Bài học hạnh phúc

Một lời đề xuất có thể là điên rồ với nhiều người, nhưng không phải là hoàn toàn vô lý đang gây tranh cãi trong những người làm giáo dục ở Anh. Một trong những nhà kinh tế rất có tiếng tăm và ảnh hưởng ở Anh đề xuất đưa một môn học mới vào giảng dạy. Môn học có tên là “bài học hạnh phúc”.
Báo Daily Telegraph đã tạo ra cuộc tranh luận sôi nổi giữa độc giả trên mặt báo và trên tờ báo trực tuyến, cho thấy vấn đề này đang được dư luận quan tâm.

Những gì con người làm trong cuộc sống hàng ngày đều để đạt mục tiêu: cảm thấy hạnh phúc. Cách cảm nhận hạnh phúc của mỗi người rất khác nhau.
Richard Layard, giáo sư về kinh tế tại Đại học kinh tế London cho rằng: Hạnh phúc là cảm giác tốt đẹp, hưởng thụ cuộc đời và cảm thấy cuộc sống tuyệt vời. Không hạnh phúc là cảm thấy buồn bực và muốn có sự thay đổi.

Vật chất – thứ để chúng ta vất vả hàng ngày – lại không góp phần nhiều vào cảm giác đó. Ông cho rằng người giàu không có nghĩa là cảm thấy hạnh phúc hơn những người nghèo.
Vị cố vấn cao cấp về giáo dục cho chính phủ Anh cho rằng, tất cả học sinh đều cần phải học “những bài học hạnh phúc” cho đến tuổi 18 – mốc tuổi trưởng thành. Ông muốn tìm cách vực dậy tinh thần ngày càng suy sụp trong lớp trẻ và thay đổi lối hành xử ít nói lời “làm ơn” hay “cám ơn” trong học sinh.

Nội dung bài học bao gồm những vấn đề về tâm lý, những kỹ năng cần thiết để tồn tại và tiến lên; kiểm soát trạng thái cảm xúc; cách yêu thương và phục vụ người khác; biết yêu và trân trọng cái đẹp; hiểu biết về tình dục, tình yêu và niềm hạnh phúc được làm cha mẹ; công việc và tiền bạc; một sự tiếp cận có tính phê phán đối với truyền thông; tham gia vào chính trị và triết học.
Ở Anh, hiện mới có trường nội trú Wellington thông báo môn học này trong thời khoá biểu. Mười điểm hướng dẫn cho khoá học này bao gồm cách hiểu ý nghĩa và tạo và duy trì mối quan hệ tốt, duy trì thể trạng sức khoẻ và đầu óc minh mẫn, thông minh một cách có cảm xúc, sống và trân trọng cảm xúc cho hiện tại, tôn trọng thiên nhiên và môi trường, sử dụng công nghệ một cách phù hợp và vừa phải, đối thoại thực sự trực tiếp nhiều hơn, thách thức bản thân và kiểm soát xung quanh…
Theo các số liệu nghiên cứu, có ít nhất 2% trẻ em Anh dưới 12 tuổi đang phải đối mặt với chứng bệnh trầm cảm. Khi lên tuổi thiếu niên, tỉ lệ này tăng lên 5%. Nghiên cứu của Quỹ nhi đồng LHQ về trẻ em ở 21 quốc gia phát triển cho thấy, trẻ em Anh là những trẻ em ít cảm thấy hài lòng với cuộc sống của mình nhất. Tổ chức Y tế thế giới dự đoán số trẻ em gặp vấn đề về thần kinh sẽ tăng lên 50% vào năm 2020.
Tuy nhiên, có những người lên tiếng phản đối, cho rằng những bài học hạnh phúc này tạo ra một thế hệ thanh niên yếu đuối về tinh thần. Nó cũng lấy đi thời gian giảng dạy các môn như

tiếng Anh, văn học hay toán. Nhưng vị giáo sư có lý riêng của mình. Ông nói: “Cái gì cũng phải luyện tập thì mới tốt. Học chơi violin mất hơn 10.000 tiếng. Làm sao ta có thể hy vọng con người học cách hạnh phúc mà không mất thời gian nhiều để luyện tập và lặp đi lặp lại?’
Xã hội với những suy nghĩ “tôi phải có” “tôi cần sở hữu” đang huỷ hoại thế hệ trẻ. Trẻ em không có được những người mà chúng có thể tin tưởng và tâm sự. Cha mẹ, đáng tiếc thay, không phải lúc nào cũng là người chúng cần. Trẻ em không có cuộc sống độc lập, bị dính chặt với máy tính và TV.

Mà đôi khi, nỗi lo lắng đó đến bọn trẻ bằng con đường rất gần: từ bố mẹ. Liệu đó có phải chính từ những ông bố bà mẹ miệt mài lo lắng làm kinh tế, vô tình ảnh hưởng tới con cái họ. Con cái họ bỗng nhiên có nỗi lo lắng phải sở hữu những thứ hoàn hảo nhất giống suy nghĩ thường trực trong đầu bố mẹ. Vậy thì
điều quan trọng là hãy để trẻ em là chính các em. Chúng xứng đáng được sống cuộc đời vô ưu lo nhất.

Trong đánh giá của Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) về chất lượng cuộc sống của trẻ em, một tiêu chuẩn để đánh giá là thời gian để bé nói chuyện, hay ăn uống hàng ngày với cha mẹ. Những thứ này đang trở nên xa xỉ trong đời sống công nghiệp, tạo nên một thế hệ trẻ em từ chối rằng mình đã có tuổi thơ.

Trong cuốn sách “Hạnh phúc – những bài học từ khoa học mới” (Happiness – lessons from new science), Giáo sư Richard Layard viết: Thu nhập của thế giới thứ nhất đã tăng hơn gấp đôi, nhưng họ bị trầm cảm gấp đôi, bị nghiện rượu nhiều hơn và có nhiều tội phạm nhiều hơn so với 50 năm trước. Điều lạ lùng này đang xảy ra với Anh, Mỹ, châu Âu lục địa và Nhật Bản. Điều gì đang xảy ra vậy?
(Bài viết 10.05.2007 11:32)

Comments