Thời hiện đại, ở giữa đất nước theo chủ nghĩa tư bản, làm sao sống được mà không có tiền? Bạn có thể nói Heidemarie Schwermer , 67 tuổi, người 13 năm sống không cần tiền, là “mất trí”hoặc “có lý tưởng”, hay “ngây thơ”. Nhưng kiểu sống của người phụ nữ này đang trở thành một hiện tượng mà người Đức quan tâm.
Cửa hàng “Cho và Nhận”
22 năm trước, cô giáo viên cấp II Heidemarie Schwermer chấm dứt cuộc hôn nhân với nhiều nước mắt, đưa hai con từ ngôi làng Leuneburg tới thành phố Dortmund ở khu vực Ruhr, phía Tây nước Đức. Ngay lập tức, bà choáng váng nhận thấy tỉ lệ người không nhà cửa ở đây quá lớn, và trạng thái u ám vô vọng. Sau một thời gian, bà hình thành Cửa hàng trao đổi – Tauschring – nơi mọi người có thể trao đổi kỹ năng hay tài sản của họ cho nhau và không cần tiền mặt. Ví dụ, một thợ cắt tóc cắt tóc cho một người, đổi lấy dịch vụ bảo trì xe của người đó; một chiếc máy nướng bánh mỳ vẫn còn tốt nhưng không bao giờ được dùng đổi lấy vài chiếc áo cũ. Bà gọi đó là Gib und Nimm (Cho và Nhận).
Bà tin rằng những người không có nhà cửa không cần tiền để tái hòa nhập xã hội. Thay vào đó, họ nên tự trao quyền cho mình bằng việc khiến mình có ích, cho dù có nợ nần, có nghèo túng hay không có việc làm. “Tôi vẫn luôn tin rằng, ngay cả khi không có gì, mỗi con người vẫn có giá trị rất nhiều. Ai cũng có nơi chốn, vị trí trong thế giới này.”
Nhưng những người không có nhà cửa ở Dortmund lại ít đến Tauschring. Hầu hết những người không có việc làm hay đã nghỉ hưu lại đến Tauschring. Họ cầm theo những thứ vốn nằm lay lắt quanh nhà cả nhiều năm trời mà không được sử dụng, hoặc những kỹ năng họ có nhưng không còn sử dụng thường xuyên nữa. Đó là những thợ làm tóc đã nghỉ hưu tình nguyện cắt tóc cho những thợ điện mất việc; đổi lại, thợ điện sẽ lắp điện cho cái bếp nhà họ. Giáo viên tiếng Anh nghỉ hưu thì dạy tíêng Anh, đổi lại người được dạy dắt chó của họ đi dạo thay.
Tauschring trở thành một hiện tượng của Dortmund. Tauschring thành công đến nỗi Schwermer phải tự hỏi mình những câu hỏi nghiêm túc và cách sống của cuộc đời mình. “Tôi bắt đầu nhận thấy rằng tôi sống mà có quá nhiều thứ tôi không cần.” Vì vậy, bà quyết định sẽ không mua bất kỳ cái gì mà không tặng đi cái gì đó của mình.
Sống đơn giản
“Rồi tôi bắt đầu nhận thấy những gì tôi có nhiều hơn thứ mình cần. Tôi cho mọi thứ mà mình không thật cần thiết.” Bà chủ hiệu sách cũ đã rất “bực bội” vì tiếc thay cho bà khi bà đem tới tặng hết bộ sưu tập sách khổng lồ – vốn chiếm diện tích rất lớn của gian nhà mình. Nhưng bà lại cảm thấy đó là điều tốt cho mình. “Tôi yêu sách vô cùng, nhưng biết là phải tặng đi thôi. Lạ cái là tôi không thấy nhớ chúng chút nào.”
Bà muốn chia sẻ những gì mình trải qua với người khác, và trở thành nhà trị liệu tâm lý. Bà cũng thiền, và lập tức nhận thấy mình không hài lòng với công việc biết bao nhiêu. “Tôi thường xuyên bị ốm, đau lưng, và không bao giờ nhận ra mối liên hệ giữa những triệu chứng sức khỏe của mình với sự không hạnh phúc trong công việc trước đấy.”
Năm 1996, bà có một quyết định cực đoan nhất của cuộc đời mình: sống mà không cần tiền. Bà trả lại căn hộ, bỏ công việc, sống “du mục” ở thành phố. “Một lối sống cực đoan” như bà thừa nhận. Nhưng bà thích nó hơn bao giờ hết. 13 năm trôi qua, bà tiếp tục sống theo nguyên tắc “Cho và Nhận.” “Tôi có mọi thứ mà tôi cần và tôi biết rằng không thể trở lại cuộc sống như trước đây. Tôi không phải làm điều mà tôi không thích.”
