Phần 8: Sự lựa chọn chết người ở trung tâm y khoa Memorial

Kristy Johnson, y tá phụ trách thuốc men của LifeCare, nói với các nhà điều tra cô đã thấy bác sĩ Pou cùng hai y tá khác bơm chất lỏng từ những lọ nhỏ vào ống tiêm. Sau đó, Johnson dẫn họ tới phòng 7307 của Emmett Everett. Johnson nói cô chưa hề thấy bất kỳ thầy thuốc nào tỏ ra lo âu như bác sĩ Pou lúc đó.

Khi họ đi với nhau, bác sĩ Pou nói bà chỉ muốn giúp Everett “trị chứng hoa mắt, chóng mặt của ông”. Sau đó, bà Pou vào phòng của Everett và đóng sầm cửa lại.

Di ảnh bệnh nhân Emmett Everett, người đã chết tại Trung tâm Memorial sau cơn bão Katrina – Ảnh: NYT

Johnson đã cùng nắm tay một vài bệnh nhân và cầu nguyện trong khi bác sĩ Pou tiêm thuốc cho họ. Lúc đó bác sĩ Pou đã nói với bà Wilda McManus, đang mắc bệnh nhiễm trùng máu nặng: “Tôi sẽ cho bà một liều thuốc giúp bà thấy khá hơn!”.

Johnson dẫn một y tá vào phòng 7305, “Đây là phòng của bà Hutzler”, cô ôm lấy tay người phụ nữ và “nói vài lời cầu nguyện”. Johnson cố gắng không nhìn cảnh người y tá tiêm thuốc vào bà Hutzler, nhưng cô đã thấy cảnh bạn cùng phòng của bà Hutzler là Rose Savoie – cụ bà 92 tuổi bị viêm phế quản cấp tính có tiền sử bệnh thận – bị tiêm thuốc vào người. Sau này, một y tá của LifeCare đã khai với nhà điều tra cả hai người phụ nữ đáng thương đều vẫn tỉnh táo và sức khỏe ổn định vào sáng hôm đó. Bà Savoie còn lẩm bẩm: “Rát quá!”.

Theo lời những nhân viên Memorial tại tầng 2, khoảng 12 bệnh nhân đã được phân loại bệnh nặng cấp 3 vẫn còn ở hành lang gần máy rút tiền. Một số bệnh nhân khác được vận chuyển ra ngoài với sự giúp đỡ của các tình nguyện viên và nhân viên y tế, cả bác sĩ Bryant King cũng tham gia.

Gần trưa, King thấy bác sĩ Anna Pou ôm một số kim tiêm và nói với một bệnh nhân ở gần máy ATM: “Tôi sẽ cho bà liều thuốc giúp bà thấy khá hơn”. King nhớ lại câu hỏi của người đồng nghiệp sáng nay – sau khi anh này nói chuyện với Mulderick và Pou – là ông nghĩ gì về việc giúp bệnh nhân “ra đi” nhanh hơn.

King trả lời: đó không phải là công việc của bác sĩ. Những bệnh nhân ở đây đang phải chịu trời nóng và đau đớn, một số khác có thể nguy kịch, nhưng ông còn chưa nghĩ họ đang cần thuốc giảm đau nói gì đến cái chết êm ái. Khi King thấy bác sĩ Pou với những ống tiêm trong tay, ông cho rằng bà đang thực hiện việc đó. King nói với mọi người xung quanh: “Tôi sẽ đi khỏi đây. Việc này thật điên rồ!”. Ông nhặt lấy chiếc túi, lao nhanh xuống cầu thang ra thuyền.

Bill Armington, nhân viên chụp X-quang, cảm thấy tức giận vì King bỏ đi. Armington kể với tôi về việc anh nghi ngờ “cái chết êm ái” có thể đã diễn ra, vì Cook nói với anh sáng nay đã có một cuộc thảo luận “những gì mà chỉ có bác sĩ mới được đề cập”. Armington chạy thẳng ra đường bay và hét: “Cất cánh đi! Để tiếp thêm sức mạnh cho tôi cứu những người này ra khỏi đây”.

Cả Armington và King đều không can thiệp trực tiếp vào sự việc trên, mặc dù trước đó King đã gửi tin nhắn đến bạn bè và gia đình nên nói với truyền thông là các bác sĩ đang bàn bạc về việc tiêm thuốc cho bệnh nhân sắp chết để giúp họ “ra đi” nhanh hơn. King nói với tôi ông không hề nghĩ đến ý kiến tưởng chừng vô hại của mình trước đó, khi ông tranh cãi chống đối lại việc đuổi những người hàng xóm của bệnh viện đi, đã để lại ảnh hưởng sau này.

Chỉ một vài y tá và ba bác sĩ còn ở tầng 2: ngoài bác sĩ Pou còn bác sĩ nội khoa trẻ tên Kathleen Fournier và John Thiele, bác sĩ chuyên khoa phổi 53 tuổi. Thiele không hề nói gì với bất kỳ ai về những trải nghiệm của ông trong cơn bão Katrina, cho tới khi chúng tôi có hai cuộc nói chuyện dài năm ngoái (2008).

Thiele không hề biết tên bác sĩ Pou, nhưng bà nhìn anh theo cách bà là bác sĩ chịu trách nhiệm chính ở tầng 2. Anh cho biết bác sĩ Pou đã nói với anh là những bệnh nhân cấp 3 này không còn khả năng di chuyển. Thiele tưởng chừng họ sắp cận kề cái chết và có thể không sống sót qua cuộc di tản. Anh lo sợ khi nghĩ về những gì sẽ xảy ra với họ khi bị bỏ lại đằng sau. Anh đã mong rằng người ta sẽ nã súng vào tình trạng hỗn độn của New Orleans bấy giờ – “những con thú”, anh gọi họ như vậy – sẽ phá nát bệnh viện để tìm kiếm thuốc sau khi tất cả đã rời đi.

