Trò chuyện với GS đoạt giải Nobel về ung thư

GS Hausen. Ảnh: MĐ

Thực hiện các biện pháp phòng ngừa từ sớm, tầm soát ung thư theo định kỳ, và dành thời gian tìm hiểu về ung thư là những thông điệp mà GS Harald zur Hausen, nhà khoa học người Đức được trao giải Nobel y học năm 2008 chia sẻ khi ông đến Việt Nam lần đầu tiên để nói về những thách thức của toàn cầu trong phòng chống ung thư hiện nay. Cuộc trò chuyện với ông diễn ra tại ĐHQG TP.HCM chiều 28-11-2012.

Thưa GS, ông đến để chia sẻ những kiến thức y khoa mới và nghiên cứu của ông với giới chuyên môn, các sinh viên và những người quan tâm tới căn bệnh ung thư ở Việt Nam. Ông nghĩ thế nào?

 

– Tôi cảm thấy rất xúc động khi có đông người đến dự và tỏ ra quan tâm tới vấn đề và bài nói chuyện. Điều này rất quan trọng để giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng về căn bệnh ung thư. Như tôi đã nói,  thế giới đang chứng kiến số ca bệnh ung thư tăng nhưng số người chết vì ung thư giảm. Việc thực hiện các giải phòng ngừa bệnh tật từ sớm là  phương cách hữu hiệu nhất để giảm nguy cơ bị ung thư vì nó giúp tiết kiệm chi phí nhất, ít đau đớn nhất và đem lại hiệu quả lâu dài nhất. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất hiện nay là sự hiểu biết của con người về căn bệnh này còn quá ít.

 

Tôi hi vọng các bài nói chuyện của mình giúp thay đổi nhận thức của những người có trách nhiệm trong lĩnh vực đào tạo y khoa, các bác sỹ, các tổ chức y tế hiểu hơn và thực hiện các biện pháp ngăn ngừa ung thư ở ngay từ sớm cho cộng đồng.

 

Có một thực tế là chúng ta thường tìm hiểu về ung thư khi bản thân mình, người thân hoặc những người mà chúng ta biết mắc bệnh. Liệu đó có phải là suy nghĩ đúng không?

 

– Tôi nghĩ việc chúng ta tìm hiểu và bổ sung kiến thức về ung thư từ sớm là rất quan trọng, vì ung thư có thể gây ra hậu quả rất lớn cho mỗi cá nhân, hay những giai đoạn của cuộc đời, ảnh hưởng tới tâm lý của gia đình và xã hội. Vì vậy, chúng ta cần chuẩn bị kiến thức về bệnh tật và phòng ngừa bệnh tật từ sớm, vì ung thư là căn bệnh có thể xảy ra với bất kỳ ai, ở bất kỳ thời điểm nào. Chúng ta càng biết nhiều về nó thì càng bớt sợ nó.

 

– GS lần này đến Việt Nam nhấn mạnh tới việc phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa, trong đó có tiêm ngừa vắc xin ung thư cổ tử cung cho cả nam và nữ khi chưa quan hệ tình dục, đặc biệt ở độ tuổi 8-14, và vẫn tiến hành tầm soát định kỳ. Ở Việt Nam, độ tuổi được khuyên tiêm vắc-xin là dưới 26 tuổi, và không nhắc tới yếu tố có quan hệ tình dục hay chưa. Vậy độ tuổi hay chưa quan hệ tình dục là quan trọng nhất cần xem xét khi quyết định tiêm hay không?

 

– Đúng vậy, ta nên tiêm phòng cho cả nam và nữ ở cùng lứa tuổi nhằm hạn chế nguy cơ nhiễm virus HPV (loại virus gây ra ung thư cổ tử cung).  Tôi cho rằng khi tiêm vắc-xin sau quan hệ tình dục không đem lại nhiều lợi ích như trước khi quan hệ. Người chưa quan hệ tình dục ở bất kỳ lứa tuổi nào cũng có thể có lợi từ việc tiêm vắc-xin này. Ai chưa có quan hệ tình dục trước hôn nhân nên tiêm vắc-xin trước khi kết hôn. Nếu chồng/vợ chưa từng quan hệ tình dục trước hôn nhân và cả hai sẽ không có bạn tình nào khác trong hôn nhân thì không cần tiêm vắc-xin. Ở bất kỳ trường hợp nào cũng an toàn hơn rất nhiều khi tiêm ở tuổi 9-14. Với trường hợp ở Việt Nam, chính sách tốt nhất, rất rõ ràng, là nên tiêm vắc-xin trước khi có quan hệ tình dục lần đầu tiên.

–  Nam cũng nên tiêm cùng loại vắc-xin ngừa ung thư cổ tử cung như nữ, dù chúng ta vẫn nghĩ “ung thư cổ tử cung thì không liên quan tới nam giới”. Việc tiêm vắc-xin này cho nam giới đang diễn ra như thế nào trên thế giới?

