Tuyên ngôn của một tờ báo

 Ttờ báo theo đuổi mục đích, phương châm gì trong hoạt động thì tuyên ngôn (slogan) sẽ thể hiện như thế. Vào tháng 12-2010, kỷ niệm 25 năm ngày ra đời của The Philippines Inquirer – tờ báo khổ lớn bằng tiếng Anh có lượng độc giả nhiều nhất của Philippines, những người phụ trách đã chia sẻ với bạn đọc về quá trình ra đời của tuyên ngôn tờ báo – một trong những yếu tố quan trọng nhất để thu hút độc giả, vạch đường đi cho sự phát triển lâu dài của sản phẩm có nhiều ý nghĩa trong sự phát triển của xã hội, và  thu hút quảng cáo.

Từ 25 năm trước, The Philippines Inquirer đã chọn tuyên ngôn “Tin tức cân bằng, quan điểm bạo dạn” (Balanced news, fearless views). Nhưng không phải ngẫu nhiên mà The Inquirer chọn tuyên ngôn này, và duy trì nó cho đến nay.

  27.000 sáng kiến

 Khi ra đời, tờ báo đã quảng cáo kêu gọi độc giả giúp họ tìm ra slogan với tặng giải thưởng hậu hĩnh. Lý do là tờ báo ra đời trong vội vã, trong bối cảnh xã hội nhiều biến động nên những người thực hiện không có thời gian để nghĩ ra một slogan hay, bởi vậy, sự hỗ trợ của độc giả là điều quý giá, nhất là khi độc giả đọc tờ Inquirer hàng ngày, họ sẽ tìm thấy niềm cảm hứng cho một slogan mới mẻ. Tính tới ngày 9-1-2989, 27 ngàn hồi đáp của bạn đọc đã đến với tờ báo.

 3 giám khảo

 Nhiều hồi đáp xuất phát từ những nhân vật rất uy tín trong xã hội. Bởi vậy, tờ báo lập ra 1 ban giám khảo gồm 3 người, trong đó có nhà báo kỳ cựu và rất có uy tín Napoleon Rama, khi đó là Chủ tịch của CLB báo chí nước ngoài ở Manila; Josie Tan-Magtoto, Chủ tịch Tổ chức truyền thông in ấn của Philippines, và một người là biên tập viên tại Philippines của hãng tin AP (Mỹ) tại Philippines.

 Có một gợi ý của độc giả khiến ban giám khảo có một trận cười nhớ  đời: “Một tờ Inquirer mỗi ngày sẽ giúp ta đuổi bọn dối trá đi nơi khác” (An Inquirer a day keeps the liars away). Đây là câu “ăn theo” của câu nói “An apple a day keeps a doctor away”, tức là “Ăn quả táo mỗi ngày thì không bao giờ cần phải đến gặp bác sỹ” – nói về tác dụng đối với sức khỏe của việc ăn táo hàng ngày. 

 Cuối cùng 3 tuyên ngôn được chọn vào chung kết là:

 “Fair. Fearless. Filipino” – Công bằng. Bạo dạn. Đầy sắc thái Philippines

 “So the truth may prevail”- Để sự thật có thể thắng thế

 “News without bias, views without fear” – Tin tức không thiên vị, tầm nhìn không sợ hãi

 Cuối cùng, tuyên ngôn thứ 3 được chọn trao giải cao nhất. Tờ Inquirer đã phát triển từ gợi ý của độc giả đó lên thành tuyên ngôn mạnh mẽ hơn là “Balanced news, fearless views” đã nhắc tới ở đầu bài.

 Hiện số lượng phát hành của tờ Inquirer là 260 ngàn bản, và độc giả khoảng 1,2  triệu. Đây là một trong những tờ báo hàng đầu của Philippines. Việc tờ báo lấy tên “The Philippines Inquirer” cũng không phải ngẫu nhiên. Nó xuất phát từ tên gọi The Philadelphia Inquirer, tờ báo lâu đời thứ 3 đến nay vẫn còn tồn tại ở Mỹ. Tờ báo này từng đoạt 17 giải thưởng Pulitzer danh giá dành cho báo chí Mỹ trong 15 năm, kể từ những năm 1970. The Philadelphia Inquirer là tờ báo có lịch sử và vai trò nổi bật. Cái tên “Inquirer” (Người điều tra) cũng mô tả rõ nhất tình cảnh báo chí bị câm miệng ở Philippines thời đó.