“Tôi hình dung điều gì bọn họ sẽ làm, lũ da đen điên cuồng kia với suy nghĩ luôn bị người da trắng đàn áp? Ý tôi là nếu bọn chúng đã có thể bắn vào ai đó, tại sao chúng lại không thể cưỡng hiếp hoặc thậm chí chặt chân tay họ? Có gì có thể ngăn chặn chúng làm việc đó chứ!”.Thiele kết luận: “Những luật lệ mà con người đặt ra đã vô dụng và giờ đây chỉ còn quy luật của Chúa được thực thi!”.

Thiele đã học về liệu pháp chăm sóc giảm đau và được cấp bằng dạy nghề. Anh nói với tôi anh biết rõ họ đang chuẩn bị làm gì; cho dù điều đó có vẻ là đúng đi nữa nhưng đó cũng là “tội ác”. Anh nói: “Mục tiêu của chúng tôi là để cho những người đó chết”.

Thiele nói morphine, midazolam và những ống tiêm đã được chuẩn bị sẵn trên chiếc bàn gần máy rút tiền ATM. Có hơn 10 bệnh nhân ở đó và anh được giao nhiệm vụ chăm sóc bốn người ở gần các cửa sổ – ba phụ nữ lớn tuổi da trắng và một người đàn ông to béo da màu. Ngoài hơi thở và tiếng kêu than nhỏ xíu của một người, những bệnh nhân này dường như “không còn sự sống” và không phản ứng gì với Thiele. Thiele thấy bác sĩ Pou và một vài y tá khác đang làm việc với các bệnh nhân gần đại sảnh.

Thiele ngập ngừng phút chốc. Anh quay sang Karen Wynn, một y tá chăm sóc các bệnh nhân điều trị tích cực ở Memorial và là người đứng đầu ủy ban y đức ở bệnh viện. Anh hỏi người y tá vốn rất được mọi người tôn trọng: “Chúng ta có thể làm thế không?”.

Wynn kể cô thừa nhận đã nghe tin đồn các bệnh nhân sẽ bị tiêm thuốc để hôn mê tới chết, nhưng cô cho biết không ai nói với cô về chuyện gì đang xảy ra với bệnh nhân, và mục đích duy nhất của cô chỉ là làm bệnh nhân cảm thấy dễ chịu khi tiêm thuốc an thần cho họ. Wynn nói cô không hề sợ khi ở lại bệnh viện sau năm giờ chiều – giờ giới nghiêm mà cảnh sát bang đặt ra. Cô quyết định mặc kệ thời hạn di tản để ở lại bệnh viện, cho đến khi tất cả những người sống sót được chuyển đi. Cũng chính vẻ ngoài đáng thương của các bệnh nhân đã giữ chân cô.

Wynn quay sang nữ bệnh nhân lớn tuổi đã hôn mê có hơi thở gấp. Sau đó cô chuẩn bị ống tiêm có sẵn morphine và midazolam, đâm nhẹ từ từ vào tĩnh mạch của bà và ngồi nhìn hơi thở yếu dần. Người bệnh chết rất nhanh sau đó. Điều này không làm Wynn quá đau lòng vì bà ấy dẫu sao cũng sắp chết. Wynn nói với tôi, tại thời điểm đó mọi nhân viên chỉ có thể mang đến “sự thoải mái, bình yên và lòng kính trọng”. Cô nói: “Chúng tôi đã làm những điều tốt nhất có thể. Đó là việc làm đúng trong hoàn cảnh này”.

SHERI FINK (Giải Pulitzer năm 2010)
CẢNH TOÀN – KHỔNG LOAN dịch

Còn tiếp

Phần 7: Sự lựa chọn chết người ở trung tâm y khoa Memorial

Lúc bình minh ló dạng vào ngày 1-9, tức hơn 72 giờ sau cơn bão, khủng hoảng bắt đầu. Giám đốc tài chính của Memorial là Curtis Dosch đã thông báo tin tốt lành với những nhân viên đang tập trung tại phòng cấp cứu. Ông cho biết đã gặp được đại diện của Tenet ở Dallas và một đội trực thăng thuê sẽ có mặt trong ngày hôm nay.

Y tá quạt cho bệnh nhân xếp loại 3 với ký hiệu “không hồi sức” (DNR) trên áo tại Trung tâm Memorial vào 1-9-2005 - Ảnh: Brad Loper

Cả bệnh viện vang lên tiếng kêu gọi phụ nữ và trẻ em chuẩn bị di tản. Những chiếc thuyền đang đến, có cả những chiếc thuyền cá lớn neo quanh đó. Những chiếc trực thăng cứu hộ cuối cùng cũng tập trung lại chỉ sau vài giờ. Cả bệnh viện hỗn loạn với đủ loại âm thanh của những chiếc máy bay quân sự và tư nhân đang bay lượn và tìm chỗ hạ cánh.

Tại phòng cấp cứu bệnh viện, những sĩ quan cảnh sát mặt lạnh băng tay lăm lăm súng ngắn, lớn tiếng rằng tất cả cần rời khỏi bệnh viện trước 5g chiều vì New Orleans đang hỗn loạn!

Bác sĩ Cook đeo khẩu súng ngắn vào thắt lưng và chuẩn bị rời khỏi bệnh viện bằng thuyền để đi cứu con trai ông đang kẹt trên mái nhà kể từ ngày thứ ba. Tại tầng hai, bác sĩ Cook nói ông và bác sĩ Pou đều rất mệt. Họ thảo luận về những bệnh nhân cấp 3, trong đó có chín người chưa hề được đem xuống từ tầng bảy. Theo lời bác sĩ Cook, bác sĩ Pou đã lo lắng rằng không thể mang bệnh nhân xuống.

