Phần 8: Sự lựa chọn chết người ở trung tâm y khoa Memorial

Kristy Johnson, y tá phụ trách thuốc men của LifeCare, nói với các nhà điều tra cô đã thấy bác sĩ Pou cùng hai y tá khác bơm chất lỏng từ những lọ nhỏ vào ống tiêm. Sau đó, Johnson dẫn họ tới phòng 7307 của Emmett Everett. Johnson nói cô chưa hề thấy bất kỳ thầy thuốc nào tỏ ra lo âu như bác sĩ Pou lúc đó.

Khi họ đi với nhau, bác sĩ Pou nói bà chỉ muốn giúp Everett “trị chứng hoa mắt, chóng mặt của ông”. Sau đó, bà Pou vào phòng của Everett và đóng sầm cửa lại.

Di ảnh bệnh nhân Emmett Everett, người đã chết tại Trung tâm Memorial sau cơn bão Katrina – Ảnh: NYT

Johnson đã cùng nắm tay một vài bệnh nhân và cầu nguyện trong khi bác sĩ Pou tiêm thuốc cho họ. Lúc đó bác sĩ Pou đã nói với bà Wilda McManus, đang mắc bệnh nhiễm trùng máu nặng: “Tôi sẽ cho bà một liều thuốc giúp bà thấy khá hơn!”.

Johnson dẫn một y tá vào phòng 7305, “Đây là phòng của bà Hutzler”, cô ôm lấy tay người phụ nữ và “nói vài lời cầu nguyện”. Johnson cố gắng không nhìn cảnh người y tá tiêm thuốc vào bà Hutzler, nhưng cô đã thấy cảnh bạn cùng phòng của bà Hutzler là Rose Savoie – cụ bà 92 tuổi bị viêm phế quản cấp tính có tiền sử bệnh thận – bị tiêm thuốc vào người. Sau này, một y tá của LifeCare đã khai với nhà điều tra cả hai người phụ nữ đáng thương đều vẫn tỉnh táo và sức khỏe ổn định vào sáng hôm đó. Bà Savoie còn lẩm bẩm: “Rát quá!”.

Theo lời những nhân viên Memorial tại tầng 2, khoảng 12 bệnh nhân đã được phân loại bệnh nặng cấp 3 vẫn còn ở hành lang gần máy rút tiền. Một số bệnh nhân khác được vận chuyển ra ngoài với sự giúp đỡ của các tình nguyện viên và nhân viên y tế, cả bác sĩ Bryant King cũng tham gia.

Gần trưa, King thấy bác sĩ Anna Pou ôm một số kim tiêm và nói với một bệnh nhân ở gần máy ATM: “Tôi sẽ cho bà liều thuốc giúp bà thấy khá hơn”. King nhớ lại câu hỏi của người đồng nghiệp sáng nay – sau khi anh này nói chuyện với Mulderick và Pou – là ông nghĩ gì về việc giúp bệnh nhân “ra đi” nhanh hơn.

King trả lời: đó không phải là công việc của bác sĩ. Những bệnh nhân ở đây đang phải chịu trời nóng và đau đớn, một số khác có thể nguy kịch, nhưng ông còn chưa nghĩ họ đang cần thuốc giảm đau nói gì đến cái chết êm ái. Khi King thấy bác sĩ Pou với những ống tiêm trong tay, ông cho rằng bà đang thực hiện việc đó. King nói với mọi người xung quanh: “Tôi sẽ đi khỏi đây. Việc này thật điên rồ!”. Ông nhặt lấy chiếc túi, lao nhanh xuống cầu thang ra thuyền.

Bill Armington, nhân viên chụp X-quang, cảm thấy tức giận vì King bỏ đi. Armington kể với tôi về việc anh nghi ngờ “cái chết êm ái” có thể đã diễn ra, vì Cook nói với anh sáng nay đã có một cuộc thảo luận “những gì mà chỉ có bác sĩ mới được đề cập”. Armington chạy thẳng ra đường bay và hét: “Cất cánh đi! Để tiếp thêm sức mạnh cho tôi cứu những người này ra khỏi đây”.

Cả Armington và King đều không can thiệp trực tiếp vào sự việc trên, mặc dù trước đó King đã gửi tin nhắn đến bạn bè và gia đình nên nói với truyền thông là các bác sĩ đang bàn bạc về việc tiêm thuốc cho bệnh nhân sắp chết để giúp họ “ra đi” nhanh hơn. King nói với tôi ông không hề nghĩ đến ý kiến tưởng chừng vô hại của mình trước đó, khi ông tranh cãi chống đối lại việc đuổi những người hàng xóm của bệnh viện đi, đã để lại ảnh hưởng sau này.

