Philipp Rösler nói về Việt Nam

Philipp Rösler lúc 6 tuổi. Ảnh: Spiegel

Philipp Rösler khi trả lời báo Đức đã nhấn mạnh rằng, Việt Nam là một phần cuộc đời ông, nhưng phần đời đó ông không còn nhớ gì cả. Ông có tất cả ở Đức, cha, bạn bè, gia đình nên không cảm thấy có nhu cầu phải đi tìm kiếm lại những gì của quá khứ. Ông không quan trọng thắt chặt mối dây gì đó với ai đó, ông chỉ muốn các doanh nghiệp Đức có lợi, vì ông là đại diện cho họ.

Ngày 17-9, ông sẽ trở lại Việt Nam, với tư cách là Bộ trưởng Kinh tế Đức.

Chính trị  gia 39 tuổi đã trả lời phỏng vấn của báo Spiegel về chuyến đi. Đây sẽ là một hành trình độc đáo cho ông Rösler…một đoàn truyền thông sẽ đi cùng, và người Việt Nam cũng rất quan tâm.

SPIEGEL ONLINE: Ông sẽ tới Việt Nam, đất nước mà ông đã từng được sinh ra. Ông hi vọng gì ở chuyến đi?

Rösler: Tôi hi vọng các doanh nghiệp Đức sẽ có lợi. Việt Nam là đất nước đang lên, và do đó là thị trường rất thú vị cho các doanh nghiệp của chúng ta. Những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành quả, nhưng các động thái dịch chuyển về hướng tự do kinh tế nhiều hơn. Tuy nhiên, còn rất nhiều thách thức trước mắt, như các vấn đề liên quan tới nguyên tắc thượng tôn luật pháp (pháp quyền).

SPIEGEL ONLINE: Chuyến đi của ông sẽ rất thu hút sự chú ý vì chuyện riêng của ông đan xen với lịch sử gần đây của đất nước Việt Nam. Ông bị bỏ rơi trong thời chiến tranh Việt Nam. Ông có nhớ gì khi đó không?

Rösler: Tôi sống vài tháng tại Khánh Hưng (giờ là Sóc Trăng) tại một cô nhi viện. Đó là năm 1973. Dĩ nhiên tôi không nhớ gì về thời đó cả. Vài năm trước đây, tôi đọc được 1 bài báo trên Spiegel mô tả lịch sử của cô nhi viện đó. Khoảng 3.000 đứa bé đã được chăm sóc vào thời gian đó nhờ các xơ.

SPIEGEL ONLINE: Hai xơ là Mary Marthe và Sylvie Marthe đã chăm sóc ông vào những tháng đầu đời. Tháng 11-1973, ông đến Đức sau khi được nhận làm con nuôi. Phóng viên Michael Brocker viết trong tiểu sử của ông là xơ Mary Marthe vẫn ở Việt Nam. Ông có liên lạc với bà ấy không?

Rösler: Chúng tôi liên lạc khi tôi trở thành Bộ trưởng Y tế vào năm 2009. Các phóng viên đã đến Việt Nam và chụp hình xơ Mary Marthe cùng với ảnh của tôi. Sau đó, bà đã liên lạc với tôi thông qua một xơ khác có địa chỉ email. Tôi cảm thấy rất xúc động.

SPIEGEL ONLINE: Bà ấy đã viết gì?

Rösler: Bà viết là bà đã tự hào như thế nào về những gì tôi đã làm được.

SPIEGEL ONLINE: Ông có biết gì thêm về hoàn cảnh khiến ông bị bỏ rơi bên ngoài trại tế bần không?

Rösler: Không, và tôi cũng không bao giờ muốn biết.

SPIEGEL ONLINE: Vì sao?

Rösler: Tìm kiếm điều gì đó có nghĩa là cho bạn thấy là bạn đang thiếu một cái gì đó. Nhưng tôi không bao giờ cảm thấy mình thiếu điều gì cả.

SPIEGEL ONLINE: Ông không bao giờ cảm thấy có thôi thúc tìm kiếm thêm à?

