Độc dược

Nguồn ảnh: http://ngm.nationalgeographic.com/2012/03/rhino-wars/stirton-photography#/01-hornless-black-rhino-670.jpg
Ảnh của Brent Stirton. Con tê giác đen này được tìm thấy khi đang lang thang bất định ở khu bảo tồn Savé Valley Conservancy của Zimbabwe. Những kẻ săn trộm đã cắt hết 2 sừng của nó mang về châu Á làm thuốc.

Trích giới thiệu bài phóng sự của tác giả Peter Gwin về tình trạng sử dụng sừng tê giác ở Việt Nam và một cách làm mới ở Nam Phi có thể giúp duy trì bền vững lượng cá thể tê giác.

Ít nhất 2.000 năm qua, châu Á đã đưa sừng tê vào danh sách thuốc có thể chữa sốt và nhiều loại bệnh khác.Lời khẳng định gây sốc nhất và mới nhất là nó chữa được ung thư. Các chuyên gia về ung thư cho biết chưa có bằng chứng nào dựa trên nghiên cứu khoa học khẳng định hiệu quả của sừng tê. Nhưng ngay cả khi như vậy, thì cũng không có nghĩa là sừng tê không có hiệu quả với người dùng. Mary Hardy – giám đốc y tế của trung tâm ung thư Simms/Mann UCLA và một chuyên gia về đông dược, nói: “”Niềm tin vào phương pháp điều trị, đặc biệt là với loại thuốc mà quá đắt hay quá khó để có được, có thể khiến người bệnh cảm thấy rất tốt và hiệu quả khi dùng”.

Để hiểu hơn về sự thông dụng của sừng tê ở Việt Nam, tôi đi cùng với một phụ nữ tên Thien (tác giả đã đổi tên)… Hình ảnh X-quang tuyến vú của bà thấy một khối u bên ngực phải, siêu âm cho thấy bà có khối u ở cổ tử cung. Người phụ nữ 52 tuổi vẫn còn rất mặn mà quyến rũ này định điều trị bằng tân dược, nhưng cũng muốn thử đông dược. Tôi hỏi bà có tin là sừng tê sẽ chữa được bệnh cho mình không. “Tôi không biết” – bà trả lời” – “Nhưng nếu biết mình sắp chết, thì người ta sẽ cố làm mọi cách, thử cũng chẳng chết ai”.

Chúng tôi đi từ bệnh viện ung bướu này tới các phòng khám đông dược khác ở Hà Nội và TP.HCM, đến các cửa hàng bán động vật hoang dã kỳ lạ, nhà riêng của nhiều người ở các thành phố nhỏ. Chúng tôi thấy sừng tê ở khắp mọi nơi.  Những người chúng tôi gặp thuộc về lớp trung lưu đang phát triển nhanh ở Việt Nam, có cả các bác sỹ Tây học, giám đốc ngân hàng, nhà toán học, doanh nhân bất động sản, kỹ sư, giáo viên…Thường các gia đình sẽ cùng nhau mua chung sừng tê và chia cho nhau dùng. Có người tặng cho bạn bè đang ốm nặng sắp chết. Mẹ cho con bị sởi uống. Người già uống để ngăn bị đột quỵ hay giúp tuần hoàn máu tốt hơn. Nhiều người xem sừng tê là vitamin liều cao.

Dù nhiều bác sỹ tôi nói chuyện cho rằng sừng tê không có tác dụng điều trị bất kỳ bệnh gì, chứ đừng nói đến ung thư, có người lại cho rằng nó có tác dụng với điều trị ung thư. Một số cho biết họ đã đưa sừng tê vào toa thuốc bổ sung cho bệnh nhân đang hóa trị hay xạ trị. Những bác sỹ nói rằng sừng tê có thể là giải pháp cuối cùng để trị các loại tế bào ung thư, kết hợp với nhân sâm và thảo dược khác cũng không đưa ra dược các nghiên cứu khoa học nào chứng minh điều đó.