 

–  Với bé trai thì vắc-xin giúp  giảm nguy cơ nhiễm virus gây ung thư cổ tử cung và lây sang cho bạn tình. Nam giới truyền virus ít nhất là cũng tương tự như nữ. Ở hầu hết các nước, nam tuổi từ 15-25 thường có nhiều bạn tình hơn nữ cùng độ tuổi, nên họ trở thành thủ phạm chính truyền virus trong giai đoạn này.Ở mỗi nước khác nhau  việc tiêm vắc-xin cho bé trai có số liệu khác nhau. Tôi không có số liệu ở Châu Á, nhưng hiện ở các nước như Úc, Đức, Mỹ hay vùng Bắc Âu là nơi có tỉ lệ nam giới tiêm ngừa HPV cao nhất.

 

– Thực tế, có những khuyến cáo của các nhà khoa học là nên tiêm vắc-xin ngừa ung thư cổ tử cung cho mọi phụ nữ ở mọi lứa tuổi?

 

–  Thực ra nếu bạn hỏi công ty sản xuất vắc-xin thì họ sẽ nói bất kỳ phụ nữ, ở bất kỳ độ tuổi nào cũng có thể tiêm ngừa vì đó là việc kinh doanh của họ. Nhưng tôi cho rằng sẽ không hiệu quả nhiều và tôi không khuyến khích điều đó. Nếu giá thành tiêm rẻ, kiểu như 50 xu – 1 USD/lần tiêm thì không nói, nhưng giờ giá thành vẫn còn mắc (ở Đức là 465 euro). Bởi vậy, xét về tính hiệu quả, thì tiêm vắc-xin cho người trẻ chưa quan hệ tình dục mang lại lợi ích hơn rất nhiều.

 

Thưa GS, ông đã dành tới 50 năm để nghiên cứu ung thư. Có khi nào ông thấy chán không?

 

– Không, tôi không chán. Vì tôi đã chứng kiến rất nhiều tiến bộ trong các nghiên cứu thuộc lĩnh vực này. Nếu mà nghiên cứu được hết tất cả mọi thứ rồi thì có thể tôi chán đấy, nhưng giờ thì chưa.

 

– Ông được trao giải thưởng Nobel Y học năm 2008 như một sự thừa nhận của nhân loại đối với thành tựu mà ông đạt được trong nỗ lực bảo vệ sức khoẻ con người. Với  ông, đó có phải là một thành tựu không? Ông đã 76 tuổi, ông sẽ còn những đỉnh cao nào muốn vươn tới nữa?

 

– Nhiều người hỏi tôi là tôi có tự hào với giải Nobel và với bản thân mình không. Tôi trả lời là không, tôi chẳng có gì tự hào. Tôi chỉ cảm thấy “vui lòng”, vì tôi biết còn quá nhiều vấn đề về ung thư cần nghiên cứu nữa, và chúng ta không thể dừng tay ngơi nghỉ. Giải Nobel không phải là một thành tựu mà khi đạt được, tôi dừng lại thôi không làm việc nữa. Tôi sẽ còn nghiên cứu tiếp tục đến khi nào không thể làm nữa mới thôi. Chúng ta cần biết nhiều hơn nữa về loại bệnh này, phải nghiên cứu nhiều hơn nữa. Điều quan trọng là phải làm nghiên cứu để tìm ra những tác nhân lây nhiễm gây ra ung thư. Như vậy sẽ giúp tìm ra biện pháp để hạn chế từ sớm nguy cơ bị ung thư.

 

– Cám ơn GS.

 

 

Box: Một nhà nghiên cứu ung thư sẽ bảo vệ sức khỏe của mình ra sao? Xem chừng cũng không có gì đặc biệt như…người thường. GS Harald zur Hausen cho biết ông ăn uống rất bình thường. Ông không hút thuốc, hầu như mỗi tối đều uống một ly vang đỏ. Ông không ăn thịt chưa nấu chín. Ông cũng thừa nhận mình…hơi ít tập thể thao. “Đáng lý tôi nên dành thêm thời gian cho cái món này” – ông nói.  Hiện GS vẫn làm việc tại Trung  tâm nghiên cứu ung thư Đức ở Heidelberg –  một trong những trung tâm nổi  nổi tiếng nhất thế giới về ung thư. GS không còn làm việc trực tiếp trong phòng nghiên cứu nhưng ông hàng ngày vẫn trao đổi với các cộng sự về kết quả của nghiên cứu ở bên ngoài phòng thí nghiệm.

Bạn có biết?

–         Trung bình có 5.174 ca  mắc ung thư cổ tử cung mới, ngoài ra có 2.472 ca tử vong hàng năm ở Việt Nam vì ung thư cổ tử cung.

–         Đến nay chúng ta đã biết có hơn 200 loại ung thư khác nhau trên cơ thể người, ở bất kỳ bộ phận nào. Có hơn 60 bộ phận cơ thể có thể phát triển bệnh ung thư.

–         Ung thư có thể phát triển được từ hầu như bất kỳ loại tế bào nào trong cơ thể.

–         Ung thư là nguyên nhân hàng đầu gây nên những cái chết của con người. Năm 2008, ung thư chiếm tới 13% nguyên nhân gây ra cái chết trên thế giới (7,6 triệu người).