Rösler: Không, không bao giờ. Đức là quê nhà của tôi. Việt Nam là một phần cuộc đời tôi mà tôi không còn nhớ. Tôi lớn lên ở Đức, tôi có gia đình, có cha và bạn bè ở đây.

SPIEGEL ONLINE: Sáu năm trước khi ông đến Việt Nam lần đầu tiên cùng vợ, ông không đến trại tế bần đó. Liệu đó có phải là quyết định khôn ngoan không?

Rösler: Cho đến năm 2006, chúng tôi hoàn toàn không biết nơi đó chính xác ở đâu. Tôi tìm kiếm địa điểm Khánh Hưng trên bản đồ, nhưng không tìm thấy. Chỉ đến khi tôi ở Sài Gòn, vào Dinh Độc lập (Phủ Tổng thống Sài Gòn) thì mới giải quyết được bí ẩn đó. Đó là khi tôi đến tầng hầm của nơi hiện là bảo tàng này, có một trung tâm điện đàm của Mỹ. Điều tôi không biết mà nhờ người phiên dịch giải thích, là Khánh Hung cũng như nhiều địa điểm khác đã được đổi tên sau khi miền Nam và miền Bắc thống nhất.

SPIEGEL ONLINE: Vì sao ông không đến thăm thành phố khi đó?

Rösler: Tôi chỉ đến du lịch ở Việt Nam. Vợ tôi và tôi đang ở Đồng Bằng Sông Cửu Long. Chúng tôi cho rằng Sóc Trăng có lẽ không khác nhiều so với những nơi mà chúng tôi đã đến.

SPIEGEL ONLINE: Ông có định đến thăm lại chỗ này không?

Rösler: Tôi sẽ thăm Việt Nam với tư cách Bộ trưởng kinh tế, đại diện cho doanh nghiệp Đức. Tôi không phải là người đi tìm kiếm quá khứ của mình.

SPIEGEL ONLINE: Ông có định lúc đó sẽ đến không?

Rösler: Không. Chúng tôi không có ý định đó. Đơn giản là vì nó không có ý nghĩa gì với tôi cả.

SPIEGEL ONLINE: Sau khi cha mẹ ông ly hôn khi ông 4 tuổi, ông sống cùng cha ở vùng Hạ Saxony. Ông có nói chuyện về Việt Nam khi đó không?

Rösler: Không. Chúng tôi không bàn luận gì về Việt Nam. Khi tôi lớn lên, cha tôi để tôi ngồi trước gương và giải thích vì sao tôi khác những đứa trẻ khác.

SPIEGEL ONLINE: Vậy khi ông đi ra nước ngoài thì sao? Người ta có hỏi ông về cội nguồn của mình?

Rösler: Đôi khi, Năm ngoái tôi đến Mỹ với Thủ tướng Merkel, hai bộ trưởng người Mỹ gốc châu Á hỏi tôi về cuộc đời mình, cả Tổng thống Barack Obama cũng thế. Nhưng ông ấy ít ngạc nhiên hơn về chuyện này.

SPIEGEL ONLINE: Ông không nói tiếng Việt, nhưng ông có học vài từ cho chuyến đi không?

Rösler: Điều đó sẽ là không chân thành. Tôi nói rõ một lần nữa, là một cách tự nhiên tôi có mối liên hệ với quốc gia đó như một phần câu chuyện của cuộc đời tôi, nhưng tôi đến Việt Nam với tư cách Bộ trưởng Kinh tế của nước Đức.

Box: « Đức là quê nhà của tôi. Nhờ đất nước này mà những người không có biography điển hình cũng có cơ hội phát triển. Điều kiện tiên quyết là lòng vị tha. Hệ thống dân chủ và sự thành công của chúng không chỉ do nền kinh tế thị trường xã hội, mà còn nhờ sự tự do của xã hội.  Tôi cũng sẽ nhấn mạnh điều này ở Việt Nam. Về lâu dài họ không thể phát triển được nền kinh tế thị trường mà không có tự do. » – TS Philipp Rösler.

 

(Lược dịch từ Spiegel)