Chuyện Lý Thường Kiệt và nàng Thuận Khanh

Có ba chuyện mà Giám đốc sản xuất Huỳnh Anh Tuấn, nghệ sỹ Thành Lộc và ê kíp thực hiện vở kịch hát Ngàn năm tình sử có thể tự hào:


  1. Khán giả đã ngồi đến tận phút cuối của vở diễn, vỗ tay cho đến khi diễn viên cuối cùng rời khỏi sân khấu. Đây là điều không thường thấy ở các sân khấu tại VN, dù ở nước ngoài, đây là việc rất bình thường.
  2. Các khán giả đã nói chuyện với nhau về Lý Thường Kiệt khi vở kịch kết thúc. Có những tiếng của các bạn trẻ nói, họ sẽ về “google” xem ông là ai, Lý Đạo Thành có công, có trạng thế nào, hay vai trò của Nguyên phi Ỷ Lan trong lịch sử…
  3. Và có người nói rằng: “Liệu mình có nên đi xem lần nữa không ta?”. Ý nói rằng, một lần, với họ cũng chưa đủ. Họ muốn đi xem thêm.

Có lẽ hơn ai hết, ê kíp thực hiện vở kịch hát này hiểu rằng họ đã vượt qua được thách thức trước một khoảng thời gian của lịch sử Đại Việt, với rất nhiều biến cố. Từ trước tới nay, các nhân vật lịch sử của VN từ trước tới nay đều đóng khung trong một khuôn, ai ác thì thật ác, ai tốt thì thật tốt. Họ không phải là con người, mà có cảm giác họ là cái máy, là tiên, là thánh, hay là ác thú. Vì vậy, cái nhìn của con người thời hiện đại đối với các nhân vật lịch sử cũng trở nên xơ cứng, khó gần.

Nhưng dưới ngòi bút của tác giả kịch bản, nhà văn Nguyễn Quang Lập và cách xử lý dàn dựng sân khấu của Thành Lộc, lịch sử trở nên dễ hiểu hơn, dù có thể dưới góc độ khác. Con người của những năm đầu thế kỷ 11 trở nên gần hơn. Có nhiều tranh cãi trong cách xử lý mang tính sáng tác, phóng tác các hình tượng, diễn biến trên sân khấu, nhưng cái cách mà ê kíp Idecaf mạnh dạn, và thậm chí là quyết liệt thay đổi cách làm về lịch là điều đáng ghi nhận.


Xuyên suốt vở kịch là tiếng sáo da diết của Lý Thường Kiệt, báo hiệu một tình yêu mãnh liệt những đầy bất hạnh. Với Thành Lộc, anh luôn biết đẩy mọi thứ lên đỉnh điểm của nó. Hài thì cười nghiêng ngả, bi thì đến tột cùng. Điểm khá hơn của vở kịch này so với các vở kịch khác của Idecaf là các diễn viên đã tiết chế để tạo ra hình tượng các nhân vật vừa vặn.

Một Lý Thường Kiệt của Thành Lộc trẻ trung, uy nghi, rồi lại đau đáu suy tư vì vận nước, rồi lại lụy tình đến nghẹn ngào. Các sắc thái của Hữu Châu cho thấy “nội công thâm hậu” của anh với các vai diễn khó. Dù có những lúc Hoàng Trinh tưởng chừng như hụt hơi với vai diễn quá khó là hoàng hậu Thượng Dương, cũng phải thừa nhận rằng đây là vai diễn dành cho cô. Một chút đáng tiếc với Thanh Thủy, không phải là tài nghệ của cô không tròn trịa trong vở kịch này, mà ngoại hình đã không ủng hộ cô trong vai diễn Thuận Khanh khi còn trẻ. Dù sao, tài biến hóa của cô cũng là điều rất đáng khâm phục.

Nói Ngàn năm tình sử là một vở kịch đẹp cũng không phải quá lời. Khi đưa ra nhà hát Bến Thành, Idecaf đã có lựa chọn tốt nhất có thể để cùng với khán giả có những giây phút thực sự thăng hoa trong nghệ thuật. Phục trang, ánh sáng, âm thanh đều được trau chuốt. Âm nhạc của Đức Trí có lẽ là một trong những điều gây tranh cãi. Nhưng với các khán giả trẻ ở Sài Gòn bây giờ, họ dễ tiếp nhận hơn, và không quá khó tính với những phá cách của nghệ thuật.



Có vài điều đáng tiếc ở vở kịch hát:

  1. Giá như Thanh Thủy bớt đi vài kg. Đài từ của cô có vẻ như không thực sự hợp với vai này. Nhưng kỹ nghệ diễn xuất thì vẫn là mức công phu.
  2. Thiết kế sân khấu có thể thật hơn nữa, vẫn có quá nhiều ước lệ.
  3. Lê Khánh có vóc dáng hợp với nhân vật, nhưng cô diễn vẫn còn nông.

Nhưng dù sao, những cố gắng của ê kíp là điều đáng trân trọng. Họ thực sự muốn thoát khỏi cái khung gò bó để đem lại cho khán giả một món ăn tinh thần mới, và hiệu quả của nó là tích cực. Nói chung, đây là một trong những vở kịch công phu và đáng xem nhất của Idecaf.