Bài viết của Bùi Bích Liên:
Chiều qua trong lúc chờ bảo dưỡng xe đọc hết một phần cuốn “Văn hóa Việt Nam một cách tiếp cận mới” của bác Phan Ngọc. Tôi nghĩ đây là một cuốn sách hay. Những vấn đề mang tầm tư tưởng được diễn đạt với một thứ ngôn ngữ dung dị và dễ hiểu.
Những chủ đề vô cùng nghiêm túc được nhìn bằng con mắt hài hước. Cách tiếp cận mới mà tác giả nói đến ở đây là có thể sử dụng sức mạnh vô song của văn hóa để phát triển kinh tế.
Chắc mấy ông bạn kinh tế gia của tôi sẽ thấy nhiều điều thú vị từ quan điểm này. Tiếc rằng nhà xuất bản khoa học kỹ thuật đã (vô tình) dịch nhầm tên sách sang tiếng Anh là “Problems of Culture and New Approach”. Hay thật, vì bác Ngọc nói tiếng Pháp và cả quyển sách chẳng thấy cái “thần” của tiếng Anh.
Bác Ngọc (bác ấy thích được gọi thế thay vì giáo sư) cũng tự nhận mình là lữ khách cô đơn trên bước đường này. Bác bảo bác đã cố đi tìm bản sắc văn hóa Việt Nam, nhưng không thành công vì bản thân bác cũng là tập hợp của bao nhiêu “thứ”: tên họ Phan là của người Tàu, dùng đũa (cũng là văn hóa Tàu), thích thưởng thức món gà rô-ti của Pháp, nhưng trong mâm cơm phải có nước mắm mới ngon (cái này thì của Việt Nam), đi làm được bao nhiêu lương đưa về cho vợ quản hết (văn hóa Đông Nam Á), học trường Pháp, suy nghĩ viết sách bằng tiếng Pháp nhưng cuối cùng sách lại được viết ra bằng tiếng Việt v.v.
Đọc và có cảm giác ai đó đang nói hộ mình xem mình là ai (gần giống cảm giác khi đọc Animal Farm mặc dù đây là hai thể loại khác nhau).
Không biết có phải vì ảnh hưởng của quyển sách hay không mà sáng nay thấy rất thích thú quan sát “bằng tai” một đám cưới ở Đền Lừ. Chàng MC rất hoạt ngôn (và chắc là vui tính), micro thì đủ to và rõ trong bán kính khoảng nửa cây số. Màn giới thiệu tân lang, tân nương ra chào hai họ có nhạc nền là loại nhạc thánh ca vẫn hay cử ở nhà thờ châu Âu trong các dịp lễ. Thứ âm thanh đặc trưng gợi nhớ châu Âu này lại được nghe ở một nơi cách đây không lâu đã từng là làng Hoàng Văn Thụ làm cảm giác về không gian của thính giả hơi bị lẫn lộn.
Tiếp đến là mục nâng cốc chúc hạnh phúc, nền nhạc chơi bài gì không nhớ tên, chỉ nhớ câu đầu tiên là “Tonight I celebrate my love for you”. Tự hỏi nếu quan viên hai họ (nhất là các cụ) biết cái câu “when I make love to you” nghĩa là gì thì các cụ sẽ thế nào nhỉ? Trong lúc quan viên hai họ thưởng thức bữa trưa, bộ phận âm thanh tiếp tục chuyển các thể loại nhạc khác nhau, phong phú lắm.
Lúc đầu là mấy bài nhạc trẻ, nghe quen quen, nhưng chịu không nhớ tên, sau đó là “Ly cà phê cao nguyên”, và tiếp đến là… hát chầu văn (bạn tin hay không thì tùy). Tiếp nữa là các tiết mục tự biên tự diễn từ các bạn trẻ dự đám cưới. Tôi nghe thấy “à ơi hoa cải lên trời”, chữ à ơi luyến láy rõ là hay. Rồi sau nữa là một giọng nữ rất hăng say “em ơi có bao nhiêu, 60 năm cuộc đời…”.
Không biết theo lý thuyết của bác Ngọc thì đấy có phải là sự giao lưu văn hóa hay không, nhưng rõ ràng tập hợp các tiết mục âm nhạc ấy đã khiến tôi có cảm hứng viết notes này. Viết xong tự hỏi không biết mình có phải cũng là một cái “lẩu thập cẩm” về văn hóa không nhỉ? Và một “bài học” nho nhỏ nữa là hình thức thể hiện nhiều khi chẳng gắn gì với nội dung cả.
Thế cho nên cũng cần phải thận trọng với … cái tai của chính mình.
Bùi Bích Liên