 Một số slogan của các tờ báo hiện nay:

 * Toronto Star (Ngôi sao Toronto, Canada)

 Toronto Star. It’s where you live. (Ngôi sao Toronto. Đó là nơi bạn sống)

 * Sowetan (tờ báo miễn phí phát cho người dân ở thị trấn Soweto, Johanesburg, Nam Phi)

 Power your Future. (Thêm sức mạnh cho tương lai bạn).
Sowetan. Building the Nation. (Sowetan. Kiến tạo quốc gia)

 * Daily Times (Thời báo hàng ngày, Lahore, Pakistan)

 Your right to know. A new voice for a new Pakistan. (Quyền được biết của bạn. Tiếng nói mới cho Pakistan mới)

 * Indian Express (Tin nhanh Ấn Độ)
Indian Express. Journalism of courage. (Indian Express. Báo chí của lòng dũng cảm)

* Cape Argus (báo buổi chiều tại Cape Town, Nam Phi)

Cape Argus. News you can use. (Cape Argus. Tin tức bạn có thể dùng)

* Nasha Canada (2 tuần một lần, báo dành cho người thiểu số nói tiếng Nga)

The newspaper for those who can read. (Tờ báo cho những ai biết đọc)

* Scotland ( Báo chủ nhật, khổ lớn)

Scotland up close.  (Scotland cận cảnh)

* Courier News, Bridgewater, New Jersey, Mỹ

Local News. First in the Morning. (Tin địa phương. Nhanh nhất vào buổi sáng)

* Báo Scotsman  

The Scotsman. It’s thinking time. (The Scotsman. Đến lúc suy nghĩ).

* Edinburgh, báo ra buổi chiều

Evening News. Tomorrow’s News Today. (Tin tức buổi chiều. Tin hôm nay cho ngày mai)

* The Australian, báo quốc gia Úc

Are you an informed Australian? (Bạn có phải là người Úc thạo tin?)

* The Daily Telegraph, báo Anh, khổ lớn

We’ve got the greatest writers.

Read a bestseller every day.
Daily Telegraph. Britain’s Best Selling Daily Broadsheet.
Daily Telegraph. Share Trader Game.

(Chúng tôi có những cây viết giỏi nhất.

Đọc tờ báo bán chạy nhất mỗi ngày.

Tờ báo khổ lớn bán chạy nhất của Anh.

Cùng giao dịch.)

* Wairarapa Times-Age, Masterton, New Zealand
Your Region. Your Paper. (Khu vực của bạn. Tờ báo của bạn)

* The Sunday Herald, Scotland

Sunday Herald. Seven Days. One paper. (Sunday Herald. 7 ngày. 1 tờ báo)

* The Sun, báo lá cải của Anh

The Sun. Chúng tôi yêu thích lắm!

* The Sunday Post, báo Scotland

The Sunday Post. It makes perfect sense. (The Sunday Post. Thật là có lý!)

* Thisday, báo Nigeria

Thisday. African views on global news (Các góc nhìn châu Phi về tin tức toàn cầu)

* Scottsbluff Star-Herald, Nebraska, Mỹ

The Star-Herald. Pride in the Panhandle. (Niềm tự hào ở Panhandle).

* The Guardian, a British daily newspaper 

The Guardian. Think… (Báo The Guardian. Nghĩ…)

* The News of the World, (Báo lá cải Tin thế giới, Anh)

Big on Sundays. (Tin lớn mỗi Chủ nhật)

* Financial Times Newspaper – Thời báo tài chính

No FT, No Comment (Không có FT, không đưa ra bình luận)

* The Independent newspaper 

The quality compact.
It is. Are you?

(Tờ báo cô đọng chất lượng. Thật vậy. Còn bạn?)