Cook chưa bao giờ lên đến tầng bảy kể từ khi bão tấn công, nhưng ông nói với tôi rằng lúc đó ông đã nghĩ những bệnh nhân LifeCare này đã “lần lượt chết dần” và có thể đã phải chịu đựng những tác động khủng khiếp do nhiệt độ ở tầng lầu đó. Bác sĩ Cook không thể tưởng tượng những nhân viên đã kiệt sức làm sao có thể khiêng những bệnh nhân ấy xuống năm tầng lầu cho đến cuối ngày.

Cook nói ông đã kể cho Pou nghe về cách pha trộn hỗn hợp morphine và loại thuốc an thần benzodiapine. Theo ông, hiệu quả của hỗn hợp này sẽ giúp bệnh nhân rơi vào giấc ngủ sâu cho đến chết. Ông giải thích rằng: “Nó làm ngưng quá trình hô hấp và bệnh nhân sẽ dần dần ngừng thở và ra đi”. Ông cũng nói chắc chắn bác sĩ Pou đã nắm rõ cách thức khi được ông kể tỉ mỉ. Đối với Cook, đó là cách để làm giảm nỗi đau của những bệnh nhân trong tình cảnh khốn khổ lúc bấy giờ.

Trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Newsweek năm 2007, bác sĩ Pou thừa nhận sau cuộc thảo luận với những bác sĩ khác rằng bà đã tiêm vài loại thuốc cho các bệnh nhân cấp 3.

Therese Mendez, nhân viên điều hành tổ y tá LifeCare, kể với các nhà điều tra là cô đã làm việc thâu đêm ở tầng một. Sau bình minh, cô nghe thấy âm thanh của những chiếc trực thăng và nhìn dòng người di tản bắt đầu chuyển động. Khi quay lại tầng bảy vào tầm 8-9g sáng và đi dọc theo hành lang, cô trông thấy vài bệnh nhân đã bất tỉnh, sùi bọt mép và thở theo một kiểu khác lạ, thường báo trước cái chết.

Theo Mendez, bác sĩ Pou đã nói với cô và những nhân viên Memorial khác rằng bà có trách nhiệm với những bệnh nhân tầng bảy và các y tá của LifeCare không còn liên quan gì nữa và nên rời khỏi đây. (Bác sĩ Pou đã thông qua luật sư bác bỏ những khai nhận của Mendez). Mendez sau này nói cô cho rằng bệnh viện đang thực hiện “thiết quân luật” (thật ra không phải như vậy), và bác sĩ Pou đang hành động theo những mệnh lệnh quân sự.

Mendez rời đi và giải tán nhân viên của mình.

“Sẵn sàng nhảy rock and roll chưa?”

Trong số những bệnh nhân LifeCare có một người – Emmett Everett, nặng 172kg – hiểu rất rõ về những điều xung quanh. Sáng hôm đó ông tự ăn sáng và còn hỏi Robichaux: “Chúng ta đã sẵn sàng cùng nhảy rock and roll chưa?”.

Theo tiền sử y khoa, đó là công nhân 61 tuổi người gốc Honduras ở LifeCare chờ được phẫu thuật giảm đau chứng tắc nghẽn ruột. Bất chấp những tổn thương khiến ông liệt hoàn toàn hai chi dưới ở tuổi 50, vợ và những y tá chăm sóc nói ông vẫn là một người hài hước, gia đình đầm ấm, ông rất hiếm khi phàn nàn. Cùng ba bệnh nhân LifeCare khác tại tầng bảy, ông không hề nhận chỉ thị “không hồi sức” (DNR).

Những bệnh nhân cùng phòng với Everett đã được mang xuống lầu dưới và trên đường ra trực thăng. Những cánh quạt xoay mù tạo ra những làn gió đập mạnh vào cửa sổ phòng ông. Một vài lần ông năn nỉ với y tá: “Đừng để họ bỏ tôi lại”. Một nhân viên LifeCare nói với bác sĩ Pou, điều Everett phàn nàn duy nhất sáng hôm đó là ông bị chóng mặt. “Ôi, lạy Chúa!” – một nhân viên LifeCare nhớ bác sĩ Pou đã kêu lên như thế khi nghe chuyện!

Hai y tá của Trung tâm Memorial là Cheri Landry và Lori Budo làm ở bộ phận cấp cứu đã thảo luận cùng các nhân viên LifeCare khác. (Sau này thông qua luật sư của mình, Landry và Budo đã từ chối trả lời phỏng vấn của tôi, còn Harris không bao giờ trả lời điện thoại tôi gọi đến). Họ nói về cơ thể bị liệt của Everett và những vấn đề y học phức tạp khác. Ông đã được phân loại là bệnh nhân cấp 3 trước đó. Theo Diane, cả nhóm đã kết luận Everett nặng quá nên không thể đưa ông xuống tầng dưới và đi qua cánh cửa phòng thiết bị để đến trực thăng.

Khi trả lời thẩm vấn của các nhà điều tra, Andre Gremllion, y tá LifeCare, nói một bác sĩ nữ trong cơ quan đã yêu cầu nếu ai đó biết Everett thì hãy đến giải thích rằng ông quá nặng, họ không thể di chuyển ông được. Họ đã yêu cầu Gremllion “nói với Everett điều gì đó để giúp ông thoải mái và sau đó giải thích về tình cảnh”. Gremllion nói với nhà điều tra anh không hề muốn là người sẽ đến nói với Everett rằng: “Chúng tôi có thể sẽ rời đi và ông sẽ phải ở lại”. Vào lúc đó Gremllion nói anh đã mất bình tĩnh.

