Trẻ và già

the_young_familyVề cơ bản, và hầu hết thời gian, tôi thuộc tuýp người trẻ trung và họat bát. Đấy là theo đánh giá một cách chủ quan của tôi và một vài người mà tôi gặp (nói một cách khiêm tốn là vậy). Nhưng tôi đang rơi vào trạng thái tinh thần không ổn định, lúc nào cũng lo lắng và căng thẳng.
Tôi cảm thấy mình có quá nhiều việc phải làm, có quá nhiều thứ phải học, có quá nhiều sách để đọc, có quá nhiều thứ cần phải biết, có quá nhiều điều cần suy nghĩ.

Mà không, chả có gì là quá cả. Chỉ tại tôi dốt nên tôi thấy thế.

Thật đấy. Tôi sợ phải nói điều gì đó
khi tôi chưa hiểu về nó. Nhiều khi, tôi chắc chắn về nhưng suy nghĩ chủ quan của bản thân về một vấn đề gì đó. Sau đó, khi tôi tìm hiểu lại vấn đề đó, tôi cảm thấy xấu hổ lắm lắm, vì mình dốt nên mới nói thế. Dốt mà không biết mình dốt. Thế mới khổ. Những người họ biết, họ sẽ cười mình vì mình dốt. Thế mới đáng xấu hổ.

More science, more worries. Có phải tôi đang trở nên già đi hay không?

Hy vọng là không.

Hôm nay tôi đọc một mẩu ngắn trên mạng về quy tắc giữ sự trẻ trung. Tôi thích theo quy trình ngược, kiểu như để tránh bị già đi thì làm thế nào để giữ sự trẻ lại.

Họ nói rằng, trẻ trung là một trạng thái của tinh thần, vì thực tế, không ai trẻ mãi mãi về mặt thể xác được, ngoại trừ những người có gen cực kỳ đặc biệt hoặc đi mỹ viện. Tôi thì không có gen đặc biệt, cũng chả có gan (và tiền) để đi mỹ viện,  vậy thì tôi chỉ còn một cách.

Đó là dám thử những cái mới. Tôi không hướng tới một sự lựa chọn an toàn mà cố gắng để luôn theo kịp với những gì đang xảy ra. Tôi dám thử những hương vị mới, đi tới những địa điểm mới, thử những phong cách mới, ham học hỏi, không phản ứng tiêu cực (Cái này tôi đang cố gắng. Sao tự nhiên dạo này tôi hay mất bình tĩnh quá. Như chiều nay chẳng hạn, tôi hét lên (nhỏ thôi) Sh** vì  cái hộp chip rơi vương vãi trong túi). Tôi có cái nhìn mới mẻ về thế giới, tôi ham thích cái mới. Tôi hoạt bát và thích phiêu lưu, mạo hiểm.

Hôm nay, cuối tuần, tôi đến TATE Britain, một gallery nghệ thuật rất lớn tại London để xem bộ sưu tập tranh màu nước của họa sỹ bậc thầy về tranh phong cảnh người Anh, Turner. Tôi cũng xem nhiều bộ sưu tập và các tác phẩm nghệ thuật khác của các nghệ sỹ khác. Tôi tự giận mình vì chỉ hiểu lõm bõm về nghệ thuật. Tôi cho rằng, không hiểu gì về nghệ thuật tức là chỉ sống một nửa cuộc đời.

Tôi xem một cuốn sách với những tác phẩm ảnh chụp từ Afghanistan
của một nghệ sỹ nhiếp ảnh Mỹ để thấy đất nước Afghanistan đã bị tàn phá khủng khiếp và cuộc đời người dân ở đây khốn khổ vì chiến tranh thế nào, để hiểu rằng cái từ “tái thiết” mà người ta hay dùng để nói về hậu chiến tranh ở cái đất nước này chỉ đơn giản là xây lại nhà, thật nhiều nhà cao tầng mà thôi. F***

Rồi tôi đi bộ dọc quảng trường Trafagar, về Covent Garden và về Leicester Square. Nơi đây, ánh điện rực rỡ, cuộc sống thật vui tươi và nhộn nhịp, con người thật giàu có và sung sướng. Sao nó khác những hình ảnh ở Afghanistan

đến thế.

Tôi về nhà và xem lại bộ phim Billy Eliot. Một cậu bé đã dám sống với ước mơ trở thành vũ công ballet của mình. Bộ phim là sự giằng xé nội tâm của nhiều nhân vật, là sự bế tắc của những con người không thể thực hiện được ước mơ và hoài bão của mình. Họ giận dữ, dằn vặt nhau. Họ không yêu thương nhau. Họ không thể yêu thương được khi trong lòng họ không hạnh phúc. Các cá nhân hạnh phúc thì họ sẽ truyền hơi ấm cho nhau, làm nên hạnh phúc của cả tập thể. Có quy trình ngược không?



Bộ phim là âm nhạc, là nhảy, là những tiếng la hét, là những tiếng cười, là những tiếng gào thét, là những ánh mắt nghi kỵ, là sự thù hận giận dữ. Xem lại lần hai mà tôi vẫn thấy nó rất hay. Nó thúc đẩy khao khát theo đuổi ước mơ của mỗi người.