Có những người sinh ra làm lãnh đạo. Từ nhỏ tới lớn. Có người được đặt vào hoàn cảnh làm lãnh đạo vì xung quanh những người có thể làm lãnh đạo thì đang mải oánh nhau nên họ là lựa chọn phù hợp an toàn. Cái này gọi là cờ đến tay ai người đó phất.
Nhớ hồi bé tí, đi học lớp 1. Đang lơ ngơ khi lớp bầu lớp trưởng với quản ca, một chị hàng xóm dí luôn mình cho cô giáo: Cô cho em này làm quản ca đi. Khổ, có biết hát hò gì đâu, nhưng thời đó làm quản ca cũng dễ. Ngoáy ngoáy cái tay vào nách thế là hô các bạn hát một bài, đồng ca. Thế là cả lớp gân cổ lên hát, xong.
Lên lớp hai thì chuyển sang lĩnh vực khác là lớp trưởng. Và liền tù tì lên tới tận lớp 9. Đến học kỳ 2 lớp 9 thì lớp trưởng cá biệt quá nên chán chả thèm làm lớp trưởng. Trả lại trách nhiệm cho xã hội. Một bạn khác lên thay. Bạn này ngoan hiền dễ thương, rất chỉn chu. Thật khác hẳn với con bé mình đã bướng còn lì, toàn tụ tập đầu gấu đi chơi.
Nói vậy để thấy rằng chuyện làm lớp trưởng, cũng phải là cái duyên.
Nhớ buổi nói chuyện gần đây của Mr Vũ Khoan ở Hà Nội trong đợt đào tạo kỹ năng mềm về lãnh đạo của một chú người Anh dạy hôm đầu tháng. Mr Khoan từng là Phó Thủ tướng, U80 nhưng vẫn còn phong độ lắm. Buổi nói chuyện có chủ đề: Làm thế nào để trở thành một lãnh đạo nổi bật?
Có ai mà không muốn trở thành một lãnh đạo? Lại còn nổi bật nữa! Nghe hấp dẫn quá nên khoảng 50 bà con Cheveningers ở VN mắt tròn mắt dẹt lắng tai nghe.
Đại khái có vài điểm chính:
Một là: phải là người ra quyết định
Hai là: phải là người triển khai quyết định đó
Trước khi trở thành người như vậy, hãy lao động phục vụ xã hội và người khác với niềm vinh hạnh – tiếng Anh gọi là service with honor. Một chú bồi bàn thì sẽ mãi là chú bồi bàn nếu anh ta đến việc bồi bàn cũng làm không tốt thì mơ gì đến làm quản lý hay giám đốc. Nói vậy, ý là việc đơn giản mà không làm được thì nói gì đến việc cao xa, chứ không có ý phân biệt nghề nghiệp.
Mọi việc nó đến rất tự nhiên. Việc gì đến sẽ đến.
Khi lên thì đừng có cố gắng lên, vì nếu cố gắng thì phải lượn lờ luồn lách. Nhưng khi xuống thì phải biết lúc nào cần xuống.
Đó là ý Mr đó nói vậy. Kể cũng thú vị.
Ngoài ra, Mr đó nói rằng “muốn sống lâu thì đừng có thắc mắc”. Cũng đáng suy ngẫm nữa.
Nhắc đến đây lại nhớ đến một câu nói của một mentor: Một ngôi sao ở đỉnh cao, không thể nhận vai Juliet vì cô ta đã ở tuổi 46. Cô ta chỉ có thể đứng sau cánh gà nhìn học trò của mình lên sàn diễn, và nhận ra đứng sau cánh gà cũng là một vai lớn xứng đáng với ngôi sao.
Phải đi xem “Cho em 150 phút phiêu lưu” ở sân khấu 5B vậy. Có vẻ rất có ý nghĩa.
Một điểm khác trong đợt đào tạo là mình hiểu rõ con người mình và người khác. Mỗi tính cách ứng với một màu. Mình có thể chọn ai là cộng sự cho mình thì tốt nhất, vì sao.
Tất nhiên, cuộc sống luôn là những compromises – thỏa hiệp.
Mình màu vàng. Yellow. The sun shines, tỏa sáng khắp vùng. Lượn lờ trên cao, suy nghĩ vĩ mô (hay nói cách khác là viển vông), gợi cảm hứng, làm một số việc rất tốt còn một số việc khác thì cần cộng sự màu Blue hoặc màu Đỏ.
Màu Blue thì có thể là người yêu được. Mình get on well với kiểu người này, họ cẩn trọng, logic, kéo tụt mình xuống đất rất hợp lý.
Với kiểu người màu đỏ độc tài thì họ làm việc cực kỳ hiệu quả, nhưng họ cần người màu vàng như mình làm mặt tiền.
Mình lại cần người màu Đỏ làm cộng sự. Màu đỏ có thể triệt tiêu sức sáng tạo vẫy vùng của mình nếu hai người không thể làm việc cùng, hoặc có thể phối hợp với mình làm được những việc lớn lao, vì họ là người quyết liệt.
Vậy, tùy theo màu mà làm việc. Tùy theo sức của mình nữa.