Sếp trực tiếp của Gremllion, điều dưỡng trưởng Gina Isbell, nói cô đã đi vào căn phòng đó lúc 11 giờ sáng và thấy Gremllion đang ngồi khóc và liên tục lắc đầu. Khi thấy cô, anh chạy vụt qua về phía tiền sảnh. Isbell chạy theo ôm vai và đưa anh về một căn phòng trống khác. Gremllion liên tục lẩm bẩm: “Tôi không thể làm điều này được!”.

Isbell hỏi: “Làm gì cơ?”. Gremllion không trả lời và Isbell cố gắng an ủi anh ta. “Mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi”, cô nói. Isbell chạy đi tìm Diane, sếp của cô. Cô hỏi sợ hãi: “Chuyện gì đang xảy ra? Có phải họ sắp làm gì với những bệnh nhân của chúng ta không?”.

Isbell nhớ lại câu trả lời của Diane trong nước mắt: “Đúng vậy! Các bệnh nhân sẽ không được di tản!”. Khi tất cả nhân viên hành chính của LifeCare, trừ một số vị trí cấp cao, đều phải đưa mọi người ra khỏi lầu bảy, Robichaux đã yêu cầu Isbell đến cầu thang gác phía sau để bảo đảm không ai được vào đây lần nữa. Không gian trở nên im ắng. Isbell ngồi một mình, kiệt quệ và chán nản.

Isbell nói rằng cô đã nghĩ về những bệnh nhân của mình. Cô cảm thấy tội lỗi khi đã hứa với người con gái của một bệnh nhân mà cô yêu quý – bà Alice Hutzler, 90 tuổi, là sẽ chăm sóc bà thật tốt. Giờ đây, Isbell chỉ biết ngồi cầu nguyện cứu hộ đến kịp lúc trước khi Hutzler và những bệnh nhân khác sẽ qua đời…

SHERI FINK (Giải Pulitzer năm 2010)

CẢNH TOÀN – KHỔNG LOAN dịch

Còn tiếp


Phần 6: Sự lựa chọn chết người ở trung tâm y khoa Memorial

Ngày thứ ba sau cơn bão, bác sĩ Ewing Cook đã cạn kiệt cả thể chất lẫn tinh thần, dơ dáy và tuyệt vọng. Chuyên gia về phổi 61 tuổi này luôn mang theo một khẩu súng bán tự động Beretta bên mình từ lúc ông nghe chuyện một nữ y tá đã bị cưỡng hiếp khi đang dắt chó đi dạo gần bệnh viện.

Cook từng bị hai lần đau tim và không thể giúp vận chuyển bệnh nhân. Trong trí nhớ của mình, Cook bảo Memorial lúc đó không còn là một bệnh viện mà chỉ là một trại trú ẩn thiếu thốn. ông lo lắng những cư dân gần đó sẽ xông vào bệnh viện lục soát và cướp đi thuốc men…

Bác sĩ Ewing Cook ngày 2-8-2009. Ông nói đã làm đúng khi đẩy nhanh sự “ra đi mãi mãi” của người phụ nữ yếu ớt trong cơn bão Katrina – Ảnh: NYT

Buổi chiều hôm đó ông lần lên tầng 8, nơi có những bệnh nhân cần chăm sóc đặc biệt. Hầu hết bệnh nhân đã được chuyển đi, chỉ vài người có biển “không hồi sức” thì ở lại. Bốn nữ y tá báo với ông về bệnh nhân Jannie Burgess, 79 tuổi, bị ung thư cổ tử cung cấp và suy thận. Hiện bà đang được giảm đau bằng các liều morphine cho đến khi hôn mê.

Có ba lý do để Cook giải quyết tình huống này: Một, vì chính ông đã rất khó khăn mới leo lên tầng lầu trong sự nóng bức, ông sẽ không trở lại lần nữa. Hai, mọi người đang rất mệt, không thể mang bà xuống sáu tầng lầu. Ba, ngay trong điều kiện tốt nhất, người phụ nữ này chỉ sống khoảng một ngày nữa, còn bốn cô y tá kia đang có rất nhiều bệnh nhân cần.

Cook hiểu rằng việc đạt được đến trạng thái dễ chịu cần một số lượng morphine vừa đủ có thể làm suy giảm hơi thở của bệnh nhân. Như vậy, mục đích ban đầu là dùng morphine giảm đau nhưng kết quả lại dẫn đến cái chết, và Cook biết điều đó. Với ông, sự khác biệt giữa chuẩn mực đạo đức và hành vi phi pháp “nhỏ đến mức có thể không nhận ra được”.

Cook mô tả tình trạng của bà Jannie “hơi khác một chút”. Bị hôn mê và phụ thuộc thuốc giảm đau, bà không cảm thấy khó chịu. Nhưng điều tệ hại nhất mà Cook có thể nghĩ ra là dừng truyền vào cơ thể bà những loại thuốc ấy và khi được chuyển đi bà sẽ tỉnh dậy, biết tình trạng tồi tệ của mình. Cho nên Cook đã hỏi y tá: “Cô có phiền không khi chỉ tăng thêm lượng morphine cho bà ấy đủ để đến khi bà ấy ra đi?”.

Cook nguệch ngoạc viết lên chiếc bảng tại giường bệnh bà Jannie “đã qua đời lúc…” và để trống chỗ thời gian, ký tên ngoằn ngoèo bên dưới. Sau đó, ông bỏ đi và quay xuống tầng dưới, tin rằng việc ông đã làm là hoàn toàn đúng với trường hợp bà Jannie. Cook nói: “Đối với tôi lúc đó không còn tâm trí để suy nghĩ gì nữa cả, và đến hôm nay tôi cũng không hối hận vì những gì đã làm. Tôi đã cho bà ấy thuốc và giúp bà ấy ra đi nhanh hơn khiến những y tá không còn gì để lưu luyến tầng lầu ấy nữa!”. Sau này, tháng 12-2007, ông có lên tiếng: “Chúng tôi đã giết họ!”.

“Tôi không sao, bác sĩ ạ!”