* New York Times Newspaper (Tờ New York Times)
All the News That’s Fit to Print  (Tất cả tin tức phù hợp để in)

* Wall Street Journal
The daily diary of the American dream (Nhật ký của giấc mơ Mỹ)

* The Times, Anh

Join the debate.
Are you missing what’s important?
Top people take the Times.
When The Times speaks, the World listens.
Have you ever wished you were better informed?

(Tham gia đàm luận.

Bạn có bỏ lỡ điều gì quan trọng không?

Những người hàng đầu đều đọc the Times

Khi The Times nói, thế giới lắng nghe.

Bạn có từng ước mình thạo tin hơn?)

* Cape Times 
There’s nothing more valuable than knowledge (Không có gì giá trị hơn kiến thức)

* Helsingin Sanomat  

Scandinavia’s BIGGEST newspaper (Tờ báo LỚN NHẤT của vùng Scandinavia)

* Bild, Đức

Bild. Read the world’s fastest newspaper (Bild. Đọc tờ báo nhanh tin nhất thế giới)

* Herald newspaper, Everett, Washington, USA 
Herald. If It Matters To You, It Matters To Us (Herald. Nếu bạn quan tâm, chúng tôi quan tâm).

* New Stateman, (báo chính trị, xã hội của Anh)  

Expand your mind, change your world (Mở rộng tầm nhìn của bạn, thay đổi thế giới của bạn)

Barbara Crossett: Cần thông tin có lợi cho người đọc

Ảnh: Khổng Loan
Ảnh: Khổng Loan

Barbara Crossett từng là biên tập viên của tờ The Times, là phóng viên cao cấp họat động tại Liên Hợp quốc. Bà cũng đã có nhiều chục năm kinh nghiệm làm báo và nghiên cứu về tình hình tại châu Á.

Gần đây, tôi có dịp trò chuyện với bà. Đây là một phần nội dung cuộc trò chuyện đó.

Hỏi: Bà đã đến Việt Nam 20 năm trước. Sau đó, bà có thường quay lại đây không?

Đáp: Tôi làm phóng viên phụ trách khu vực ASEAN và Trung Quốc từ năm 1984 tới năm 1988, sống ở Băng cốc. Từ đó, tôi cũng vài lần quay lại đây khi đi du lịch.

Tôi có mối quan hệ tương đối đặc biệt với nước này, vì con dâu tôi sinh ở Sài Gòn năm 1962.

Đối với tôi, VN là đất nước thú vị nhất. Mỗi quốc gia ASEAN đều khác nhau, tuy nhiên VN có rất nhiều điểm đặc biệt, là đất nước có trí thức nhất (the most intellectual). Về khía cạnh này, Indonesia thì tuyệt vời, còn Thái Lan rất thú vị, Malaysia cũng vậy. Tuy nhiên tôi đặc biệt quan tâm tới VN.

Hỏi: Nói chuyện trí thức. Người ta hay nói vui rằng, “đừng hỏi vì sao người ta dốt mà giàu, mà phải hỏi vì sao ta giỏi mà lại nghèo”. Nhiều nước, như cá nhân bà đánh giá, không có được nhiều trí thức, nhưng lại có những bước tiến xa về đời sống xã hội?

Đáp: Singapore có thể là một ví dụ rất thú vị. Singapore chỉ có một đảng chính, là Đảng hành động nhân dân (People’s Action Party). Đã có 1 thời gian dài, thủ tướng Lý Quang Diệu lãnh đạo đất nước, và giờ là con trai ông ấy. Singapore cho ta thấy việc chính quyền cho phép mỗi cá nhân phát triển là rất quan trọng.

Singapore là một nước nhỏ, ít người. Nhưng quan trọng là ở đó, không có nạn tham nhũng. Đối với Lý Quang Diệu, vấn đề giáo dục và nhà ở rất quan trọng khi ông ta nắm quyền. Mọi người ở Singapore đều phải có nhà hoặc một nơi tốt để ở. Nhiều lần trò chuyện với ông ta, tôi thấy ông ta có quan điểm cần quản lý xã hội tốt để không có phản đối hay biểu tình. Nhưng ông ta cũng tin rằng trong khuôn khổ mà ông ta đặt ra đó, mọi người được tự do làm bất cú gì mình muốn, miễn là họ không liên quan quá nhiều tới chính trị. Đó là cách Singapore kiểm soát chính trị. Hầu như không thể trở thành một chính trị gia đối lập ở Singapore, bởi vì chính phủ luôn kiểm soát.