–         Thuốc lá và hút thuốc lá có thể gây ra 14 loại ung thư khác nhau, cùng một danh sách dài các loại bệnh tật khác. (Trung tâm Nghiên cứu ung thư Anh)

–         Những yếu tố gây ung thư có thể ngăn ngừa được: thói quen hút thuốc, béo phì, để cơ thể dưới ánh mặt trời quá nhiều, làm các công việc tiếp xúc với chất gây ung thư, lạm dụng đồ uống có cồn, không vận động thể lực.

–         Ngày Thế giới phòng chống ung thư tiếp theo là 4-2-2013.

Box: Phát hiện của GS Harald zur Hausen về virus HPV (human papillomavirus) đã giúp thế giới bào chế ra vắc-xin ngừa HPV hiệu quả lên tới 95% chống lại hai dòng HPV 16 và HPV 18 – là dòng virus chính gây ung thư. Ung thư cổ tử cung là loại ung thư phổ biến thứ 2 trên nữ giới, và gánh nặng của HPV lên sức khỏe con người là vô cùng to lớn khi gây ra 5% các ca ung thư trên thế giới. HPV là tác nhân chính gây ra các bệnh lây truyền qua đường tình dục, ảnh hưởng tới 50-80% dân số. Người ta phát hiện HPV ở 99,7% phụ nữ có tiền sử ung thư cổ tử cung.

GS Harald lấy bằng Tiến sĩ Y khoa năm 1960. Từ năm 1983-2003, ông làm Chủ tịch kiêm Giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu Ung thư Đức ở Heidelberg. Ông đã được trao nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế. Ông cũng được trao bằng Tiến sĩ danh dự từ 21 trường đại học. Trong chuyến thăm Việt Nam, ông cũng đã được trường ĐH QG TP.HCM trao bằng TS danh dự Y học.

Trong sơ yếu lý lịch tự viết, GS cho biết, từ khi còn nhỏ ông đã rất thích sinh học, chim chóc, các loài động vật, hoa cỏ và quyết  tâm trở thành nhà khoa học. “Tôi đã dành cả đời khoa học của mình để trả lời câu hỏi các tác nhân lây nhiễm gây ra ung thư ở người đến mức nào, tôi tin là nó sẽ tạo ra những mô hình về phòng ngừa ung thư, chẩn đoán và hi vọng là cả liệu pháp điều trị sau này”.

Box: Tóm tắt khuyến nghị của Cơ quan kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật (CDC) Mỹ về vắc-xin ngừa ung thư cổ tử cung:

Tiêm vắc-xin ngừa HPV được khuyến nghị cho các bé gái 11 và 12 tuổi; ngoài ra, với các bé gái và phụ nữ từ 13-26 tuổi mà chưa tiêm hoặc chưa hoàn chỉnh các mũi tiêm thì cũng nên tiêm; Vắc-xin có thể dùng cho các bé gái từ 9 tuổi.

– Tốt nhất, nữ giới nên tiêm khi chưa có quan hệ tình dục và bị lây nhiễm HPV. Những người đã quan hệ tình dục rồi có thể có lợi từ vắc-xin nhưng ít hơn là vì họ đã bị lây một hoặc nhiều loại HPV.  Vắc-xin không bảo vệ cơ thể chống lại tất cả các dòng HPV, vì vậy sẽ không ngăn ngừa được tất cả các ca ung thư cổ tử cung. Khoảng 30% các ca ung thư cổ tử cung không thể bị ngăn chặn bởi vắc-xin, vì vậy, khuyến cáo là phụ nữ phải tiếp tục tầm soát thường xuyên.

– Hiện tiêm vắc-xin chỉ khuyến khích cho phụ nữ dưới 26 tuổi vì các thử nghiệm cho thấy vắc-xin HPV chỉ bảo vệ giới hạn hoặc hầu như không bảo vệ với các bệnh liên quan tới HPV với phụ nữ trên 26 tuổi. Nếu trên 26 tuổi, cách tốt nhất là tầm soát ung thư cổ tử cung định kỳ.

– Vắc – xin Gardasil cũng hiệu quả và có tác dụng với nam giới từ 9-26 tuổi.

– Con người có thể hạn chế nguy cơ nhiễm HPV bằng cách chung thủy với một bạn tình; giới hạn số bạn tình; hoặc chọn bạn tình có ít bạn tình trước đó. Nhưng thực tế, ngay cả với người cả đời chỉ có 1 bạn tình vẫn có thể nhiễm HPV. Chỉ có 1 cách duy nhất ngăn chặn HPV là tránh mọi quan hệ tình dục!

– Tại Mỹ, giá tiền tiêm 3 liều ở thời điểm tháng 7-2012 là 390 USD. Người dân ở Mỹ được bảo hiểm y tế chi trả cho các chương trình vắc-xin. Nếu không, họ có thể nhờ trợ giúp từ chương trình Vắc-xin cho trẻ em (VFC), vốn được lập ra để giúp các gia đình có trẻ nhỏ tiếp cận được với vắc-xin nếu gia đình không có điều kiện kinh tế.

Bài phỏng vấn tóm lược được đăng trên Tuổi Trẻ Cuối tuần ngày 22-12-2012.

 

Comments