Sách hay

Một cuốn sách rất hấp dẫn đã hút hồn mình: “Bí quyết thành công của những thương hiệu truyền thông hàng đầu thế giới”.

Từ lâu, mình luôn tự hỏi lý do nào các thương hiệu truyền thông này đã thành công như vậy? Họ đi từ đâu? Họ đã làm như thế nào?


Mà thế nào là thành công? Thành công ở tầm nào? Các thương hiệu mạnh được người ta nhắc tới ngay trong giới truyền thông thế giới khi được hỏi, thực chất, chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Tác giả đã rất công bằng khi cho rằng, đừng nói đến việc bạn nổi tiếng nếu người ta không nhắc đến bạn trong lần trả lời đầu tiên.


Tức là gì:


Xem tin tức, lựa chọn của thế giới sẽ là CNN hoặc BBC.

Những biến động và xu thế kinh tế toàn cầu sẽ là Financial Times.  The Wall Street Journal sẽ dành cho ai quan tâm đến thị trường chứng khoán.

Vogue chính là nơi làm hài lòng nhu cầu tận hưởng cuộc sống của mọi người

Muốn tìm hay thưởng thức phiêu lưu mạo hiểm, khám phá những chân trời mới lạ của thế giới, kênh National Geographic là lựa chọn tốt nhất.

MTV là nơi nghe và xem những xu hướng âm nhạc mới nhất.

Tất cả các thương hiệu này gặp nhau ở điểm chung là sự chính xác trong thông tin, tốc độ xử lý tin tức, vị thế uy tín của giới truyền thông và khả năng nhạy bén trước thời cuộc – trích lời giới thiệu.


Một trong những điểm chung khác là cách quan hệ với công chúng, mở cửa với công chúng được các nơi này chú ý rất cao. Họ tồn tại được nhờ sự trung thành của khách hành. Thiếu nó, họ chết từ lâu rồi.


New York Times đã dùng đến 2 trang của mình để đăng lời xin lỗi và đính chính khi một phóng viên của mình bịa đặt thông tin, cóp nhặt thông tin.

Giám đốc của The Times nói rằng: Khi bạn đánh mất lòng tin nơi độc giả, xem như mọi việc đã chấm dứt.

Thương hiệu bạn gầy dựng bấy lâu sẽ dần tan biến. Chỉ cần độc giả nghĩ rằng họ không thể tin vào những gì đang đọc, thế là hợp đồng tín nhiệm hai bên đã bị phá vỡ”.

Điều này thật đáng sợ hãi cho những ai hiểu vai trò của báo chí trong việc làm trong sạch xã hội.

Tác giả cũng viết một câu rất hay rằng, trong một thế giới bão hòa thông tin thì niềm tin là một giá trị giúp họ duy trì sự tồn tại của mình. Không có niềm tin, mọi giá trị thương hiệu đều trở nên vô nghĩa.

Một giám đốc tiếp thị phải làm 3 sứ mệnh chính: duy trì lòng trung thành của độc giả, thu hút độc giả tiềm năng, và hướng cả hai đối tượng này theo định hướng mở rộng thương hiệu có lợi nhuận.

Ông này, hay cái phòng này, cực kỳ quan trọng. Nhưng hình như người ta đang đối xử với bộ phận này một cách không công bằng.

CNN hiện có nhiều hơn 10 ấn bản truyền hình với rất nhiều ngôn ngữ khác nhau.
Giống như BBC, CNN thực ra, lại nỗ lực rất nhiều để loại bỏ xuất xứ trong bản sắc thương hiệu của mình. Họ hướng đến thế giới, phục vụ và kiếm lợi nhuận từ cả thế giới chứ không gói gọn trong nước Mỹ hay nước Anh.


Cả hai đều dựa trên nền tảng đa văn hóa.

Logo của CNN và các sản phẩm của CNN xuất hiện ở khắp mọi nơi liên quan tới tin tức, dù nó đã nổi tiếng lắm rồi. Tội gì mà không làm.

BBC với tham vọng thể hiện được năng lực nghiệp vụ báo chí tốt nhất trên phạm vi toàn cầu, đến nay vẫn thế. Bất kỳ ai vào BBC làm việc cũng được đào tạo những kỹ năng căn bản lại, dạy tiếng Anh…dù lẽ dĩ nhiên họ phải sử dụng rất tốt tiếng Anh rồi.

Thôi tạm thế đã. Ai muốn nghiên cứu thêm thì mua sách đọc hoặc đến nhà Loan cho mượn (đọc tại nhà. hè hè).


Có một điều chắc chắn rằng: Nếu bạn bỗng dưng được trở thành nhân vật uy tín đó nhờ biến động của lịch sử, điều đó chỉ nhấn mạnh thêm nhu cầu luôn phải vận động của bạn để giữ uy tín đó.


Vì lịch sử, có thể nuôi hiện tại, nhưng không phải là lâu dài, và mãi mãi.


Một ấn bản không thể phục vụ mọi đối tượng trong xã hội mà chỉ nên là lựa chọn số 1 của một nhóm độc giả cụ thể. Tối đa hóa số lượng đó là một thành công.

Muốn ăn quả, không thể đi xin mãi. Phải trồng cây.

(Bài viết 03.09.2008 14:35)