Phỏng vấn có đạo đức

Nhiều tờ báo và hãng truyền thông có những quy tắc đạo đức nghề nghiệp, đưa ra bản chi tiết những gì phóng viên của họ được phép và không được phép làm. Một nghiên cứu 304 tờ báo cho thấy, 49% có kiểu quy tắc này. Họ đều nhất trí không chấp nhận kiểu hành nghề theo cách nghe lén.

Những nguyên tắc này thống nhất với nhau ở một số điểm, được Hiệp hội các nhà báo chuyên nghiệp của Mỹ định nghĩa là:

1/ Tìm kiếm và tường thuật SỰ THẬT;
2/ HOẠT ĐỘNG ĐỘC LẬP dưới nhiều áp lực;
3/ HẠN CHẾ đến mức thấp nhất thiệt hại cho những ai (những gì) liên quan.

Chẳng hạn, để hạn chế mức thấp nhất thiệt hại cho những ai (những gì) liên quan tới bài viết, hầu hết các tờ báo, truyền hình…sẽ không nói cụ thể danh tính của những nạn nhân bị hiếp dâm hoặc đăng tải những hỉnh ảnh thi thể người bị chết trong một vụ tội phạm hình sự hoặc tai nạn giao thông. Họ sẽ suy đi tính lại khi xâm phạm vào nỗi đau riêng của một gia đình khi gia đình ấy liên quan tới một vụ án khá thông thường. Mặc dù vậy, điều này không hẳn là luôn đúng với những vụ án liên quan tới những người nổi tiếng. Họ có thể cân bằng giữa ảnh hưởng đến cá nhân so với lợi ích mà cộng đồng có thể có được khi đưa thông tin. Ví dụ một vụ tự sát của một em bé 10 tuổi có thể sẽ đem lại những bài học đắt giá cho cộng đồng.

Các quyết định về đạo đức thường được thể hiện thông qua sự cân bằng giữa lợi ích cộng đồng và thiệt hại của cá nhân. Hoạt động độc lập dưới áp lực nghĩa là tránh được các xung đột giữa các lợi ích như viết các bài báo về sự phát triển đô thị khi bản thân người phóng vấn sở hữu các cổ phần trong tập đoàn phát triển địa ốc của thành phố, hoặc nhận những món quà đắt giá từ một tổ chức ruột của phóng viên đó. Hoạt động độc lập tức là từ chối được những áp lực về kinh tế như các tổ chức dọa không đăng quảng cáo trên báo, nếu những vụ bê bối của công ty bị phơi bày trên tờ báo đó.

Những điều này dẫn tới việc “Tìm kiếm SỰ THẬT” là một nguyên tắc liên quan trực tiếp nhất tới phỏng vấn. Các vấn đề dễ gặp phải nhất là:

– LỪA DỐI
– PHẢN BỘI
– BÓP MÉO SỰ THẬT
– VI PHẠM VÀO SỰ RIÊNG TƯ

Lừa dối nghĩa là tiếp nhận các thông tin với lý do không xác đáng. Tìm kiếm sự thật là mục đích cao quý của tất cả những tập đoàn báo chí. Nhưng chúng ta nên theo vấn đề đến mức nào để tìm ra sự thật ấy? Nghe lén các cuộc trò chuyện phiếm của những người nổi tiếng? Nhìn trộm vào phòng ngủ của họ? Lục trong thùng rác của văn phòng để tìm tài liệu? Giả vờ là trợ lý của thám tử để vào được khu vực vừa có vụ án mạng hiện cấm phóng viên tiếp cận? Lấy trộm tài liệu? Và liệu bạn có thể dẫn lời những người nói chuyện với bạn khi họ không biết rằng bạn sẽ dẫn lời họ trên báo hay không? Những câu hỏi này có vẻ thú vị. Chúng ta cùng xem một ví dụ cổ điển. Trong cuốn sách Những người tạo ra ý kiến (Opinion Makers), tác giả William Rivers mô tả về một quan chức chính trị mới được bầu. Ông này từ chối đưa ra những ý kiến quan điểm của mình với báo chí. Một phóng viên may mắn tiếp cận được với ông ở một quán rượu. Họ nói chuyện. Vị quan chức nói một cách thoải mái về các vấn đề và các quan điểm của ông về tương lai. Phóng viên này chỉ để lộ tông tích vào cuối cuộc trò chuyện. Sau khi bài báo đăng, phóng viên đồng ý rằng có vấn đề về đạo đức trong cách tác nghiệp này, nhưng tranh cãi rằng bất kỳ tin tức nào mà vị quan chức thảo luận công khai đều ít có khả năng được xem là bí mật và tránh được tai mắt của báo chí.

Liệu mục đích có biện minh cho phương tiện không? Liệu vị quan chức kia có phải chịu trách nhiệm vì đã nói chuyện với báo chí không? Tùy bạn kết luận.

Có những câu hỏi chính được đặt ra khi chúng ta thảo luận những đề tài dạng này: “Liệu phóng viên có thể có thông tin theo cách khác được không?”

Những năm 1990, ở Mỹ, các cuộc phỏng vấn mà phóng viên giấu máy quay phim bí mật trở nên rất phổ biến trong số các phóng viên truyền hình. Thậm chí, người ta có những giải thưởng báo chí Pulizer dành cho những tác phẩm xuất phát từ cách làm này.

Nhưng ban cố vấn của Pulizer cũng đặt ra những câu hỏi về đạo đức, qua việc đánh lừa người phỏng vấn để họ hiểu sai về tông tích của phóng viên, hay mục đích cuộc trò chuyện, từ đó nói ra những thông tin bí mật.

Hiệp hội các nhà báo chuyên nghiệp tại Mỹ đưa ra một nguyên tắc đạo đức cấm tất cả các máy quay phim lén và giả dạng, trừ phi “vì lợi ích lớn và quan trọng của cộng đồng” mà phóng viên không thể lấy tin theo cách nào khác ngoại trừ theo cách lừa dối này.

(Metzler, K – 1997, Creative Interviewing: The writer’s guilde to gathering information by asking questions, 3rd edition; USA: Allyn & Bacon)

“Trong hầu hết những tình huống, con người có quyền được biết khi nào thì họ đang nói chuyện với phóng viên” (Báo Beaumont Enterprise, Texas)

“Những người chúng ta phỏng vấn nên hiểu rằng họ đang nói chuyện với phóng viên, và những gì họ nói có thể được xuất bản. Chúng ta nên đặc biệt nhạy cảm với những nguồn tin đang bị chi phối bởi nhiều cảm xúc và sự thiếu hiểu biết, những người không quen tiếp xúc với báo chí, và những người không hiểu tầm quan trọng của những lời nói của họ khi xuất hiện trên báo chí”. (Grand Forks Hedrald, North Dakota).

(Bản dịch từ lâu, bây giờ post lại vì vẫn thấy rất thời sự).

Comments