Đưa tin bằng điện thoại di động

Hai đồng nghiệp đang thực hành đưa tin bằng điện thoại di động. Ảnh: Đình Chính
Hai đồng nghiệp đang thực hành đưa tin bằng điện thoại di động. Ảnh: Đình Chính

Hãy hình dung cảnh tượng như này: Tại hiện trường, phóng viên một tờ báo in có website đưa tin theo lối truyền thống. Tức là phóng viên tìm hiểu thực tế, tìm các nhân vật phỏng vấn (mà theo lý thuyết của báo chí phương Tây thì phải phỏng vấn, nói chuyện và đề cập tới ít nhất ba nguồn tin khác nhau trong một bài viết), ghi chép, ghi âm, rồi về nhà kỳ cạch gõ trên máy tính, đối chiếu các tin tức, tìm thêm thông tin trên Internet.

Một bài viết khoảng vài trăm chữ hình thành sau đó. Nhanh thì một tiếng mà chậm thì…không biết.

Nhưng còn nhiều cách đưa tin tức khác đến với độc giả, bằng nhiều phương tiện khác nhau.

Trên trang Africanews.com, nơi đưa tin tức về châu Phi do các phóng viên khắp mọi nơi gửi về, có một mục là Mobile Reporting – Tường thuật bằng điện thoại di động. Phóng viên đi đến các vùng xa vùng sâu, hay khu vực vừa có tin tức nóng hổi xảy ra. Ở đó, viết lách, mô tả, dù tốt, cũng không bằng một thước phim quay. Một hình ảnh nói hàng vạn lời vạn ý. Nhưng nếu vì một lý do nào đó, không mang được máy quay phim đi cùng thì điện thoại thông minh sẽ là một lựa chọn đáng để xem xét.

Chiếc điện thoại này có thể quay phim và chụp ảnh với chất lượng “chấp nhận được” cho website. Và trong nhiều trường hợp khẩn cấp, nó chứng tỏ hiệu quả của mình trong việc lưu giữ và truyền hình ảnh. Người ta hay nói tới dòng Nseries của Nokia, nhưng cũng có nhiều loại điện thoại thông minh, hay máy ảnh quay phim khác.

Một thiết bị thu âm chất lượng đi kèm điện thoại cũng là thứ “cần phải có” để âm thanh thu tốt hơn. Và đừng quên đưa cái đầu mic về phía người được phỏng vấn.

Sự phát triển của công nghệ khiến tác nghiệp của phóng viên thuận tiện hơn. Đây là chân tớ và tay tớ.
Sự phát triển của công nghệ khiến tác nghiệp của phóng viên thuận tiện hơn. Đây là chân tớ và tay tớ.

Trong bối cảnh báo chí thế giới “nương theo người đọc,” nhà báo không còn là “độc quyền” trong cung cấp tin tức và tin tức không còn là “một chiều,” “áp đặt” từ các nhà báo đến với độc giả, thính giả hay người xem nữa, mobile reporting được xem như một “giải pháp” đỡ tốn kém cho truyền thông, đặc biệt cho website.

Nó cũng có vẻ phù hợp với các nước đang phát triển, nơi mà những thiết bị tiên tiến nhất thì ngoài tầm tay của người sử dụng, kể cả xét về tiền và sự dễ thích nghi.

Bằng chứng là trang web được giới thiệu cho các học viên của lớp học nâng cao về báo điện tử ở Viện báo chí quốc tế Berlin (Đức) hồi tháng 10/2008, là một trang web của các đồng nghiệp châu Phi.

Tôi xem các phim mà các đồng nghiệp, kể cả báo hình và báo viết, thực hiện bằng di động với một vẻ “thèm thuồng.”

Ta cần một số kiến thức cơ bản về quay phim, nhất là cho các đoạn phim ngắn cho web.

Đại khái phải giữ máy không để rung, để ngang tầm mắt, để phim chạy khoảng 6, 7 giây. Đại khái là phải để ý đến gió, đến tiếng ồn xung quanh, kẻo quay được phim thì không nghe được nhân vật nói gì, toàn tiếng gió thét. Nhưng như người ta vẫn nói: lý thuyết thì màu xám, cây đời vẫn mãi xanh tươi. Chuyện chả dễ dàng gì, ngay cả khi ta thuộc lý thuyết.

