Ngày 27-3 năm nay sẽ diễn ra sự kiện với sự tham gia của nhiều triệu người trên hành tinh. Giờ Trái đất = 1 giờ không điện để giảm mức năng lượng tiêu dùng, giảm nhẹ gánh nặng lên trái đất. Giờ Trái đất dưới con mắt của một người làm công tác liên quan tới bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu ra sao?
Chúng ta ngày càng sử dụng những thiết bị tinh xảo, thay đổi mẫu mã hiện đại, đồng nghĩa với tiêu tốn năng lượng hơn, thải rác nhiều hơn. Vậy mà cả 1 năm mới có một ngày, một ngày chỉ có 1 giờ kêu gọi người dân tắt điện và nghĩ về mức tiêu thụ năng lượng đang ngày càng lớn lên hiện nay. Chị nghĩ thế nào về sự kiện kêu gọi tiết kiệm năng lượng của Giờ Trái đất?
Trả lời: Bạn đang cân nhắc về thời gian à? Vậy hãy nói về thời gian nhé. Năm ngoái, chỉ một giờ tắt điện ở một số điểm mang tính biểu tượng tại 4 tỉnh thành hưởng ứng Giờ Trái đất ở Việt Nam, ước tính chúng ta tiết kiệm được 140.000KWh điện, nghĩa là tương đương khoảng 50 tấn than nhiên liệu. Địa chất học tính toán rằng, than đá, dầu mỏ và nhiều nhiên liệu khác được hình thành phải qua quá trình tự nhiên từ nhiều trăm triệu năm trước và chẳng ai biết được rằng phải bao nhiêu triệu năm sau chúng mới được tái tạo. Thế thì, một giờ tắt điện là góp phần giữ gìn tài sản của cả trăm triệu năm đấy chứ. Xin nói thêm, theo nghiên cứu gần đây của Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) và tập đoàn dầu khí Anh quốc BP, với tình hình tiêu thụ như hiện nay, thế giới chỉ còn đủ than cho 155 năm, khí đốt còn đủ cho 60 năm và dầu mỏ chỉ còn đủ cho 45 năm. Tôi và bạn có nên lo lắng về chuyện tuổi già của chúng ta sẽ đun nấu và thắp sáng bằng gì không nhỉ?
Ngược lại một chút về Copenhagen (COP15) cuối năm 2009, điều gì khíên chị rất băn khoăn và suy nghĩ khi trở về Việt Nam từ hội nghị khí hậu lớn nhất hành tinh?
Trả lời: Không, tôi chẳng băn khoăn suy nghĩ gì cả. Mà phải nói là tôi bị ám ảnh. Có lẽ trong số những người Việt Nam đến Copenhagen vào dịp đó, tôi là người duy nhất dự hai Hội nghị Thượng đỉnh cùng một lúc. Trong khi ở Trung tâm Hội nghị Bella hiện đại và hoành tráng, an ninh nghiêm ngặt diễn ra các cuộc họp long trọng với nhiều nghi thức của Hội nghị Thượng đỉnh LHQ (UN Summit), thì ở một địa điểm giản dị khiêm nhường trong khu dân cư sầm uất của thành phố – Toà nhà DGI Byen lại là nơi diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Nhân dân (People’s Summit). Trong khi ở một nơi đại diện các nhóm quốc gia và vùng lãnh thổ đàm phán giằng co giữ thế giữ miếng với nhau về việc ai được gì ai phải chi trả gì, dùng hình thức cam kết nào để xác lập trách nhiệm về một thảm họa thực sự đang hiện hữu đối với loài người, thì ở một nơi khác là hàng nghìn người từ đủ các châu lục tự nguyện đến với nhau, chia sẻ cho nhau từng chiếc áo ấm, từng bát súp nóng, từng bức tranh, từng tờ rơi tờ dán, với hàng trăm cuộc tọa đàm và diễu hành, tất cả cùng hành động để hướng tới mục tiêu chung – công bằng về môi trường và khí hậu cho mỗi con người trên trái đất. Tôi cứ chạy đi chạy lại giữa hai nơi. Tôi bị ám ảnh bởi bức tranh hai mặt đó.
