Nhân dịp người mẫu Thanh Hằng cầm điếu thuốc lá điện tử trên tay để “thể hiện ý tưởng” trong Elle show 2012:
12 năm trước, siêu mẫu Christy Turlington – người có cha qua đời vì bệnh ung thư phổi – đã trở thành gương mặt hàng đầu của giới nghệ sỹ trong chiến dịch chống thuốc lá của chính phủ.
Cô xuất hiện trên hàng loạt các quảng cáo chống thuốc lá của ngành y tế Anh. Sau khi cha chết, chính Christy đã dừng hút thuốc và làm mọi cách để thuyết phục người khác dừng hút thuốc.
“Hút thuốc luôn luôn thể hiện sự sành điệu. Trên mặt báo. Trong thời trang. Trong phim ảnh. Từ xưa tới nay luôn luôn là như vậy” – Valentine Fillol Cordier, là siêu mẫu từ tuổi 17 và hiện là chuyên gia phong cách nổi tiếng nhận định.
“Thời trang luôn tìm đường lần ngược trở lại quá khứ, và thuốc lá giúp cho cách thể hiện đó: hành động hút thuốc thể hiện lịch sử, phong cách, và có 2 chiều mô tả: 1 là sự lãng mạn mộng mơ, chút xíu tỏ ra học thức khi khói thuốc bao trùm những khoảng không bỏ trống trên sân khấu hay trong phim ảnh.Đó là lý do người ta thích thuốc lá. Nhưng một chiều khác, thực tế, là thói quen hút thuốc gây ra mùi hôi hám, chết người. Thực tế, trên phim ảnh hay sàn diễn, hút thuốc lá luôn tỏ ra “sành điệu” và “đẹp” hơn đời thực”.
Thuốc lá không làm cho con người trở nên sành điệu, trưởng thành như những gì các nhà quảng cáo hay đưa ra và khiến con người lầm tưởng. Thuốc lá gây nghiện, khiến răng ố vàng, rụng, khiến phổi nám đen và các loại bệnh gây chết người.
Các chuyên gia y tế cũng cảnh báo những người mẫu nên bỏ thuốc lá nếu họ muốn giữ làn da đẹp, và trở thành tấm gương cho những cô gái trẻ. Chỉ 5 năm thôi, họ sẽ thấy hậu quả của khói thuốc như thế nào với da của mình.
Mỗi năm, thuốc lá giết chết 6 triệu người trên thế giới. Ở các quốc gia Đông Nam Á – nơi có 240 triệu dân, chi phí cho thuốc lá tốn kém hàng thức 2 trong mỗi hộ gia đình, chỉ sau thực phẩm. Trong khi đó, gần ½ dân số khu vực này sống dưới mức thu nhập 2USD/ngày.
Các tổ chức xã hội trên thế giới đang đề nghị những phim có hình ảnh diễn viên hút thuốc phải lập tức được dán nhãn “dành cho người từ 18 tuổi trở lên”.
Theo Trung tâm nghiên cứu kiểm soát thuốc lá Anh, những bộ phim có hình ảnh thuốc lá cũng phải chịu sự phân loại tương tự như những phim có cảnh tình dục hay bạo lực.
Ở Việt Nam, theo WHO, trung bình mỗi năm có 40 ngàn người chết vì các căn bệnh liên quan tới thuốc lá. Đây cũng là một trong những quốc gia có tỉ lệ nam giới hút thuốc cao nhất trên thế giới: hơn một nửa đàn ông ở tuổi trưởng thành hút thuốc lá, và phần lớn bắt đầu hút thuốc từ rất trẻ từ 13-15 tuổi.
Hút thuốc không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe của mỗi cá nhân, cộng đồng mà còn làm thiệt hại lớn tới nền kinh tế quốc gia. Viện Chiến lược chính sách y tế cho biết cả nước có khoảng 17 triệu người hút thuốc và có tới hơn 60 triệu người còn lại phải tiếp xúc với khói thuốc thụ động.