Bà sống mỗi tuần ở phòng thừa của một thành viên của Tauschring, làm việc hay lau dọn cho họ để đổi lại những gì mình cần. Bà có khoản tiền phòng trừ lúc khẩn cấp là 200 euro. Bất kỳ khi nào có tiền bà đều cho tặng đi.
“Tôi quyết định là lấy tiền lương nhưng tặng đi hầu hết, trừ phi là phải trả tiền vé đi tàu.” Thế giới vật chất của bà chỉ có trong một cái va ly đen và túi đồ đựng những thứ lặt vặt. Bà vẫn khỏe mạnh, đầy sức sống, hấp dẫn, mắt còn tinh, răng còn chắc. Bà ăn mặc gọn gàng, sạch sẽ và cũng là điều ngạc nhiên nếu nhìn vào cách sống của bà ở tuổi 67. Hai đứa con của bà, hiện đã là giáo viên dạy nhạc và chuyên gia vật lý trị liệu ủng hộ cách sống của bà.
Đa phần thời gian, bà có những buổi nói chuyện với những người quan tâm, đặc biệt là những thanh niên Đức. Họ được gợi cảm hứng và sống thử một tuần không cần tiền. Schwermer muốn là một tấm gương và khuyến khích người khác thay đổi quan điểm sống của mình về tiền bạc, và cách họ sống và đóng góp vào xã hội. Schwermer cho rằng, áp lực phải mua, phải sở hữu, bà cảm thấy ngày càng mạnh hơn trong những năm gần đây. Chủ nghĩa tiêu dùng là “sự cố gắng lấp đầy khoảng trống bên trong.” Sự trống rỗng, nỗi sợ hãi mất mát bị truyền thông và những tập đoàn lớn thổi phồng lên.” Người ta sợ rằng, nếu không mua hay sở hữu cái gì đó, một cá nhân sẽ bị bật ra khỏi xã hội.
“Trớ trêu thay, là những thứ vật chất đó không bao giờ có thể lập đầy được chỗ trống trong tâm hồn, và mua sắm và tích trữ lại có xu hướng ly khai con người hơn là đem sự hài lòng,” bà nghĩ.
Liệu Heidemarie Schwermer có định bắt đầu một cuộc cách mạng?
“Không, tôi nghĩ mình cũng như người gieo hạt. Có thể người ta đến ngay tôi nói chuyện, thấy tôi được phỏng vấn và quyết định chi tiêu ít hơn. Người khác thì có thể bắt đầu thiền. Điểm mấu chốt ở đây là cuộc sống mà không cần tiền của tôi liệu có thể tạo ra một xã hội khác không. Tôi muốn mọi người tự hỏi họ, ‘Vậy bản thân mình cần cái gì? Mình thật sự muốn sống như thế nào? Mọi người cần hỏi họ xem họ thực sự là ai, họ thuộc về đâu.”
Schwermer tin rằng đó là tương lai của chúng ta. Chúng ta vẫn mua được tất cả những thứ mình muốn, nhưng lại cần ít hơn những thứ mà chúng ta có. Bà đã viết hai cuốn sách về cuộc phiêu lưu của mình (và dĩ nhiên là tặng đi nhuận bút). Cuốn đầu tiên My Life without Money (Cuộc đời không tiền của tôi) đã biến bà trở thành “tiểu anh hùng” tại một số vùng của nước Đức.
Bà cũng chuẩn bị cho mình tang lễ sau khi thỏa thuận với một giáo sỹ làm lễ cho bà miễn phí, đổi lại vài buổi tư vấn cho những người đang bị trắng tay. Bà vẫn chưa thể tiếp cận được những người sống không có tiền (mà không phải là lựa chọn của họ như bà). Còn Tauschring của bà đang có thêm nhiều thành viên. Điều duy nhất mà Schwermer sợ hãi lúc này là lên TV. Hiện nay, chỉ có hệ thống mạng lưới xe lửa của Đức là không thích quan điểm sống hay chưa bị quyền lực thuyết phục hấp dẫn. Vì vậy, bà vẫn cần vài euro để đi lại.
Box: “Tôi làm việc trong nhà bếp và người ta nói với tôi: “Bà học đại học, học để làm việc này à?” Nhưng tôi nghĩ, con người ai cũng có giá trị thực chất bên trong, tại sao tôi lại có giá trị hơn khi làm giáo viên hay chuyên gia vật lý trị liệu, so với tôi khi làm việc trong nhà bếp?” – Heidemarie Schwermer
K.Loan (Theo Times Online)
P.S của người viết:
– Có thể mình sẽ cho bớt những đôi giày đi. Và cho bớt sách đi. Nhưng mới nghĩ đến thế đã thấy tiếc roài. Ôi Schwermer, một hiện tượng thú vị.
– Một lý do bà ấy có thể sống được như vậy vì bà ấy có “những mối quan hệ”. Những người bị buộc sống không cần tiền (vì không có tiền) không phải ai cũng có ” những mối quan hệ” như bà ấy.
Khi nào em định cho bớt giày và váy thì bảo chị nhé 😛