Một buổi tối bà Thien và tôi đến một quán café ở bên hồ tại Hà Nội mà người bạn của bà giới thiệu sau khi biết tình hình sức khỏe của bà. Bà giải thích chuyện của mình với chủ tiệm, và ông lấy ra một miếng bằng bánh xà bông cùng chiếc đĩa sứ có hình con tê giác. Đáy đĩa thô ráp. Ông ấy đổ ít nước vào đĩa và bắt đầu mài sừng tê theo vòng tròn. Sau vài phút, có mùi như acid, nước chuyển thành trắng đục. Ông giải thích ông và người bạn đã mua chiếc sừng để bồi bổ sức khỏe, giã rượu, trả 18 ngàn USD để mua 180 gram. Lý do họ quan tâm tới sừng tê vì một trong những cựu thư ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vốn là khách quen của quán, đã nói rằng ông Hồ Chí Minh – vốn người rất tin vào đông dược – dùng sừng tê hàng ngày. Sau khi mài 20 phút, người đàn ông đổ thứ chất lỏng vào 2 cái ly, đưa một cái cho bà Thien và 1 cái cho tôi. Có cảm giác lạo xạo trong miệng, và không có vị gì. Bà Thien uống hết ly của mình, để lên bàn, nói “hi vọng sẽ khỏi bệnh”.

John Hume tin rằng không cần tê giác phải chết để đáp ứng tất cả nhu cầu cho người Việt Nam. Doanh nhân 69 tuổi này từng kiếm bộn tiền nhờ kinh doanh khách sạn và taxi trước khi bắt tay vào làm trang trại săn bắn, hiện sở hữu một trong những trang trại có đàn tê giác lớn nhất thế giới. Hiện ông có hơn 700 con tê giác trắng và đen tại 2 trang trại ở Nam Phi, vẫn còn muốn có thêm.

“Chúng ta lấy lông cừu, vì sao lại không lấy sừng tê?” – ông hỏi ; “Nếu cắt sừng để chừa lại 3  inches, thì 2 năm sau nó sẽ mọc lại. Tức là không bao giờ hết sừng nếu chúng ta đủ thông minh để giữ mạng sống của tê giác lại”.

Gần như 1 tuần 1 lần, người quản lý trang trại dưới sự giám sát của một nhà chức trách về động vật hoang dã  bắn gây mê 1 con tê giác, dùng cưa cực mạnh cưa sừng của nó. 20 phút sau, con vật trở lại bình thường, những chiếc sừng được gắn chip đặt vào nhà băng. Hume không nói anh đã sở hữu bao nhiêu sừng khi bắt đầu làm việc này năm 2002, nhưng một chuyên gia bảo tồn cho biết số sừng có thể có giá hàng chục triệu USD.

Ý tưởng làm trang trại quy mô lớn của Hume có thể là một trong những cách quản lý động vật hoang dã mới xuất phát từ Nam Phi. Năm 1961, các quan chức ở tỉnh Natal đã tiên phong chuyển tê giác trong hoang dã vào vùng đất tư nhân để chúng sinh sản nhiều hơn, đa dạng hóa loài hơn. Năm 1986, Ủy ban điều hành Rừng quốc gia Natal đã cho phép bán đấu giá tê giác có thêm đó với giá thị trường, đem lại hàng triệu USD cho nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học địa phương, và tăng giá trị của con vật. Hume cho rằng “thu hoạch sừng” là một bước đi khôn ngoan tiếp theo để bảo tồn và tăng giá trị động vật.

Hume trở nên ngày càng lo lắng hơn. Một thợ săn Việt Nam sẵn sàng đánh thuốc mê con vật, lấy sừng và để nó sống. Nhưng luật Nam Phi buộc thợ săn phải giết con tê giác để có thể lấy sừng làm chiến lợi phẩm. Đó là điều phi lý.

Các nhà bảo tồn cho rằng, hợp pháp hóa sừng tê giác cũng không thay đổi được tình hình săn trộm, vì săn trộm thì luôn rẻ hơn là sừng có được từ tê giác nuôi trong trang trại.  Hume   không đồng ý: Vì một khi bên mua tin là luôn có sẵn sừng tê cho họ, thì giá sẽ giảm, khiến các tập đoàn tội phạm bắt đầu bỏ nghề. “Sự khác biệt  cơ bản là những tay săn trộm chỉ thích kiếm lợi trước mắt, còn những người làm trang trại chờ nhiều năm để có thể thu lại thu lời ổn định”.

Nhưng Hume vẫn lo rằng sẽ có những sự phản kháng, vì khác biệt văn hóa giữa Việt Nam và Nam Phi. “”Về cơ bản, chúng ta nói với người Việt Nam là giết một con vật là không vấn đề gì, vì theo truyền thống chúng tôi cắt đầu tê giác, rồi treo lên tường để trang trí là chấp nhận được, nhưng  truyền thống của các bạn cắt sừng tê giác để làm thuốc là rất kinh”.

(Trích dịch)

Bài Độc dược, National Geographic số ra tháng 2-2012. Tác giả: Peter Gwin)

Bài: Việt Nam trong cuộc chiến bảo vệ động vật hoang dã.

Comments