Tôi chuẩn bị phần chia sẻ này khi nhận lời tham gia thảo luận trong sự kiện chia sẻ “Người trẻ với văn hóa đọc” tại tọa đàm giao lưu: “Sách – người thầy, người bạn” vừa được tổ chức vào ngày 15.5.5 tại TP.HCM
Vai trò của sách với sự trưởng thành của mỗi người?
Để trả lời câu hỏi này, cần phải nhìn nhận trước hết là “Thế nào là sự trưởng thành?” Mỗi người sẽ có cách nhìn nhận khác nhau. Với tôi, trưởng thành tức là hiểu mình, hiểu người, hiểu cuộc sống, hiểu vũ trụ nhân sinh. Tức là biết mình biết người. Đó là hành trình không hồi kết.
Nhưng trưởng thành không có nghĩa là sành sỏi. Với tôi, người trưởng thành là người không giữ sự cay đắng, sân hận trong lòng. Dù phải trải qua bao thác ghềnh khó khăn của cuộc đời, nhìn thấy bao thứ dở, thứ xấu, nhưng họ vẫn đầy lòng vị tha, nhiều tình yêu thương, sẵn sàng giúp đỡ người khác, kiểm soát được cảm xúc của mình, điềm đạm và luôn cố gắng để có thể tốt hơn mỗi ngày. Người trưởng thành ít càm ràm, bớt ghen tị, bớt chơi xấu, bớt gian, bớt tham, bớt sân si. Trưởng thành là vẫn giữ cho mình tâm trong sáng dù đã trải qua bao biến cố cuộc đời.
Trưởng thành cũng còn là biết cách sống, biết cách cư xử, ứng xử, cho phù hợp với vị trí của mình trong xã hội. Trả lời được những câu hỏi tôi là ai? Tôi đến thế giới này làm gì? Tôi có thể làm gì để cho thế giới này tốt đẹp hơn? Nói cách khác, làm thế nào để tôi trở thành người mang năng lượng tốt.
Trưởng thành về thể chất, tâm hồn và trí tuệ. Thể chất thì có thể có những cột mốc để đo lường, nhưng tâm hồn và trí tuệ thì không dễ nhìn nhận và đánh giá. Mỗi chúng ta đều là những tác phẩm đang dần hoàn thành.
Vậy với tôi, người trưởng thành là người sở hữu trong mình một năng lượng tốt, yêu đời, yêu người, yêu cuộc sống, và mỗi ngày đều cố gắng bền bỉ để trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình.
Sách có vai trò thế nào trong quá trình trưởng thành và nhận thức của bản thân tôi?
Chắc chắn sách có vai trò rất lớn với sự trưởng thành và nhận thức của tôi.
Cuộc đời chúng ta là tổng hòa của các mối quan hệ. Gần gũi nhất là gia đình, rộng hơn là hàng xóm láng giềng, khu phố, rồi đến trường lớp, rồi đến nơi làm việc, rồi đến ngoài đường.
Chúng ta học kiến thức từ cha mẹ, thầy cô, bạn bè, đồng nghiệp, lãnh đạo quản lý ở công ty, những mối quan hệ ngoài xã hội, ở ngay gần mình, nhưng cũng có thể rất xa mình, như một người ở một phương trời xa nào đó.
Chúng ta không chỉ tiếp cận thông tin qua sách vở, truyện in, mà còn qua Internet, từ website, các trang mạng xã hội…
Là một người làm về truyền thông, tôi rất may mắn đã được hiểu về nguồn thông tin, những điểm hay và dở của từng nguồn thông tin, thế nào là một nguồn thông tin đáng tin cậy. Tôi cũng có thể hiểu được các cơ chế, mô hình của các doanh nghiệp truyền thông, tiếp thị, để có thể phân định được đâu có thể là đồ ăn bổ cho thân, tâm, trí của mình (dù không phải lúc nào cũng làm được).
Trong rất nhiều nguồn thông tin để chỉ dẫn cho mình thì chắc chắn sách là một nguồn quan trọng, có thể chiếm tới hơn một nửa đầu vào về tư duy và kiến thức của tôi.
Tôi nghĩ đọc là một thói quen cần phát triển từ khi chúng ta còn nhỏ. Từ nhỏ tôi đã thích đọc, hay đi thuê truyện ở gần nhà, đọc đủ mọi thứ. Cứ buổi trưa ngủ thì bên cạnh 5-6 cuốn sách đọc, đọc hết một lượt thì đi trả, rồi thuê tập mới đọc, cũng vượt qua được những cái nắng gay gắt của mùa hè ngoài Bắc.
Khi đi làm, sách vẫn tiếp tục là người thầy, người bạn dạy tôi những tư duy và kiến thức mà tôi còn thiếu. Tôi mượn, mua, đọc ké…nhưng sách luôn ở bên tôi, ở những góc bàn, góc nhà mà tôi thích ngồi, đầu giường, trong nhà vệ sinh…
Sách là người thầy chỉ dẫn tôi nhiều điều mà không ai làm được, luôn bên tôi, cho tôi thời gian suy ngẫm, để tôi tự làm, tự học, tự rút kinh nghiệm.