Tuy nhiên, nếu bạn không liên quan tới chính trị, bạn được tự do phát triển, tự do kiếm tiền. Và bởi vì không có tham nhũng, nên những người làm việc cật lực sẽ giữ được phần lớn số tiền họ kiếm được. Lý Quang Diệu hiểu rõ, một người bị coi là độc tài cũng có thể là người duyên dáng, lịch sự.

Chính quyền Singapore rất cẩn thận về việc ai đến nước mình. Nếu bạn đem theo ma tuý thì sẽ bị hành quyết. Nhưng song song với đó, Singapore rất cởi mở và hoà nhã và xinh đẹp. Mặc dù Singapore cẩn trọng, nhưng họ không hề làm bạn có cảm giác mình bị theo dõi sát sao hay bị đối xử như kẻ thù của họ.

Cho đến thời gian gần đây, khi đến sân bay ở thành phố Hồ Chí Minh hoặc Hà Nội, ấn tượng đầu tiên của du khách dễ có là đây là nơi của đất nước của sắc phục cảnh sát. Singapore được kiểm soát chặt chẽ cũng như vậy, nhưng với một vẻ bề ngoài khác. Chính quyền ở đây hiểu rõ tầm quan trọng của việc để người dân tự do họat động trong khuôn khổ, đảm bảo không có tham nhũng , giúp cho tầng lớp trí thức thực hiện được sứ mệnh của mình.

Nhưng có lẽ, Singapore là trường hợp rất đặc biệt, vì xã hội này không có khu vực nông thôn, không có người nghèo sống ở ngoại ô.

Hỏi: Vậy báo chí trong đất nước đặt biệt đó hoạt động ra sao?

Đáp: Báo chí bị chính quyền kiểm soát. Khi bùng nổ dịch SARS, tôi đang dạy một khóa về báo chí ở Campuchia cho các phóng viên các sinh viên đến từ các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Tôi cho họ xem tờ The Straits Times để cho họ biết tờ này đã đưa tin về dịch SARS này như thế nào. Vì đây là tờ báo bị kiểm soát, hay ít nhất cũng tự kiểm duyệt. Nhưng họ không sợ khi Singapore có ca tử vong đầu tiên do SARS, họ chạy hàng tít lớn “Dịch SARS: Ca tử vong đầu tiên”, trong khi chính phủ Khmer thì cố không thông tin cho người dân biết.

Thái Lan thì không muốn tin xấu, dù họ có báo phát miễn phí. Nhưng ở Singapore họ có những thông tin thực sự là thông tin, tốt cho người tiêu dùng, có ích cho cuộc sống thực của họ. Báo chí đưa ra những thông tin gần gũi, thiết thực với đời sống, kiểu như: Bạn có thể ngồi cạnh người khác trên xe buýt khi họ bị AIDS, với SARS thì cần thận trọng nếu ai đó hắt hơi hay ho, kiểu như vậy. Tức là mọi loại thông tin mà người dân cần biết đuợc truyền đi rất nhanh và đầy đủ.

Không ai ở Singapore muốn cố gắng che giấu thông tin về SARS. Chính phủ có thể kiểm soát báo chí, nhưng cùng với đó, họ hiểu tầm quan trọng của thông tin. Vì vậy, họ có công nghệ tin tức rất cao cấp.


Họ không thích các ẩn phẩm báo chí nước ngoài lắm, nhưng khi cần thiết, họ đưa thông tin tới người dân rất tốt. Và họ làm với cách chuyên nghiệp, sự tư vấn của các chuyên gia. Vì vậy người dân Singapore luôn có những thông tin rất tốt và hữu ích cho cuộc sống thường nhật.

