đồng.
Chính trị không làm việc đó, ai làm?
…
Hãy lấy câu chuyện cái xe máy hôm nay chẳng hạn, và xem vấn đề chính trị của nó ra sao.
Xe máy rất hợp với xứ ta: rẻ, cơ động, dễ sử dụng, chiếm ít không gian.
Ngược lại, xứ ta đô thị hóa nghẹt thở, phi quy hoạch, phi lộ trình, với toàn bộ tính bừa bãi ngông nghênh vô kỉ luật. Thành phố chỉ là cái chợ thật to để người ta chen chúc, đi ẩu, vứt rác, thải tiếng ồn.
Một chiếc xe máy nhỏ bình thường, trong trạng thái tốt, thải ra một lượng khí thải độc hại ô nhiễm gấp bốn lần một chiếc ôtô con trong trạng thái bình thường, theo đo lường của các nhà môi trường.
Vì sao? Rất đơn giản. Vì xe máy không có bộ lọc khí thải. Còn ôtô thì bắt buộc phải có.
Tiếng ồn cũng vậy, chắc phải hơn 4 lần so với một chiếc ôtô con.
Bây giờ đèn đỏ, bạn đứng đó, hãy nhân số lượng xe máy quanh bạn lên làm 4 lần, bạn có một mức ô nhiễm tương đương hàng trăm, hàng nghìn chiếc ôtô quanh bạn.
Xe pháo ở ta lại còn ở mức chất lượng bất chấp, hệ số ô nhiễm chắc phải cao gấp đôi gấp bốn thêm nữa, hoặc hơn cả thế.
Rồi tiếng ồn đinh tai.
Rồi còi pháo toe toét, rú ga để khoe chủ nhân ông, để thách đố xung quanh.
Hãy coi chừng nếu bạn ngạt thở té lăn luôn ra đó.
…
Cái sự tình này, nền chính trị có trách nhiệm phải tham gia mạnh mẽ.
Rộng lớn, đó là công việc phi tập trung hóa các đô thị lớn, tạo ra nhiều vùng trung tâm dân cư liên đới tương đối hoàn chỉnh về ăn ở, sinh hoạt, giao thông, hành chính, trường học, bệnh viện, giải trí. Các trung tâm này phải có chất lượng cao thì mới giãn được dân. Chất lượng thật cao đồng bộ là tốt nhất, kéo những tầng lớp khá giả hơn đi tiên phong vẫn dễ hơn.
Phải khoanh những vùng ven đô rộng lớn thành những khu rừng, công viên vĩ đại, lá phổi của người thành phố. Không có quyết sách chính trị, thành phố sẽ phát triển theo nguyên tắc bệnh ung thư tràn khắp, không một mảng trống nào có thể tồn tại lại được.
Rồi phải có hệ thống giao thông công cộng thật thuận lợi với nhiều ưu tiên, được Nhà nước bù lỗ cho các tuyến mới. Các phương tiện này phải chạy theo nguyên tắc sạch, dùng điện hoặc gas.
Rồi hệ thống đường xá chuẩn quy.
Đó mới là môi trường cho giao thông.
Còn bản thân các xe máy?
Phải có lộ trình với người sử dụng và các nhà sản xuất.
Ví dụ lên lộ trình đến 10 năm tới, xe máy phải có bộ lọc đạt độ chuẩn về khí thải, độ chuẩn về mức tiếng ồn mới được phép lưu hành. Cuộc đàm phán với các nhà sản xuất và phân phối xe máy đã phải bắt đầu ngay từ bây giờ.
Các xe máy, ôtô phải bị kiểm tra định kì và bất thường, và bị phạt hoặc cấm lưu thông khi độ ô nhiễm và độ ồn quá chuẩn.
Còi xe máy hoàn toàn có thể bị cấm trong thành phố.
Nhiều tuyến phố trung tâm chỉ cho đi bộ, hoặc thêm xe đạp.
Một số tuyến chỉ có người có địa chỉ nhà ở đó mới được phép chạy xe máy, chạy ôtô vào. Việc này thực hiện qua tem dán cho phép trên xe.
…
Chuyện xa xôi? Không có gì xa xôi cả.
Và ngay hôm nay đã có thể làm được ngay bao nhiêu việc.
Tỉ như sáng sớm ra người ta cần tập thể dục quanh các hồ, quảng trường công cộng.
Vậy thì hãy cấm sử dụng xe máy, ôtô tại các khu vực đó từ 5:00 giờ đến 6:30 sáng chẳng hạn.
Công việc của chính trị là ở ngay đó.
Chính trị là cái công việc đo đạc, nghe ngóng, suy tính các giải pháp rộng lớn cho đời sống công cộng, cho hằng ngày, và cho dài lâu.
Chính trị không thể bị tê liệt.
Và càng không thể bị nhầm việc.
—
“Ăn” theo bài trên Tia sáng:
Tự dưng hôm nay đi làm thấy 6 cái xe buýt xếp hàng trên một đoạn đường ngắn tủn. Hoảng vía. Nhìn thì phát hiện có 1 cái lô cột “bỗng dưng” vừa hiện ra. Dân tình túa ra như ong vỡ tổ, như kiến gặp mưa, leo lên vỉa hè, lách giữa các làn xe. Những chiếc xe đứng sát bên xe buýt, những bàn chân làm mồi ngon cho những chiếc bánh xe khổng lồ. Không hề có biển báo hướng dẫn cách đi mới cho người dân, không hề có cảnh sát giao thông đứng phân làn xe, và cũng không thấy anh gì không phải cảnh sát giao thông những vẫn dành thời gian tuýt còi cứu dân. Sáng nào cũng đi làm gian nan, khổ sở.
Công việc của chính trị là gì? Thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về cái lô cốt vừa mọc lên (và 1 cái bảng rất to ở ngay vị trí đó). Giải thích vì sao có cái lô cốt đó, khi nào thì nó hết, và người dân có thể lựa chọn những con đường nào khác để đi (trách nhiệm giải trình), và có cảnh sát giao thông ra đó đứng.
Nhiều khi đứng không để làm gì hết (vì ai có thể làm gì khi có quá đông người lưu thông?), nhưng dân tình sẽ nghĩ rằng “à, mình cũng vẫn đường quan tâm”. Và, rất quan trọng “Chúng tôi xin lỗi vì đã gây ra sự bất tiện này”. Tự dưng bít đường, và không hướng dẫn cho dân chúng những lựa chọn khác thì gọi là gì?
Không có gì hết, không có ai hết, và mỗi ngày đi làm, tan ca, đi chơi là những cơn ác mộng của dân chúng. Chính trị để làm gì? Nhìn tận gốc rễ, đó là năng lực điều hành, hoạch định chính sách…Không lẽ đó là “của dân”?