Cook ngồi trong góc phòng khẩn cấp và hút thuốc với một bác sĩ khác. Sự trợ giúp quá chậm trễ. Trong tình cảnh này, ông chỉ có hai sự lựa chọn: hoặc là giúp họ ra đi mãi mãi nhanh hơn, hoặc là bỏ mặc họ. “Đó là thời điểm mà bạn không thể bỏ mặc họ ở đó, việc giúp họ có một cái chết êm ái chính là hành động mang tính nhân văn!”.

Cook đi đến khu vực để vật tư ở tầng 2, nơi bác sĩ Anna Pou và hai bác sĩ khác đang thăm khám bệnh nhân. Giường cũi và cáng như phủ kín cả phòng. Rodney Scott, một bệnh nhân béo phì đang được chăm sóc hồi sức sau những cơn đau tim và vài ca phẫu thuật khác, nằm bất động trên cáng, gần như không được che đậy gì.

Bác sĩ đã quyết định Scott sẽ là người cuối cùng rời khỏi bệnh viện bởi vì anh nặng tới hơn 135kg và có thể sẽ bị kẹt ở cửa nhỏ dẫn ra đường di tản. Cook nghĩ rằng Scott đã chết nên ông đến gần và lay người anh để kiểm tra. Nhưng Scott quay sang nhìn ông và thều thào: “Tôi không sao, bác sĩ ạ. Hãy đi chăm sóc những người khác”. Cho dù những bệnh nhân tỏ ra đau đớn như thế nào, nhưng trong căn phòng chật chội này Cook vẫn không thể thực hiện điều ông đang suy tính. “Xung quanh có quá nhiều người sẽ trông thấy!”.

Richard Deichmann, trưởng khoa dược Trung tâm Memorial, cũng nhớ lại việc Mulderick đã bất ngờ chặn ông lại và lôi ra ngoài để nói chuyện nhanh vào chiều hôm đó. Trong một chương của cuốn hồi ký Code blue (Mã xanh) xuất bản năm 2006, Deichmann viết rằng ông đã rùng mình khi Mulderick hỏi về việc liệu “giúp” những bệnh nhân “không hồi sức” chết một cách êm ái có phải là “nhân đạo” không?

Deichmann đã nói với bà: “Đó là phạm pháp. Không cần phải giúp ai chết cả!”. Ông đã biết việc bệnh nhân “không hồi sức” sẽ là những người rời bệnh viện cuối cùng. Sau này, thông qua luật sư của mình, Mulderick đã bác bỏ việc bà từng thảo luận với Deichmann hay với bất kỳ ai ở Memorial về “cái chết êm ái” cho bệnh nhân.

Màn đêm buông xuống, có tin đồn việc di tản phải tạm dừng vì có người nã súng vào lực lượng cứu hộ. Tại gara đậu xe sát bên đó, Goux phân phối súng ngắn và duy trì đội ngũ rào chắn ngay cổng vào bệnh viện. Trong đêm đó, ở hành lang tầng 2, hàng tá bệnh nhân LifeCare và Memorial nằm trên những chiếc cáng đầy đất và mồ hôi.

Bác sĩ Pou cùng vài bác sĩ và y tá làm việc trong ánh sáng lờ mờ của một vài chiếc đèn chạy bằng máy phát điện nhỏ. Đã là đêm thứ ba liên tiếp bị kẹt lại ở đây, bác sĩ Pou hiếm khi được chợp mắt. Hết thay tã vệ sinh cho bệnh nhân đến cho uống nước, trấn an và cùng cầu nguyện với các y tá.

Kamel Boughrara, điều dưỡng trưởng của LifeCare, đi đến chỗ đặt máy rút tiền ở tầng 2, nơi những bệnh nhân yếu được xếp loại 3 nằm. Carrie Hall, một bệnh nhân 78 tuổi ở LifeCare, có mái tóc dài thắt bím và được đại gia đình của bà gọi bằng cái tên thân mật là Ma-Dear (Mẹ yêu), đã cố gắng chộp lấy Kamel và nói rành mạch rằng bà cần được thông khí quản. Người y tá vô cùng ngạc nhiên việc bà Hall có thể vật lộn mạnh mẽ để sống đến tận bây giờ. Anh đã giúp bà bằng một chiếc máy thông không khí di động và nói bà hãy chiến đấu mạnh mẽ hơn!

Buổi trưa đó, bác sĩ Cook ngồi trong phòng cấp cứu và bất chợt nhìn thấy một chiếc nệm đang nổi trên đại lộ Napoleon. Một phụ nữ da màu gầy mòn hốc hác nằm trên đó và vài người thanh niên đang đẩy chiếc nệm trên làn nước hôi hám hướng về bệnh viện. Ai đó la lên: “Bệnh viện đóng cửa rồi. Chúng tôi không nhận thêm người nữa!”. Khi một cặp vợ chồng khác cùng đứa con nhỏ chèo thuyền tới gần bệnh viện và được bảo đi nơi khác thì Bryant King, một bác sĩ người Mỹ gốc Phi tại Memorial, không còn giữ được bình tĩnh. Ông hét lên: ”Không thể làm như vậy, phải cứu người!”. Nhưng gia đình đó đã đi mất!

SHERI FINK (Giải Pulitzer năm 2010)

CẢNH TOÀN dịch

KHỔNG LOAN hiệu đính

Còn tiếp

Phần 5: Sự lựa chọn chết người ở trung tâm y khoa Memorial

LifeCare, gọi một cách nào đó thì đấy là nơi “giữ gìn sự sống”. Buổi trưa hôm ấy đã có một sự rối loạn bao trùm. Người điều hành các hoạt động ứng phó với thảm họa của LifeCare là trợ lý quản trị Diane Robichaux, đang có thai bảy tháng.