Nhưng ở đó, không có tự do báo chí, dạng như Thái Lan. Thái Lan có lẽ là đất nước có tự do báo chí nhất ở Đông Nam Á. Campuchia cũng không hề tệ tí nào. Indonesia cũng có rất tốt, dù dưới thời chính quyền Suharto, báo chí gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng cũng còn tự do hơn Singapore và Malaysia. Còn Myanmar và Lào thì không tính.

Hỏi: Tình hình của các tờ báo lớn trên thế giới cũng đang rơi vào vòng xoáy khủng hoảng kinh tế, giảm số lượng phát hành, thu hép, sáp nhập, cắt giảm nhân viên, phá sản…Có vẻ như tòan tin không hay lắm. Còn ở VN tình hình có vẻ không tệ, thậm chí có báo còn mở rộng họat động…

Đáp: Có lẽ là vì truyền thông ở phương Tây là do tư nhân, không có hỗ trợ của chính phủ. Các báo ở phương Tây thì mất độc giả, mất quảng cáo.

Hỏi: Tôi cho rằng giữ niềm tin của độc giả và sự độc đáo của tờ báo cũng quan trọng không kém giữ được quảng cáo. Michael Porter, cha đẻ của chiến lược cạnh tranh toàn cầu gần đây đến Việt Nam nói chuyện, có nhắc tới cạnh tranh dựa trên sự độc đáo, chứ không phải cạnh tranh hướng tới ngôi vị số 1. Vì hôm nay bạn tốt nhất, sẽ có người tốt hơn. Nhưng bạn khác, bạn độc đáo nhất thì không phải ai cũng đe dọa được vị trí đó. Theo bà thì tính chuyên biệt của một tờ báo quan trọng ra sao?

Đáp: Nhiều tờ báo chí cứ cố bắt chước báo khác, rằng cần phải có tin giống báo khác mà không quan trọng là mình có tin khác báo khác, cách mình nhìn khác báo khác. Họ đang tính tới số lượng tin giống nhau.

Ở Mỹ, tờ Wall Street Journal vốn dành cho những người trong ngành tài chính. Bloomberg TV, CNBC, là các kênh phát tin tức 24h/ngày. Tờ New York Times lại rất mạnh về chính trị, ngoại giao, website cũng mạnh, tờ Washington Post lại có đường hướng riêng ủng hộ chính phủ…

Để tỏ ra cân bằng, các tờ báo này có những cột mục gọi là columnist (mục do một người viết phụ trách) để viết ý kiến. Ở đây, cần làm rõ là với trang mục Ý kiến, cần phải công bằng, cùng một sự kiện có ý ủng hộ thì cũng nên có ý phản đối. Còn tờ New York Post lại rất bảo thủ. Quan điểm và đường hướng của các tờ này, ai cũng biết thấy, và độc giả trung thành với các tờ báo mà họ cho rằng thể hiện quan điểm phù hợp với mình.

Hỏi: Còn truyền hình thì sao, thưa bà?

Đáp: Truyền hình bây giờ phụ thuộc vào phát thanh viên, những người trở thành các siêu sao. Ví dụ ABC có tỉ lệ người xem tin tức cao nhất nhờ họ có phát thanh viên là một người đàn ông chững chạc, đã có nhiều năm làm báo, và người xem tin nhà báo này. Các kênh khác cũng có những nhân vật nổi tiếng riêng của họ. Tức là truyền hình cũng đặc biệt chú trọng tới xây dựng hình ảnh cho các nhân viên để họ trở thành những người nổi bật.

Cá nhân nổi bật để tập thể nổi bật. Tuy vậy, chuyện này cũng tạo ra vấn đề là quá nhiều người nổi tiếng, nhưng nói chúng, tùy từng sở thích của mỗi người. Với tin tức, khán thính giả lại tin phát thanh viên nhiều tuổi và già dặn.

Hỏi: Mà thêm nữa, Internet, online, radio đang cạnh tranh quá sức với truyền hình. Vì vậy, có thể cùng một tin nhưng các chi tiết sẽ được khai thác khác nhau.

