Lời nói thành sự thật

Entry này viết cách đây hai năm, khi mình đang còn ở Anh. Bây giờ đọc lại, thấy mình ngây thơ thật đáng yêu và …cá hấp.

Mặc kệ xung quanh, nhỉ?
Mặc kệ xung quanh, nhỉ?

“Cách đây một năm, vào ngày Nô – en, mình đi ăn tiệm với gia đình. Bố mẹ, anh Long, chị Thuỷ, Vịt yêu quý.

Hôm đó, mình nói rằng có thể nô-en năm sau con sẽ không ăn với gia đình, vì con sẽ đi học ở Anh. Mẹ mình cười: Thế thì tốt con ạ. Lời nói thành sự thật.

Nô-en năm nay mình ở London. Ngoài đường vắng vẻ, chả có ma nào đi lại cả. Chả bù cho ở VN, dân tình chạy cuống ra ngoài đường hít khói xe.

Thấy mình cần phải nhớ ai đó, cần phải yêu ai đó, cần phải day dứt vì điều gì đó. Mình có nhớ ai không? Mình có yêu ai không? Mình có day dứt vì điều gì đó không?

Chắc là có chứ. Vì nếu không thì có nghĩa là mình chỉ tồn tại thôi mà không phải là mình sống. Cuộc sống mà không có tình yêu thì còn nghĩa lý gì nhỉ?

Lại nhớ bức hình chụp ở Edinburg. Nhà ga, đôi tình nhân ôm hôn nhau thắm thiết. Họ chia tay hay họ được gặp lại? Chẳng biết nữa. Chỉ biết rằng họ hôn nhau thật say đắm. Họ thật hạnh phúc, họ thật là may mắn.

Khi đó, cuộc đời là những nụ hôn dài bất tận…Thế là đủ, phải không?

Tunisia-năm 2005

Một số hình ảnh chụp tại thủ đô Tunis, Tunisia ở Bắc Phi khi tôi tham dự Hội nghị về Xã hội thông tin của LHQ, theo lời mời của Tổ chức InWEnt, Đức.
Đất nước này rất đẹp và đáng yêu. Biển Địa Trung Hải thật tuyệt vời.
Đọc thêm tại đây.

Nhà vệ sinh công cộng ở Thụy Sĩ

“Tớ chả kể về vẻ đẹp của Thuỵ Sĩ đâu. Núi tuyết, thiên nhiên, con người tốt bụng, vân vân và vân vân. Những điều đó chả gây ấn tượng với tớ lắm. Thật đấy, thường thôi! Châu Âu nó thế!

toilet

Điều gây ấn tượng với tớ khi đến 5 thành phố ở Thuỵ Sĩ đọng lại ở một nơi: cái toa-let công cộng. Đó là vào hôm ở Bern, tớ đi dạo cùng bọn bạn. Đến lúc có nhu cầu lại thấy một cái public convinience (gọi là thế nhé, chứ không phải toilet nhá), hí ha hí hửng mở cửa ra. Bước vào, tần ngần một lúc, mặt thộn ra, rồi lại mở cửa bước ra. Ra một lúc, rồi lại bước vào.

Vì sao? Vì cái bồn cầu nó to quá. Sao nó to thế? Nó không bình thường, hoặc ít ra nó cũng không dành cho người 46 kg như mình. Toàn bộ bằng đồng sáng bóng, sạch bong, cái khung đỡ thì bằng nhựa đặc vững chãi. Cái phần bên dưới nó to gấp 4 lần cái chậu giặt ở nhà của mẹ mình.

Nó như một cái (nói xin phép các bác) chậu tắm hơn. Kéo cái bệ xuống mà nặng quá. Cái bệ này là phải vận công lực kéo xuống, bình thường nó cứ chổng ngược lên như trong hình ấy ạ. Nghĩ bụng hay kệ, ngồi không thôi không cần bệ đỡ.

Nhưng lỡ lọt thỏm xuống cái chậu tắm ấy thì sao? Soi mình vào cái thành của cái bồn, mỉm cười một ít. Quyết định kéo cái bệ lần hai.

