Những tính cách của một phóng viên

Những tính cách gì cần thiết cho một phóng viên? Nhiều người hỏi tôi như vậy. Tôi cũng trả lời họ theo như những gì mình hiểu. Hôm nay đọc được đoạn này, thấy hay. Dịch cho mọi người cùng đọc.


* Các tính cách cá nhân:

1/ Tò mò: Một phóng viên giỏi muốn biết mọi thứ và trải qua những thách thức để tìm câu trả lời cho câu hỏi của họ. Đây sẽ là tính cách mà một phóng viên cần phải phát triển và xây dựng, nếu họ chưa có nó. Những phóng viên cừ khôi nhất có “mũi đánh hơi thấy tin”. Họ sẽ bắt nhịp được ngay những thông tin có thể làm nên một bài viết tốt. Họ phát hiện ra điều gì bất thường.

2/ Lỳ lợm (chít rùi, thía à?): Một phóng viên giỏi phải tự tin và có chính kiến, ngay cả khi họ phải đối mặt với thực tế là họ bị tách ra khỏi đám đông hay làm người khác bực tức. Phóng viên đó hỏi những câu hỏi kỳ cục, có thể khiến người khác xấu hổ, hay thậm chí hỏi một cách hơi thô thiển (!). Phóng viên đó có thể phải đi đến nơi mà người đó không muốn.

Gan lỳ cũng là một tính cách tốt. Ngay cả khi gặp khó khăn, phóng viên đó vẫn luôn tiếp tục theo đuổi thông tin cần thiết cho bài viết. Họ sẽ tìm nguồn tin khác. Phóng viên đó sẽ tìm cách mở rộng nguồn tin để khẳng định chắc chắn thông tin mà họ có.

3/ Phóng viên đó nên có trí nhớ tốt. Họ nên biết lấy thông tin ở đâu, xâu chuỗi các thông tin với nhau.

4/ Phóng viên đó phải có khả năng lắng nghe. Phần lớn cuộc đời của phóng viên là dành để phỏng vấn mọi người. Một phóng viên chỉ thích nghe mình nói thì sẽ chẳng thể trở thành phóng viên giỏi được.

Tom Clancy, tác giả của The Hund for Red October, nói rằng: Mỗi người mà bạn gặp, mỗi thứ mà bạn làm cho cuộc đời đều là cơ hội để học điều gì đó mới mẻ. Điều này quan trọng với tất cả chúng ta, nhưng quan trọng nhất với người viết, vì là người viết, bạn có thể dùng bất kỳ dữ liệu nào bạn có từ những điều đó…Tôi chưa bao giờ lên tàu ngầm hạt nhân cho đến khi cuốn truyện được biên tập lần cuối. Nói cách khác, tôi đã nói chuyện với rất nhiều người liên quan đến tàu ngầm hạt nhân.

5/ Phóng viên giỏi là người biết thuyết phục người khác. Mọi người không có nghĩa vụ phải nói chuyện với họ và cho họ thông tin. Phóng viên đôi khi phải thuyết phục nguồn tin rằng thời gian và nỗ lực của họ để giúp đỡ phóng viên là rất đáng giá.

6/ Chú tâm đến từng chi tiết cũng là một phần trong kho tính cách tốt của phóng viên. Khi thu thập tin tức, phóng viên đó phải biết chắc rằng họ hiểu mọi chi tiết. Tin tức họ có được phải đúng, phải được kiểm chứng. Cuộc nói chuyện công việc của họ không phải là cuộc nói chuyện xã giao bình thường.

7/ Và cuối cùng: sẵn sàng làm việc vất vả (híc híc). Làm phóng viên là một nghề khó khăn, mệt mọi và hay cáu gắt. Để tìm được thông tin hay có thể mất nhiều thời gian và thậm chí cả nguy hiểm.

* Các kỹ năng nghề nghiệp:

1/ Kỹ năng quan trọng nhất: Viết được. Phóng viên phải biết và tôn trọng ngôn ngữ.

2/ Phóng viên phải có khả năng thu thập thông tin, đánh giá thông tin, và viết nó một cách sáng tạo.

3/ Nghĩ một cách có tính phê bình và sử dụng kỹ năng này hàng ngày.

4/ Chính trực. Phóng viên phải xem xét thông tin một cách thật thà, kiểm tra các thông tin, không kết luận vội vàng hay có thành kiến.

5/ Biết nghi ngờ một cách lành mạnh: Phóng viên đó không dễ tin. Họ nên đặt câu hỏi về những gì họ nghe thấy, đọc được, hay nhìn thấy. Họ không muốn bị lừa. Song song với nó, họ không nghi ngờ một cách mù quáng, nghi ngờ tất cả những gì họ được nghe. Thay vào đó, họ nên sẵn sàng đặt câu hỏi cho nguồn tin và kiểm chứng với những thông tin khác mà họ có được.

Và cuối cùng, các phóng viên có thể tồn tại được với nghề trong một môi trường cạnh canh là vì họ có “giác quan làm người tốt hơn”.

Họ tin rằng họ làm báo vì các lý do khác hơn là vì kiếm được nhiều tiền và sống sung sướng, hay vì để thoả mãn ước vọng của cá nhân.

Họ luôn tin rằng thông tin tốt quan trọng cho xã hội. Và chia sẻ thông tin đó giúp xã hội hoạt động tốt hơn.

(Lược dịch)

Stovall G.J (2004): Web Journalism, Practice and Promise of a New Medium, US: Person Education Inc).
(Bài viết 30.08.2007 20:34)