Vì sao báo chí phải nhập vai?

Một xã hội vận hành tốt cần các thành phần tham gia  có vai trò độc lập, bổ sung và đối lập nhau, bao gồm nhà nước, tổ chức dân sự, báo chí, nhân dân. Báo chí có vai trò độc lập, giám sát hoạt động của các thành phần trong xã hội. Tuy nhiên, không phải lúc nào thông tin mang tính điều tra cũng dọn sẵn. Các nhà báo phải lăn lộn, mạo hiểm rất nhiều thứ, kể cả tính mạng của mình, để có được các thông tin hấp dẫn người đọc.

Có người nói rằng, tin tức là thứ mà ai đó, ở đâu đó, muốn che đậy, giấu giếm, đàn áp không cho xuất hiện, tất cả những thứ còn lại trên báo chí đều là quảng cáo.

Nhập vai là 1 kỹ năng trong báo chí điều tra. Tùy từng nước nhìn nhận và đánh giá kỹ năng này. Ở Bắc Âu có xu hướng cho rằng, báo chí tuyệt đối không nên có hành động khiến người khác sập bẫy, ví dụ, đề nghị hối lộ cho quan chức, rồi quan chức nhận hối lộ, rồi đăng tải lên đây là quan chức vô đạo đức. Tuy nhiên, Anh là nước rất thích kiểu nhập vai này. Cách nay không lâu, các quan chức nước này đã bị phát hiện sẵn sàng sử dụng sức ảnh hưởng của mình để làm lợi cho doanh nghiệp sau khi 1 nhóm nhà báo giả dạng là người môi giới, trả khoản tiền bộn cho các ông, rồi quay lại cảnh này bằng máy quay bí mật. Không ai thắc mắc về tính “đạo đức” của các nhà báo trong trường hợp này, vì họ đã thực hiện vai trò kiểm tra các quan chức, thay mặt dân chúng. Dù có bị bẫy hay không, các ông quan chức đó cũng không được làm điều mà họ đã làm. Nếu vì lợi ích công, hành động nhập vai này là hoàn toàn chấp nhận được.

Về nguyên tắc chung, các phóng viên phải công khai hoạt động của họ, tức giới thiệu giải thích…làm cho người mình tiếp xúc hiểu công việc đang được tiến hành, mục đích, yêu cầu…Tức là phóng viên phải công khai họ là ai. Tuy nhiên, phóng viên nhập vai lại khác. Họ có một số nguyên tắc cho phép họ nhập vai như sau:

1. Thông tin mà phóng viên muốn nhận được có ích cho xã hội, cho số đông, ví dụ như các vấn nạn xã hội (tham nhũng, bảo kê, hối lộ, làm sai, lạm dụng chức vụ quyền hạn, vi phạm quyền con người)

2. Các biện pháp thu thập thông tin bình thường, công khai không đủ để họ có thể đạt được mục tiêu mong muốn, tức là họ biết có vấn nạn xảy ra, nhưng nếu không nhập vai thì họ sẽ không thể có được bằng chứng, hay thông tin.

3. Nếu họ nhập vai, nguy cơ đối với họ ở  mức có thể chấp nhận được.

4. Quyết định sử dụng các thông tin có được từ biện pháp nhập vai, cũng như xuất bản thông tin này có sự đồng ý, và nhận lãnh trách nhiệm của tổng biên tập hay người đại diện của phóng viên này.

Ở nơi mà  không có luật tiếp cận thông tin, hay thông tin bị ngăn chặn, che giấu, nhập vai là biện pháp cuối cùng mà phóng viên buộc phải thực hiện. Cho dù nhập vai có thể bị tranh cãi rằng không đạo đức, nhưng tôi cho rằng nó không sai trái. Điều quan trọng là phóng viên có được thông tin đúng.

Nếu các nhà báo sử dụng biện pháp nhập vai không được bảo vệ, thì  sẽ đặt ra những tiền lệ rất xấu cho công việc làm báo, và hậu quả là xã hội, tức chúng ta, sẽ phải gánh chịu.