Từ 10 năm trở lại đây, xe gắn máy trở thành một chỉ số cho sự giàu có và thành đạt của người Việt Nam. Ý tưởng và định lượng này là nhờ phần nhỏ từ công của các tập đoàn sản xuất xe gắn máy đến từ khắp nơi trên thế giới, như Nhật Bản, Hàn Quốc, và đặc biệt là anh bạn láng giềng Trung Quốc. Nhưng có vai trò lớn nhất trong phong trào này là ai thì em xin tự kiểm duyệt.
Hậu quả ra sao thì chúng ta đều biết cả. Đường kẹt cứng, ô nhiễm trầm trọng. Tai nạn xảy ra còn nhiều hơn ở xứ đang có nội chiến. Tôi vẫn nhớ mình choáng váng như thế nào khi biết con số tử vong vì tai nạn giao thông năm 2009. Đây là một trong những vụ rất đau lòng vào dịp đầu năm con Cọp. Cái xe máy đã biến dạng con người trở thành chụp giựt, vội vã, tranh giành, thô lỗ, mạo hiểm số phận của mình và người khác…Các nhà xã hội học, giáo dục học…đều đã lên tiếng cảnh báo.
Ở xứ mình, không có xe gắn máy, không có tiền đi xe ôm, đi taxi thì không biết di chuyển thế nào. Các phương tiện giao thông công cộng hoặc là không có, hoặc không đủ, hoặc không đáng tin cậy.
Hiếm có đất nước nào như vậy lắm. Âu cũng là một sự độc đáo.
Nhiều người nghĩ rằng xe gắn máy đồng nghĩa với sự toàn cầu hóa, tham gia vào tốc độ cạnh tranh, rồi đủ mọi lời lẽ tô hồng đánh bóng cho cái xe gắn máy.
Hãy hình dung nếu tôi không sở hữu xe gắn máy, thì tôi có bị lạc hậu không?
Nếu tôi có các phương tiện giao thông công cộng phục vụ, thì cái xe máy không cần thiết nữa. Tôi có thể tiết kiệm được khoản lớn đầu lớn đó (rất lớn đối với người nông dân), hoặc đầu tư vào bản thân mình, hoặc người thân, hoặc công việc làm ăn khác. Tôi không phải lo lắng bị mất xe, bị tai nạn. Đó là chưa nói đến những người muốn đổi xe mới liên tục và liên tục phải đầu tư thêm. Tôi cho đó là sự lãng phí vì suy cho cùng thì cái xe chỉ là phương tiện để tôi di chuyển mà thôi.
Theo số liệu này thì năm 2010 chúng ta có 24 triệu xe gắn máy. Khổng lồ không? Các hãng xe gắn máy gọi Việt Nam là thị trường cực kỳ tiềm năng là có lý do cả. Bài báo này cũng “giúp” cho người đọc tự hiểu rằng, về cơ bản, không có lựa chọn nào về chính sách phát triển hạ tầng giao thông khác cho chúng ta. Ca ngợi xe máy thế cơ mà.
Một lô lốc những hậu quả mà chính sách phát triển xe gắn máy đang gây nên trong xã hội chúng ta. Sửa chữa sai lầm này sẽ tốn kém vô cùng.
Chúng ta có cách nào giúp cho người dân vẫn di chuyển, làm ăn được mà không cần phải phát triển xe gắn máy hay không? Các nhà hoạch định vẫn nói rằng có, mà ai sẽ làm?muốn làm không?
Hôm nay tôi đi xe đạp ra biển để tắm biển. Buổi chiều ở Vũng Tàu rất đẹp. Hoàng hôn đỏ ối, những con thuyền nằm xếp lớp nhau ở Bãi Trước nghỉ ngơi. Ngoại trừ nước biển không được trong và sạch như Nha Trang thì Vũng Tàu nói chung cũng vẫn khá đẹp.
Nhưng thành phố thì ầm ầm tiếng gào rú của xe gắn máy. Người ta không đội mũ bảo hiểm, đi kẹp 4,5, lao ầm ầm trên phố. Xin đừng hiểu là họ đi chạy loạn, họ đi dạo phố biển đó. Mùi khói xì ra, ô nhiễm. Đàn bò chạy nhong nhong trên phố khiến bà con náo loạn, tròn xoe mắt nhìn.
Vũng Tàu sẽ đẹp vô cùng nếu nó yên tĩnh. Suy cho cùng, thành phố này nên yên tĩnh, vì nó là nơi để người ta nghỉ ngơi, thư giãn, hưởng không khí trong lành sạch sẽ.
Vũng Tàu nhỏ xinh cần hệ thống giao thông công cộng như xe buýt dài, xe buýt nhỏ. Các phương tiện hiện đại khác có lẽ chưa thực sự cần thiết. Nhưng nếu người ta được đi lại ở Vũng Tàu mà không mất tiền và thuận tiện thì chắc chắn thành phố này sẽ có thêm rất nhiều du khách đến nghỉ ngơi vì họ có cảm giác ở thiên đường.
Khi tôi gửi xe ở Bãi Trước cho Đội Cựu chiến binh phường 1 trông coi, họ đã từ chối trông xe đạp. Ngạc nhiên chưa? Tôi cũng nghe nhiều người bạn kể về việc họ bị từ chối ở các bãi xe chỉ vì đi xe đạp. Họ có xe ô tô, xe máy nhưng chọn đi xe đạp vì nhiều lý do, như vì sức khỏe, vì môi trường. Cũng phải nhắc thêm là thời đại này, đi xe đạp không có nghĩa là lạc hậu đâu. Ở những nơi hiện đại nhất, đáng sống nhất trên thế giới, xe đạp vẫn là phương tiện được tôn vinh và sử dụng rất nhiều.
Bác cựu chiến binh chỉ đồng ý nhận trông xe sau khi tôi đã dắt bộ một quãng đường dài và năn nỉ gãy lưỡi, cộng với lời hứa sẽ trả tiền xe đạp y như xe máy thì bác mới đồng ý. Nhưng quả thật buổi chiều tuyệt diệu đã bị phá hỏng. Bác là cựu chiến binh, bác trông xe cho mọi người vào công viên vui chơi. Đó là nơi duy nhất người ta có thể gửi xe. Giá tiền ghi ở biển hiệu là 1.000 đồng, bác lấy 3.000 đồng.
Lý do bác từ chối, và rất khó chịu khi có người gửi xe đạp là vì xe đạp vướng, nó chật, nó làm đổ xe máy (!)…
Xã hội chúng ta còn có vô số người đi xe đạp. Chúng ta đang nhắm mắt cố tình không nhìn thấy họ…
Đọc thêm Nhà ống và xe gắn máy: Diện mạo hay bản sắc của KTS Võ Thành Lân trên TBKTSG
Sát thủ số 1 trên đường (Tuổi Trẻ)