Đời con người có nhiều điều không chắc chắn, nhưng có một điều chắc chắn là sách đã giúp tôi thật nhiều trong quá trình phát triển bản thân mà tôi mong muốn, đó là trở thành một người có tâm hồn, bình tĩnh và khiêm cung. Việc tôi làm tốt công việc của mình, hay là người tích cực, có lẽ là những thứ đến sau đó, theo một cách tự nhiên nào đó.
Phải chăng người trẻ thờ ơ với văn hoá đọc?
Tôi cho rằng nhận định người trẻ thờ ơ với việc đọc sách có lẽ hơi phiến diện. Chúng ta cần số liệu để xác định, vì với quan sát hằng ngày có lẽ chưa đủ. Thực tế, chúng ta có nhiều nhà xuất bản hơn, xuất bản nhiều đầu sách hơn. Thị trường sách vô cùng phong phú, dù giá cả còn hơi cao so với thu nhập trung bình của người dân, nhưng thực tế, dù bạn cần sách gì cũng gần như đều có cả.
Mỗi thế hệ sẽ tìm những công cụ phù hợp với thời của mình, với nhu cầu của mình. Nếu biết và hiểu rằng đọc sẽ mang đến lợi thì con người sẽ đọc, có cấm họ cũng đọc.
Xã hội hiện nay đã rất khác so với xã hội cách nay 5-10 năm, hay 20 năm, thời điểm mà tôi ở tuổi 20. Chúng ta có thể không thấy người trẻ đọc nhiều sách trên sách giấy, nhưng tôi cho rằng họ tiếp cận kiến thức nhiều hơn. Họ đọc theo một cách khác với thế hệ của tôi.
Nhìn bên ngoài, có thể nhận xét rằng văn hóa đọc đang ít đi, mà văn hóa nghe nhìn đang nổi lên, lấn lướt, một phần vì điện thoại thông minh đang trở thành công cụ phổ biến trong đời sống. Sự thuận tiện của nó giúp cho việc tiếp cận thông tin là vô hạn, liên tục, xuyên không gian, xuyên biên giới. Kiến thức vì thế trở nên vô cùng phong phú, có ở khắp nơi.
Văn hóa đọc có lẽ chúng ta đang hình dung nó về một hình thái cũ, là cầm cuốn sách được in ra để đọc, và chúng ta dành thời gian nhất định hằng ngày cho nó. Chúng ta tập trung đọc, đọc thường xuyên, và cảm nhận được sách đã biến đổi mình như thế nào.
Nhưng trong môi trường hiện đại ngày nay, sách in hay các ấn bản điện tử đều là những công cụ. Công cụ thay đổi, nhưng hành động đọc thì không thay đổi.
Tuy nhiên, thách thức là chúng ta nhận ra được những điều hay và điều dở của từng công cụ và nền tảng, để biết khi nào dùng cái này, khi nào dùng cái khác, để bổ trợ cho nhau. Ví dụ, mọi người có vẻ nghe podcast nhiều. Tôi cho rằng podcast là những phần trao đổi của các cá nhân về từng chủ đề. Nhưng các cá nhân này là ai, họ có chuyên môn gì, họ có thành tựu được công nhận là gì, ai, tổ chức nào công nhận. Họ có nói về chuyên môn của họ không? Làm thế nào để biết ai đó có chuyên môn? Khi đặt những câu hỏi như vậy, chúng ta sẽ quyết định rằng những nhân vật nói trên podcast đó có đáng tin cậy không, những thứ họ chia sẻ có giá trị quyết định không hay chúng ta nên nghe để tham khảo, giải trí.
Hoặc khi chúng ta nghe sách trên các ứng dụng đọc sách thì khả năng tiếp thu thông tin sẽ kém hơn so với chúng ta ngồi, tập trung và đọc cuốn sách in. Như vậy, tôi cho rằng các cách thức đọc đang đa dạng hơn, thuận tiện hơn cho cuộc sống con người, và chúng ta cần tìm cho mình phương pháp phù hợp với bản thân, thời điểm trong ngày, biết được cái hay, cái dở của từng phương pháp.
Khi đọc sách giấy, ta cầm cuốn sách lên, và để đọc được hết được thì đòi hỏi rất nhiều độ tập trung, kiên trì, có mục tiêu từ phía người. Tôi vẫn hay nói đùa rằng đọc xong một cuốn sách thời nay “ngang với đánh vật”, cho dù bạn có thích sách đến mấy, vì bạn có quá nhiều xao nhãng, những thứ xung quanh mình, tiếng ting ting trong điện thoại, check xem Facebook đang có ai bình luận, email có ai nhắn, Zalo có gì, TikTok đang có xu hướng gì.
Loài người chúng ta vốn dĩ bản tính tò mò và hóng chuyện. Não chúng ta như con khỉ chuyền cành. Nhưng tôi vẫn luôn tin vào giá trị chất lượng của những cuốn sách in, vì hiểu rằng để làm ra một cuốn sách thì cần rất nhiều bộ lọc, công sức, chuyên môn, đầu tư thời gian và tiền bạc, sức lao động của rất nhiều người.