Đáp: Nếu là tin, về cơ bản, đó chuyện gì đã xảy ra, ở đâu, ai, cái gì. Báo của bạn sẽ cạnh tranh hơn nếu có thông tin riêng, phóng viên dành nhiều công sức điều tra sâu hơn, rộng hơn.

Thực tế, không có cách nào để báo in cạnh tranh với truyền hình, online hay radio được, vì vậy, họ phải đào sâu hơn. Báo in làm điều tra dài hơi, kéo dài hàng tuần hàng tháng, và thường những bài đó đọat giải báo chí. Khi truyền hình hoặc online trích thông tin, họ thường phải dẫn nguồn vì các bài viết trên báo dạng này thường là có bản quyền.

Các hãng tin như

Reuters, AP cũng khiến cho khả năng bài viết giống nhau trên các báo cao hơn, dễ nhàm.

Hỏi: Và áp lực lên phóng viên, tất nhiên, ngày càng tăng theo như họ phải làm được cả cho báo in, xuất hiện trên truyền hình, radio…

Đáp: Nhiều phóng viên không thích vậy. Nếu bạn đang đưa một tin quan trọng. Bạn không muốn viết nó năm lần. Một lần cho online, một lần cho báo in, một lần cho radio… Nhiều phóng viên không muốn viết nhiều, quá nhanh, vì tin tức từ sáng tới chiều đôi khi thay đổi.

Đôi khi người làm ở online sẽ chủ động viết tin dựa vào những thông tin mà họ được phóng viên cung cấp. Thực ra, để làm vậy sẽ mất thời gian, cần nhiều sự đầu tư công sức. nhưng bạn cần làm quen với nó.

Ở nhiều tờ báo lớn, họ không ép phóng viên làm cho TV hay radio, vì như vậy quá nhiều đối với họ. Họ để phóng viên tự nguyện chọn lựa nếu phóng viên muốn tiến một bước nữa trong công việc của mình.

Hỏi: Cám ơn bà.

Thông tin bên lề: Barbara Crossette, cựu phóng viên nước ngoài của tờ The New York Times, tác giả của một số đầu sách về châu Á. Crossette là trưởng văn phòng đại diện của The New York Times tại Liên Hợp quốc từ năm 1994 đến 2001. Trước đó, bà là trưởng đại diện của Times ở Đông Nam Á và Nam Á, phóng viên ngoại giao tại Washington. Bà cũng tác nghiệp từ Trung Mỹ, vùng Caribbean và Canada.

Hiện bà vẫn tiếp tục đi và viết về du lịch và cộng tác về chính sách ngoại giao và các vấn đề quốc tế cho các tờ báo lớn như World Policy Journal, The Nation.

Trước khi bắt đầu làm báo năm 1973, bà làm cho tờ The Evening and Sunday Bulletin ở Philadelphia và The Birmingham Post ở Birmingham, nước Anh.

Năm 1991, bà Crossette đoạt giải George Polk dành cho bản tin làm từ nước ngoài khi bà đưa tin về vụ ám sát ở Ấn Độ đối với cựu thủ tướng Rajiv Gandhi. Năm 1998, bà đoạt giải thành tựu 25 năm của The Silurians,một mạng lưới xã hội các nhà báo ở New York. Năm 2003, bà đoạt giải thành tựu trọn đời của Hiệp hội các phóng viên đưa tin ở Liên Hợp quốc. Và nhiều giải thưởng khác.


Bà Crossette là thành viên của Khoa Báo chí Đại học Columbia, dạy báo chí của chương trình Fulbright năm 1980-1981 ở Đại học Punjab ở Chandigarh, Ấn Độ. Bà sinh năm 1939 ở Philadelphia, có bằng cử nhân khoa học chính trị và lịch sử của Đại học Muhlenberg năm 1963. Bà là thành viên của hội đồng tư vấn Viện Nghiên cứu toàn cầu của Đại học New York.