PV. Có vẻ cuộc sống cơm áo gạo tiền khiến chúng ta – những người dân sống ở các quốc gia đang phát triển – không còn để ý tới chuyện khí hậu, môi trường và phó mặc số phận cho các quốc gia phát triển quyết định vì cho rằng họ mới là những người có trách nhiệm. Chị nghĩ thế nào về thực tế này?
Trả lời: Xin bạn đừng hỏi tôi về trách nhiệm, tôi không thích cái từ này. Và tôi nghĩ có nhiều người cũng không thích nó. Cuộc sống thì ở đâu cũng thế, dù đã phát triển hay đang phát triển, nhu cầu sống luôn được đặt ra đầu tiên. Ai cũng muốn sống khỏe, sống đầy đủ, và sống vui. Thế nên ai cũng có quyền và có lợi ích liên quan đến môi trường xung quanh. Nếu bạn bảo người dân sống ven dòng Thị Vải là bác phải chịu trách nhiệm bảo vệ môi trường thì có lẽ bạn chẳng bao giờ thấy bác ta quan tâm, nhưng nếu bạn cho người đó biết là nước sông và không khí bị ô nhiễm nên bác bị viêm xoang và tôm cá bác nuôi bị chết thì tôi tin là hiệu ứng sẽ khác. Đấy là chuyện ở Việt Nam ta. À, mà bạn có thích diễn viên Julia Robert không? “Người đàn bà đẹp” của nước Mỹ ấy. Tôi nhớ cô ấy với vai diễn từ câu chuyện thực về Erin Brockovich – một người phụ nữ bình thường làm mẹ đơn thân của 3 đứa con với gánh nặng nỗi lo về cơm áo gạo tiền và nợ nần chồng chất đã dũng cảm đấu tranh vì quyền lợi của một khu dân cư bị bệnh nan y bởi môi trường nước bị ô nhiễm nghiêm trọng. Có lẽ, dù ở đâu và hoàn cảnh nào, khi nhận thức được chất lượng cuộc sống của mình và cộng đồng gắn liền với chất lượng của môi trường, thì ta sẽ có quan tâm xứng đáng cho nó, phải không bạn?
Như Thomas Friedman viết trong cuốn Nóng, phẳng, chật: con người luôn lạm dụng, và tiêu dùng quá nhiều những thứ được sử dụng miễn phí hoặc rẻ tiền như không khí, nước, đất, rừng, tài nguyên, hải sản, xăng, điện. Tối thiểu hóa ảnh hưởng tiêu cực đến thế giới tự nhiên đang được xem như một nguyên tắc đạo đức. Chị có theo những nguyên tắc đạo đức nào để bảo tồn tự nhiên hay không?
Trả lời: Đạo đức là một khái niệm trừu tượng lắm và vì thế hay được dùng làm công cụ khi … bí những biện pháp cụ thể. Đối với một số đối tượng nhất định thì nó khá hiệu quả trong việc kiểm soát và điều chỉnh hành vi. Nhưng với một số đối tượng khác thì chưa chắc. Trong khi đó, thiên nhiên và những tài sản từ thiên nhiên lại là của chung cho tất cả mọi người. Vì vậy, mặc dù ông Friedman nói thế ở một phần của quyển sách, nhưng ở phần khác cũng trong quyến sách đó ông lại cho rằng “cần phải biến những cam kết cá nhân thành cam kết chung của cả quốc gia và quốc tế, bằng cách đưa chúng vào luật pháp, quy định, hiệp ước”. Không phải là ông ta không nhất quán. Trong thời điểm mà những tác động của suy thoái môi trường và biến đổi khí hậu đã trở nên hiện hữu, trong thời điểm mà cả thế giới đã trở nên nóng, phẳng, chật, thì có lẽ vừa cần phải có những ứng xử mang tính đạo đức về hành vi đối với môi trường của mỗi cá nhân hay mỗi cộng đồng, vừa cần phải có luật lệ và quy tắc mà cả quốc gia hay cả thế giới phải tuân thủ để đảm bảo chúng ta “không phá hoại thêm nữa” và hơn thế, có thể cải thiện được tình hình.
