Các mô hình hoạt động hỗ trợ cho báo chí thời kỹ thuật số

cjrCó vài điều tôi muốn cập nhật, có thể bạn sẽ thấy hữu ích:

Ở VN, ngoài hội Nhà báo VN (hi hi), trên mạng còn có 2 nhóm hoạt động khá sôi nổi là Diễn đàn nhà báo trẻ Vietnam Journalism. Diễn đàn nhà báo trẻ hiện có 9832 thành viên còn Vietnam Journalism có 7418 thành viên. Các thành viên (không nhất thiết phải làm báo nhưng quan tâm tới báo chí) bàn luận về mọi thứ, từ cách tác nghiệp, điều hành của báo chí, đến nội dung câu view thô thiển bẩn thỉu, đến các bài PR trắng trợn (hị hị)…Họ bình chọn cả giải Vành Khuyên cho những bài viết báo chí hay và giải Kền Kền cho những bài siêu dở.

Một xã hội văn minh sẽ có một nền báo chí văn minh phát triển đi  kèm và ngược lại (dù hành tinh chúng ta cũng có những ngoại lệ đặc biệt như Singapore). Báo chí phát triển đồng nghĩa với những chuẩn mực được thiết lập từ trước, và được những người làm nghề coi như muốn cuốn Kinh thánh để noi theo. (Chú ý: cuốn ở nước ngoài có nội dung khác cuốn trong nước).

Nhưng câu hỏi là, trong thời đại Internet này, có còn ai quan tâm tới tính chính xác nữa hay không? Đây là một chủ đề rất thú vị trên tạp chí chuyên về báo chí là Columbia Journalism Review gần đây.

Có 2 xu hướng rõ rệt khi bàn luận về các giá trị của báo chí: 1. Phe bảo hoàng cho rằng báo chí chính là cuộc tìm kiếm sự thật, cung cấp cho các công dân thông tin cần thiết để họ trở thành những người tham gia thông minh vào nền dân chủ. Có sự thật, đa chiều, công bằng sẽ giúp họ có những quyết định thông minh, sáng suốt (chứ không phải chờ ai đó, nhất là chính quyền, chỉ cho họ và buộc họ phải làm gì). 2. Phe (tạm thời) là đương đại: Các nhà báo kỹ thuật số muốn làm nhanh hơn. Nếu bạn đọc The New Yorker thì vẫn có những bài báo (bây giờ) cần tới 5 tháng cho quy trình fact-check.  Nhưng với phe (2), họ có thể đăng tải bài viết trước khi kiểm tra hay xác minh. Với họ, thế cũng không sao, vì Internet sẽ tự sửa chữa sai sót. Với họ, sự thật sẽ lòi ra sau quá trình va đập thông tin, mở cửa, thử, sai, và sửa. Mô hình báo chí mới đã sụp đổ rồi nhé. Cái này không còn gì để bàn cãi. Nhưng phe bảo hoàng vẫn còn lấy ví dụ anh Un cho 120 con chó đói ăn thịt chú của mình. (oh come on, nếu bạn Google nó thì vẫn còn 1 đống).

Nhưng cái cũ đã chết, cái mới chưa thoát thai toàn vẹn. Chúng ta hãy nói về một mô hình lai. Phe bảo hoàng liệu đã nhận ra rằng tính đáng tin cậy của báo chí cũng quan trọng y như tốc độ chưa? Thách thức ở đây là cân bằng. Tính hoàn hảo có thể gây hại cho doanh thu? Quỹ Knight vừa công bố khoản tiền 320 ngàn $ để hỗ trợ phát triển phần mềm xác minh xem các video có phải là được viral thật sự không hay do một đội quân nuôi bằng bánh mỳ và đồng lương còm cõi thực hiện. Nhưng bạn đọc trên Twitter hay mạng xã hội sẽ dễ dàng tha thứ lỗi sai hơn so với những người thuê dài hạn báo in.

Hiện nay, The New Yorker vẫn sở hữu một đội quân xác minh nội dung trước khi xuất bản đỉnh cao, mà không nơi nào có được. Họ vẫn có nhân viên toàn thời gian làm việc này, quá là lạ lùng vào thời cắt giảm triệt để. Nhưng bạn đọc của họ muốn thế, và họ làm thế để đáp ứng. Nó sẽ càng lạ lùng hơn nữa nếu bạn biết có những tổ chức báo chí lớn chuyên xuất bản trên web để hoàn toàn cho phóng viên viết, tự đăng tải…mà không trải qua quá trình biên tập. Chắc họ nghĩ rằng the Internet corrects itself. Đúng là ưu tiên hàng đầu là tính chính xác, nhưng có làm là có sai, và ai cũng làm nhiều loại việc khác nhau.

Có những mô hình tin tức đang nổi lên, tỏ ra có những ưu thế vượt trội so với mô hình truyền thống.

BuzzFeed chẳng hạn.  Trang này chuyên về Hot List, đủ mọi loại danh sách, lắm lúc cũng thú vị, lắm lúc thì nhạt nhẽo. Nhưng quan trọng là nội dung rất dễ chia sẻ, rất dễ talked about. BuzzFeed  không còn là 1 start-up nữa, nó đã trở thành một thế lực tin tức, có lợi nhuận, và có ảnh hưởng. Họ tập trung đầu tư vào các biên tập viên chuyên viên headline, các nhà sản xuất video và social media tài năng tụ tập về đây.  BuzzFeed đang đi theo xu hướng là muốn vừa có nội dung chính xác vừa có lợi nhuận. Đâu sẽ là BuzzFeed tiềm năng của Việt Nam?

Năm 2012, Digital First mở một bộ phận trên tầng 25 của 1 tòa nhà ở Wall Street. Với 50 phóng viên, họ sản xuất các tin tức không thuộc địa phương. Thunderdome không có phóng viên theo dõi thời sự, họ lấy là tin thời sự quan trọng và hấp dẫn nhất, rồi từ đó phát triển các cách làm khác để đem đến trải nghiệm khác cho người đọc.

Storyful —một công ty khởi nghiệp chuyên xác minh thông tin trên mạng xã hội – mà cái này đang là dịch vụ hot cho các tòa soạn truyền thông. Storyful có 18 nhân viên, theo dõi các mạng xã hội và đưa kết quả về cho khách hàng. 

NowThis News là 1 công ty khởi nghiệp nhỏ, họ làm ra 40-50 video mỗi ngày, mỗi cái 6 giây cho Vine, 10 giây cho Snapchat, 15 giây cho Instagram và dài hơn 1 chút (30s-1 phút) cho Facebook và Web. Giá trị của NowThis là kể câu chuyện bằng hình ảnh, “chất” đến mức NBC đã mua 10% cổ phần và đồng ý sử dụng video của họ. NowThis News coi trọng tốc độ, siêu nhanh, và sử dụng bên xác minh thông tin là bên thứ 3.

Nguồn tham khảo

Comments