Thế hệ phục hồi

“Thế hệ phục hồi” là định nghĩa mà Mark Jarvis, giám đốc markting của tập đoàn Dell, đưa ra và được Thomas L.Friedman trích  dẫn trong cuốn “Nóng, phẳng, chật”.

“Đó là những người thuộc đủ mọi lứa tuổi, có chung lợi ích khi sử dụng tài nguyên tái tạo, tái chế, và những biện pháp khác để duy trì môi trường tự nhiên của trái đất.” Có một điều chắc chắn: Họ không sử dụng và tiêu xài tài nguyên một cách vô tội vạ. Họ hiểu là nếu chúng ta làm vậy, cuộc sống của chúng ta sẽ càng suy thoái, ngắn ngủi và hạn chế.

Thế hệ đó khác với thế hệ trước – những người tiêu dùng năng lượng, nước, khai thác ồ ạt tài nguyên thiên nhiên mà hầu như không suy nghĩ tới thế hệ tương lai. Thế hệ phục hồi có thể có tiền để trả tiền điện, nhưng sẵn sàng chỉ bật đèn đủ ánh sáng phục vụ nhu cầu; có thể có tiền để trả tiền nước nhưng vẫn vặn nhỏ vòi nước để đủ dùng khi rửa tay; có thể đủ tiền mua xe thật to, thật “khủng” nhưng vẫn đi chiếc xe khiêm tốn để tiết kiệm xăng và không thải khí quá nhiều ra môi trường. Họ từ chối hưởng các dịch vụ hay sản phẩm từng là  niềm mơ ước, là khát vọng, hay là thói quen của thế hệ đi trước. Thế hệ phục hồi là thế hệ mà với mỗi hành động của mình, họ đều đặt câu hỏi: Liệu tôi có lựa chọn nào khác để giảm tác hại tiêu cực ra môi trường hay không?

Đừng nói là chúng ta chưa thấy hậu quả của biến đổi khí hậu, phá rừng, thải khí, đầu độc dòng sông, vứt rác thải vô tội vạ. Bạn có thể nhớ lần gần đây nhất mình suýt chết ngạt vì khói xe và mùi không khí ô nhiễm, nhưng phải lâu lâu thì mới nhớ lại lần gần đây nhất thấy một cánh bướm bay hay nghe tiếng chim hót.

Cuộc sống của chúng ta đang phụ thuộc rất nhiều vào nhiên liệu và năng lượng và sẽ ngày càng phụ thuộc hơn nếu muốn phát triển. Nhưng giờ đây, thế hệ phục hồi đã hiểu nhiên liệu và năng lượng không phải miễn phí, lại càng không phải là vô tận. Họ thay đổi tư duy, lối sống để trở nên sống xanh, sống tiết kiệm năng lượng.

Vậy chúng ta ở các nước đang phát triển thì sao? Dù bạn là ai, ở đâu trên trái đất này, hẳn bạn không muốn con cái mình, thế hệ sau mình trách bạn là người có hiểu biết mà không làm gì để tự bảo vệ mình và con cái, cho dù bao nhiêu bài học đắt giá về sự tiêu dùng phung phí quá mức đã hiển hiện.

Hãy nhớ tới cô bé 12 tuổi Severn Suzuki ở Hội nghị thượng đỉnh trái đất 18 năm trước đây đã nói “nếu các cô chú không biết khắc phục hậu quả, thì xin đừng phá hoại thêm nữa!”.

 Suy nghĩ rằng trái đất và tài nguyên thiên nhiên là do chúng ta toàn quyền sử dụng cho nhu cầu, mong muốn và tham vọng hiện tại đang trở nên lỗi thời và ích kỷ đối với chính chúng ta và những thế hệ tương lai. 

Nhưng phát triển kinh tế hay bảo vệ môi trường luôn là câu hỏi nhức nhối, đặc biệt với các nước nghèo và kém phát triển như Việt Nam. Mối quan tâm và nhu cầu hiện tại thường là thu nhập, việc làm, giảm đói nghèo, phát triển.

Nếu phát triển dưới một tỉ lệ GDP nhất định sẽ dẫn tới bất ổn xã hội. Nhưng duy trì GDP cao cũng sẽ là không thể nếu môi trường của chính chúng ta bị phá hoại bằng những hành động bán rẻ môi trường, bán rẻ tương lai. Con người mới là là sinh vật phụ thuộc vào môi trường và những loài khác để sống, chứ không phải là ngược lại.

Chúng ta có thể làm gì trong khi vẫn chờ đợi các ý chí chính trị đưa ra những phương thức mang tính vĩ mô (và thật lâu thì chúng mới được áp dụng trong thực tế giữa cảm giác nghi ngờ về tính hiệu quả của những người xung quanh)?

Tôi không thể khuyên bạn làm gì cả, khi mà bạn vẫn cứ không dám nghĩ tới những hậu quả của việc thế hệ chúng ta không hành động. Bởi vì nhận thức là điều kiện tiên quyết cho bạn thay đổi thái độ và hành vi. Khi bạn đã dám nghĩ và nhìn nhận nghiêm túc về vấn đề môi trường, thì tôi lại không cần phải khuyên bạn nữa, vì bạn sẽ tự biết phải làm gì.

 Vậy, bạn muốn mình thuộc về thế hệ nào?

© Khổng Loan

Comments