Tết chặt cây và Tết sát sinh

Ảnh: www.tunglamgarden.com

Bài viết của Nguyễn Quang Thiều trên Tuần Việt Nam

Với thú chơi hoa đào rừng, đào núi ngày tết, chúng ta đang biến cái Tết trồng cây thành Tết chặt cây. Việc thi nhau chặt những cây đào rừng, đào núi một cách vô tội vạ vì lợi ích và thói hưởng thụ cá nhân đồng nghĩa với một lối sống thiếu giáo dục và phi văn hoá đang mỗi ngày một lan rộng.

Có một phong trào rất đáng trở thành một phong tục trong ngày Tết cổ truyền là phong trào trồng cây . Hồi tôi còn học tiểu học, cứ vào một ngày đầu năm là nhà trường tổ chức Tết trồng cây. Đó là một ngày hội thực sự. Mỗi học sinh trồng một cái cây. Rồi suốt những năm sau đó, mỗi học sinh luôn luôn chăm sóc cái cây của mình cho đến khi nó trở thành một cái cây vững trãi và toả bóng mát. Không chỉ nhà trường mà cả các thôn, xóm cũng tổ chức Tết trồng cây.

Nếu phong trào này được duy trì thì nó sẽ trở thành một phong tục đẹp. Nhưng ngược lại, nó không được tiếp tục. Và bây giờ, với thú chơi hoa đào rừng, đào núi ngày tết, chúng ta biến cái Tết trồng cây thành Tết chặt cây.

Có thể nói, từ rằm tháng Chạp đến sát Tết, trên mọi nẻo đường từ các tỉnh phía Bắc về Hà Nội và các thành phố khác, chúng ta thấy một cuộc vận chuyển khổng lồ và có hệ thống những cành đào to, nhỏ với hầu hết các loại xe được huy động như xe tải, xe khách, xe du lịch, xe hơi 7 chỗ, 4 chỗ của các cơ quan Nhà nước.

Với số lượng cành đào chuyển về riêng ở địa phận Hà Nội thì chắc chắn mỗi năm người ta ngốn hết một cánh rừng nhỏ. Cứ liên tục như vậy trong nhiều năm, những cánh rừng đào sẽ không còn nữa. Trước hết, nó mất đi vẻ đẹp mà thiên nhiên đã ban tặng. Sau đó, nó làm cho con người có một thói quen xấu là tàn phá thiên nhiên vì lợi ích và những thú chơi của cá nhân mình.

Ngay ở giữa Hà Nội, những cây sưa với những mùa hoa tuyệt đẹp bị đốn hạ bằng mọi lý do của ngay cả những đơn vị quản lý cây xanh. Những hồ nước và những công viên tuyệt đẹp bị bức tử. Những di tích lịch sử và văn hoá bị các cá nhân và các tập đoàn phá vỡ cảnh quan hoặc  lấn chiếm bởi những công trình xây dựng của mình.

Tôi cam đoan rằng: nếu chính quyền đồng ý thì sẽ có không ít tập đoàn hồ hởi và sẵn sàng phá chùa Trần Quốc hay Tháp Rùa ngay lập tức để xây khách sạn năm, bảy sao gì đấy. Nhận định này của tôi bắt nguồn từ những gì họ đã làm và những gì mà báo chí đã từng lên tiếng nhiều năm trở lại đây.

Việc thi nhau chặt những cây đào rừng, đào núi một cách vô tội vạ vì lợi ích và thói hưởng thụ cá nhân không ảnh hưởng gì đến an ninh quốc gia hay nền kinh tế nước nhà. Nhưng nó đồng nghĩa với một lối sống thiếu giáo dục và phi văn hoá đang mỗi ngày một lan rộng.

Bi hài thay, chúng ta có Tết chặt cây lại có Tết sát sinh. Nói về Tết sát sinh là tôi nói đến hành động phóng sinh trong ngày Tết ông Công, ông Táo. Tục phóng sinh (cá chép) là một tục đẹp và mang ý nghĩa nhân văn. Nhưng hãy nhìn cách phóng sinh của người dân mà xem. Ngay sau khi họ phóng sinh một con cá thì phóng sinh luôn rác thải xuống hồ, xuống sông. Ven bờ hồ và bờ sông là những túi nylon và đủ các loại rác thải khác nổi lềnh bềnh.

Số lượng những hồ nước và những dòng sông bị nhiễm độc mà chết ngày một tăng lên. Chiều 23 Tết vừa rồi, sau khi lễ ông Công, ông Táo xong, vợ tôi phải nhờ một đứa cháu mang con cá chép nhỏ đến tận một hồ nước còn khả dĩ sạch sẽ để phóng sinh cho dù nhà tôi chỉ cách sông Nhuệ mấy bước chân.

Cách đây hơn 10 năm, trong trường ca Nhân chứng của một cái chết, tôi đã nói đến cái chết của sông Nhuệ. Xác của dòng sông thối rữa và bốc mùi lên tận lưng trời. Bây giờ thì dòng sông ấy chết thật. Dòng nước trong xanh, thơ mộng với những ngọn gió sông trong lành thổi vào thành phố và các làng mạc ven sông của mấy chục năm trước giờ đây chỉ còn là một cái xác thối rữa.

Chúng ta mua những con cá để phóng sinh nhưng chúng ta lại phóng sinh chúng vào một môi trường chết do chính chúng ta gây ra một cách vô ý thức. Chính thế mà hành động phóng sinh của chúng ta trở nên bi hài và đầy thói đạo đức giả. Hành động phóng sinh thực sự có lương tâm chính là hành động bảo vệ môi trường. Cũng như hành động vì những người ngèo khổ một cách thực sự là chúng ta không tiêu xài hoang phí và không tham ô, tham nhũng tiền đóng thuế của người dân. Còn hành động mang cho người ngèo mấy gói mỳ ăn liền phần lớn vẫn là một trò diễn mà thôi.

Tết chỉ còn mấy ngày nữa, lẽ ra chẳng nên nói những chuyện buồn nản như thế này làm gì. Nhưng biết làm sao được. Cầu chúc mọi người lúc nào đó có một cái Tết vẫn có hoa đào đẹp để ngắm và vẫn thấy lòng thanh thản vì đã phóng sinh.

Bài viết của Nguyễn Quang Thiều trên Tuần Việt Nam

Chúc mọi người ăn Tết vui vẻ và hạnh phúc sau khi đọc xong bài này.