Xê dịch

Khi ở Tel Aviv tháng 7, ở một khu nhà ở rẻ tiền, giá 25 USD/đêm (trong khi ăn một bữa hết 40 USD), cảm giác tự do thật sung sướng, dù ngày ngày vẫn đi và làm việc, vác những cái máy móc trên người thật nặng và mệt.

Kiểu ở hostel thường chỉ dành cho sinh viên đi du lịch bụi, chứ công tác như mình mà cũng công tác…bụi nữa thì cũng hơi hiếm. Bà con đi toàn ở các sao, mình thì chui vào nằm cái giường tầng, giường đơn, gọi là bunk, upper bunk, lại không có cạnh chắn. Đêm nằm, trên giường là đống chăn, là máy tính, là ba lô, mình chỉ còn một mẩu chỗ để nằm. Nằm im, không nhúc nhích, chỉ sợ lăn xuống đất. Đồ đạc cá nhân (trừ máy tính, hộ chiếu, những thứ quý giá để trong tủ khóa lại) thì để bên dưới sàn, cả ngày như vậy, ai cũng vậy. Cả khu nhà với mấy chục phòng đều không có phòng nào khóa cửa. Mọi người tự giác không lấy cái gì không phải của mình. Mà tòan người xa lạ với nhau.


Chuyện ở hostel này cũng đã thành quen khi đi nơi này nơi nọ hồi đi học. Thụy Sĩ chẳng hạn, mình đã ở kiểu này với các bạn. Khi là sinh viên thì chẳng sao, nhưng đi làm rồi, hình như, cũng có sao, mà ít.


Cái khu hostel tòan là dân đi du lịch bụi. Muốn gặp người mới, nên ở kiểu này. Ở khách sạn thì chỉ gặp có cái cửa, chẳng thấy ai. Một cậu người Đan Mạch, lượn lờ cả năm trời khắp nơi, đi cho nó biết. Chả làm gì, chỉ đi xem các nơi, học tiếng.

Trong phòng có bốn cái giường, có ba cô ở. Lạ là, cả ba cô đều đi một mình tới Israel.


Một cô đang làm luật sư, chán việc, nghỉ hẳn, đi chơi. Từ xưa, cô ấy tòan làm việc, không đi chơi đâu. Giờ thì cô ấy đi vài nước châu Á, châu Âu, Israel, rồi lại sang châu Âu. Đến nơi nào thì tìm khu hostel kiểu này để ở, cho gặp người và kết bạn, như cô ấy nói.

Một cô làm về tiếp thị, cũng nghỉ việc, đi khắp mọi nơi với cái ba lô dài và to trên lưng.


Làm sao họ tồn tại được ở một nơi xa lạ?

Ngôn ngữ, ít nhất phải biết nói tiếng Anh, biết thêm tiếng bản địa càng tốt.

Phải biết tạo mối quan hệ tốt với những người khác, đừng làm họ ghét, để khi có việc xảy ra ở nơi xa lạ, ít ra, họ cũng không tiếp tay cho người khác làm hại mình.

Phải tự thu vén cuộc sống cho mình, không ai thân quen xung quanh nâng đỡ mình khi mình sa sút tinh thần, mệt mỏi hay gặp nguy nan. Khổ nhất là ốm đau, là không ăn uống được, là không hào hứng khi đi đến vùng đất mới.


Ở hostel sẽ thấy rõ, thế giới, đặc biệt là lớp trẻ đang dịch chuyển như thế nào. Khám phá, khám phá và khám phá. Họ chỉ cần khoác ba lô lên, bước chân đi, cả một tầm nhìn rộng mở và một chân trời đầy mới lạ.


Thấy mình xí xớn, hết tuổi ở hostel rồi mà cứ đòi ở, nghĩ cũng vui. Gặp tòan những người 19-20 tuổi, với khẩu hiệu: Die or Go? Chết hay là đi?

Thấy các kỹ năng để tồn tại của họ thật là hay, mà mình cần phải học.


Không biết, lần sau có nên ở hostel nữa hay không. Chỉ sợ mình hết tuổi.

Mà tuổi là gì? Nhớ khi đến Masada, một thành trì cổ đại ở Israel, nghe hai cụ già nói chuyện với nhau:

“Bà biết không, tôi già rồi, làm sao tôi làm được điều đó?”

“Tuổi tác là cái gì? Tôi nói bà nghe, tuổi chỉ tồn tại trong tờ lịch thôi. Chúng ta chẳng bao giờ là những người có tuổi cả.”


AQ một phát.

Đây là Jericho, vùng đất đang nằm trong sự kiểm soát của Palestine. Jericho là thành phố ở vị trí thấp nhất thế giới, lâu đời nhất thế giới,10 ngàn năm tuổi. Ảnh: Khổng Loan
Đây là Jericho, vùng đất đang nằm trong sự kiểm soát của Palestine. Jericho là thành phố ở vị trí thấp nhất thế giới, lâu đời nhất thế giới,10 ngàn năm tuổi. Ảnh: Khổng Loan

Comments

One thought on “Xê dịch

  1. Có phải bài “Tản mạn về những cái chết không nhìn thấy” trên tuanvietnam là của chị?

    Sorry, em còm không liên quan đến chủ đề bài viết. 😀

Comments are closed.