Xuống rồi, phải ngồi ngay lên thôi. Vừa ngồi vừa mỉm cười. Buồn cười quá, lần đầu tiên tớ gặp một cái toa-let có nhiều lạ lẫm như vậy.

Xong (nhẹ thôi ạ, 2 phút chứ mấy). Đứng lên. Tự động cái bệ đỡ dựng lên. Sờ lên tường đồng chỗ có cái nút, di nhẹ tay vào đấy là xả nước rồi. Ào, phải đến 5 lít nước ấy. Hoang phí quá. Áy náy quá. Châu Phi đang không có nước dùng.

Quay sang trái có chỗ rửa tay và kéo khăn cuốn để lau. Vừa động đến khăn cuốn thì nước lại chảy ào ào. Lại tự động dội bồn cầu đấy. Vậy là đi tong 10 lít nước.

Đứng một lúc trong nhà cầu quan sát. Nó bé tẹo thôi, mà bên trong cái gì cũng to. Mỉm cười một mình. Bước ra, rồi lại bước vào. Lôi máy ảnh ra. Chụp một phát.

Mà lạ. Cái toa -let này không đòi tiền mình. Chả bù mấy chỗ trong nhà ga ở Bern: 2 France Thuỵ Sĩ (tức là gần 30 ngàn đồng VN ạ). Nói chả giấu gì các bác, nhiều lúc tớ nhịn vì thấy vô duyên: ngồi một tí mà hết 30 ngàn.

Thế đấy. Toa-let: Dấu ấn Thuỵ Sĩ.

P.S: Lại có cậu bạn làm ở Bộ Ngoại giao nhắc chuyện toilet ở Anh. Cậu ấy viết thế này:

“Kỷ niệm là tớ đi Straford upon Avon (quê hương của đại thi hào Shakespears). Hôm ấy đến ga Leamington Spa, bước vào toilet công cộng mới thấy dân Anh nó service tuyệt thật.

Bên trong toilet còn có biển hiệu ghi : “if you are NOT satisfied with the situation here, please ask our staff for more service” (Nếu bạn không hài lòng với tình trạng ở đây, xin hãy hỏi thêm nhân viên của chúng tôi). Mà nhân viên của họ đứng đầy ngoài sân ga, luôn chào hỏi hành khách với thái độ rất thân thiện), bên cạnh đấy là cái bàn ghi tên nhân viên và giờ dọn vệ sinh trong ngày.


Hic, đấy là miễn phí đấy nhá. Ở HN thì …. hì hì… bây giờ tớ chả dám nghĩ đến nữa ấy.

Đất thủ đô ngàn năm văn hiến của tôi bao giờ mới bằng cái thị trấn Leamington Spa đây… hic hic….”

(Bài viết

vào 01.01.2007)

Quyền làm việc

Đây là bài viết khi tôi đang ở Anh, năm 2006. Khi trở về VN, lại thêm thấy rõ cái mẫu đơn xin việc cùng những thông tin cá nhân lằng nhằng khác đang tạo sự phân biệt lớn giữa những người đi tuyển dụng. Hệ thống xã hội của nước Anh rất khác.

Nó không khiến người cao tuổi còn đương chức bị mang tiếng “tham quyền cố vị”, vì nếu không có khả năng, họ đã bị đào thải từ sớm.

Còn ở Hy Lạp, tháng trước, tôi đã gặp chủ bút của tập đoàn báo chí To Vima (Diễn đàn). Ông lão này 82 tuổi, nắm trong tay vài tờ báo hàng đầu và khoảng chục tạp chí. Không ai nói ông ấy tham quyền, và ông ấy đang có quyền làm việc của mình.

“Jo-Ann, 29 tuổi, đang theo học thạc sỹ ngành quản trị kinh doanh ở trường đại học Kinh doanh (School of Bussiness) tại London đã “choáng” khi được yêu cầu điền tuổi vào mẫu xin việc của mình ngày 3-10.

