Tiệc ôm

Khoảng 15 người lạ gặp nhau ở một phòng nhỏ. Việc đầu tiên, họ thay quần áo. Họ mặc đồ ngủ dài. Trước hết, họ nói chuyện với một người hướng dẫn để biết những quy tắc của tiệc ôm, rồi họ nói chuyện với nhau.
Những câu chuyện vui vẻ, dễ chịu, chia sẻ và những tiếng cười. Rồi họ mát-xa vai, lưng, họ nắm tay nhau, họ ôm nhau. Họ im lặng. Lắng nghe nhịp đập và cảm xúc của nhau.

Loại tiệc này mới du nhập vào London từ đầu năm 2007. Nói là tiệc nhưng chẳng có cái gì ăn đâu.
Những người lạ mặt gặp nhau để chia sẻ tình cảm, động viên nhau vượt qua nỗi cô đơn. Nhiều người ở London cô đơn lắm.
Theo một nghiên cứu hồi Giáng sinh năm ngoái, 43% số người ở London đón ngày lễ trọng của gia đình này một mình. Ở cái thành phố 7 triệu dân này, người ta có thói quen đi trên đường nhìn xuống đất chứ không ngó nghiêng xung quanh. Trên tàu ngầm hoặc xe bus, những kẻ nói năng rổn rảng hoặc cười phớ lớ đích thị là từ ngoài London đến, hoặc là dân du lịch. Bị dân bản địa lườm là cái chắc. Vẻ mặt người London nghiêm túc
lắm. Nghiêm nghị í. Khó đăm đăm ấy. Người London được xem là những người lúc nào cũng bị căng thẳng nhất, mệt mỏi nhất, thô lỗ nhất châu Âu.
Sự ra đời của loại tiệc này – mà hiện nay nó đã trở thành một loại hình dịch vụ tại London – có nên bị xem là một lời cảnh báo cho xã hội tràn ngập nỗi cô đơn hay không? Có thể lắm chứ.
Nước Anh cần nhân lực nên hàng loạt nhân công từ nhiều quốc gia khác kéo đến đây làm việc. Lương không cao nhưng nếu so tỉ giá hối đoái với quê nhà thì cũng là khoản khá khá. Kiếm tiền ở nơi xứ người cũng khó mà bù đắp được nỗi cô đơn. Gia đình và người thân yêu của họ đều ở quê nhà. Trống vắng chiều nay, dâng trong lòng anh/em/tớ/bạn…
Văn hoá phương Tây cổ suý cho lối sống cá nhân và lối suy nghĩ cá nhân. Tốt thôi, vì nó thúc đẩy sự sáng tạo và tính đa dạng trong xã hội. Nhưng cái gì cũng có hai mặt của nó. Đến bây giờ, người ta mới giật mình nhìn lại khi thấy một kết cấu xã hội lỏng lẻo. Không hiếm gia đình mà bố ở châu Phi, mẹ ở châu Mỹ, một con học ở châu Âu và một con làm việc ở châu Á. Bà nội ông ngoại cho vào viện dưỡng lão. Sò-zý.
Tiến sỹ tâm lý học Malcom Cross nói rằng một lý do nữa khiến cho loại tiệc ôm này trở thành hiện tượng ở phương Tây là vì tâm lý sợ người khác làm hại của con người ở đây. Thứ tâm lý khiến con người ta mỏi mệt nhất chính là lúc nào cũng nghĩ người khác là kẻ thù của mình. Thay vì chia sẻ, người ta đóng cửa lại, ngồi trong nhà cho an toàn. Cái tội này một phần là cái tội của báo chí, lúc nào cũng toàn tin trộm cắp, cướp của, giết người, khủng bố. Tiệc ôm sẽ giúp dẹp bỏ nỗi lo ngại ấy.

Người mang loại tiệc ôm này đến London là Sam, một chuyên gia về liệu pháp massage. Cô này có thể ngồi nói nhiều giờ đồng hồ về liệu pháp này. Nói nhiều lắm, nhưng mình nhớ nhất là cô ấy nói: Trẻ em nếu được ôm ấp và vuốt ve tình cảm đầy đủ, khi lớn lên, bé sẽ có xu hướng ngoan hơn, biết nghe lời hơn, và tình cảm hơn.
Riêng cái vụ này thì cả người lớn cũng thế, chứ chả cứ gì là trẻ em, nhể?
Mình gọi Sam là người hàn gắn những lỗ hổng trong xã hội hiện đại. Sam thích lắm.
Một lúc nào đó, ở VN sẽ xuất hiện loại hình tiệc ôm này.

Hình như bây giờ cũng có nhu cầu rồi thì phải. Con người ở đâu chẳng cần được nắm tay, âu yếm và vuốt ve.

Đạt Lai Lạt Ma nói rằng: Chúng ta có thể sống mà không cần tôn giáo hay ngồi thiền, nhưng chúng ta không thể sống sót nếu không có tình yêu thương lẫn nhau.
Ghi chú: Nói đến tiệc ôm thì chắc nhiều người sẽ nghĩ đến tình dục. Phải tội chết nhé. Hoàn toàn trong sáng đấy. Có sẵn các nhà tâm lý và tình dục học để tư vấn cho những người bỗng nhiên không kiểm soát được phần
đấy. He he.
À, mà tớ cũng chưa thử. 30 bảng/2 tiếng. Hình như chưa có nhu cầu. May quá!
(Bài viết 22.04.2007 13:52)

free hit counter


web counter