Học bổng báo chí

Hiện có rất nhiều loại học bổng dài hạn, khóa đào tạo ngắn hạn miễn phí dành cho những người làm báo ở VN.

Trong năm năm trở lại đây, lượng lao động trong ngành báo chí gia tăng nhanh chóng, với khoảng hơn 1.000 lao động mỗi năm. Điều đó cho thấy sức hút hấp dẫn của ngành đặc biệt này.

Thông thạo tiếng Anh, có người giới thiệu

Để có được học bổng báo chí, ngoài việc chứng minh mình là người có những tố chất có thể gây ảnh hưởng tới người khác, yêu nghề và muốn trở thành nhân tố tạo thay đổi trong xã hội, ứng viên xin học bổng cần phải thông thạo tiếng Anh (cả bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết) để có nền tảng đầu tiên tốt nhất thích nghi với cuộc sống học tập và nghiên cứu ở xứ người.

Nếu được lựa chọn, các chương trình học báo chí ở các nước phát triển, nơi có nền báo chí theo xu hướng tự do, có trách nhiệm với xã hội là những địa điểm nên đến. Đó là những đất nước mà luôn đánh giá cao tinh thần phản biện và tôn trọng những suy nghĩ đa chiều – điều rất cần thiết để có thể vừa học vừa nghiên cứu báo chí. Các chương trình này đều được chọn lựa công khai nhưng nếu bạn có những người giới thiệu “nặng ký” sẽ là một lợi thế cho bạn.

Nhiều học bổng có đầu vào dễ thở

Trung tâm Joan Shorenstein (về báo chí, chính trị và chính sách công) hằng năm đều cấp học bổng toàn phần trong lĩnh vực báo chí dành cho các nhà báo tại ĐH Harvard (Mỹ). Giá trị học bổng bao gồm cả sinh hoạt phí là 30.000 USD (giải ngân trong bốn đợt). Ngoài ra, sinh viên còn được cung cấp chỗ làm việc, máy tính và những tiện nghi hoạt động khác. Hạn chót nộp hồ sơ cho đợt học mới là 1-2-2013. Link: http://shorensteincenter.org/fellowships/fellowship-application/.

Chương trình báo chí châu Á học tại Trường Truyền thông và thông tin Wee Kim Wee thuộc ĐH Công nghệ Nanyang (Singapore) trong ba tháng. Đợt học thứ năm sẽ diễn ra từ ngày 25-1 đến 17-5-2013. Chương trình hằng năm này là sáng kiến của Quỹ Temasek và ĐH Công nghệ Nanyang, giúp các nhà báo tạm tránh xa những áp lực công việc hằng ngày để nghiên cứu tại một trong những trường ĐH hàng đầu châu Á. Chương trình thiết kế nhằm “mài sắc” hơn những kỹ năng đã có của các nhà báo, cũng như giúp họ tìm hiểu những xu hướng báo chí và truyền thông trong thời buổi thông tin đang thay đổi nhanh chóng như hiện nay. Học viên cũng có cơ hội gặp gỡ các lãnh đạo, những người ra quyết định tại các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức xã hội của Singapore. Ứng viên phải có ít nhất năm năm kinh nghiệm, có tiềm năng tạo sự khác biệt trong nghề nghiệp và quê hương sau khi học xong. Chương trình nhận ứng viên ở mọi loại hình tin tức, như báo in, tạp chí, truyền hình, phát thanh hay web. Bạn hãy vào link: http://www.ajf.sg/application/ để tìm hiểu các chương trình học.

“Báo chí trong thế giới kỹ thuật số” là tên chương trình tại Học viện Báo chí quốc tế Intajour (Hamburg, Đức). Hiện đã quá hạn nộp hồ sơ cho chương trình năm 2012-2013 nhưng bạn sẽ đủ thời gian để chuẩn bị hồ sơ cho đợt học 2013-2014 bắt đầu từ tháng 4-2013. Việc đăng ký rất dễ dàng qua mạng tại địa chỉ http://www.intajour.com/Int.-Academy-of-Journalism/apply-here/general-information.html. Cả những nhà báo tự do, blogger hay đang làm việc lâu dài ở những tòa soạn đều có thể đăng ký xin học bổng được. Đây là một chương trình rất “hợp thời” và nền báo chí Đức vốn nổi tiếng là tiến bộ, tự do và hiện đại chắc chắn sẽ đem lại cho người học nhiều trải nghiệm thú vị.

Chương trình báo chí LHQ – Quỹ Dag Hammarskjöld dành cho nhà báo – nhằm giúp các nhà báo khắp thế giới hiểu hơn về sứ mệnh của LHQ. Đây là cơ hội tuyệt vời cho các nhà báo trẻ ở các nước đang phát triển như Việt Nam hiểu và đưa tin về LHQ tới người đọc ở Việt Nam. Ngoài yêu cầu phóng viên 25-35 tuổi, ứng viên phải có được sự chấp thuận nghỉ và đồng ý đăng tải bài vở của ban biên tập. Ứng viên được cấp vé máy bay khứ hồi ở New York, nhà ở, bảo hiểm y tế, tiền sinh hoạt hằng ngày và vật dụng cần thiết. Link tìm hiểu thông tin: http://www.unjournalismfellowship.org/index.php/recipients/fellows-1962-2009/10-site-content/fellowship/4.

Thomson Reuters Foundation Fellowships là chương trình của Viện Reuters về nghiên cứu báo chí, bắt đầu từ năm 1983, dành cho các nhà báo có kinh nghiệm muốn thực hiện một dự án nghiên cứu. Đây là chương trình rất phù hợp với những ai có đề tài nghiên cứu nhưng chưa có tiền và sự hỗ trợ chuyên môn. Mỗi chương trình kéo dài 3-6 tháng. Link: http://reutersinstitute.politics.ox.ac.uk/fellowships/types.html.

Học bổng Chevening của Bộ Ngoại giao Anh cũng cung cấp chương trình thạc sĩ báo chí cho người học ở bất kỳ một trường ĐH nào tại Vương quốc Anh. Link: http://www.fco.gov.uk/en/about-us/what-we-do/scholarships/.

Học viện Báo chí Quốc tế (the International Institute for Journalism – IIJ) của InWEnt, Tổ chức bồi dưỡng và nâng cao năng lực quốc tế của CHLB Đức, thường xuyên mở các lớp đào tạo báo chí online, môi trường hay ASEAN tại Việt Nam, Jakarta và Berlin. Chương trình học dành cho các phóng viên làm việc cho các báo, tạp chí, các ấn phẩm online và các cơ quan thông tin; đồng thời thỏa mãn các điều kiện sau: Có ít nhất bốn năm kinh nghiệm và quan tâm đến các vấn đề của ASEAN; không quá 36 tuổi; thành thạo tiếng Anh; ưu tiên cho các ứng cử viên nữ. Các thông tin có thể hỏi tại văn phòng InWEnt Hà Nội. Link: www.inwent-vn.org.

Theo một báo cáo của Pricewaterhourse Cooper (công ty tư vấn doanh nghiệp), Việt Nam là nơi có thị trường truyền thông báo chí phát triển nhanh nhất thế giới trong giai đoạn 2009-2013. Chỉ riêng từ năm 2004-2009, giá trị của ngành này đã tăng lên gấp ba lần và được kỳ vọng đạt đến mức 2,3 tỉ USD trong năm 2013.

DIÊN VỸ

Link: http://phapluattp.vn/20121103114427157p0c1019/san-hoc-bong-bao-chi.htm