“Ở một số nước tôi đã đến, trong trường hợp liên quan tới việc làm, tôi có thể kiện nếu ai đó hỏi tuổi tôi, vì đó là phân biệt tuổi tác. Vấn đề này bị xem là rất nhạy cảm,” chị nói.

Đó là ngày thứ 3 Các quy định bình đẳng nghề nghiệp (về tuổi tác) tại Anh chính thức có hiệu lực. Luật đã có, nhưng ứng dụng nó vào cuộc sống thì không đơn giản.

Các quy định mới khẳng định ai cũng có thể lao động nếu họ muốn và có đủ khả năng, không phân biệt tuổi tác. Nhà tuyển dụng chỉ được tuyển người dựa trên khả năng, vì vậy, sẽ không có chuyện quảng cáo là “cần tuyển dụng nhân viên trẻ nhiệt tình”, hay những cá nhân chín chắn”. Lao động trên 65 vẫn có thể tiếp tục làm việc nếu muốn và đủ sức khoẻ.

Louisa Simeonedes, thư ký văn phòng tại công ty quản lý quỹ Vertex cho rằng, sẽ không công bằng nếu buộc người khoẻ mạnh và minh mẫn ở tuổi 60 trở lên ph ải nghỉ việc, trong khi họ vẫn có thể đóng góp cho xã hội.

Những quy định mới này được xem là một trong những thay đổi quan trọng nhất trong trong lĩnh vực lao động và đào tạo nghề những năm gần đây tại Anh.

Luật này cũng giống như các luật cấm phân biệt đối xử vì chủng tộc, giới tính, tôn giáo, xu hướng tình dục… trong lao động, nhưng người Anh lại tỏ ra hoài nghi về tính khả thi của nó.

Báo chí Anh bi quan khi thông tin về cuộc nghiên cứu ý kiến nhỏ của tổ chức Giúp đỡ người có tuổi (Help the Aged) cho thấy, 25% những người được hỏi tuổi từ 55 – 64 cảm thấy các công ty sẽ không thuê họ nếu họ trên 65. Những người lao động có quyền phản kháng nếu họ không còn được thuê làm việc chỉ vì tuổi tác của họ, mà không có lý do chính đáng nào khác.

Thách thức và cơ hội cho cả các lao động trẻ và lao động có tuổi. Họ đều bình đẳng trong quá trình đào tạo, tuyển dụng, thăng chức hay lương thưởng.

Không ai được phép tuyển dụng, nâng chức, cho về hưu người lao động dựa vào tuổi, chỉ trừ trường hợp được xem xét một cách độc lập. Nếu nhân viên dưới 65 tuổi, họ không thể bị sa thải chỉ vì già quá hoặc trẻ quá.

Ngày càng có nhiều người Anh muốn tiếp tục đi làm khi đã qua tuổi 65 vì cần tiền cho con đi học, giúp đỡ con cái về tài chính. Thành kiến xã hội cho rằng những lao động có tuổi không có khả năng thích nghi với công nghệ mới đang thay đổi chóng mắt, thiếu tính sáng tạo, tính thích nghi, khó đào tạo, cẩn trọng quá…trong khi xã hội tư bản đang thay đổi chóng mặt với những tiện ích vượt bậc. Nhanh mới tồn tại được.

London đang chớm lạnh. Đường phố xuất hiện ngày càng nhiều những chhiếc áo khoác màu đen (màu công sở?). Người London vẫn đi nhanh, ăn vội. Ở nhiều nhà ga, bến tàu…người ta vẫn thấy những người có tuổi, mái tóc bạc phơ, làm các công việc dọn dẹp rác thải. Lưng hơi còng, họ chậm rãi đưa que gắp rác dài để gắp rác bỏ vào bao. Tại nhiều thư viện, bến xe buýt, nhà ga, người ta thấy quảng cáo dạy tin học, Internet miễn phí cho những người trên 50 tuổi.

Lịch sử Anh ghi nhận Winston Churchil (1874-1965) quay trở lại làm thủ tướng nước này khi bước vào tuổi 77. Tuổi nào cũng có thể cống hiến được, nếu có trái tim nhiệt huyết.”