Thế giới chờ đợi gì ở Kenya?

Một quốc gia thuộc thế giới thứ 3; 40 triệu dân;  thiên nhiên hoang dã phong phú;  có ngọn núi Kenya cao thứ 2 ở châu Phi; tỉ lệ thất nghiệp là 40% và số người sống dưới mức nghèo khổ là 50%. Đó là những nét chấm phá về Kenya, quốc gia nằm dọc Ấn Độ Dương thuộc  Xích đạo. Thế thì sao?

“Ở Kenya có 2 bộ tộc, 1 bộ tộc cực giàu có 10 tỉ phú với sự hậu thuẫn của Tổng thống, bộ tộc kia là tất cả những người Kenya còn lại và rất nghèo” – Grace Githaiga, một nhà nghiên cứu truyền thông địa phương ở Nairobi đã trả lời ngắn gọn như vậy khi tôi hỏi về lý do khiến người dân Kenya đã tỏ ra cực kỳ phấn khích khi cầm lá phiếu trên tay để quyết định vận mệnh của bản hiến pháp mới. Họ hy vọng đây là cột mốc để có thể thay đổi hoàn toàn tương lai vận mệnh của đất nước, và dĩ nhiên cả số phận của họ.

Có rất nhiều người dân không biết chữ, nên thế kỷ 21, Kenya vẫn còn những người đi bỏ phiếu bằng cách chỉ điểm. Nhưng có sao đâu, khi họ biết chắc những lá phiếu của họ  thực sự có tiếng nói và có ảnh hưởng. “Tôi cố gắng làm mọi cách để có thể bỏ phiếu về bộ luật cơ bản và quan trọng nhất này, nhưng người Kenya ở nước ngoài vẫn chưa thể thực hiện quyền công dân của mình” –  Grace  nói. Chị đang học ở bang California, Mỹ, nhưng chị mở Internet  hang giờ để theo dõi diễn tiến bầu cử, và sẵn sàng nói chuyện hàng giờ với những người chị quen về tình hình chính trị Kenya.

Người Kenya hiểu rằng khi họ đưa ra ý kiến về 1 bản hiến pháp mới, đó là 1 cách thay đổi  cực kỳ lớn lao, cho dù về cơ bản, vẫn cần có thời gian trả lời hiệu quả thực sự của đạo luật viết trên tờ giấy.   “Thay đổi hiến pháp, trong trường hợp này với Kenya là bước đi vô cùng quan trọng. Người dân đang bỏ phiếu đồng ý hay không đồng ý với những điều luật cho phép hay không cho phép chính phủ làm điều gì đó. Khi chính phủ đưa ra bản hiến pháp mới để trưng cầu dân ý, giống như họ đồng ý cho người dưới quyền trói mình lại, và cho dù sau này, dù họ có dung quyền lực buộc người kia cởi mình ra, người kia cũng không bao giờ được phép cởi để duy trì luật pháp” – một giáo sư về khoa học chính trị tại Stanford nói.

Những người phụ nữ tham gia chiến dịch vận động thông qua bản hiến pháp mới tại Nairobi. Sau rất nhiều nỗ lực, cuộc trưng cầu dân ý đã diễn ra trong hòa bình tại nền kinh tế lớn nhất đông Phi. Ảnh: Noor Khamis/Irish Times

Không phải ngẫu nhiên Kenya trở thành tâm điểm thế giới theo dõi. Bản hiến pháp mới cho phép luận tội tổng thống, các nghị sỹ buộc phải trả lời các câu hỏi xuất phát từ các cử tri, ủy ban về đất đai được phép xem xét lại lịch sử của các vụ việc bất công, các quyền của người dân được mở rộng,cải cách hệ thống tòa án.

