Quần áo thì 95% em dùng hàng nội. Bởi vì đồ may sẵn ở Việt Nam thường hợp với dáng em, mua ở các tiệm may thường được làm bằng tay, rất cẩn thận. Ngoài ra, các món hàng ở Nino Maxx, Ha Gatini khi giảm giá cũng vừa cái túi thường xuyên thủng của em.
Em không dùng hàng ngoại, vừa mắc, vừa giá trên giời. Khổ cái là dùng hàng thật cũng bị người ta nghi là hàng giả. Mà hàng giả cũng đắt kinh khủng. Cái túi LV hàng giả cũng có giá 250$ (các anh chị nhớ là họ tính bằng $, chứ không phải VND). Em chả dại, vì nó chả giúp em lên được tí chân kính nào, về mặt bản chất. Dùng mấy cái này khéo lại bị con Khờ với thằng Tờ nó mắng là khờ hơn chúng nó (em đã khẳng định chúng nó là khờ nhất rồi, không thể để chúng nó xuống hạng nhì được!).
Nhưng mặc rồi nghĩ tới ăn. Em nghĩ tới cái cà – mên đựng cơm hàng ngày của em. Hôm đó, em ra siêu thị để mua. Một cái cà-mên Việt Nam, một cái của Thái Lan. Cái của Việt Nam thì rẻ hơn một tí tẹo, mà sờ vào thì các đường gờ rất sắc, rất dễ đứt tay. Còn cái cà-mên của Thái Lan thì các đường gờ rất an toàn. Nó y như nhau, nhưng để đảm bảo an toàn cho em, em bấm bụng bỏ thêm ít tiền, quay lưng với hàng nội. Em cũng thú nhận là em mất tới 10 phút trước cái gian hàng này vì suy nghĩ rất mông lung.
Giày thì em cũng chọn hàng nội. 90% hàng nội, của T&T. Hàng da, làm bằng tay, bảo hành tốt, rất bền. Chỉ cần chịu khó chọn lựa sẽ ra mẫu đẹp. Nói chung, người đẹp nên mẫu xấu nó cũng thành đẹp. Ấy là em cứ kiêu kiêu vì vừa ăn bún riêu nên nói thế.
Đồ ăn thì chắc chắn là hàng nội rồi. Thi thoảng em cũng ăn hàng ngoại, kiểu “nhập từ New Zealand” hay “Úc”. Nhưng nội hay ngoại gì thì cũng ôm trong lòng nỗi lo về các loại chất bảo quản. Nỗi lo này không nguôi, ám ảnh vô cùng. Mỗi lúc như vậy lại tràn đầy sự ghen tị với các bạn bè năm châu bốn biển. Lâu rồi em không ăn táo, em thèm ăn táo, ăn dâu, ăn nho. Vậy mà em phải kìm nén chúng lại. Có ai khổ như em không? Chỉ khi đi đâu đó khỏi biên giới, đến các nước khác, thì em mới dám ăn. Em vừa ăn vừa láo liên nhìn xung quanh, chỉ sợ ai đó phát hiện em đang thỏa mãn cơn thèm ăn táo, hoặc có cơn gió bỗng nhiên lướt tới cuốn bay quả táo đi chỗ khác thì em khổ biết chừng nào.
Nhưng nhìn chung, cái gì có giá trị, cần phải lấy yếu tố bền đẹp lên hàng đầu thì em dùng hàng ngoại. Đừng nói em sính ngoại, tội em. Vì nó ảnh hưởng trực tiếp tới túi tiền và sức khỏe của em, nên em phải cẩn trọng. Em bỏ tiền ra một lần, em dùng hàng chục năm, em không hề phải suy nghĩ, phải bực dọc vì nay nó hỏng, mai nó hóc. Đó là sự sung sướng mà không phải loại hàng nội nào cũng mang lại cho em.
Cái gì liên quan tới sức khỏe của em, như kính, như…hị hị (cái này thì tùy hiểu à nha, nói ra xấu hổ lém), thì em phải dùng hàng ngoại là rõ rồi. Cái cửa sổ tâm hồn là thứ đáng phải đầu tư mà. Rồi các thứ khác mà Việt Nam không thể sản xuất được, thì em phải dùng hàng ngoại thôi.
Em cũng từng sắm bát đĩa là đồ nước ngoài. Nhưng bây giờ, em cho rằng đó là lựa chọn không hẳn là thông minh cho lắm (ngu gì mà em nói em ngu?). Vì quả thật đồ Việt Nam cũng dùng tạm được. Trong khi nhà em chưa phải biệt thự thì em cũng không nên đòi hỏi quá nhiều đối với bộ ấm chén bát đĩa của mình, tội nó.
Có một thứ em dùng hàng ngoại mà em không bao giờ thấy cắn rứt lương tâm. Đó là sách. Em chết mê, chết ngộp, chết mệt trong những cửa hàng sách tưởng như mênh mông bất tận khi đi …(em không nói cụ thể ra đâu, kẻo các anh chị lại mắng em là sính ngoại!). Em thấy hạnh phúc, nằm mơ mình chết trong vòng tay người yêu trong một cửa hàng sách (hay trên giá sách?). Đó sẽ là cái chết kết hợp nhiều yếu tố. Nếu cho em nằm luôn cả trên cây đàn piano nữa thì càng tốt. Mắt em sáng rỡ. Miệng em cười như hoa. Tim em đập thình thịch.
À, mà tình yêu của em cũng là hàng nội. Hàng nội này tự chứng minh là chất lượng vượt trội hơn mọi thứ hàng ngoại khác.
Vì vậy, em tin rằng mặt hàng nào tự chứng minh là có chất lượng thì tự nhiên sẽ có chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng, cụ thể là em. Việc tuyên truyền để em bập vào hàng Việt Nam thì cũng tốt, vì em có thể bập thật trong thời gian đầu. Nhưng để giữ em lại với hàng nội thì chỉ có một cách là người bán hàng phải hiểu rõ em là người tiêu dùng thế nào.
Đối xử với em như con nít, lừa đảo em, làm em bực bội thì em sẽ chạy xa. Không những chạy xa mà em sẽ nói với các bạn em để họ chạy xa.
Vậy nha.