Vì sao thế giới phản ứng chậm trước thảm họa ở Pakistan?

Đáp lại lời kêu gọi cứu trợ khẩn cấp 459 triệu USD của Tổng thư ký Ban cho Pakistan, phản ứng của thế giới đối với 20 triệu nạn nhân đang chịu ảnh hưởng của đợt lũ 2 tuần qua vẫn rất khiêm tốn. Cho tới nay, Mỹ là nước đóng góp nhiều nhất, sau đó là Anh. Còn Phó Thủ tướng Anh Nick Clegg gọi phản ứng của thế giới là “thảm hại”.

Vì sao lại như vậy? Các quan chức của OCHA và Tổ chức Thầy thuốc không biên giới nhận đính, lý do chính là hậu quả của sự “thâm hụt hình ảnh” của Pakistan đối với dư luận phương Tây . Hình ảnh Pakistan tạo ra trên truyền thông là nạn tham nhũng hoành hành và những mối liên hệ với Taliban. Các nhà tài trợ tỏ ra không tin là số tiền của họ sẽ được giải ngân hợp lý và dễ rơi vào tay những kẻ cực đoàn khủng bố, dù thảm họa đã làm ít nhất 2.000 người thiệt mạng,  gây ảnh hưởng tới trung tâm đầu não của ngành lương thực nước này. Cảnh báo của IMF cho thấy, Pakistan là quốc gia dựa rất nhiều vào viện trợ nước ngoài để phát triển, Pakistan sẽ phải chịu hậu quả rất lâu dài.

Theo AFP, 1 tuần sau khi bắt đầu nỗ lực quyên tiền cho các nạn nhân Pakistan, liên minh các tổ chức từ thiện Canada – Core Canada – mới quyên được 200.000 USD, ít hơn rất  nhiều so với chiến dịch tương tự sau trận động đất ở Haiti hồi tháng 1-2010. Khi đó, họ đã quyên được hơn 3,5 triệu USD. Nick Moyer điều phố viên của Core Canada cho rằng, với Haiti, không ai đặt câu hỏi hay thắc mắc gì.

Nhưng với Pakistan, nhiều câu hỏi lơ lửng trên đầu, và việc nhận được viện trợ quốc tế của Pakistan rất khó khăn.  Moyer nói khoảng cách, văn hóa, và ngôn ngữ đều có vai trò quan trọng. Hình ảnh của 1 quốc gia dễ bị bỏ qua khi tình hình ở đó ổn định. Nhưng khi thiên tai thảm họa bất ngờ kéo đến khiến chính phủ trở tay không kịp, thì việc người dân ở đó được thế giới cứu trợ thế nào là phụ thuộc rất nhiều vào những gì mà chính phủ nước đó đã tạo dựng từ trước.

Elizabeth Byrs, phát ngôn viên của Văn phòng điều phối các vấn đề hỗ trợ nhân đạo của LHQ (OCHA) cho biết, hình ảnh mà chính phủ Pakistan tạo dựng ra đã ảnh hưởng lớn tới lòng rộng lượng của người khác.

Trong khi đó, những nạn nhân lụt lội đã chặn 1 con đường chính ở tỉnh Sindh để phản đối việc chính phủ cấp hàng viện trợ khẩn cấp quá chậm chễ, và yêu cầu chính quyền cần làm nhiều hơn nữa trong tình cảnh rối ren này. “Chính phủ ở đâu?” – người biểu tình Mohammad Laiq đặt câu hỏi với Reuters. Ông cho rằng dường như từ lúc lụt lội xảy ra, không thấy bóng dáng chính phủ đâu cả. Mất nhà cửa, gia súc, con cái, bản thân những người sống sót đang có tương lai đen tối. “Chúng tôi phải làm sao? Chúng tôi phải nói điều này với chính phủ và phải là trách nhiệm của chính phủ làm tất cả những gì có thể (để cứu dân)” – ông nói.

“Sự chậm chễ (trong phản ứng của cộng đồng thế giới về thảm họa) thật kinh khủng, nhưng chẳng có gì ngạc nhiên. Vài năm qua, người Mỹ đọc tin về Pakistan chỉ để nhận được vài thông điệp: 1. Người Pakistan ghét người Mỹ; 2. Pakistan có vấn đề về quân sự và là mối đe dọa với Mỹ và các lợi ích  của Mỹ; 3. Chính phủ Pakistan tham nhũng và không có khả năng phù hợp để điều phối người dân.”

(Trích ý kiến của Kalsoom Lakhani – giám đốc tổ chức từ thiện Social Vision)