Cuốn sách hay bộ phim nào về môi trường, khí hậu, năng lượng gần đây nhất mà chị đã đọc và đã xem? Nó thay đổi suy nghĩ của chị ra sao?
Trả lời: Tôi là phụ nữ, nên hay bị tác động bởi trực giác. Vì vậy, không phải sách hay phim, mà là hai điều mắt thấy tai nghe gần đây gây ấn tượng với tôi.
Thứ nhất, trong cái lạnh 00C ở Copenhagen hồi tháng 12-2009, tôi nhận thấy rất nhiều người ở thành phố ít dân và có mức sống thuộc hàng đầu thế giới này đi xe đạp, trong đó có cả những phụ nữ chở con nhỏ đi nhà trẻ hay mẫu giáo. Họ sử dụng xe đạp như một phương tiện di chuyển thực sự chứ không vì hưởng ứng phong trào hay sự kiện. Tìm hiểu thêm thì biết hiện ở Copenhagen có tới 37% dân số đi xe đạp và đó là kết quả của nhiều nỗ lực trong một quá trình 40 năm, trước hết là sự nhận thức người dân về lợi ích môi trường và sức khỏe của việc đi xe đạp, đồng thời với biện pháp khuyến khích thiết thực của chính phủ thông qua việc thiết kế hệ thống đường sá và tiện ích công cộng giành ưu tiên cao nhất cho phương tiện này.
Thứ hai, đó là khi đi loanh quanh ở sân bay San Francisco đầu tháng 2 vừa qua, tôi chợt nhận thấy một ki-ốt với tấm biển là lạ “Chương trình Hộ chiếu Khí hậu” với một vài khách đang giao dịch tại máy tự động. Vì đang vội làm thủ tục cho chuyến bay của mình, nên tôi chỉ kịp lấy một tờ rơi của ki-ốt. Sau này tìm hiểu thì biết đó là ki-ốt khấu trừ xả thải các bon đầu tiên ở sân bay trên thế giới được thiết lập vào tháng 9-2009, ở đó hành khách có thể tự trả phí cho việc xả thải CO2 do di chuyển bằng máy bay của mình, phí này sẽ sử dụng trong các dự án trồng và bảo vệ rừng đồng thời một phần đóng góp cho quỹ của thành phố giành cho các dự án giảm thiểu các-bon khác.
Tôi tin rằng, bắt đầu từ những hành động cụ thể song được hoạch định nghiêm túc và khoa học, là cách mà mỗi người, mỗi tổ chức và mỗi quốc gia tham gia vào việc ứng phó với vấn nạn toàn cầu – biến đổi khí hậu.
Điều gì về môi trường ở Việt Nam đang khiến chị cảm thấy lo lắng nhất?
Trả lời: Nhiều người dân và nhiều nhà quản lý chưa lo lắng đúng mức về môi trường – nguồn vốn quý giá nhưng không vô tận.
Chị sẽ làm gì vào Giờ Trái đất năm nay?
Trả lời: Tôi cũng chưa biết. Tùy vào lúc ấy tôi đang ở đâu. Nếu ở Copenhagen, tôi sẽ đi xe đạp ra phố. Nếu ở sân bay San Francisco, tôi sẽ mua phiếu carbon. Còn nếu ở điểm dự án của chúng tôi tại Vạn Hưng (Khánh Hòa) thì tôi sẽ ra chòi bảo vệ san hô ngoài biển ngắm trăng lên. Hôm ấy gần rằm rồi, trăng sẽ rất đẹp, và biển chắc sẽ lung linh lắm.