Lúc đầu, Robichaux thiết lập hệ thống thông tin máy tính với những văn phòng đối tác của LifeCare ở Texas và trấn an các bệnh nhân rằng họ sẽ rời khỏi đây mà không phụ thuộc vào Memorial. Nhưng thời gian trôi qua, những tin nhắn giữa LifeCare và các trung tâm đầu não càng thể hiện rõ sự hỗn loạn trong nỗ lực giải cứu.

Cảnh đưa người di tản khỏi Trung tâm Memorial ngày 1-9-2005 – Ảnh: Brad Loper

Robichaux yêu cầu Memorial đưa theo 52 bệnh nhân của mình vào kế hoạch vận chuyển của đội phòng vệ bờ biển. Nhân viên điều hành Memorial đã nói với cô rằng cần phải xin phép chủ của Memorial là Công ty Y tế Tenet. Trong email gửi các đồng nghiệp ở trụ sở chính, Robichaux viết: “Tôi hi vọng và cầu nguyện mình không phải chờ quá lâu để có được sự chấp thuận của họ”.

Memorial đã cắt giảm số bệnh nhân của mình từ 187 còn 130 người. Tại tầng bảy, tất cả 52 bệnh nhân của LifeCare vẫn còn nguyên. Trong số đó, có bảy người sử dụng máy trợ thở. Một đại diện của LifeCare nhắn với Robichaux: “Vẫn đang điện đàm với Tenet, sắp đến phiên bệnh nhân của chúng ta rồi, có thể trong sáng mai”.

Ewing Cook, một trong những thầy thuốc lâu năm của bệnh viện, nói ông đã quyết định giảm gánh nặng của các y tá bằng cách đình chỉ việc chăm sóc sức khỏe, ngoại trừ những trường hợp nguy kịch. Bryant King, một bác sĩ nội khoa 35 tuổi mới chuyển đến Memorial, đã từ chối tuân lệnh và không tắt máy theo dõi nhịp tim. Cook phát hiện, ông cho rằng vị bác sĩ trẻ đó đã không hiểu tình huống hiện tại. Một y tá khác được thay thế lập tức!

Khoảng 2g sáng 31-8, gần 48 giờ sau khi cơn bão Katrina đổ vào, các máy phát điện dự phòng của Memorial kêu rền và tắt ngóm. Ewing Cook mô tả sự tĩnh lặng đó là “âm thanh đáng sợ nhất” trong cuộc đời ông. Ở tầng bảy của LifeCare chuông báo động từ các máy hỗ trợ và máy thở reo lên khi chuyển qua nguồn pin dự trữ để tiếp tục cung cấp ôxy cho bảy bệnh nhân.

Chỉ nửa giờ sau, hệ thống pin cạn kiệt và vang lên tiếng tít tít của các máy thở báo hiệu ngưng hoạt động. Các y tá của Memorial xuất hiện và thông báo đội phòng vệ bờ biển có thể đưa vài bệnh nhân nguy kịch đi. Các tình nguyện viên bắt đầu đưa bệnh nhân của LifeCare xuống năm tầng lầu trong bóng tối.

Một y tá của LifeCare đi theo thang gác cùng với một bệnh nhân 80 tuổi đang nằm trên cáng và bóp chiếc túi bơm không khí để duy trì sự sống cho ông. Suốt một giờ tại tầng hai, nữ y tá này phải bóp liên tục như thế. Cuối cùng, một bác sĩ xuất hiện, dừng cáng lại và nói với cô rằng ông ấy đã đi xa rồi. Cô ôm bệnh nhân một lúc rồi vuốt nhẹ tóc ông!

Bác  sĩ Anna Pou cũng đang giúp một cô y tá khác bóp bóng trợ thở cho một bệnh nhân đang chờ ở tầng hai. Bệnh nhân này cùng với hai bệnh nhân phải dùng máy trợ thở khác của LifeCare đã qua đời sáng sớm hôm đó. Nhà xác của bệnh viện bắt đầu mở rộng cửa để nhân viên đưa thi thể đến. Nhiều nữ y tá quẫn trí khóc nức nở. Các vị giáo sĩ vỗ về và cùng cầu nguyện với họ.

Mặt trời mọc góp phần làm cho không khí New Orleans thêm oi bức. Cả bệnh viện ngột ngạt và bức tường như đổ mồ hôi. Nước đã ngừng chảy từ các đường ống, nhà vệ sinh góp vào cái mùi hôi thối của nước cống cộng mùi của những tử thi… nghe lợm giọng.

Những người dân trú bão tại bệnh viện đã thở phào vui sướng khi nghe thấy tiếng động của hai chiếc thủy phi cơ. Những chiếc phi cơ này được lái thẳng vào phòng cấp cứu đang ngập nước. Hai chủ nhân của nó là Mark và Sandra LeBlanc. Lý do họ đến Memorial là bởi người mẹ 85 tuổi của họ, bà Vera LeBlanc, đang điều trị ung thư ruột kết tại LifeCare.

Cô Sandra là một chuyên viên kỹ thuật y tế khẩn cấp biết mẹ chồng cô không thể ngậm hay nuốt thức ăn đã sững sờ khi thấy bà và những bệnh nhân khác không còn được sử dụng dây truyền nữa. Khi chồng cô hỏi một nhân viên Memorial tại sao lại như vậy, anh được trả lời rằng: hiện tại bệnh viện phải chống đỡ cho qua thảm họa nên không còn chức năng chữa bệnh nữa. Tức giận, Mark LeBlanc đáp trả: “Bộ chỉ cần chuyển cầu dao cái rụp thì các người không còn là bệnh viện nữa hay sao?”.

