Câu chuyện của Johann Hari, một tay bình luận báo chí nổi tiếng ở Anh, tự rời bỏ công việc báo chí để bước vào trường học, học lại từ đầu, bằng tiền túi của mình, đang khiến mình suy nghĩ.
Mình biết đến Johann Hari khi còn đi học ở London. Ngày đó, có 3 tờ mình hay đọc là The Telegraph, The Guardian và The Independent. Báo chí ở Anh đa dạng, nhưng những tờ báo lá cải không khiến cho mình thấy mình sáng suốt hơn chút nào. Tờ The Telegraph rất nghiêm túc, The Guardian cũng thế. Phân tích, bình luận, cách dùng ngôn ngữ…mỗi tờ, mỗi ngày như những món ăn ngon vào buổi sáng.
Tờ The Independent là nơi mình thực tập trước khi tốt nghiệp. Mình chú ý đến cái tên Johann Hari, vì thói quen đọc báo là đọc tên tác giả, và hơn nữa, Johann Hari bằng tuổi mình, nhưng đã là một columnist có hạng, đoạt nhiều giải thưởng, và tài năng đã được thừa nhận tại một nền báo chí lâu đời và rất phát triển ở một đất nước tự do.
Nhưng đến gần đây, khi Johann Hari viết 1 bài xin lỗi rất dài đăng tải trên báo về việc anh đã sử dụng những trích dẫn mà không phải do mình hỏi, nhưng người trả lời phỏng vấn đã nói ở đâu đó, trên bài viết của mình. Lý do, như anh giải thích, là anh chỉ muốn cho những gì họ nói trở nên rõ ràng hơn với độc giả. Cũng là ý tốt. Nhưng đến nay thì như anh thừa nhận, đó là việc làm sai. Đơn giản vì nếu anh không phải là người hỏi trực tiếp, và người đã không nói với anh, thì cách diễn đạt của anh phải khác để bạn đọc không hiểu lầm.Nhưng việc này mới nghiêm trọng hơn. Anh sử dụng chiêu lấy tên giả để viết những bình luận, hay thay đổi thông tin theo hướng bất lợi cho những nhân vật nổi tiếng đã chỉ trích anh (vốn là các nhà báo) trên Wikipedia.
Việc đánh cắp trích dẫn, và ném đá giấu tay đồng nghiệp đã đặt một dấu dừng cho sự nghiệp của Johann, có thể là tạm thời.
Các phân tích trên báo chí đưa ra nhiều lý do. Trong đó, vấn đề mấu chốt là Johann chưa bao giờ đi học ở trường báo chí hay làm ở các ban tin tức, mà nhảy một phát lên vị trí columnist và tạo dựng sự nghiệp của mình ở đó, với vai trò là columnist, người chuyên phụ trách phỏng vấn và là phóng viên thường trú ở nước ngoài.
Bản thân Johann viết:
“Tôi đã làm 2 thứ ngu ngốc và sai trái. Đầu tiên là sau khi tôi phỏng vấn, tôi gõ lại những ý họ nói và thấy những gì mà mình thấy rất rõ ràng khi mình nghe họ nói trực tiếp lại trở thành khó hiểu khi viết lên mặt báo. Khi đó, nếu người trả lời phỏng vấn đã trả lời tương tự ở đâu đó, thì tôi sẽ dùng ý đó của họ. Tôi tự bào chữ cho mình rằng tôi đang cố gắng giúp cho họ thể hiện ý một cách rõ ràng nhất với bạn đọc.
Nhưng tôi đã sai. Một cuộc phỏng vấn không phải là màn chụp X-quang vào những ý nghĩ tốt nhất của 1 người. Đó là một bản tin về một cuộc gặp gỡ. Nếu muốn thêm chi tiết, thì có những cách khác để viết….
Nếu tôi hỏi rất nhiều đồng nghiệp có kinh nghiệm mà tôi có ở The Independent – những người luôn dành thời gian cho tôi – chắc chắn họ đã nói với tôi là việc tôi làm là sai, và vì sao lại sai như vậy.
Việc tôi không hỏi họ, thể hiện sự kiêu ngạo và ngu ngốc.”
Với những người làm báo, câu chuyện của Johann không quá ngạc nhiên. Mình đồng ý với bình luận trên tờ The Economist, rằng đó là khi người ta phát hiện ra, thì anh mới thanh minh. Nhưng có biết bao người bị bịa đặt trích dẫn trên báo chí? Những người nào hay đọc báo thì mới biết mình đã bị đặt một câu mà mình chưa bao giờ nói vào miệng. Còn những người nông dân, những người ít tiếp xúc với báo chí, thì làm sao họ biết?
Chỉ có lương tâm của nhà báo biết.
Và việc ai đó, nói không đủ hay khi được phỏng vấn, thì như bình luận trên The Economist, đó là lỗi của nhà báo.
Ở những nước đang phát triển, như tờ The Economist bình luận, rất ít điều có thể ngăn cản nhà báo bịa đặt, trừ phi lương tâm của nhà báo đủ mạnh.
Tòa soạn luôn cần trích dẫn hay, hấp dẫn, gây sốc, gây tranh cãi.
Nhưng không phải lúc nào phóng viên cũng mang được về. Mấu chốt nó ở chỗ đấy.
Khi không có trích dẫn hay, phóng viên chỉ còn cách trách bản thân mình, đừng trách người phỏng vấn.
Tôi vẫn nói, đưa tin thì không khó. Cái gọi là người đưa tin thì không khó. Nhưng làm nhà báo thì khó.
Nó cần các kỹ năng làm báo, và cần cái gọi là đạo đức nghề nghiệp, mà nếu không có, thì sẽ vô cùng nguy hiểm cho xã hội.
Đạo đức nghề nghiệp là thứ cần phải học, phải nghiên cứu, phải có người đi trước dẫn dắt, chỉ bảo, và cần sự chiêm nghiệm của bản thân, và sự tự nguyện chấp thuận đi theo của lương tâm.
Hi vọng Johann sẽ chọn vào học City University London. Ở đó, cách họ dạy làm báo sẽ giúp cho sinh viên hiểu, có những hàng rào mà phóng viên sẽ không được phép bước qua.
Dù sao, mình vẫn chờ đợi có ngày Johann sẽ viết lại. Trên một tờ báo nào đó. Bởi, ai cũng có thể mắc sai lầm. Vấn đề là họ đứng lên và tiếp tục đi tiếp như thế nào.