Trong thế giới mà cái gì cũng nhanh này, thẩm thấu kiến thức và phát triển tư duy vẫn phải chậm. Con người không phải là một con robot hay AI để có thể nhồi dữ liệu nhanh chóng. Chúng ta không đốt cháy giai đoạn được. Tôi vẫn tin rằng sách in, và đọc sách in là một cách đầu tư khôn ngoan, bền vững, chắc thắng nếu chúng ta thực sự muốn phát triển mình vững chắc từ gốc, để có thể đi được đường dài. Đọc được những cuốn sách hay giống như trò chuyện với những chuyên gia chất lượng về một chủ đề một cách sâu sắc. Nó có nghiên cứu, có bối cảnh, có chuyện đông chuyện tây, có chuyện xưa chuyện nay được kể đầu đũa, rõ ràng. Bởi vậy, sách in giống như món ăn chậm, nấu kỹ, sẽ giúp no lâu và mang tới cơ thể nhiều chất dinh dưỡng.
Đọc sách và mua sách với tôi là một khoản đầu tư quan trọng cho tư duy và tâm hồn, và lợi ích của nó là không thể đo đếm được.
Làm gì để truyền cảm hứng đọc trong giới trẻ?
Những sự kiện quảng bá như cuộc thi “Sách – Người thầy, người bạn” là một cách để truyền cảm hứng. Cùng với đó, tôi cũng thấy rất nhiều hoạt động quảng bá văn hóa đọc vẫn đang tiếp tục diễn ra sôi nổi tại nhiều không gian, trong đó có các đường sách tại các tỉnh thành, hay trường học. Với giới trẻ, cần nhiều hoạt động để chia sẻ về lợi ích của việc đọc sách để khuyến khích các bạn đọc nhiều hơn.
Tuy nhiên, tôi cho rằng đọc là một kỹ năng khó, và nếu không phát triển kỹ năng đó từ khi còn nhỏ, lớn lên, chúng ta sẽ rất khó hình thành thói quen và kỹ năng này. Gần như là không thể, hoặc rất khó khăn. Vì thế, tôi vẫn cổ súy việc phát triển thói quen đọc từ môi trường học tập và gia đình, để có thể hình thành nên những người đọc tương lai.
Ở mỗi gia đình, tôi mong cha mẹ sắp xếp những góc đọc sách cho các con của mình. Cùng với đó là sắp xếp nhiều chỗ để sách khác nhau trong nhà. Sách là phần thưởng cho con mỗi khi con làm được việc tốt. Cha mẹ cũng trò chuyện với con về tác dụng của đọc sách, trao đổi về những cuốn sách hay hoặc những chi tiết buồn cười. Trẻ em sẽ thích cái gì hài hước vui vẻ. Cả gia đình cùng tạo thói quen cả nhà đọc sách trước khi ngủ, với quy tắc là sau 9h tối sẽ không xem màn hình. oặc Hoặc đi nhà sách mua sách là niềm vui cho cả gia đình. Ở tuổi các con còn nhỏ, tôi cho rằng xây dựng niềm vui đọc sách, giúp con đọc sách để thư giãn, để cười, quan trọng hơn là đọc sách để học kiến thức. Đọc sách để phát triển ngôn ngữ, để vui, để giải trí là một điều quan trọng, trước khi chúng ta đọc sách vì có ích cho công việc, cuộc sống.
Tôi cho rằng nếu cha mẹ, người lớn không làm gương thì không thể trách người trẻ, hay con mình không chịu đọc sách. Internet, điện thoại, máy tính không có lỗi gì cả. Con cái chúng ta chỉ nhìn người lớn để làm theo.
Tôi cũng mong xã hội sẽ phát triển những hình thái giải trí, sáng tạo khác xoay quanh việc đọc, nội dung đọc. Ví dụ từ diễn kịch, hát, trình diễn thơ, sáng tác nghệ thuật, tham gia câu lạc bộ đọc sách để chia sẻ với nhau những cuốn sách hay mà mình tâm đắc.
Các trường cần đưa việc phải có một thư viện, và thời gian bắt buộc học sinh phải đến thư viện đọc sách (các em có thể chọn bất kỳ cuốn nào để đọc). Để cho sách giúp con phát triển ngôn ngữ, vui, và dần xây dựng thói quen cầm cuốn sách, tôi cũng phải sắp xếp lại kỳ vọng với việc học tập của con mình, để con có thể có thời gian dành cho việc đọc sách để giải trí. Tôi cũng để cho con mình em tự do chọn lựa đọc những gì mình muốn, chỉ thi thoảng mới gợi ý vài cuốn sách hay theo ý mình.
Tôi cho rằng khi nhỏ, các em nhỏ đọc cái gì cũng được, miễn là có đọc, và dành thời gian cho việc đọc để hình thành thói quen, rồi mới trở thành những người đọc suốt đời và khai mở được vô số các lợi ích lớn lao từ đọc sách.
Tham khảo: https://toquoc.vn/truyen-cam-hung-doc-trong-nguoi-tre-kho-hay-de-2024052016281631.htm