Tại lầu hai, mẹ của họ, bà Vera LeBlanc, là một trong những bệnh nhân mang chỉ thị DNR, nghĩa là chỉ được chuyển đi sau cùng. Mark LeBlanc quyết định đưa mẹ đi ngay. Khi vợ chồng anh bước vào lầu hai, một nhóm nhân viên cản lại, nói họ không thể tự tiện đưa bà Vera đi được. Sandra hét lên: “Tại sao không thể chứ?”. Rồi với sự giúp đỡ của vài người, họ bế được mẹ ra chỗ chiếc thủy phi cơ của mình.

Buổi sáng hôm đó, bác sĩ và y tá đã quyết định đưa hơn 100 bệnh nhân còn kẹt tại Memorial và LifeCare xuống lầu dưới và chia thành ba nhóm để giúp di tản nhanh hơn. Những người tình trạng sức khỏe còn khá tốt và có thể ngồi hay đi lại được xếp loại 1, ưu tiên cho di tản đầu tiên. Những người yếu hơn và cần sự hỗ trợ nhiều hơn xếp loại 2. Những bệnh nhân yếu nhất xếp loại 3 và được cho di tản cuối cùng. Nhóm này bao gồm cả những bệnh nhân được các bác sĩ thống nhất ra chỉ thị DNR.

Dưới ánh đèn heo hắt, các y tá đọc các bảng chẩn bệnh. Họ cùng với bác sĩ Pou phân loại bệnh nhân. Một nữ y tá viết các con số 1, 2, 3 vào một mảnh giấy bằng viết dạ quang và dán chúng lên ngực bệnh nhân. Nhiều bệnh nhân đánh số 1 đã được mang đến khu vực phòng cấp cứu, nơi những chiếc thủy phi cơ đang đợi sẵn. Những bệnh nhân đánh số 2 thì được sắp chỗ ở hành lang có lối tắt đến tầng thượng gara. Đó là nơi đậu của trực thăng. Những bệnh nhân đánh số 3 được chuyển đến một góc tầng hai gần máy ATM trồng đầy cây xanh.

Tã vệ sinh của bệnh nhân vẫn được thay, họ sẽ được quạt cho mát và cho uống nước. Tuy nhiên, việc truyền dịch hay dùng bình ôxy để thở rất hạn chế.

SHERI FINK (Giải Pulitzer năm 2010)

CẢNH TOÀN – KHỔNG LOAN dịch và hiệu đính

Còn tiếp

Phần 4: Sự lựa chọn chết người ở trung tâm y khoa Memorial

Trung tâm y khoa Memorial là một trong những điểm thấp trong thành phố trũng New Orleans, nằm dưới mực nước biển 1m. Bệnh viện cộng đồng có uy tín này nằm xéo trong một khu nhà nhỏ hình vuông.

Hàng chục năm qua, nó nổi tiếng với cái tên Southern Baptist cho tới khi được Trung tâm y tế Tenet – một chuỗi công ty kinh doanh có trụ sở ở Dallas – mua lại và đổi tên thành Trung tâm y khoa Memorial.

Ngày 1-8-2009, bốn năm sau cơn bão Katrina, xe lăn và các thiết bị vẫn nằm trên đường dẫn tới nơi đáp trực thăng tại Trung tâm y tế Memorial – Ảnh: NYT

Giữa vùng trũng này, bức tường vững chãi của bệnh viện từng che chở nhiều thế hệ cư dân địa phương trong bão dữ. Mỗi khi có bão, nhân viên bệnh viện đưa gia đình cùng vật nuôi, bình đựng nước và bánh mì tới.

Cứu!

Bão Katrina tràn tới New Orleans vào những khoảnh khắc đầu tiên của ngày thứ hai, 29-8-2005. Khi ấy, có khoảng 2.000 người đang ngủ trong bệnh viện. Trong số đó có 200 bệnh nhân và 600 nhân viên. Bệnh nhân hét lên sợ hãi khi cửa sổ vỡ tan, cả tòa nhà bắt đầu vặn mình và rung chuyển mạnh.

4g55 sáng, hệ thống điện của thành phố bị cắt. Tivi trong phòng bệnh nhân đã được rút ra. Trung tâm Memorial nhanh chóng trấn an mọi người bằng máy phát điện dự phòng. Nguồn dự phòng này chỉ được sử dụng trong trường hợp cần kích hoạt đèn khẩn cấp ở thiết bị quan trọng và cửa ra mỗi tầng. Hệ thống điều hòa bị tắt.

Đêm đó, nước lũ trên đường rút bớt. Trung tâm Memorial bị nhiều tổn hại nhưng dường như còn có thể chịu được một cơn bão nữa!

Anna Pou là nữ bác sĩ 49 tuổi chuyên hỗ trợ các ca phẫu thuật ung thư cổ và đầu, được đồng nghiệp kính trọng nhờ phẩm chất đạo đức. Bà nhỏ bé và đầy nhiệt huyết, hấp dẫn với màu tóc nâu vàng và sợi dây chuyền ngọc trai. Bà là một người vui tính và hòa đồng, luôn đặt bệnh nhân là trọng tâm trong cuộc sống của mình.

Buổi sáng ngày thứ ba, một ngày sau bão dữ, một y tá gọi bà và hét: “Nhìn kìa!”. Những gì bà thấy bên ngoài cửa sổ thật khó tin: nước đang phun lên từ những rãnh thoát. Nhiều người há hốc mồm khi chứng kiến một hồ nước đen sì kéo theo rác thải từ phía đại lộ South Claborne hướng về bệnh viện.

Những lãnh đạo cao cấp của bệnh viện nhanh chóng nhận thấy mức nguy hiểm khi nước đang dâng. Họ khuyên L.Rene Goux, giám đốc điều hành Trung tâm Memorial, đóng cửa bệnh viện. Cũng như nhiều bệnh viện Mỹ khác khi gặp lũ, công tắc ngắt nguồn điện khẩn cấp của Trung tâm Memorial chỉ cách mặt đất chưa tới 1m khiến rất dễ gặp rắc rối khi nước dâng cao.