Kenya đã trải qua những cột mốc để đạt tới thời điểm ngày 5-8. Cuộc bầu cử năm 2007 là một cơn đại phẫu thuật cho nước này, khi kết quả bầu cử bị cáo buộc là gian lận đã  đưa Kenya tới bờ vực của nội chiến, hơn 1.000 người thiệt mạng trong giao tranh giữa phe bảo vệ chính phủ và những cử tri cho rằng lá phiếu của mình đã bị “ăn cướp trắng trợn”. Hiến pháp mới là 1 phần của thỏa thuận hòa bình được chính phủ và lực lượng thách thức  ký kết sau khi Liên hợp quốc can thiệp. Chiến dịch vận động cho bản hiến pháp mới cũng không  yên ổn khi 6 người đã chết vì đạn cối. Cựu Tổng thống  Daniel Arap Moi, người đã nắm quyền 24 năm, đã sử dụng vũ lực để buộc người dân không thông qua bản hiến pháp mới, với lý do bản hiến pháp được “người ngoài” viết và sẽ khiến gây căng thẳng sắc tộc.

“Nhưng Kenya làm gì có nhiều bộ tộc?” – Grace nói – “Kenya chỉ có những người giàu thật giàu, và nghèo thì vô cùng nghèo”. Khi  người dân Kenya đi bỏ phiếu, Daniel Arap Moi mới là người lo lắng, vì những tài sản đất đai khổng lồ của ông ta sẽ chính thức bị điều tra. Dĩ nhiên đi cùng đó là những “bộ sậu” đã nhận được ưu đãi lớn từ ông.

Liệu hiến pháp mới là bước đi mới, hay là phát súng đầu tiên gây bạo loạn cho cuộc bầu cử tới vào năm 2012? Các ông nghị ở Kenya đã tự mình thông qua luật cho phép mình nhận mức lương mà các ông nghị ở Mỹ cũng thèm muốn. Họ sẽ bị “trói chân tay” nếu bản hiến pháp được thông qua.

Báo chí thế giới đăng tải người Kenya xếp hàng dài đợi đến 5 tiếng đồng hồ để bỏ phiếu. Ở những khu ổ chuột tại thủ đô Nairobi, người ta xếp hang từ 3 giờ sáng. Kết quả ban đầu cho thấy, có 64% những người đến bỏ phiếu đã đồng ý thông qua bản hiến pháp, trong khi 36% nói không.

Bản hiến pháp cũ của Kenya được viết sau khi nước này dành độc lập năm 1963 từ Anh, đã cho Tổng thống quyền lực lớn. Quyền lực đó sẽ giảm rất nhiều nếu hiến pháp được thong qua, với nhiều cơ chế kiểm tra chéo, trách nhiệm phải giải trình trước cử tri được thiết lập, những lực lượng than quen với Tổng thống từ trước tới nay được ưu đãi sẽ không dễ nhận ưu đãi nữa. Như vậy, 1 trong những điều kiện quan trọng của thỏa thuận chia sẻ quyền lực giữa Tổng thống  Mwai Kibaki và Thủ tướng  Raila Odinga để chấm dứt bạo lực  2007-08 đã diễn ra.

Liệu Kenya có chấm dứt hang thập kỷ của nạn tham nhũng, điều hành của chính quyền kém cỏi, dịch vụ công nghèo nàn, và quyền lực tập trung quá nhiều vào 1 nhân vật  hay không? Cơ hội sẽ thế nào?  “Hiến pháp mới chẳng phải cái chổi thần” – như  Maina Kiai, cựu Chủ tịch Ủy ban quốc gia về nhân quyền Kenya nói với New York Times – “nhưng là cơ hội để bắt đầu 1 chương mới đang được chờ đợi từ lâu.” “Tầm nhìn 2030” – tham vọng “ngồi cùng mâm” với những con hổ kinh tế châu Á mà chính phủ Kenya thông qua năm 2007, có thể  thực hiện được hay không cũng sẽ phụ thuộc nhiều vào bản hiến pháp này, khi nó đòi hỏi chính phủ phải điều hành minh bạch và giải trình các hoạt động của mình nhiều hơn với cử tri Kenya.

Phút chót, người dân Kenya đã bỏ phiếu thông qua hiến pháp mới trong hòa bình. Grace đã nhảy múa và cười sung sướng suốt mấy ngày sau đó.