Thế giới nợ Campuchia lời xin lỗi

Bên bờ Tonle Sap trước Hoàng Cung ở Phnom Penh, tháng 1-2010.
Bên bờ Tonle Sap trước Hoàng Cung ở Phnom Penh, tháng 1-2010.

Tháng 1-2010. Lần thứ 2 tôi trở lại Campuchia. Lần đầu tiên là cách đây 5 năm. Khi đó, Campuchia thật nghèo khổ, tang thương. Có lẽ khi đó Việt Nam khá hơn một chút.

Tôi đã từng bị sang chấn tâm lý rất nặng nề khi tới thăm nhà tù Toul Sleng, cái gọi là cơ quan an ninh quốc gia của chính quyền Khmer Đỏ, bộ máy giết người kinh khủng nhất. Tình yêu của tôi với rất nhiều điều đã vụn vỡ. Những cái sọ người, những cánh đồng chết.

Sau đó, bất kỳ khi nào có dịp khi đi công tác ở nước ngoài, tôi đều cố gắng đến những nơi tưởng niệm các nạn nhân của nạn phân biệt chủng tộc. Ở các nước tiên tiến hơn, người ta cũng kể lại chuyện kinh hoàng này, nhưng không phải bằng cách giữ lại những sọ người, xếp những mảng xương giữa thanh thiên bạch nhật.

Vì sao lại có những người mang tư tưởng đọc được từ một cuốn sách xuất hiện ở giữa Paris, kinh đô ánh sang của nước Pháp, cái nôi văn minh của nhân loại, mang về nước cái lý thuyết về giai cấp. Cái lý thuyết đó chia rẽ xã hội Campuchia kinh khủng, tàn sát và thanh lọc những thành phần ưu tú và tiến bộ nhất trong xã hội với khát vọng đi đến một đất nước hoàn hảo không tưởng?

Pol Pot đã không hề ân hận về cái chết của 2,7 triệu người dân trong hơn 3 năm chế độ Khmer Đỏ nắm quyền. Đó là ¼ dân số thời đó. Làm sao lại có thể xây dựng lên một xã hội tốt đẹp hơn nếu giết hết đi, hay hạn chế tiếng nói của các trí thức? Ông ta có ý nghĩ ngông cuồng rằng Campuchia chỉ cần 2 triệu dân – những người vô sản nhất – để xây dựng một đất nước mới. Ông ta đặt mốc khi lên nắm quyền là năm số 0, mọi thứ trước đó đều bị xóa bỏ. Một sự khùng điên không thể giải thích nổi. Pol Pot và rất nhiều lãnh đạo khác của Khmer Đỏ đều học ở Pháp về.

Cho đến bây giờ, những thành phần chóp bu của Khmer Đỏ vẫn không nhận tội, ngoại trừ Duch, giám đốc Toul Sleng.

campuchia3
Bên trong Bảo tàng Diệt chủng tại Phnom Penh

Phiên tòa đặc biệt do LHQ hỗ trợ để xét xử các các thủ lĩnh Khmer Đỏ thật chật vật mới được tiến hành. Vì sao? Vì các thế lực đứng đằng sau Khmer Đỏ khi đó? Ngay cả khi tội ác của Khmer Đỏ được phát hiện, thế giới vẫn thừa nhận chính quyền này. Nếu xét xử được Khmer Đỏ thì tại sao không xét xử những thế lực đằng sau hỗ trợ Khmer Đỏ? Thế giới đã ở đâu khi hàng triệu người dân Khmer bị chết oan khi những nhát cuốc bổ vào đầu, chết vì đói, vì những hình thức giết người dã man nhất? Các cường quốc, các nước láng giềng đã làm gì khi đó? Họ đã quay lưng với Campuchia. Đó là điều không còn gì phải bàn cãi. Trong video 15 phút chíêu tại Cánh đồng Chết, cái tên Việt Nam đã không hề được nhắc tới trong “Ngày giải phóng” năm 1979.

Khi Thế chíên 2 chấm dứt, thế giới cho rằng mình đã nợ dân tộc Do Thái một món nợ lớn. Vì vậy, sự ra đời của nhà nước Do Thái Israel là một phần bồi thường cho những đau khổ mà dân tộc này gánh chịu. Sự ra đời đầy tranh cãi này chính là nguyên nhân dẫn tới lò nóng xung đột tại Trung Đông không biết bao giờ mới chấm dứt. Cùng với hàng triệu người dân Do Thái có Tổ quốc, là hàng triệu người Palestine phải tha hương. Nếu xét về sự đau khổ, người dân Khmer cũng đáng được thế giới cúi đầu xin lỗi. Thế giới đã làm gì trước khi chứng kiến một dân tộc rơi vào họa diệt chủng như vậy? Tại sao họa diệt chủng ở Nam Tư, ở châu Phi, ở châu Âu mà diễn ra thì thế giới ngay lập tức đưa những nghi can ra xét xử chứ không phải chờ tới gần 30 năm như ở Campuchia. Đến nay, hầu hết những nghi can Khmer Đỏ đều chết vì già trong các ngôi biệt thự sang trọng ở Phnom Penh. Nói chung, vẫn là sự tranh chấp quyền lợi và ảnh hưởng của những nước lớn trên bàn cờ chính trị. Và cũng đừng ước mơ sự công bằng cho loài người.

Cái cây giết người.
Cái cây này mà biết nói...

Cho đến khi phiên tòa khép lại (chưa biết đến bao giờ), thì thế giới vẫn nợ người Khmer một lời xin lỗi. Sự tồn tại của Toul Sleng, những cánh đồng chết như vết dao cứa vào tâm hồn những người Khmer theo đạo Phật. Phá bỏ những nơi đó ư? Cũng có thể. Khi phiên tòa khép lại, hãy phá hủy những nơi từng ghi dấu tích của Khmer Đỏ sau khi lưu lại bằng hình ảnh, thước phim tư liệu. Hãy khép quá khứ khổ đau đó lại. Cho dù phe nào chiến thắng đi nữa thì xã hội đó cũng đã tan nát rồi. Hãy để những người đang sống được sống mà không phải lúc nào cũng bị ám ảnh bởi sự chết chóc của quá khứ. Sự ngông cuồng của một số cá nhân khi muốn lật nhào những quy chuẩn của xã hội để đạt tới một xã hội trong mơ, mà không hình dung được hậu quả cho đồng loại của mình đã khiến hàng chục triệu người phải trả giá.

Quyền lợi của tổ quốc, của người dân sống trong quốc gia đó phải được đặt lên hàng đầu, chứ không phải bất kỳ điều gì khác.

Đọc thêm

Đọc thêm về Năm số 0