Susan Mulderick, nữ điều dưỡng trưởng 54 tuổi, cao to ít nói, chính là người có nhiệm vụ đối phó với các tình huống khẩn cấp. Nhưng trong bản kế hoạch đối phó khủng hoảng 246 trang của bà không hề có một chỉ dẫn nào trong tình trạng cúp điện hoàn toàn, hoặc sơ tán bệnh viện khi đường bị ngập nước.

Do bác sĩ trưởng không có mặt tại bệnh viện nên Richard Deichmann – người phụ trách phòng dược khoa – điều hành hoạt động của các thầy thuốc.

0g28, một nhân viên hành chính Trung tâm Memorial đã gửi email với chữ “Help!!!” (Cứu!) cho các đồng nghiệp tại các bệnh viện thuộc Tenet ngoài khu vực New Orleans, thông báo Memorial cần di tản hơn 180 bệnh nhân.

Cùng thời điểm ấy, Deichmann đã có cuộc gặp với 24 bác sĩ và một số y tá trong căn phòng thực tập điều dưỡng ngột ngạt ở tầng 4 – nơi sau này trở thành trụ sở tác chiến của bệnh viện. Cuộc họp bàn việc sơ tán khỏi bệnh viện. Mọi người nhất trí trẻ sơ sinh, những bà mẹ đang mang thai và những bệnh nhân đang trong tình trạng chăm sóc đặc biệt – có thể gặp nguy hiểm khi nhiệt độ tăng cao – cần phải được ưu tiên đặc biệt.

Sau đó, Deichmann đưa ra một gợi ý không có trong kế hoạch ứng phó với thảm họa của bệnh viện. Ông cho rằng tất cả những bệnh nhân có chỉ thị DNR (không tiếp tục hồi sức) nên được đưa ra sau cùng.

Xin nói thêm, chỉ thị DNR chỉ được ký nếu có sự đồng ý của bệnh nhân hoặc người đại diện ủy quyền sức khỏe. Nó có nghĩa: Nếu bệnh nhân ngừng thở hoặc tim ngừng đập thì không cần cố gắng cứu sống.

Theo luật pháp Louisiana, DNR khác với mong muốn được sống ở chỗ nó cho phép bệnh nhân trong “điều kiện ngặt nghèo và không thể đảo ngược” được yêu cầu hủy bỏ “quá trình duy trì sự sống” của mình.

Nhưng cách đây không lâu, Deichmann nói với tôi (tác giả) rằng ông có cách hiểu khác. Ông nói những bệnh nhân DNR đều là những người đang ở giai đoạn cuối cuộc đời và sức khỏe không thể đảo ngược được, và ở Memorial, ông tin rằng họ nên là những người cuối cùng được di tản, bởi họ sẽ “mất mát ít nhất” so với những bệnh nhân khác.

Một vài bác sĩ khác trong cuộc họp đã đồng tình với kế hoạch này của Deichmann. Bill Armington, chuyên viên chụp X-quang, nói với tôi rằng anh nghĩ những bệnh nhân có chỉ thị DNR là những người đã không mong muốn cuộc sống của mình kéo dài thêm bằng các biện pháp can thiệp khác thường, hẳn sẽ không muốn họ được cứu mà những người khác phải trả giá.

Tại thời điểm đó, những người tham dự cuộc họp đều không cho đó là một quyết định rất quan trọng vì trong cứu hộ, người ta luôn muốn di tản tất cả mọi người chỉ trong vài giờ.

Có một điều quan trọng khác đã không được nhắc tới tại cuộc họp đó: nhiều năm nay, một công ty chăm sóc sức khỏe tên LifeCare (tạm dịch: Giữ gìn sự sống) tại New Orleans đã thuê tầng 7 của Trung tâm y khoa Memorial. LifeCare đã xây dựng “một bệnh viện trong bệnh viện”, phục vụ những bệnh nhân đặc biệt nguy kịch hoặc cần chăm sóc 24/24 giờ với liệu pháp đặc biệt trong thời gian dài.

LifeCare nổi tiếng vì đã giúp phục hồi bệnh nhân bằng máy thở cho đến khi họ có thể tự thở được. Đơn vị có 82 giường bệnh, có một hệ thống bác sĩ riêng, mà phần lớn đều làm việc ở Trung tâm Memorial. Họ cũng có đội ngũ hành chính, y tá, dược sĩ và đơn vị cung ứng thiết bị. LifeCare cũng có triết lý hoạt động riêng của mình: họ giới thiệu một loạt công nghiệp hiện đại để níu giữ sự sống của những bệnh nhân cao tuổi và bệnh tật. Hơn 52 bệnh nhân ở LifeCare bị bệnh liệt giường hoặc cần máy thở.

Vào buổi chiều, trực thăng của đội phòng vệ bờ biển và các công ty cấp cứu tư nhân bắt đầu hạ cánh trên đỉnh gara tám tầng sát bên bệnh viện. Các phi công tỏ ra mất kiên nhẫn vì có đến hàng ngàn người cần cứu giúp khắp thành phố. Đường dây liên lạc vang lên những tiếng hét: “Chuyển bệnh nhanh lên, trực thăng đang chờ!”.

Một đoàn bác sĩ, y tá đưa những bệnh nhân xuống cầu thang tới chái bệnh viện. Chiếc thang máy cuối cùng còn hoạt động sẽ đem họ đến tầng 2. Bệnh nhân sẽ được chuyển sang cáng và mang qua cánh cửa phòng thiết bị rộng chưa được 1m để tới gara.

Người ta đặt các bệnh nhân đằng sau những chiếc xe chở hàng rồi chở tới đỉnh gara, nơi trực thăng đang chờ…

SHERI FINK (Giải Pulitzer năm 2010)

Cảnh Toàn dịch

Khổng Loan hiệu đính