Chỉ một vài y tá và ba bác sĩ còn ở tầng 2: ngoài bác sĩ Pou còn bác sĩ nội khoa trẻ tên Kathleen Fournier và John Thiele, bác sĩ chuyên khoa phổi 53 tuổi. Thiele không hề nói gì với bất kỳ ai về những trải nghiệm của ông trong cơn bão Katrina, cho tới khi chúng tôi có hai cuộc nói chuyện dài năm ngoái (2008).

Thiele không hề biết tên bác sĩ Pou, nhưng bà nhìn anh theo cách bà là bác sĩ chịu trách nhiệm chính ở tầng 2. Anh cho biết bác sĩ Pou đã nói với anh là những bệnh nhân cấp 3 này không còn khả năng di chuyển. Thiele tưởng chừng họ sắp cận kề cái chết và có thể không sống sót qua cuộc di tản. Anh lo sợ khi nghĩ về những gì sẽ xảy ra với họ khi bị bỏ lại đằng sau. Anh đã mong rằng người ta sẽ nã súng vào tình trạng hỗn độn của New Orleans bấy giờ – “những con thú”, anh gọi họ như vậy – sẽ phá nát bệnh viện để tìm kiếm thuốc sau khi tất cả đã rời đi.

“Tôi hình dung điều gì bọn họ sẽ làm, lũ da đen điên cuồng kia với suy nghĩ luôn bị người da trắng đàn áp? Ý tôi là nếu bọn chúng đã có thể bắn vào ai đó, tại sao chúng lại không thể cưỡng hiếp hoặc thậm chí chặt chân tay họ? Có gì có thể ngăn chặn chúng làm việc đó chứ!”.Thiele kết luận: “Những luật lệ mà con người đặt ra đã vô dụng và giờ đây chỉ còn quy luật của Chúa được thực thi!”.

Thiele đã học về liệu pháp chăm sóc giảm đau và được cấp bằng dạy nghề. Anh nói với tôi anh biết rõ họ đang chuẩn bị làm gì; cho dù điều đó có vẻ là đúng đi nữa nhưng đó cũng là “tội ác”. Anh nói: “Mục tiêu của chúng tôi là để cho những người đó chết”.

Thiele nói morphine, midazolam và những ống tiêm đã được chuẩn bị sẵn trên chiếc bàn gần máy rút tiền ATM. Có hơn 10 bệnh nhân ở đó và anh được giao nhiệm vụ chăm sóc bốn người ở gần các cửa sổ – ba phụ nữ lớn tuổi da trắng và một người đàn ông to béo da màu. Ngoài hơi thở và tiếng kêu than nhỏ xíu của một người, những bệnh nhân này dường như “không còn sự sống” và không phản ứng gì với Thiele. Thiele thấy bác sĩ Pou và một vài y tá khác đang làm việc với các bệnh nhân gần đại sảnh.

Thiele ngập ngừng phút chốc. Anh quay sang Karen Wynn, một y tá chăm sóc các bệnh nhân điều trị tích cực ở Memorial và là người đứng đầu ủy ban y đức ở bệnh viện. Anh hỏi người y tá vốn rất được mọi người tôn trọng: “Chúng ta có thể làm thế không?”.

Wynn kể cô thừa nhận đã nghe tin đồn các bệnh nhân sẽ bị tiêm thuốc để hôn mê tới chết, nhưng cô cho biết không ai nói với cô về chuyện gì đang xảy ra với bệnh nhân, và mục đích duy nhất của cô chỉ là làm bệnh nhân cảm thấy dễ chịu khi tiêm thuốc an thần cho họ. Wynn nói cô không hề sợ khi ở lại bệnh viện sau năm giờ chiều – giờ giới nghiêm mà cảnh sát bang đặt ra. Cô quyết định mặc kệ thời hạn di tản để ở lại bệnh viện, cho đến khi tất cả những người sống sót được chuyển đi. Cũng chính vẻ ngoài đáng thương của các bệnh nhân đã giữ chân cô.

Wynn quay sang nữ bệnh nhân lớn tuổi đã hôn mê có hơi thở gấp. Sau đó cô chuẩn bị ống tiêm có sẵn morphine và midazolam, đâm nhẹ từ từ vào tĩnh mạch của bà và ngồi nhìn hơi thở yếu dần. Người bệnh chết rất nhanh sau đó. Điều này không làm Wynn quá đau lòng vì bà ấy dẫu sao cũng sắp chết. Wynn nói với tôi, tại thời điểm đó mọi nhân viên chỉ có thể mang đến “sự thoải mái, bình yên và lòng kính trọng”. Cô nói: “Chúng tôi đã làm những điều tốt nhất có thể. Đó là việc làm đúng trong hoàn cảnh này”.

SHERI FINK (Giải Pulitzer năm 2010)
CẢNH TOÀN – KHỔNG LOAN dịch

Còn tiếp

Comments