(Cám ơn Bích Phương đã giúp tôi gỡ một phần băng)

Vì sự thật

Hôm nay là ngày Tự do Báo chí thế giới – một ngày đặc biệt quan trọng với những người cầm bút. Một trong những quyền căn bản nhất và quan trọng nhất của con người là tự do ngôn luận, bày tỏ ý kiến. Nó đã được ghi rõ trong Hiến chương Liên hợp quốc và được tất cả các nước thành viên ký kết thông qua.
Ngày Tự do báo chí thế giới nhằm mục đích nhắc nhở cả công dân và chính phủ rằng họ cần phải luôn ghi nhớ quyền này là “một nền tảng thiết yếu cho một xã hội thông tin”.
Tuy nhiên, số người cầm bút bị tống vào tù và bị giết hại khi thực hiện sứ mệnh đem tin tức hàng ngày đến với con người ngày càng cao.
Ngày đặc biệt này chính thức được Đại hội đồng Liên hợp quốc chọn từ năm 1993.
Năm 1997 là năm đặc biệt khi Liên hợp quốc quyết định trao giải thưởng hàng năm cho những cây viết xuất sắc, tổ chức có đóng góp đặc biệt cho công cuộc bảo vệ và thúc đẩy tự do báo chí ở bất kỳ nơi nào trên thế giới – đặc biệt ở nơi mà quyền này bị vi phạm nghiêm trọng.
Năm đó, người được nhận giải là Guillermo Cano Isaza, một phóng viên Colombia đã bị ám sát trước cửa toà soạn năm 1986 ở thủ đô Bogota. Anh đã viết các bài về hoạt động của các tập đoàn buôn bán ma tuý ở Colombia.
Hai mươi năm sau, những phóng viên như Cano vẫn tiếp tục chết khi tác nghiệp
Thực tế, năm 2006 là thời điểm chứng kiến số phóng viên bị ám sát, bắt cóc, hoặc tống vào tù cao kỷ lục. Riêng ở Iraq đã lên tới vài chục người. Nga, Mexico, Philippines…là những nơi vô cùng nguy hiểm cho công việc của nhà báo.
Giữa hai chiến tuyến

Tôi đã tham gia viết lời thỉnh nguyện để bọn bắt cóc tại Iraq trả tự do cho phóng viên BBC, Alan Johnston .

Trước cửa Bush House là hình của anh, nhắc nhở rằng vẫn còn có những phóng viên gặp nạn khi cố đưa tin tức đến với chúng ta.

Phóng viên là người giữa hai chiến tuyến, họ làm công việc đưa tin và đôi khi trở thành vật đổi chác giữa các thế lực thù địch trong một nước.
Anh bị bắt cóc đã hơn 2 tháng nay tại Gaza. Đến nay vẫn chưa có thông tin là anh đang bị bắt ở đâu, đã bị giết hại chưa.
Năm nay, giải thưởng của UNESCO dành cho nữ phóng viên nổi tiếng của Nga, Anna Politkovskaya. Bà đã bị bắn chết ở thang máy gần căn hộ của mình tại Mátxcơva ngày 7-10-2006.
Những kẻ thủ ác vẫn chưa bị đưa ra ánh sáng và bị trừng phạt.
Kết cục này không khiến tôi ngạc nhiên, vì nó cũng giống như rất nhiều vụ ám sát phóng viên khác từ năm 1991 đến nay ở Nga. Không bao giờ tìm ra thủ phạm.
Vụ ám sát Anna Politkovskaya (sinh năm 1958) đúng ngày sinh nhật của Tổng thống Putin khiến báo chí thế giới rúng động và tạo nên nỗi tiếc thương lớn của mọi người đối với một nữ nhà báo tài năng và dũng cảm.

Bà là nhà báo Nga nổi tiếng nhất thế giới với những thiên phóng sự về thảm họa ở Chechnya, chỉ trích nhà cầm quyền vốn là liên minh của Tổng thống Putin.
Bà công khai chỉ trích chính phủ của ông Putin vì những gì đang diễn ra ở Chechnya.
Lòng dũng cảm theo đuổi sự thật, vì sự thật của bà đã tạo một dấu ấn mạnh mẽ và là sự khích lệ lớn lao với những người cầm bút khác.

Stop killing journalists!
(Bài viết 03.05.2007 18:36)