Số là tôi cũng một số đồng nghiệp làm một bài thực hành: làm voxpop (các phỏng vấn ngắn) xem người dân Đức nghĩ gì về việc ai cũng cần phải kiểm tra xem họ có HIV/AIDS hay không, và bản thân họ đã đi xét nghiệm bao giờ chưa.

HIV/AIDS có thể lây lan bằng nhiều con đường khác nhau, chứ không hẳn là chỉ có quan hệ tình dục không an toàn hay dùng bơm kim tiêm mới mắc (dù tỉ lệ này rất cao). Người ta vẫn hay nói đến việc xét nghiệm HIV/AIDS như là…việc của ai đó, chứ không phải việc của mình. Chuyện này, ở ngay phương Tây, vẫn được xem là…nhạy cảm, vì nó vẫn được xem là chuyện riêng tư, chứ không hẳn là việc cộng đồng.

Vì vậy, dĩ nhiên chúng tôi phải giải thích thật kỹ lưỡng với người được phỏng vấn về mục đích và câu hỏi sẽ hỏi họ. Nhưng khi chúng tôi đưa cái máy điện thoại lên…quay phim, kèm theo cái mic đi kèm điện thoại thì họ vẫn ngạc nhiên, ánh mắt nhìn đầy…nghi ngờ vào thiết bị.

Để xóa tan những nghi ngờ này thì cũng cần một chút khéo léo để thuyết phục họ, thậm chí, đôi khi phải cho họ xem phần quay thử để họ…tin. Kết quả xem ra không tệ chút nào.

Với một số máy di động, thậm chí bạn có thể biên tập luôn phim ở trên máy.

Thường thì các lời khuyên của các nhà báo kỳ cựu trong lĩnh vực này là nếu không thích thì đừnglàm. Nhưng tốt nhất, trong thời buổi này, nên thích. Vì thực ra, nó rất thú vị.

Vậy làm nhiều chức năng như thế, có ảnh hưởng tới chất lượng của bài viết không? Câu trả lời là cũng còn tùy vào cách làm việc của mỗi người. Nhưng với phóng viên, đưa đến cho người đọc nhiều hơn một cách tiếp cận thông tin là một điều đáng để theo đuổi.

Và trong bối cảnh kinh tế suy thoái, người ta lại càng tính đến làm sao một phóng viên thực hiện được nhiều công việc một lúc. Mỗi tòa soạn sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí, và năng lực của phóng viên được nâng cao.

Mobile reporting được xem là cách làm việc rất cơ động của phóng viên. Một phóng viên đa năng có thể làm được vài vai trò cùng một lúc, và đem lại nhiều lựa chọn tin tức cho độc giả. Bài viết này không hẳn cổ súy cho mobile reporting, nhưng đây rõ ràng là một lựa chọn về cách truyền tải tin tức.

Vì vậy, giả sử có 100 người đọc bài này, có 10 người lôi cái máy di động của mình ra quay phim, rồi táy máy nghịch nó với phần mềm miễn phí Movie maker tải xuống từ mạng, cũng là một sự may mắn cho người viết và cả bạn đọc.

Công nghệ đã thay đổi cách làm việc của phóng viên trên thế giới rất nhiều. Vì vậy, tại sao ta lại không thử?

Một số quy tắc cơ bản khi cầm máy ảnh quay phim:
– Bình tĩnh, không vội vã: Nhìn trước rồi tìm vị trí đứng sau. Với người chưa có kinh nghiệm quay phim, nên để chế độ quay tự động
– Cầm máy thật vững, không rung. Tìm một chỗ nào đó để tựa vào, hoặc làm điểm tựa cho tay cầm máy nếu tay yếu.
– Để máy chạy mỗi khuôn hình ít nhất 7 giây
– Năm góc nhìn. Nhân vật trong bối cảnh xung quanh, mặt, tay, qua vai và một góc nhìn đặc biệt.
– Quay thật nhiều. Với video, nếu không có hình, tức là sự kiện không diễn ra.
– Cẩn thận với ánh sáng và phản sáng.
– Quay người. Có quay địa điểm nhưng nên nhớ, người xem thích thấy người, người từ mọi góc độ, mọi tư thế, mọi hành động. Các chi tiết mang tính biểu tượng.

Tham khảo các tin làm bằng mobile tại đây.